Rung chà cá nhảy

26/02/2016 07:30
Ngọc Việt
(GDVN) - Khác biệt giữa chính trị gia truyền thống và doanh nhân làm chính trị - “đồng tiền bát gạo” luôn là chiến lược, sách lược của họ, điều đó rất thực tế với...

Ngày 25/2, VOA đưa tin, ông Donald Trump cáo buộc: “Ngày 16/6/2015 tôi đã lên tiếng về thương mại, về việc làm của người dân Mỹ bị các nước như Trung Quốc, Nhật Bản, Mexico, Việt Nam cũng như Ấn Độ cướp đoạt”.

Và Donald Trump cũng trấn an những người ủng hộ rằng: “ Tôi sẽ lấy lại những việc làm từ Trung Quốc, Mexico, Nhật Bản, Việt Nam, Ấn Độ, và tất cả những nơi đã lấy đi việc làm của chúng ta. Tôi sẽ lấy lại việc làm cho người Mỹ”.

Tại sao tỉ phú Donald Trump lại phát biểu như vậy, nhất là vào lúc cuộc đua tranh không cho phép ứng viên có những phát biểu có thể làm mất điểm? Điều đó chứng tỏ phát biểu của ông Trump không phải là lời nói của lúc bùng nổ mà “cáo buộc” này nằm trong sách lược tranh cử của Donald Trump và các cố vấn chính trị của ông.

Donald Trump – một con người sành sỏi lọc lõi cả trên thương trường lẫn chính trường. Ảnh: AP
Donald Trump – một con người sành sỏi lọc lõi cả trên thương trường lẫn chính trường. Ảnh: AP

Nhưng ông Trump phát biểu như vậy là nhắm tới điều gì, nhắm tới ai, nhằm mục đích gì?

Theo người viết thì phát biểu của ông Donald Trump về việc người Mỹ bị mất việc làm bởi các đối tác thương mại của nước Mỹ là hướng tới 4 mục tiêu mà mục đích không chỉ là giúp cho ông ta về đích. Ngay cả khi Trump thất bại thì những lời “cáo buộc” ấy vẫn có lợi cho sự nghiệp của ông.

Tấn công Hillary Clinton và phe Dân chủ

Điều đầu tiên cần phải lưu ý là, những quốc gia mà Donald Trump tố cáo đánh cắp việc làm của người dân Mỹ đều là những quốc gia có cán cân thương mại có lợi hơn trong quan hệ với Mỹ - tất cả những nước này đều xuất siêu hàng hóa vào thị trường Mỹ. 

Đặc biệt, trong 2 nhiệm kỳ của Tổng thống Obama thì Việt Nam là nước gia tăng xuất siêu vào Mỹ nhanh nhất. Việc thâm hụt trong cán cân thương mại của Mỹ với các đối tác chắc chắn làm ảnh hưởng đến sự phát triển của sản xuất công nghiệp, nông nghiệp của Mỹ. 

Top 10 quốc gia xuất siêu lớn nhất vào Mỹ năm 2014:

Đơn vị: tỷ USD. Nguồn: U.S. Department of Commerce.
Đơn vị: tỷ USD. Nguồn: U.S. Department of Commerce.

Điều này cho thấy, trong thời gian nắm quyền của Tổng thống Obama người dân Mỹ bị giảm việc làm trong những ngành có sản phẩm nhập siêu từ các đối tác, trong đó có Việt Nam. Trong khi ông Obama lại công khai khẳng định Donald Trump không thể làm Tổng thống Mỹ, theo BBC.

Vì vậy, Donald Trump trả đũa Obama và qua đó tấn công ứng viên Hillary Clinton của đảng Dân chủ - người mà theo giới quan sát thì được sự ủng hộ của Tổng thống đương nhiệm. Với một người là doanh nhân tham gia vào chính trường như Donald Trump, các vấn đề liên quan tới kinh tế của nước Mỹ luôn là thế mạnh trong việc thể hiện quan điểm của ông ta.

Ông Trump đang tự tin sẽ là đại diện đảng Cộng hòa ra tranh cử Tổng thống vào tháng 11 tới nên ngay từ bây giờ ông đã tìm cách tấn công vào phe Dân chủ. Qua đó Trump muốn làm giảm sự ủng hộ của cử tri dành cho ứng viên của đảng này, mà dường như theo ông thì đó sẽ là bà Hillary Clinton.

Tạo việc làm cho người dân Mỹ luôn là một trong những yếu tố ảnh hưởng quyết định đến việc lựa chọn của cử tri Mỹ trong các cuộc bầu cử Tổng thống của họ.  

Mặt khác, theo dự kiến Tổng thống Barak Obama sẽ viếng thăm chính thức Việt Nam vào tháng 5 tới và có thể sẽ có những thỏa thuận liên quan đến hợp tác kinh tế, trao đổi thương mại giữa hai bên. Đó có thể được xem là những kết quả tốt đẹp cuối cùng trong thời gian còn tại nhiệm của ông Obama. Có lẽ Donald Trump không muốn ông Obama đạt được điều ấy.

Làm chậm tiến độ vận hành của TPP

Như người viết đã phân tích trước đây, cùng với Obamacare, TPP là thành quả lớn nhất trong cuộc đời làm Tổng thống của ông Obama. TPP tạo ra một cú hích lớn cho kinh tế Mỹ, mà điểm nhấn quan trọng là nó gạt ra hầu hết những nước có lượng xuất siêu lớn vào Mỹ - một chiến lược kinh tế hoàn hảo của Tổng thống Obama.

TPP cũng chứng minh việc Mỹ chuyển hướng trong chiến lược quan hệ đối ngoại sang khu vực Châu Á – Thái Bình Dương là phù hợp với xu thế phát triển trong thời kỳ mới. Nghĩa là nếu TPP vận hành thì di sản của Tổng thống Obama là rất đáng tự hào. Song nếu TPP không vận hành được thì ông Obama chỉ đóng vai trò là người khởi động mà thôi.

Hàng may mặc Việt Nam là mặt hàng xuất siêu vào Mỹ. Ảnh: VTV.
Hàng may mặc Việt Nam là mặt hàng xuất siêu vào Mỹ. Ảnh: VTV.

Tuy nhiên cũng như Obamacare, TPP cũng gặp rất nhiều khó khăn đối với Tổng thống Obama trong việc thuyết phục Quốc hội Mỹ đồng thuận khi phe Cộng hòa chiếm đa số tại cả hai viện của Quốc hội.

Phe Cộng hòa đang muốn lấy lại quyền lực sau 8 năm thuộc về phe Dân chủ nên dù Donald Trump chưa hẳn là ứng viên đại diện cho đảng này, nhưng những phát biểu của ông ta có lợi cho chiến lược của đảng đều được ủng hộ.

Vì vậy, Donald Trump nêu lên tác hại của nhập siêu dẫn đến mất việc làm của lao động Mỹ là một trong những đòn tấn công của phe Cộng hòa vào phe Dân chủ, qua đó làm tăng khả năng thắng cử của ứng cử viên đảng này trong cuộc bầu cử Tổng thống vào tháng 11 tới đây.

Như vậy, qua việc tỷ phú Donald Trump cáo buộc những quốc gia khác "đánh cắp" việc làm của người dân Mỹ - trong đó có Việt Nam – được xem như một lời cảnh báo về khó khăn của chính quyền và cá nhân Tổng thống Obama trong việc thúc đẩy Quốc hội Mỹ phê chuẩn cho TPP vận hành trước khi ông Obama rời nhiệm sở.

Rõ ràng, cố vấn chính trị của Donald Trump đã cung cấp một miếng võ rất lợi hại cho ông ta trong giai đọan cực kỳ quan trọng này. Nó chưa thể xem là một trong những yếu tố quyết định chiến thắng của ông ta trong cuộc bầu cử Tổng thống – nếu ông được chọn làm đại diện cho đảng Cộng hòa - nhưng nó tạo ra một lợi thế cho các ứng viên đảng Cộng hòa trước đối thủ của đảng Dân chủ.

Rung chà cá nhảy

Có thể thấy rằng, sau lời cáo buộc của Donald Trump, những đối tác của Mỹ trong đó có Việt Nam, sẽ nhận thấy nguy cơ bị ảnh hưởng trong quan hệ hợp tác và trao đổi thương mại với Mỹ thời gian tới. Việc phải điểu chỉnh chính sách hay phải xem xét lại điều kiện hợp tác là không thể không tính tới.

Nếu Donald Trump thắng cử Tổng thống Mỹ thì việc điều chỉnh hay xem xét lại là hết sức gay go, thậm chí sẽ khắc nghiệt. Với tính khí bùng nổ, cực đoan, với tính toán của một doanh nhân - chính trị gia, chắc chắn Donald Trump sẽ có những yêu cầu khác biệt, thậm chí thay đổi “luật chơi”, từ đó khiến cho đối tác phải thay đổi và đương nhiên là thiệt hại, hay ít nhất là phải cắt giảm quyền lợi.

Với lời cảnh báo của Donald Trump, Nhật cũng phải chuẩn bị thay đổi trong quan hệ với Mỹ trong thời gian tới. Ảnh: kommricommunity.com

Với lời cảnh báo của Donald Trump, Nhật cũng phải chuẩn bị thay đổi trong quan hệ với Mỹ trong thời gian tới. Ảnh: kommricommunity.com

Nếu Donald Trump thất bại – hay không được đại diện cho đảng Cộng hòa ra tranh cử - thì chính sách trong quan hệ đối ngoại, nhất là kinh tế đối ngoại của nước Mỹ cũng sẽ có những thay đổi, theo hướng nâng cao quyền lợi của nước Mỹ, của người dân Mỹ.

Điều đó sẽ khiến cho các đối tác của nước Mỹ phải chuẩn bị làm việc với một chính quyền mới thực dụng hơn, dù đảng Dân chủ hay đảng Cộng hòa nắm quyền.

Như vậy, lời cáo buộc của Donald Trump như một lời cảnh báo kiểu “rung chà cho cá nhảy”, khiến cho các đối tác phải thay đổi. Từ đó nước Mỹ sẽ có những đổi thay về sách lược, thậm chí cả chiến lược trong quan hệ đối ngoại.

Nước Mỹ sẽ thay đổi vị thế trong quan hệ hợp tác với các đối tác và điều đó sẽ khiến cho nhiều đối tác bị lệ thuộc vào Mỹ, nếu chính sách thay đổi không phù hợp, không kịp thời.

Nghe lời cảnh báo của Donald Trump mà không chuẩn bị thì có thể sẽ gánh hậu quả, nhưng thật sự thì không biết phải chuẩn bị như thế nào, với khía cạnh nào và nếu chuẩn bị không đúng, không đủ thì vẫn có thể phải nhận lãnh hậu quả. Đây là một sự “ác nghiệt” trong sự cay nghiệt của Donald Trump mà dư luận đã nhiều lần lên tiếng về điều này.

Rung chà cá nhảy ảnh 5

Kép chính, kép phụ và anh hề

(GDVN) - Người Mỹ muốn qua Donald Trump để tìm ra nhân vật cần tìm, xứng đáng với chiếc ghế Tổng thống đại diện cho quyền lực của nước Mỹ.

Tuy nhiên có thể thấy rằng, tỷ phú Donald Trump quá "ranh ma" khi nêu lên vấn đề việc làm của người dân Mỹ bị đánh cắp bởi những đối tác. Đây cũng chính là sự khác biệt giữa chính trị gia truyền thống và doanh nhân làm chính trị - “đồng tiền bát gạo” luôn là chiến lược, sách lược của họ và điều đó rất thực tế với cử tri.

Không để mất cả chì lẫn chài

Với sự lọc lõi của mình trên thương trường, Donald Trump không phải bỏ tiền ra tranh cử Tổng thống Mỹ theo kiểu “được ăn cả, ngã về không”. Donald Trump không chơi kiểu “năm ăn năm thua” với chiến dịch tranh cử của mình. Ông ta sẽ không chịu “mất cả chì lẫn chài” nếu thất bại trong cuộc đua tranh.

Với tính toán của một nhà kinh tế, chắc chắn Donald Trump không thể không xem quá trình vận động tranh cử như một chiến dịch quảng cáo cho hoạt động kinh doanh của ông ta.

Hình ảnh của ông ta đã tạo nên cơn sốt cho truyền thông và cho cả người dân Mỹ. Hàng loạt những hãng truyền thông lớn đã có hẳn chuyên mục “Donald Trump” trên bảng giao diện điện tử của mình.

Rung chà cá nhảy ảnh 6

Những người thích "nổ"

(GDVN) - Trump cuốn hút người dân Mỹ và gây sốt truyền thông là do khả năng "nổ" và cá tính thích "nổ". Có lẽ điều này ông không cần ai phụ họa thêm nữa.

“Donald Trump” bây giờ được “đời thường hóa” kiểu như nói đến xe gắn máy là người ta gọi là Honda – một danh từ riêng gần như được mặc định cho một khái niệm chung trong cuộc sống hàng ngày. Có lẽ ở nước Mỹ, “Donald Trump” đã trở thành khái niệm chứ không chỉ còn là tên của một vị tỷ phú tham gia tranh cử Tổng thống Mỹ năm 2016.

Điều đó, xét trên góc độ kinh tế, chứng tỏ Donald Trump đã quá thành công trong quảng bá hình ảnh của mình – một sự định vị sản phẩm chuẩn xác.

Vậy còn kênh thị trường – nghĩa là người tiêu dùng nào sẽ lựa chọn sản phẩm của Donald Trump? Việc ông lên tiếng về việc làm cho người dân Mỹ đã giúp ông ta tìm được thị trường mục tiêu cho sản phẩm của mình.

Nếu ông trở thành Tổng thống thì đó là quá trình chính trị hóa doanh nhân của ông Donald Trump đã thành công mỹ mãn. Nếu ông thất bại thì chắc chắn tỷ phú Donald Trump sẽ có thêm một lực lượng khách hàng đặc biệt, nhất là những người xúc động vì sự lo lắng của ông Trump tới việc làm của người dân Mỹ bị “đánh cắp”.

Donald Trump sẽ có thêm khách hàng, nếu thất bại. Ảnh: Business Insider.
Donald Trump sẽ có thêm khách hàng, nếu thất bại. Ảnh: Business Insider.

Như vậy, có thể nhận định rằng, việc ứng cử viên Donald Trump cáo buộc nhiều nước – trong đó có Việt Nam – “cướp” việc làm của người dân Mỹ, không chỉ hướng tới mục đích chiến thắng trong cuộc đua tranh suất đại diện cho đảng Cộng hòa ra tranh cử Tổng thống năm 2016. 

Điều đó cũng không chỉ hướng Donald Trump tới chiếc ghế Tổng thống đầy quyền lực, mà các cố vấn chính trị của Donald Trump còn hướng tới những mục đích khác quan trọng không kém mà nếu ông Trump có phải rời khỏi đường đua, thì ông ta vẫn rất có lợi cho bản thân mình.

Cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016 luôn chứa đựng nhiều bất ngờ và Donald Trump luôn là người tạo ra nhiều những bất ngờ ấy. Và với lời cáo buộc như “một mũi tên trúng nhiều đích”, Donald Trump đã chính thức đưa hình ảnh của ông ta ra khỏi biên giới nước Mỹ như một “cáo già” trên thương trường và trên cả chính trường.

Ngọc Việt