Rút quân khỏi Syria là nước cờ cao tay của Putin

13/12/2017 10:46
PHẠM DOÃN TÌNH
(GDVN) - Thông điệp này chắc chắn sẽ khiến Washington bối rối, bởi họ đã không thể lường trước được những bước đi mạnh mẽ và quyết đoán trong chính sách của Nga.

Ngày 11/12, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã có chuyến thăm bất ngờ tới căn cứ không quân Khmeimim thuộc địa phận tỉnh Latakia của Syria.

Đây là chuyến thăm đầu tiên của Tổng thống Nga kể từ khi căn cứ quân sự này được thành lập.

Trong chuyến thăm bất ngờ này ông Putin tuyên bố, chiến dịch chống lực lượng khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) đã giành thắng lợi và “một phần quan trọng” của lực lượng quân sự Nga sẽ bắt đầu rút khỏi Syria để trở về nước.

Quyết định bất ngờ này của Nga đã đặt ra nhiều câu hỏi trong giới chức các nước và các chuyên gia phân tích, ngay cả Hoa Kỳ cũng tỏ ra nghi ngờ về tính thực chất của quyết định này.

Tổng thống Nga Putin tại căn cứ không quân Khmeimim đã tuyên bố rút quân khỏi Syria (Ảnh AP).
Tổng thống Nga Putin tại căn cứ không quân Khmeimim đã tuyên bố rút quân khỏi Syria (Ảnh AP).

Vậy, do đâu mà Tổng thống Nga Vladimir Putin lại đưa ra quyết định đầy bất ngờ này?

Có thể nhận định trên năm lý do sau đây:

Thứ nhất, Nga đã hoàn thành sứ mệnh chống lực lượng khủng bố IS.

Hành động can thiệp quân sự của Nga vào Syria từ cuối tháng 9/2015 đã đánh dấu sự trở lại của Nga trong vai trò một chủ thể chiến lược, để tiến hành các hoạt động tác chiến kéo dài bên ngoài biên giới Liên Xô cũ kể từ sau cuộc chiến tranh ở Afghanistan những năm 1980.

Đây được coi là chiến dịch quan trọng nhằm thể hiện nỗ lực của Nga để khẳng định vai trò của mình trong việc giải quyết những vấn đề nóng của thế giới hiện nay.

Để đạt được mục đích của chiến dịch quân sự này, Nga đã tạo nên một liên minh với chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad ở Syria, Iran, Iraq và lực lượng Hezbolla ở Li Băng.

Liên minh này được thành lập ngày 30/9/2015 trên cơ sở nghị quyết về chống khủng bố ở Syria của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc thông qua ngày 24/9/2015, và nhận được đề nghị chính thức của chính quyền Damascus cho phép tiến hành chiến dịch chống khủng bố trên lãnh thổ của họ. [1]

Từ đây, Nga mang trong mình sứ mệnh hợp pháp chống khủng bố ở Syria.

Tổng thống Nga Putin gặp người đồng cấp Syria Bashar al-Assad tại căn cứ không quân Khmeimim (Ảnh AP).
Tổng thống Nga Putin gặp người đồng cấp Syria Bashar al-Assad tại căn cứ không quân Khmeimim (Ảnh AP).

Sau hơn hai năm tiến hành chiến dịch chống khủng bố, Nga đã tạo ra được bước ngoặt căn bản cho chiến dịch này ngay từ những ngày đầu và đẩy lực lượng khủng bố IS dần rơi vào thảm kịch sụp đổ.

Đến nay, Nga đã hoàn thành được sứ mệnh của mình, khi hỗ trợ cho lực lượng chính phủ Syria giải phóng được 98% lãnh thổ khỏi tay những kẻ khủng bố. [2]

Thứ hai, Nga đã thành công trong việc bảo vệ và củng cố chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad.

Trên thực tế, cùng tham gia chiến dịch chống khủng bố IS, ngoài liên minh do Nga dẫn đầu, còn có hai liên minh khác, đó là liên minh của hơn 60 quốc gia do Mỹ lãnh đạo và liên minh của các nước Ả-rập do Ả-rập Xê-út đứng đầu (hai liên minh này thực chất vẫn do Mỹ chi phối).

Trong ba liên minh chống IS, chỉ có liên minh do Nga dẫn đầu là hợp pháp, hai liên minh còn lại được hình thành trước khi có nghị quyết về chống khủng bố ở Syria của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.

Hơn nữa, 2 liên minh này đều không được chính quyền Damascus cho phép tiến hành các hoạt động chống khủng bố trên lãnh thổ Syria.

Bởi vậy, hai liên minh do Mỹ chi phối đã hỗ trợ cho lực lượng phe đối lập với chính phủ của Tổng thống Bashar al-Assad và thể hiện rõ ý đồ loại bỏ chính quyền Bashar al-Assad.

Bashar al-Assad được Washington xem là rào cản đối với tham vọng Đại Trung Đông của Hoa Kỳ.

Tuy nhiên, kể từ khi Nga quyết định tham chiến ở Syria, Nga đã giữ vững và tiếp tục củng cố chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad, vốn được Nga coi là thành trì chống lại các thế lực khủng bố.

Và đến nay, khi Nga đã hỗ trợ được đầy đủ cho chính phủ Syria tiêu diệt lực lượng khủng bố và giúp cho Tổng thống Bashar al-Assad có đủ sức mạnh để tự giữ vững chính quyền, thì Nga nhanh chóng rút quân khỏi Syria trong tư thế của người chiến thắng.

Chính vì vậy, hôm 20/11 vừa qua, trong cuộc hội đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin tại thành phố Sochi, Tổng thống Syria Bashar al-Assad đã xúc động gửi lời cảm ơn đến chính phủ và nhân dân Nga vì đã “cứu nhân dân Syria thoát khỏi chủ nghĩa khủng bố”. 

Thứ ba, Nga đã khẳng định được sức mạnh chính trị, quân sự toàn cầu.

Sau hơn hai năm can thiệp quân sự ở Syria, Nga đã chứng tỏ được sức mạnh quân sự đáng gờm, khiến cả thế giới phải kinh ngạc.

Cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama khi còn đương nhiệm đã từng dự báo Nga sẽ trở thành một thế lực hùng mạnh ở khu vực Trung Đông, và những gì đã diễn ra ở Syria cho thấy, nhận định này đang trở thành hiện thực.

Trong hơn hai năm qua, Nga đã cho thấy sức mạnh của ý chí, quyết tâm và năng lực quân sự hùng mạnh, cùng chính sách ngoại giao vừa mềm dẻo, vừa cứng rắn đã đạt được những kết quả đáng khâm phục trong cuộc chiến chống khủng bố ở Trung Đông - cái mà Hoa Kỳ đã không mang lại được.

Vì lẽ đó, Nga đang ngày càng tạo dựng được ảnh hưởng rộng lớn và dần trở thành “xương sống” ở Trung Đông, khi các quốc gia trong khu vực từ Iraq, Ả-rập Xê-út, Qatar, Thổ Nhĩ Kỳ, Các tiểu vương quốc Ả-rập Thống nhất, Kuwait… đều đã và đang tìm kiếm cơ hội để được hợp tác với Nga.

Binh sĩ Nga tại Syria (Ảnh: Sputnik).
Binh sĩ Nga tại Syria (Ảnh: Sputnik).

Thành quả này đã giúp Nga tái định hình được bối cảnh địa chính trị ở Trung Đông và có được chỗ đứng vững chắc ở vùng Đông Địa Trung Hải, bao gồm cả sự hiện diện quân sự tại căn cứ không quân Khmeimim ở Latakia và căn cứ hải quân ở Tartus của Syria.

Đây là những “thành trì” này cho phép Nga thách thức sự kiểm soát của Hoa Kỳ và NATO ở khu vực Trung Đông.

Đồng thời nó còn đảm bảo cho Nga có được một vị trí quan trọng trên bàn đàm phán trong bất kỳ toan tính địa chính trị nào trong tương lai ở khu vực này.

Đồng thời, Nga đã nâng cao được vị thế của một siêu cường trên chính trường quốc tế và trở thành một nhân tố không thể thiếu trong tham gia giải quyết các vấn đề nóng trên thế giới hiện nay.

Thứ tư, Nga muốn gửi thông điệp đến Washington rằng, đã đến lúc Hoa Kỳ cần phải rút quân khỏi Syria.

Như đã nói ở trên, trong ba liên minh tham gia chống khủng bố IS ở Syria, chỉ có liên minh do Nga lãnh đạo là có đầy đủ tính hợp pháp, bởi liên minh này hình thành sau khi có nghị quyết chống khủng bố của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc và được chính phủ Syria kêu gọi giúp đỡ.

Vì vậy, quyết định can thiệp quân sự nhanh chóng vào Syria của Kremlin đã chứng tỏ là một bước đi cực kỳ sáng suốt trong chính sách đối ngoại của Nga.

Và đến khi sứ mệnh chống khủng bố hoàn thành, chính phủ Syria đã đủ mạnh, Nga lại tiếp tục có bước đi sáng suốt nữa khi nhanh chóng tuyên bố rút quân khỏi Syria.

Động thái này nhằm thể hiện Moscow tuân thủ nghiêm chỉnh nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.

Đồng thời, Nga cũng gửi một thông điệp mạnh mẽ đến Washington rằng, cuộc chiến chống khủng bố IS đã kết thúc, chính phủ Syria đã được củng cố và sứ mệnh quân sự của nước ngoài ở đây đã không còn, Hoa Kỳ cũng cần phải rời khỏi nơi đây.

Thông điệp này chắc chắn sẽ khiến Washington bối rối, bởi họ đã không thể lường trước được những bước đi mạnh mẽ và quyết đoán trong chính sách của Nga.

Có lẽ, sau khi Nga rút quân, Hoa Kỳ cũng sẽ khó có thể ở lại được, bởi sự hiện diện của Washington ngay từ đầu đã như “một vị khách không mời mà đến”.

Sự hiện diện của Hoa Kỳ không được chính phủ của Tổng thống Bashar al-Assad chấp thuận, thì giờ Washington càng không thể viện được vào bất cứ lý do gì để có thể tiếp tục ở lại.

Thứ năm, việc rút quân này cũng đã chuẩn bị cho Tổng thống Putin một thắng lợi chính trị quan trọng trước cuộc bầu cử vào tháng 3 năm sau.

Thời gian vừa qua, các hãng truyền thông trên thế giới đều đồng loạt đưa tin, Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ tiếp tục tham gia tranh cử trong cuộc bầu cử Tổng thống của nước này vào tháng 3/2018.

Các cuộc thăm dò dư luận mới đây cho thấy, Tổng thống Nga V.Putin đang có rất nhiều lợi thế trong chiến dịch tranh cử, khi có tới 80% người dân Nga ủng hộ cho việc ông Putin tái đắc cử chức vụ Tổng thống trong nhiệm kỳ tới. [3]

Việc Tổng thống Nga V.Putin quyết định rút quân khỏi Syria trong tư thế của người chiến thắng, với rất nhiều mục tiêu địa chính trị đã đạt được sau hơn hai năm tham gia chiến dịch chống khủng bố sẽ càng giúp tăng thêm sự ủng hộ của người dân đối với ông.

Và rõ ràng, ngoài các lý do khác thúc đẩy ông Putin đưa ra quyết định rút quân khỏi Syria, thì yếu tố “được lòng dân” cũng đã được ông Putin rất coi trọng.

Việc đưa ra quyết định này vào đúng thời điểm hội đủ các yếu tố cho thắng lợi của Nga và của chính ông đã cho thấy ông Putin thực sự là một chính trị gia cao tay.

Quân đội Nga bắt đầu rút khỏi Syria (Ảnh: Reuters).
Quân đội Nga bắt đầu rút khỏi Syria (Ảnh: Reuters).

Có thể nói rằng, việc Nga rút quân khỏi Syria đã tạo ra bất ngờ đối với thế giới, nhưng nếu xét về những thành quả mà Nga đã đạt được trong hơn hai năm thực hiện sứ mệnh chống khủng bố, thì việc rút quân không có gì là bất ngờ.

Nga đã đạt được tất cả các mục đích chính trị trong chiến dịch chống khủng bố, như: thủ tiêu được lực lượng khủng bố IS, giữ vững và củng cố được chính phủ hợp pháp Syria (đồng minh của Nga);

Tăng cường được ảnh hưởng rộng lớn ở Trung Đông và cho thế giới thấy được sự trỗi dậy mạnh mẽ cả về chính trị và quân sự của Nga kể từ sau khi Liên Xô sụp đổ.

Quyết định rút lực lượng quân sự khỏi Syria cũng nhằm chứng minh với thế giới, Nga tôn trọng độc lập tự chủ của các nước khác.

Bởi khi chiến dịch quân sự đã kết thúc, Nga nhận thấy đã đến lúc cần trao toàn quyền tự chủ cho chính phủ Syria trong việc bảo vệ và tái thiết đất nước, thì việc rút quân khỏi Syria là điều hiển nhiên.

Tuy nhiên, việc rút quân khỏi Syria không có nghĩa rằng Nga sẽ rút toàn bộ, mà sẽ vẫn để lại một lực lượng nhất định tại các căn cứ không quân Khmeimim và căn cứ hải quân Tartus (được chính phủ Syria cho phép).

Đây là phương án dự phòng, để sẵn sàng cho việc triển khai sự hiện diện trở lại của quân đội nếu tình huống cấp thiết xảy ra, ông Putin cho biết khi tuyên bố rút quân.

Với tất cả những lý do nêu trên đã cho thấy một sự cao tay của Nga trong chính sách đối ngoại, bởi trong bất kỳ hoàn cảnh nào thì Nga vẫn đang là người làm chủ cuộc chơi trong ván cờ địa chính trị ở Trung Đông.

Tài liệu tham khảo:

[1 https://www.cbsnews.com/news/paris-attacks-un-approves-security-council- resolution-to-fight-terror

[2] http://www.firstpost.com/world/vladimir-putin-orders-withdrawal-of-significant-part-of-russias-military-contingent-in-syria-4254189.html

[3] http://www.bbc.com/news/world-europe-42256140

PHẠM DOÃN TÌNH