Sabeco mới dùng hết 4% chi phí cho marketing

19/05/2014 06:01
Đại Chí
(GDVN)- Tuy chi tới 1.000 tỷ đồng nhưng theo tính toán của Sabeco, tỷ lệ chi này vẫn nằm dưới khung cho phép của Luật thuế thu nhập doanh nghiệp.

Chưa vượt khung

Năm 2013, Tổng Công ty cổ phần bia - rượu - nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) đã đạt sản lượng và tiêu thụ trên 1,32 tỷ lít bia, tăng 5% so với cùng kỳ năm 2012. 

Theo đó, tổng doanh thu của Sabeco đạt xấp xỉ 27.700 tỷ đồng (tăng 7% so với năm 2012); nộp ngân sách trên toàn hệ thống đạt gần 12.800 tỷ đồng; tổng lợi nhuận trước thuế ước đạt 3.400 tỷ đồng. Đặc biệt, Sabeco đã xuất khẩu đạt giá trị 1,3 triệu USD, tăng 48% so với năm 2012.

Năm 2013, Tổng Công ty cổ phần bia - rượu - nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) đã đạt sản lượng và tiêu thụ trên 1,32 tỷ lít bia
Năm 2013, Tổng Công ty cổ phần bia - rượu - nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) đã đạt sản lượng và tiêu thụ trên 1,32 tỷ lít bia

Như vậy, trừ lợi nhuận, chi phí sản xuất thực tế của Sabeco năm 2013 là 24.300 tỷ đồng. Theo Luật thuế thu nhập doanh nghiệp, Sabeco được phép chi tới 10% cho các chương trình marketing, tức 2.430 tỷ đồng. Do đó, với 1.000 tỷ đồng năm 2013, Sabeco mới sử dụng hết 4% chi phí.

Cần bỏ trần quảng cáo

Trên thế giới, việc khống chế mức trần quảng cáo và thương mại đã bị xóa bỏ, nhưng Việt Nam và và rất ít quốc gia vẫn giữ quy định khống chế chi phí quảng cáo, khuyến mại. Tuy nhiên, các quy định của của họ có phần “linh hoạt” hơn Việt Nam. Đó là áp dụng mức 15%/doanh thu, tỷ lệ này quy định cho các DN ngành ngề khác nhau cũng khác nhau và còn cho phép nếu năm nay chi không hết sang năm sau và các năm sau tiếp tục được sử dụng.

Trong khi đó, quy định khống chế chi phí quảng cáo, tiếp thị, khuyến mại tại Việt Nam quy định là 10% tổng số chi phí áp dụng đối với doanh nghiệp đang hoạt động và 15% tổng chi phí đối với doanh nghiệp thành lập mới trong 3 năm đầu.

Ngoài những bất cập trên, ông Phan Đăng Tuất, Chủ tịch HĐQT Sabeco còn cho rằng: “Điều không hợp lý là hiện nay chi phí quảng cáo lại chỉ được tính trên chi phí hạch toán tại công ty mẹ. Sabeco hiện nay chỉ có 02 nhà máy thuộc công ty mẹ, còn 24 nhà máy khác thuộc các công ty con, công ty liên kết cùng sản xuất sản phẩm dưới thương hiệu Bia Sai Gòn. Quy định hiện nay đang quản lý chi phí/chi phí, tức khuyến khích doanh nghiệp tăng chi phí chứ không phải tăng doanh thu, không phải điều mà quản lý Nhà nước và doanh nghiệp mong đợi!”.

“Quy định mức trần 10% ở các doanh nghiệp hiện nay còn bất cập ở chỗ: Vì có nhiều doanh nghiệp họ không cần phải quảng cáo, tiếp thị, họ sẽ dễ lẩn chi phí nếu cần. Trong khi đó các doanh nghiệp dịch vụ lại rất cần quảng bá thương hiệu. Điều bất cập nữa là quy định 10%/năm chi phí marketing vô hình dung phá vỡ chiến lược phát triển của doanh nghiệp. Bởi, năm nay họ có nhu cầu quảng cáo, tiếp thị rầm rộ nhưng  năm tiếp theo họ có thể không cần nữa”, ông Tuất chia sẻ.

Hiện nay, các doanh nghiệp đến tháng ba, tháng tư năm sau mới biết được chi phí thực tế của năm trước (sau khi có báo cáo kiểm toán). Vì thế, quy định không vượt quá 10% marketing/tổng chi phí thực tế phát sinh trong kỳ cũng đang khiến DN không thể lên kế hoạch đúng đắn và như “mò kim đáy bể”.

Việc khống chế trần chi phí quảng cáo thấp đang gây khó khăn cho doanh nghiệp Việt Nam đặc biệt là kìm hãm tính cạnh tranh của các doanh nghiệp, nhất là đối với DN trong nước vì DN có thương hiệu nước ngoài còn nhận được lợi thế quảng cáo do công ty mẹ "làm giúp"; ảnh hưởng đến khả năng thu hút vốn đầu tư bên ngoài.

Không những thế, khống chế phí quảng cáo còn làm hạn chế cung cấp thông tin cho người tiêu dùng. Vì thế, các cơ quan quản lý Nhà nước cần sớm xem xét chính sách bỏ trần quảng cáo để các doanh nghiệp tự chịu trách nhiệm trước việc quảng bá thương hiệu của mình.

Thiết nghĩ, nền quản trị hiện đại sẽ hướng tới một tiêu chí hết sức quan trọng là minh bạch. Để tiến tới sự minh bạch sẽ còn là một quá trình khá cam go nhưng buộc phải thực hiện quyết liệt bởi các cam kết hội nhập quốc tế mà gần đây nhất là hiệp định TPP (dự kiến vào năm 2015), WTO đầy đủ vào 2018. Và để thực hiện điều này, cần giảm dần các quy định mang tính hành chính vốn rất nhiều bất cập bởi các "hiệu ứng phụ" mà phải dành tư duy nhiều hơn cho các ràng buộc mang tính tài chính dưới cách tiếp cận của quy phạm pháp luật.

Một khảo sát mới đây tại hơn 300 doanh nghiệp của Viện Kinh tế- Tài chính (Bộ Tài chính) cho thấy, việc khống chế trần chi phí quảng cáo đã gây khó khăn cho không ít doanh nghiệp (thường là các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ, có vốn đầu tư nước ngoài….), trong khi đó, một số doanh nghiệp khác lại có nhu cầu chi cho quảng cáo thấp hơn rất nhiều so với mức trần khống chế.

Đại Chí