Sắm Com-lê cho HS trường làng: “Nếu có tiền chênh thì sẽ vào túi ai?”

20/08/2013 07:51
Viết Cường
(GDVN) - Một mét vải để may áo Vest cho học sinh cấp 1 hết khoảng 70 nghìn đồng. Tiền công may mất khoảng 200 nghìn đồng, vị chi hết gần 300 nghìn đồng/chiếc áo. Vậy nhưng trong bảng giá nhà may gửi cho nhà trường những gần 400 nghìn đồng/chiếc. Một con số cần phải xem xét lại?

Những ngày đầu năm học mới này, nhiều phụ huynh của Trường Tiểu học Văn Bình, huyện Thường Tín, Hà Nội bức xúc chuyện may đồng phục cho con.

Chả là, để có chút thay đổi trong năm học mới về đồng phục, Ban đại diện cha mẹ học sinh đã quyết định “đầu tư” hẳn mỗi học sinh một bộ đồng phục mẫu là Com-lê Veston để các cháu “bảnh bao” hơn khi tới trường và sử dụng luôn trong những ngày lễ Tết.

Bộ đồng phục từ lớp 1 đến lơp 5 của Trường Tiểu học Văn Bình được nhiều phụ huynh cho rằng là đắt vơi giá gần 700.000 đồng. Ảnh Xuân Trung
Bộ đồng phục từ lớp 1 đến lơp 5 của Trường Tiểu học Văn Bình được nhiều phụ huynh cho rằng là đắt vơi giá gần 700.000 đồng. Ảnh Xuân Trung

Theo đó, tổng số học sinh được may là hơn 700 em, giá của mỗi bộ đồng phục từ lớp 1 đến lớp 5 dao động từ 629.000 đồng - 693.000 đồng.

Về nguyện vọng muốn cải thiện “diện mạo” cho học sinh của Ban đại diện cha mẹ phụ huynh của nhà trường là điều rất đáng hoan nghênh, cần cổ vũ. Tuy nhiên, phần giá cả để may những bộ đồng phục này còn quá nhiều điều phải suy nghĩ.

Sau khi xem bảng báo giá mà nhà may M.A gửi cho trường tiểu học Văn Bình về việc may đồng phục Com-lê cho học sinh cấp 1, cô H – một giảng viên tại trường chuyên về dệt may, may mặc- thời trang Hà Nội bất ngờ vì “giá này cao quá”.

Cô H cho biết, bình thường để may một bộ quần áo Com–lê cho học sinh cấp 1 sẽ mất khoảng chưa đến 2 mét vải (người lớn thường là 2,5m). Và thường các trường ở nông thôn sẽ chọn những loại vải có giá thành trung bình để may, trừ những trường điểm, trường chất lượng cao ở thành phố mới chọn loại vải đẹp, đắt tiền.

Theo cô H, mỗi mét vải loại trung bình để may Com–lê, cửa hàng nhập về giá dao động từ 60 – 80 nghìn đồng/mét. Như vậy, để may một bộ đồng phục cho 1 học sinh cấp 1, tiền vải sẽ hết khoảng 150 nghìn đồng. “Vì không có thời gian nên cách đây hơn 1 tuần, tôi đưa con trai tôi đang học lớp 8 đi may một bộ áo Veston tại một cửa hàng may ở gần nhà, tiền công để may cả quần và áo hết có hơn 200 nghìn đồng. Không biết nhà may này tính kiểu gì mà giá cao như vậy?” – cô H chia sẻ.

Bên cạnh đó, nếu may với số lượng đến 700 bộ như của trường Tiểu học Văn Bình đây thì chắc chắn giá thành sẽ giảm đi rất nhiều.


Cũng về giá cả bộ Com-lê của học sinh trường Tiểu học Văn Bình, chị Đoàn Trang - một người đã có nhiều năm làm trong lĩnh vực may mặc cho rằng giá như vậy là cao hơn nhiều so với mặt bằng chung. “Tiền may quần thì tôi không nói nhưng riêng tiền áo Vest thì quá cao. Để may một chiếc áo cho học sinh cấp 1 hết chưa đầy 1 mét vải, tiền công cũng chỉ khoảng 200 nghìn đồng. Vậy mà ở đây, theo bảng báo giá chiếc áo những gần 400 nghìn đồng” – chị Trang băn khoăn.

Chị Trang trước kia đã có nhiều năm làm cho công ty chuyên về may mặc, đồng phục học sinh. Theo chị; “Với số lượng lớn và cho học sinh cấp 2, như trước ở công ty tôi làm thì tổng tiền công may một bộ quần áo Vest hết khoảng hơn 200 nghìn đồng”.

Như vậy, nếu ý kiến của cô H và chị Trang là có cơ sở thì số tiền để may đồng phục Com-lê tại trường tiểu học Văn Bình – Thường Tín giá chênh khá cao so với thị trường. Trung bình mỗi bộ, giá báo về tính sơ sơ cũng cao hơn khoảng 100 nghìn đồng. 700 bộ, vị chi sẽ là 70 triệu đồng. Một con số không hề nhỏ.

Trong khi đó, số tiền chênh này không hề phải nộp thuế. Những người có liên quan chỉ việc chia nhau rồi…đút túi.

Đấy là chưa kể việc, những người “ký kết hợp đồng” với nhà may số lượng lớn sẽ được hưởng phần trăm hậu hĩnh?

Về phía phụ huynh học sinh, để con em mình có được bộ quần áo đẹp đi học theo “ý kiến” của Đại diện ban cha mẹ, nhiều phụ huynh khu vực nông thôn đành “bấm bụng” xúc đi tạ thóc bán để lo cho con vì sợ “đắc tội” với nhà trường.

Nhà trường thì có chiêu quen thuộc, cứ hững hờ đưa ra ý kiến và khuyến khích phụ huynh hưởng ứng dưới dạng “không bắt buộc”. Tuy nhiên, “ý kiến” của giáo viên, của nhà trường khác nào “thánh chỉ”, có mấy phụ huynh dám “kháng chỉ” đâu.

Tâm lý chung của mỗi bậc phụ huynh, dù có “ăn phải gan hùm” đi chăng nữa cũng chả dại gì mà “thưa gửi” chuyện đó, âu cũng cùng suy nghĩ “vì tương lai con em chúng ta”, tốt nhất không nên làm ảnh hưởng đến hòa khí, bất lợi cho việc học tập của con cái sau này.

Chuyện các trường “moi tiền” từ phụ huynh thông qua việc mua đồng phục đã tồn tại nhiều năm nay. Một hình thức kiếm tiền phổ biến của nhiều trường nhưng ít khi được ngành giáo dục quan tâm, bàn bạc.

Thiết nghĩ, lãnh đạo Phòng Giáo dục huyện Thường Tín cần phải vào cuộc, xem xét rõ ràng cụ thể sự việc, người dân đang hằng ngày than vãn vì chẳng dám kêu ai.

* Mời độc giả đóng góp, cho ý kiến và gửi những bài viết của mình theo địa chỉ: toasoan@giaoduc.net.vn hoặc có thể BẤM VÀO ĐÂY để phản hồi.
Viết Cường