Sắp xét xử vụ Dương Chí Dũng, "bầu" Kiên

28/10/2013 15:41
Ngọc Quang
(GDVN) - Báo cáo tại Quốc hội sáng nay (28/10), ông Nguyễn Hòa Bình - Viện trưởng Viện KSND Tối cao cho biết, có 6 vụ án lớn về kinh tế, tham nhũng đã có kết luận điều tra, đã hoàn tất cáo trạng và tống đạt cáo trạng. Ở Hà Nội sẽ xét xử vụ “bầu” Kiên, vụ Vinalines và vụ Dương Chí Dũng, cùng với Dương Tự Trọng tổ chức cho Dương Chí Dũng bỏ trốn.

Theo đó, ba vụ còn lại là sai phạm ở Vifon, công ty tài chính 2, vụ Huỳnh Thị Huyền Như, nguyên trưởng phòng giao dịch của Vietinbank lừa đảo gần 4000 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Hòa Bình cho hay, vụ sai phạm của Nguyễn Đức Kiên và hàng loạt vấn đề ở ngân hàng ACB, cùng với vụ Dương Tự Trọng tổ chức cho Dương Chí Dũng bỏ trốn đã bàn giao cho tòa án.

“Tinh thần chung là sẽ tập trung điều tra, phối hợp rất chặt chẽ giữa cơ quan điều tra và công tố, khẩn trương chuyển hồ sơ cho tòa án, có thể kết thúc điều tra và xét xử. Những vụ còn lại khả năng phải sang năm 2014. Những vụ này ngoài khó khăn chung của yêu cầu chứng minh các vụ án tham nhũng, đặc biệt là các vụ án tham nhũng lớn thì đối tượng có chức vụ, và vụ án cũng lớn, rất nhiều vụ có yếu tố nước ngoài, phải có yếu tố thường trực các cơ quan tư pháp đối với cơ quan thi hành tố tụng. Nhưng cơ quan tố tụng nước ngoài có những nước tốt, có nước thì còn vài chỗ hạn chế, khả năng đáp ứng của họ cũng có mức độ”, ông Bình cho biết.

Ông Nguyễn Hòa Bình - Viện trưởng VKSND Tối Cao.
Ông Nguyễn Hòa Bình - Viện trưởng VKSND Tối Cao.

Nói về những khó khăn trong công tác thu hồi tài sản qua các vụ án, ông Nguyễn Hòa Bình, chia sẻ: “Đối với các vụ án kinh tế và tham nhũng nói chung không phải chỉ đến bây giờ mà từ lâu rồi khả năng thu hồi tài sản không bao giờ đáp ứng được yêu cầu, tức là không bao giờ thu được 100%, kể cả sau này cũng thế, đây là một thực tế, ở các nước khác cũng vậy. Có những vụ án khi phát hiện thì trên thực tế sự việc đã xảy ra nhiều năm rồi, không chỉ xảy ra trong quá trình điều tra, cho nên điều tra, truy tố, xét xử chỉ là giai đoạn chứng minh thôi.

Trong tương lai, theo tôi cần có thay đổi về luật Hình sự, luật Tố tụng hình sự, để làm tăng thêm khả năng truy thu tài sản. Chúng ta đang có hạn chế, những tài sản được chứng minh là bất hợp pháp, từ con đường phạm tội thì mới được thu nhưng sắp tới tôi nghĩ phải khắc phục điều này”. 

Cũng trong sáng nay, chia sẻ với báo chí bên hàng lang Quốc hội về công tác đấu tranh phòng chống tội phạm, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc - Trưởng Ban chỉ đạo phòng chống tội phạm của Chính phủ cho biết, vấn đề tội phạm trong nước - khi Việt Nam gia nhập kinh tế thị trường, vẫn còn nhiều vấn đề phức tạp, nhất là các băng nhóm hoạt động kiểu xã hội đen, tội phạm ma túy, tội phạm ở độ tuổi vị thành niên, chống người thi hành công vụ vẫn diễn ra phức tạp và cần phải được quan tâm đặc biệt.

“Ban chỉ đạo phòng chống tội phạm của Chính phủ trên tinh thần xử lý nghiêm, kiên quyết, liên tục, chống bảo kê, bao che tội phạm ở mọi cấp mọi ngành; thực hiện nghiêm túc Chỉ thị 48 của Bộ Chính trị. Nơi nào tội phạm hoành hành, thì ở đó cấp ủy, chính quyền địa phương, trước hết là ngành Công an phải chịu trách nhiệm trước Đảng, trước nhân dân và chính quyền. Những trường hợp, địa bàn để tội phạm hoành hành, thì trước hết người phụ trách địa bàn, lãnh đạo ở đó phải chịu trách nhiệm kiểm điểm, điều này đã được Chính phủ chủ đạo kiên quyết”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Ngọc Quang