"Sau bỏ phiếu, QH phải tăng cường giám sát các ĐB tín nhiệm thấp"

12/06/2013 13:37
Hoàng Lực
(GDVN) - "Sau khi đã có kết quả bỏ phiếu tín nhiệm thì trách nhiệm của Quốc hội, đại biểu Quốc hội là phải tăng cường giám sát. Với những chức danh có số phiếu tín nhiệm thấp phải giám sát xem đồng chí đó chuyển biến như thế nào, còn với những chức danh được số phiếu tín nhiệm cao phải tự thấy rõ trách nhiệm của mình, nếu có khuyết điểm phải vươn lên nếu đã làm được thì phải làm tốt hơn", Trung tướng Nguyễn Quốc Thước nhìn nhận.
Mới đây, sau khi Quốc hội đã công bố kết quả lấy phiếu tín nhiệm đối với 47 chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn nhìn chung dư luận xã hội nhất chí với kết quả lấy phiếu tín nhiệm. Kết quả này cũng phần nào phản ánh thực chất tình hình phát triển kinh tế - xã hội ở nước ta thời gian qua Trong thời gian trước khi Quốc hội thực hiện lấy phiếu tín nhiệm dư luận đã có nhiều ý kiến trái chiều. Nhưng sau khi công bố, kết quả lấy phiếu tín nhiệm chắc chắn đã có tác động rất lớn đến đời sống chính trị của đất nước. Liên quan đến những tác động sau kết quả lấy phiếu tín nhiệm đại biểu Quốc hội, phóng viên báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với Trung tướng Nguyễn Quốc Thước nguyên Tư lệnh Quân khu IV, ĐBQH các khóa VIII, IX, X.
Trung tướng Nguyễn Quốc Thước nguyên Tư lệnh Quân khu IV, ĐBQH các khóa VIII, IX, X
Trung tướng Nguyễn Quốc Thước nguyên Tư lệnh Quân khu IV, ĐBQH các khóa VIII, IX, X
PV: Thưa Trung tướng Nguyễn Quốc Thước, trung tướng đánh giá như thế nào vế kết quả bỏ phiếu tín nhiệm 47 chức danh  Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn vừa qua và kết quả này có tác động như thế nào đến đời sống, chính trị của đất nước thời điểm này?
Trung tướng Nguyễn Quốc Thước:
 Sau khi công bố kết quả bỏ phiếu tín nhiệm qua thăm dò dư luận chung nhân dân cả nước từ các bậc lão thành cách mạng đến tầng lớp thanh niên hầu hết đều hoan nghênh kết quả bước đầu bỏ phiếu tín nhiệm của Quốc hội.
Vì lần đầu tiên ý thức dân chủ và trách nhiệm của các đại biểu Quốc hội được nâng cao, trước khi bỏ phiếu đã có nhiều ý kiến lo lắng, băn khoăn về sự nể nang, ngại "va chạm". Nhưng những lo lắng đó đã không xảy ra, ở cuộc bỏ phiếu tín nhiệm vừa qua, các đại biểu Quốc hội đã thể hiện trách nhiệm đúng mực trước nhân dân. Trong tình hình chính trị đất nước hiện nay từ kết quả bỏ phiếu tín nhiệm vừa qua có ý nghĩa rất lớn qua đó có thể thấy tương đối tình hình cơ quan bộ máy nhà nước của ta. Kết quả bỏ phiếu tín nhiệm tương đối chính xác về cả những chức danh đạt được phiếu tín nhiệm cao và chức danh nhận được ít phiếu tín nhiệm. Từ đó tránh được các vấn đề đang lo lắng như: “nể nang”, “bè phái”, “áp đặt”. Tất nhiên kết quả là chưa chính xác tuyệt đối được. Thông qua việc lấy phiếu tín nhiệm theo Trung tướng đại biểu Quốc hội có vai trò như thế nào khi cầm mỗi tờ phiếu tín nhiệm?
Trung tướng Nguyễn Quốc Thước:
 Mỗi lá phiếu là thể hiện rõ vai trò trách nhiệm của đại biểu Quốc hội trước nhân dân, đại diện cho ý chí nguyện vọng của nhân dân. Từ đó Đảng phải lắng nghe ý kiến của dân, để đúc kết thành những chủ trương của Đảng, có nghĩ là Đảng đi vào dân qua đại biểu Quốc hội.
Một điều đáng mừng sau kết quả bỏ phiếu tín nhiệm lần này chính là: Ý thức dân chủ, ý thức của đại biểu Quốc hội được nâng lên. Vì trước đây nhiều ý kiến cho rằng, đại biểu Quốc hội chỉ biết dơ tay đồng tình, không có độc lập ý kiến của mình, không đặt vấn đề lợi ích của nhân dân lên trên. Điều ý nghĩa nhất sau khi kết quả bỏ phiếu tín nhiệm được công bố đó là nói lên ý thức dân chủ, dân trí của người dân và đại biểu Quốc hội được nâng cao. Đây là vấn đề bài học mà Đảng cần rút kinh nghiệm trong vai trò lãnh đạo của mình để làm thế nào phát huy dân chủ và quyền dân chủ của người dân qua đại biểu Quốc hội. Đồng thời khơi dậy được ý thức dân chủ trong đại biểu Quốc hội để cống hiến cho đất nước.Vậy theo Trung tướng Nguyễn Quốc Thước sau kết quả bỏ phiếu này, Quốc hội sẽ cần làm gì để những lá phiếu trên phát huy hiệu quả?
Trung tướng Nguyễn Quốc Thước: 
Sau khi đã có kết quả bỏ phiếu tín nhiệm thì trách nhiệm của Quốc hội, đại biểu Quốc hội là phải tăng cường giám sát. Với những chức danh có số phiếu tín nhiệm thấp phải  giám sát xem đồng chí đó chuyển biến như thế nào, còn với những chức danh được số phiếu tín nhiệm cao phải tự thấy rõ trách nhiệm của mình, nếu có khuyết điểm phải vươn lên nếu đã làm được thì phải làm tốt hơn.
Qua cuộc bỏ phiếu tín nhiệm lần này, Trung tướng có sáng kiến gì giúp cho Quốc hội trong các lần lấy phiếu tín nhiệm tiếp theo được khách quan, trung thực hơn?
Trung tướng Nguyễn Quốc Thước: Nếu tiếp tục thực hiện bỏ phiếu tín nhiệm thì vai trò của Quốc hội sẽ tiếp tục được đề cao. Đồng thời sự tín nhiệm của người dân với các đại biểu Quốc hội cũng sẽ tiếp tục được nâng cao hơn vì vậy nên thực hiện việc lấy phiếu tín nhiệm thường xuyên hơn. Đại biểu Quốc hội với vai trò đại diện quyền lực nhân dân mà quyền lực của nhân dân là không có giới hạn vì thế càng làm tốt cho dân bao nhiêu càng tốt bính nhiêu. Trong kết quả bỏ phiếu lần này có thể nói tương đối sát thực tế nhưng theo tôi từ lần bỏ phiếu tín nhiệm lần này nếu lần tới Quốc hội tiếp tục bỏ phiếu tín nhiệm thì cần phải làm nghiêm khắc hơn, làm tốt hơn từ đó cho kết quả chính xác hơn. Tôi tin rằng, từ lần bỏ phiếu tín nhiệm lần này sẽ là tiền đề cho những lần bỏ phiếu tín nhiệm lần sau khi đó sẽ cho kết quả chính xác hơn.
Hoàng Lực