Shinzo Abe và Narendra Modi đang định hình tương lai châu Á

25/12/2015 06:50
Hồng Thủy
(GDVN) - Ông Modi tin Ấn Độ và các cường quốc châu Á khác cần phải thúc đẩy việc chống lại "tư tưởng bành trướng" của Trung Quốc mà ông nhìn thấy họ đã xâm lấn lãnh thổ

Học giả Daniel Twining, thành viên cao cấp về châu Á từ Quỹ Marshall ngày 24/12 bình luận trên Nikkei Asian Review, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và người đồng cấp Ấn Độ Narendra Modi đang làm việc cùng nhau, thực hiện quyền của mình để định hình tương lai cho châu Á.

Chuyến thăm Ấn Độ gần đây của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe diễn ra trong thời điểm chuyển tiếp của các cường quốc hàng đầu châu Á. Đầu tiên, Ấn Độ đã vượt Trung Quốc trở thành nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới, thị trường phát triển năng động nhất châu Á.

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, ảnh: VOA.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, ảnh: VOA.

Thứ hai, Nhật Bản đã phục hồi đà tăng trưởng kinh tế và hoạt động theo khuôn khổ pháp luật mới giúp quốc gia này dễ dàng hơn trong việc theo đuổi hợp tác quân sự với các nước có cùng chí hướng như Ấn Độ.

Thứ ba, bản đồ Âu - Á đang được vẽ lại khi Trung Quốc tiến về phía Tây bằng Con đường Tơ lụa - phát triển cơ sở hạ tầng sang Trung Đông và châu Âu, trong khi Ấn Độ nâng chính sách hướng Đông thành đạo luật.

Sự tương tác của những động lực gồm một Trung Quốc phát triển chậm nhưng đầy tham vọng, một Nhật Bản đang hồi sinh và một Ấn Độ hiện đại hóa khẳng định mình trên toàn bộ khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương sẽ định hình tương lai châu Á.

Ấn Độ quyết tâm tham gia hợp tác chặt chẽ hơn ở khu vực Đông Á để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Nhật Bản là đối tác chiến lược quan trọng nhất của Ấn Độ ngay từ thời người tiền nhiệm của Modi, Manmohan Sihgh với tuyên bố hùng hồn, trục quan hệ Ấn - Nhật sẽ quyết định tương lai châu Á.

Trong hội nghị thượng đỉnh Ấn - Nhật, hai bên không chỉ bàn về hợp tác quốc phòng, Nhật Bản sẽ cung cấp nguồn đầu tư trực tiếp đáng kể vào Ấn Độ, bao gồm 12 tỉ USD cho tuyến đường sắt cao tốc chạy giữa Mumbai với  Ahmedabad. Cả Shinzo Abe và Naredramodi đều xác định cần phải tăng cường sức mạnh quốc gia thông qua tăng trưởng kinh tế để không rơi vào cái bóng của Trung Quốc.

Thủ tướng Nhật Bản đã nỗ lực làm việc xây dựng một liên minh hàng hải đối lập chống lại chủ nghĩa phiêu lưu bành trướng của Bắc Kinh trên các vùng biển châu Á. Narendra Modi đã đi xa hơn người tiền nhiệm của mình trong vấn đề Biển Đông khi đưa nó vào tuyên bố chung về tầm nhìn với Tổng thống Mỹ Barack Obama.

Thủ tướng Ấn Độ trong chuyến thăm Nhật Bản năm 2014. Ảnh: qz.com
Thủ tướng Ấn Độ trong chuyến thăm Nhật Bản năm 2014. Ảnh: qz.com

Ấn Độ cam kết hợp tác an ninh hàng hải, tự do hàng hải trên các vùng biển trải dài từ Đông Phi đến Tây Thái Bình Dương. Nhật Bản là trung tâm của chiến lược này trong vai trò đồng minh châu Á thân cận nhất của Washington, đối tác được ưa thích nhất của New Delhi.

3 cường quốc vừa tổ chức một cuộc đối thoại chiến lược 3 bên cấp Bộ trưởng. Ấn Độ và Mỹ cũng đã mời Nhật Bản tham gia cuộc tập trận Malabar 2015 ở Ấn Độ Dương, một động thái có thể chống đỡ cấu trúc an ninh mỏng manh ở châu Á và làm phức tạp thêm những tham vọng của Trung Quốc muốn trở thành lực lượng thống trị khu vực.

Thủ tướng Narendra Modi đã thẳng thắn với nước láng giềng phương Bắc. Ông Modi tin Ấn Độ và các cường quốc châu Á khác cần phải thúc đẩy việc chống lại "tư tưởng bành trướng" của Trung Quốc mà ông nhìn thấy họ đã xâm lấn lãnh thổ, xâm nhập vùng biển của các nước khác.

Cả Ấn Độ và Nhật Bản đều có tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc qua biên giới Himalaya và quần đảo Senkaku ở Hoa Đông. Cả hai đều đặc biệt quan tâm đến việc tuân thủ tự do hàng không hàng hải ở Biển Đông, phản đối yêu sách đơn phương của Trung Quốc đòi chủ quyền đối với gần như toàn bộ vùng biển này.

Giới chức Ấn Độ đang nôn nao vì đường lưỡi bò 9 đoạn của Trung Quốc đòi "chủ quyền"với gần như toàn bộ Biển Đông dựa trên yêu sách mơ hồ. Nếu để Trung Quốc kiểm soát các cửa ngõ vào Thái Bình Dương sẽ đe dọa trực tiếp sự tiếp cận của Ấn Độ với các đối tác và thị trường ở Đông Á.

Những tiền đồn quân sự Trung Quốc đang xây dựng (bất hợp pháp) ở Hoàng Sa và Trường Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam) sẽ đặt sức mạnh hải quân - không quân Trung Quốc ở cửa ngõ Ấn Độ Dương. Sự phát triển của hải quân tầm xa Trung Quốc được thiết kế không chỉ để vươn xuống khu vực Đông Nam Á mà còn ra Ấn Độ Dương, biển Ả Rập.

Sự lưu tâm của hải quân Ấn Độ đối với chính sách ngoại giao pháo hạm của Trung Quốc ở Biển Đông báo trước một thế trận trên biển quyết liệt hơn ở eo biển Malacca. Do đó gần đây Ấn Độ đã nỗ lực cải thiện quan hệ với các nước láng giềng Đông Nam Á để đối phó với ảnh hưởng và chiến lược cắt lát của Trung Quốc. Nhật Bản và Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong chiến lược của New Delhi.

Ấn Độ cũng khuyến khích Nhật Bản tài trợ cho một hành lang giao thông Đông - Tây với tuyến đường sắt, đường bộ kết nối Việt Nam, Thái Lan và Myanmar để phát triển kết nối Ấn Độ - Nhật Bản trên lục địa và ngăn chặn sự thống trị của Trung Quốc ở Đông Nam Á.

Hội nghị thượng đỉnh Ấn - Nhật không chỉ đơn giản là một cuộc gặp giữa 2 nhà lãnh đạo đang tìm cách khôi phục vị thế quốc gia thông qua tăng trưởng kinh tế và chính sách đối ngoại. Nó còn báo trước một sự thay đổi của trật tự mới ở châu Á hình thành bởi sự cân bằng quyền lực được tạo ra bởi các không gian chiến lược, bối cảnh chính trị cho các nước tự do phát triển.

Tương lai quan hệ Ấn - Nhật có ý nghĩa lớn hơn. Trung Quốc không thể thống trị châu Á hoặc các hệ thống quốc tế hiện hành, miễn là Ấn Độ và Nhật Bản phát triển mạnh và làm việc cùng nhau, hợp tác với Hoa Kỳ.

Cả ông Shinzo Abe và ông Narendra Modi đều coi Mỹ là đối tác bên ngoài quan trọng nhất. Trong khi đó Mỹ đang bị phân tâm ở Trung Đông thì nên thấy mình thật may mắn có những bạn bè, đồng minh như vậy ở châu Á để tất cả các quốc gia trong khu vực, bao gồm cả Trung Quốc, có thể phát triển lành mạnh mà không nước nào có thể làm bá chủ.

Hồng Thủy