Sự “đàng hoàng” của quan tham

13/12/2014 07:41
QUỐC TOẢN
(GDVN) - "Quan điểm của tôi cho rằng, cái gốc của sự thiếu gương mẫu xuất phát từ sự tham lam...", Trung tướng Nguyễn Quốc Thước nói về hiện tượng cán bộ xây nhà to.

Hàng loạt các cựu quan chức trong nước vừa bị phát hiện với nhiều vi phạm liên quan đến nhà đất, đặc biệt là nhà công vụ. Sự việc trở nên “nóng ran” khi tại nghị trường Quốc hội, có đại biểu đã đề xuất rằng, nên đưa vào bộ luật hình sự tội danh mới là “tham nhũng nhà công vụ”.

Hứng chịu nhiều “búa, rìu” dư luận nhiều nhất có lẽ vẫn là nguyên Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền. Cựu quan chức này khiến người ta phát hoảng với khối tài sản khổng lồ về nhà, đất, và độ “lì” trong việc giao trả nhà công vụ. 

Để sở hữu, chiếm dụng được số “của nổi” khổng lồ ấy, ông Truyền đã phải “than nghèo, kể khổ” với chính quyền để mong nhận được sự “giúp đỡ”. Mặc dù vậy, người dân thì hầu hết ai cũng nghĩ và biết, làm đến chức vụ cao như ông mà “kêu” khó khăn về chỗ ở thì có lẽ là chuyện hiếm. Bởi, số tài sản ấy là niềm mơ ước của biết bao người.

Căn biệt thự của con trai ông Truyền tại tỉnh Bến Tre
Căn biệt thự của con trai ông Truyền tại tỉnh Bến Tre

Từ đây cũng xuất hiện hàng loạt vấn đề liên quan tới việc cấp đất, giao nhà không đúng đối tượng - Thứ mà lẽ ra ông Truyền không đáng được nhận (ông Truyền không thuộc đối tượng cấp nhưng vẫn nhận đất của Quân khu. Ông có nhà ở TP. Hồ Chí Minh nhưng vẫn xin thêm nhà để tiện cho công tác, nhưng lại xin đề tên con…). Vụ việc kéo dài trong nhiều năm nhưng chính quyền địa phương vẫn không có hướng xử lý triệt để. Bản chất vấn đề chỉ được lộ rõ khi có kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương (kết luận chỉ rõ những vi phạm về nhà, đất của ông Truyền).

Mới đây, trong cuộc họp của Ban thường vụ Tỉnh ủy Bến Tre kiểm điểm ông Trần Văn Truyền, nguyên Tổng Thanh tra Chính phủ thừa nhận khuyết điểm và chịu mọi hình thức kỷ luật của Đảng. 

Một câu chuyện khác cũng không kém phần “rôm rả” là việc ông Hoàng Văn Nghiên – Nguyên Chủ tịch UBND TP. Hà Nội biến căn biệt thự công tại 12 Nguyễn Chế Nghĩa thành “của để dành”. Ông Nghiên được cho là “liều” đến mức, 8 năm sau khi về hưu, vị này vẫn chưa chịu trả lại biệt thự công cho nhà nước, thay vào đó ông lại giao căn biệt thự cho gia đình người con trai.

Vi phạm đã được dư luận phát giác, tuy nhiên, những phát biểu sau đó của ông Nghiên được giới truyền thông đánh giá là thiếu tính xây dựng: “Tôi chả có việc gì để nói chuyện cả. Tôi có làm gì đâu mà chuyện với trò. Nguyện vọng của tôi, tôi đã nói với chính quyền 10 năm nay rồi. Còn bây giờ chẳng có gì để nói cả. Sống đàng hoàng thì chả phải nói gì với ai”.

Cựu chủ tịch TP. Hà Nội Hoàng Văn Nghiên: "Sống đàng hoàng thì chả phải nói gì với ai”
Cựu chủ tịch TP. Hà Nội Hoàng Văn Nghiên: "Sống đàng hoàng thì chả phải nói gì với ai”

Nói về việc này, ông Phạm Sỹ Liêm - nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, nguyên phó chủ tịch UBND TP Hà Nội cho rằng, lãnh đạo TP. Hà Nội đang có sự lúng túng trong việc thể hiện thái độ kiên quyết thu hồi biệt thự này: “Có thể ông Nghiên cũng biết thế nên chây ì ra”, ông Liêm nhận định.

Như vậy việc ông Nghiên “ôm khư khư” căn nhà công vụ (mà nhẽ ra ông đã phải trả lại từ cách đây 8 năm trước) làm “vốn” cho con cháu sử dụng cũng được cho đàng hoàng? Là chẳng có gì để nói? Và nếu điều này được ông Nghiên coi là bình thường, thì từ nay nghĩa của từ “đàng hoàng” trong từ điển Tiếng Việt có lẽ cần phải chỉnh sửa hoặc bổ sung thêm?

Điều bất ngờ là không lâu sau khi căn biệt thự công vụ số 12 Nguyễn Chế Nghĩa bất ngờ nằm “chình ình” trên mặt báo, thì ngày 5/12, ông nghiên có đơn gửi Sở Xây dựng, UBND TP. Hà Nội xin trả lại biệt thự 12 Nguyễn Chế Nghĩa. Ngày 9/12, Phó Chủ tịch UBND. TP Hà Nội thông báo với giới truyền thông rằng, nhà chức trách đã yêu cầu đơn vị có liên quan thanh lý hợp đồng cho thuê căn biệt thự này. Lý do được vị nguyên Chủ tịch đưa ra là: “Vụ việc xảy ra đã kéo dài, ít nhiều ảnh hưởng đến công việc chung của thành phố…”. 

Một trường hợp khác cũng vừa được dư luận nhắc tới là việc ông Hà Hòa Bình – nguyên chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc xây biệt thự lấn chiếm gần 400m2 đất dự án. Ông Bình chỉ chịu tháo dỡ hạng mục công trình vi phạm khi có phản ánh báo chí và sự vào cuộc từ phía cơ quan chức năng...

Muộn còn hơn không, ít nhất các vị cũng đã biết vi phạm mà trả lại nhà, đất. Đến nay, ông Nghiên làm đơn xin trả lại nhà công vụ, ông Truyền thừa nhận vi phạm về nhà đất, xin nhận “án” kỷ luật dưới mọi hình thức, ông Bình đã khắc phục sai phạm vì hành vi lấn chiếm đất…Sự việc cũng cho thấy, một số cựu quan chức của nước ta đã gương mẫu, đàng hoàng như thế nào?

Nói như Trung tướng Nguyễn Quốc Thước – nguyên Tư lệnh Quân khu IV, những vi phạm trong công tác nhà, đất của một số cựu quan chức xuất phát từ sự thiếu gương mẫu của những người từng làm lãnh đạo: “Cần phải làm rõ phía sau sự thiếu gương mẫu đó là vấn đề gì? Sự thiếu hiểu biết, kém nhận thức, hay sự tham lam vô độ trong cuộc sống? Quan điểm của tôi cho rằng, cái gốc của sự thiếu gương mẫu xuất phát từ sự tham lam, từ đó dẫn đến sự tham nhũng”.

QUỐC TOẢN