Sự thật về làng nói ngôn ngữ thời Âu Lạc ở Hà Nội

16/07/2012 11:20
Hoàng Lâm
(GDVN) - Không có sách nào chép lại, đến nay, thứ ngôn ngữ cổ ở làng Đa Chất đang dần bị thất truyền và chìm vào quên lãng mang theo nhiều điều bí ẩn về gốc tích.
Có chăng làng nói tiếng… Âu Lạc giữa thủ đô?
Cách Hà Nội khoảng 40 km, làng Đa Chất (xã Đại Xuyên, huyện Phú Xuyên, Hà Nội) nằm yên bình giữa ngã ba sông Lương và sông Nhuệ hiền hòa. Không giống như nhiều làng quê khác ở Hà Nội, làng Đa Chất được đồn đoán có một thứ “ngôn ngữ cổ” đang dần dần biến mất cùng những thế hệ người cao tuổi của làng.
Theo lời chỉ dẫn của dân làng, chúng tôi tìm đến nơi ở của cụ Nguyễn Văn Đoán – 73 tuổi. Cụ Đoán là một trong những người cao tuổi hiếm hoi của làng hiện còn biết sử dụng thứ ngôn ngữ cổ này và bản thân cụ Đoán cũng từng là một thợ đóng cối khá nổi tiếng khi xưa ở làng Đa Chất.
Ngay khi gặp được cụ Đoán với câu hỏi về việc làng đang lưu trữ và thường xuyên sử dụng một thứ ngôn ngữ có từ thời Âu Lạc, cụ Đoán vừa cười vừa xua tay: “Làng tôi làm gì có ngôn ngữ cổ Văn Lang hay Âu Lạc nào đâu. Đó chỉ là tiếng lóng của các anh thợ đóng cối ngày xưa thôi”.
Cụ Đoán bên chiếc cối xay thóc cổ ngày xưa của gia đình từng dùng và cũng là nguồn gốc cho ra đời tiếng lóng mà nhiều người vẫn cho là ngôn ngữ cổ ở Đa Chất
Cụ Đoán bên chiếc cối xay thóc cổ ngày xưa của gia đình từng dùng và cũng là nguồn gốc cho ra đời tiếng lóng mà nhiều người vẫn cho là ngôn ngữ cổ ở Đa Chất
Cụ Đoán giải thích rõ rằng, tiếng lóng của làng Đa Chất có từ lâu lắm rồi và trong cả xã chỉ có làng Đa Chất là có thứ ngôn ngữ này. Đặc biệt, thứ ngôn ngữ cổ xưa mà đã có một số bài báo nói có từ thời Âu Lạc thực tế chỉ có từ khi làng Đa Chất làm nghề đóng cối tuốt lúa chứ không phải có từ thời Âu Lạc. Sau đó được truyền miệng từ đời này sang đời khác như một cách bảo vệ bí mật nghề nghiệp của phường đóng cối khi đi xa và đồng thời cũng là để nhận diện được đồng hương của mình. 
Làng Đa Chất vốn nổi tiếng từ xa xưa là có nghề đóng cối xay lúa truyền thống bằng tre nứa rất tốt và được gần xa biết đến bởi các sản phẩm khéo tay của các người thợ. Để kiếm thêm tiền ở các tỉnh khác, nhiều thợ đóng cối ở Đa Chất đã đi đến nhiều tỉnh thành khác nhau khắp cả nước để đóng cối bán.  
Đó là chưa kể đến việc các thợ đóng cối làng Đa Chất dùng tiếng lóng có cái lợi là đôi khi phường đóng cối đến nhà chủ nhà có thể nói chuyện về việc đối đãi của chủ nhà để làm cho tốt hay… chơi xấu những chủ nhà xấu tính.
Tiếng lóng hay ngôn ngữ cổ
Cụ Đoán chứng minh cho tôi những gì mà một bài báo trước đó từng viết về thứ ngôn ngữ cổ ở làng Đa Chất thực tế là chưa chính xác. Cụ nói rằng các vật dụng, hành động hàng ngày đều có trong tiếng lóng của làng Đa Chất và diễn đạt được rất cụ thể cũng như có thể ghép nối lại với nhau như trong bảng chữ cái.
Cụ Đoán chỉ ra một số tiếng lóng thường dùng như: “Bệt là nhà, cong là đắt, hớ là rẻ, thít là ăn, đồi ỏn là trẻ con, mận là chè thuốc, êm là cỗ, hay những câu các thợ cối ngày xưa thường hay nói như: “Xấn lăn cho choáng” (Làm nhanh cho đẹp), “Xấn rỉa cho choáng” (chẻ dăm nhỏ ra cho đều mới đẹp). “Không thít êm, xấn xí” (không có cơm ngon đâu làm ẩu thôi)…
Để nói được thứ tiếng lóng độc đáo này, cụ Đoán cho biết có phường đóng cối xưa kia. Thứ hai là từ phương pháp truyền miệng phải được dùng liên tục, nếu không cũng chẳng hiểu người đối diện nói gì vì ngày xưa các cụ nói rất nhanh thành vần.
Đến ngày nay, sở dĩ thứ tiếng lóng của làng Đa Chất từng được “gắn mác” tiếng Việt cổ đang dần bị thất truyền là vì nghề đóng cối truyền thống đã mai một dần. Thay vào đó, người dân sử dụng những thứ máy móc công nghệ cao hơn rất nhiều để xay thóc. Đó là chưa kể đến chuyện thế hệ trẻ cũng chẳng mấy bận tâm đến việc tìm hiểu thứ tiếng lóng đặc trưng chỉ có ở Đa Chất quê mình nên rất khó để truyền lại. Còn các bậc lão thành từng làm thợ cả đóng cối như cụ Đoán giờ lâu không dùng cũng đã quên đi ít nhiều thứ tiếng lóng kì lạ.
Cụ Đoán bên bộ đồ nghề phó cối ngày xưa của mình
Cụ Đoán bên bộ đồ nghề phó cối ngày xưa của mình
“Nhìn cái gì xung quanh cũng có thể nói được bằng tiếng lóng. Tôi cũng không biết tổ nghề là ai và ngôn ngữ này có từ bao giờ, chỉ biết có từ lâu lắm rồi. Hiện nay, bọn trẻ không quan tâm mấy đến tiếng lóng của làng nên chẳng ai để ý cả”, cụ Đoán cho biết.
Để tìm ra câu trả lời rõ ràng nhất về thứ tiếng lóng được gắn mác “ngôn ngữ cổ” của làng Đa Chất, phóng viên tìm gặp GS. TS Trần Trí Dõi, Khoa Ngôn ngữ học, Đại học Khoa học Xã Hội và Nhân văn Hà Nội và mọi việc đã dần được sáng tỏ.
Theo Giáo sư Dõi, thứ “ngôn ngữ lạ” mà các thợ cối làng Đa Chất sử dụng không có quy luật ngữ âm lịch sử nào của tiếng Việt cổ và nếu đúng là "ngôn ngữ cổ" như một số bài báo đã đưa thì không chỉ lưu giữ ở một nhóm nhỏ như làng Đa Chất. Đặc biệt chỉ có phường thợ cối ở Đa Chất mới sử dụng như vậy.
Giáo sư Dõi cho rằng, lời cụ Đoán là hoàn toàn chính xác vì chỉ nên coi đó là tiếng lóng của một bộ phận người dân sử dụng cho công việc đóng cối khi đó. Tuy nhiên, hệ thống tiếng lóng đặc trưng của làng Đa Chất cũng là một tài sản văn hóa đáng quí còn được lưu giữ và rất phong phú nên cần được gìn giữ cẩn thận...
Hoàng Lâm