Tang lễ ông Phạm Quý Ngọ sẽ được cử hành theo cấp nào?

19/02/2014 09:30
Hải Đường
(GDVN) - Một số luồng tin từ các trang web đặt máy chủ ở nước ngoài cho rằng, ông Ngọ sẽ không được tổ chức tang lễ cấp nhà nước vì lời cáo buộc của Dương Chí Dũng.


Như Giaoduc.net.vn đã đưa tin, Thượng tướng Phạm Quý Ngọ, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an do lâm bệnh nặng, đã từ trần vào hồi 21h05 ngày 18/02/2014 tại Bệnh viện Quân đội 108.

Tướng Ngọ, trong thời gian điều trị bệnh ung thư, đã bị Dương Chí Dũng nêu đích danh là người “mật báo” cho Dương Chí Dũng bỏ trốn và nhận khoản tiền 500.000 USD. Ông Ngọ lên tiếng bác bỏ ngay tại thời điểm phiên xử cựu chủ tịch Vinalines.

Nhiều luồng dư luận cực đoan nói rằng ông Ngọ sẽ bị tước bỏ lễ tang cấp Nhà nước vì dính nghi án mật báo cho Dương Chí Dũng. Tuy nhiên, thực tế không phải vậy.
Nhiều luồng dư luận cực đoan nói rằng ông Ngọ sẽ bị tước bỏ lễ tang cấp Nhà nước vì dính nghi án mật báo cho Dương Chí Dũng. Tuy nhiên, thực tế không phải vậy.

Sự ra đi của ông Phạm Quý Ngọ vừa để lại nhiều thương tiếc và cả hụt hẫng khi dư luận chưa được rõ về lời tố của Dương Chí Dũng tại phiên tòa trước đây. Ông cũng không có cơ hội tự mình chứng minh sự trong sạch trước thông tin từng gây rúng động mà cựu chủ tịch Vinalines khai trong phiên tòa xử em trai mình – Dương Tự Trọng – về tội tổ chức cho anh trai bỏ trốn.

Với những thực tế đó, nhiều người đang băn khoăn, ông Phạm Quý Ngọ sẽ được tổ chức theo cấp lễ tang nào? Nhiều luồng dư luận cực đoan nói rằng ông Ngọ sẽ bị tước bỏ lễ tang cấp Nhà nước vì dính nghi án mật báo cho Dương Chí Dũng. Tuy nhiên, thực tế không phải vậy.

Theo Nghị định 105 về tổ chức lễ tang cán bộ, công chức, viên chức, Quốc tang chỉ áp dụng với 4 chức danh Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, hoặc những cán bộ cao cấp khác có công ơn to lớn với sự nghiệp cách mạng mà Bộ Chính trị quyết định.

Với tang lễ cấp Nhà nước, chỉ áp dụng cho: Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư BCH Trung ương Đảng; Phó Chủ tịch nước; Phó Thủ tướng; Phó Chủ tịch Quốc hội; Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ; Chánh án TAND Tối cao; Viện trưởng Viện KSND Tối cao; Đại tướng lực lượng vũ trang nhân dân; Thượng tướng lực lượng vũ trang nhân dân là cán bộ hoạt động cách mạng trước tháng 8/1945.

Như vậy, căn cứ theo Nghị định 105/2012, đám tang ông Phạm Quý Ngọ không được tổ chức theo nghi lễ cấp Nhà nước. Trường hợp của ông Ngọ thuộc điều 34 của Nghị định này: “Cán bộ đương chức, thôi giữ chức thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng quản lý…”, là Lễ tang Cấp cao.

Trong trường hợp những người thuộc diện được tổ chức tang lễ cấp Nhà nước mà bị kỷ luật bằng hình thức cách chức, lễ tang cũng bị đưa xuống cấp “Lễ tang cán bộ, công chức viên chức”.

Người được tổ chức lễ tang Cấp cao, nếu bị kỷ luật giáng chức hoặc cách chức, cũng bị đưa xuống Lễ tang cán bộ, công chức viên chức”.

Tướng Ngọ, ngoài cáo buộc chưa được chứng minh của Dương Chí Dũng, là người đã gặt hái nhiều thành tích trong quá trình công tác trong lực lượng Công an Nhân dân, chưa từng bị kỷ luật. Ông còn được phong hàm Thượng tướng vào cuối năm 2013.

Trao đổi với PV Giaoduc.net.vn, một vị đại biểu Quốc hội trong ngành tư pháp xin giấu tên chia sẻ: “Nghĩa tử là nghĩa tận. Đám tang một con người như ông ấy đâu thể nào chờ đợi điều tra xong một lời tố chưa biết căn cứ đến đâu. Ông ấy đã thanh thản, đừng vì những cáo buộc mơ hồ mà đào xời mọi chuyện lên”.


Hải Đường