Tật xấu “con gà tức nhau tiếng gáy" khiến học sinh lớp 6 đọc, viết như lớp 1

15/04/2021 15:01
Cao Kim Anh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- “Bệnh thành tích rất dễ lây lan, không chỉ xảy ra ở một cấp, một ngành, do đó cần xử lý nghiêm khắc, quy trách nhiệm cụ thể”, ông Lê Như Tiến nhấn mạnh.

Ngày 14/4, trao đổi với phóng viên Tạp chí Điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Bùi Quý Khiêm - Chánh Văn phòng Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đồng Tháp cho biết, dự kiến đầu tuần tới (19/4), tỉnh sẽ họp các cán bộ quản lý giáo dục trên đại bàn triển khai các công việc cụ thể liên quan đến việc học sinh lớp 6 chưa đọc thông viết thạo như báo đã đưa tin trước đó.

Hiện tỉnh đang cho rà soát lại toàn bộ các trường học trên địa bàn tỉnh về tình trạng học sinh không đạt chuẩn về kiến thức và kỹ năng, xử lý nghiêm túc việc này.

Câu hỏi đặt ra là, tại sao có rà soát, có kiểm tra mà vẫn xảy ra tình trạng học sinh ngồi nhầm lớp nghiêm trọng? Để xảy ra vụ việc này, quy trách nhiệm cụ thể về ai, cơ quan nào?

Trao đổi với phóng viên Tạp chí Điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Lê Như Tiến - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội (Đại biểu Quốc hội khóa XII, XIII) cho biết: “Chuyện xảy ra ở Đồng Tháp chỉ là một thí dụ mới nhất chứ không phải là trường hợp duy nhất có tình trạng học sinh ngồi nhầm lớp một cách khôi hài mà chúng ta đã nhiều lần nhắc đến.

Vụ việc học sinh ở Đồng Tháp lên đến lớp 6 rồi vẫn đọc chưa thông, viết chưa thạo, theo tôi là nghiêm trọng. Bởi theo chương trình giáo dục phổ thông, sau khi kết thúc lớp 1 phải biết đọc thông, viết thạo. Như vậy, những học sinh này đã được nhảy cóc phi lý lên 5 lớp liên tiếp”.

Ông Lê Như Tiến nói thẳng, học sinh lớp 6 mà chưa đọc thông, viết thạo có trách nhiệm của giáo viên, nhà trường và cả phụ huynh. Ảnh: quochoi.vn

Ông Lê Như Tiến nói thẳng, học sinh lớp 6 mà chưa đọc thông, viết thạo có trách nhiệm của giáo viên, nhà trường và cả phụ huynh. Ảnh: quochoi.vn

Theo ông Lê Như Tiến, có nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan dẫn tới sự việc này: “Đầu tiên, nguyên nhân chính là bệnh thành tích vẫn tồn tại ở rất nhiều cơ sở giáo dục đào tạo. Chất lượng đào tạo không tương thích với chủ thể được đào tạo, học sinh lớp 6 nhưng kiến thức chỉ được như lớp 1. Học sinh học kém nhưng vẫn đẩy lên lớp thì không có lý do nào ngoài bản chất chính xác là bệnh thành tích.

Thứ hai là nếu không phải bệnh thành tích thì đó chính là sự thiếu trách nhiệm của giáo viên, đặc biệt là giáo viên chủ nhiệm. Không thể có chuyện các cô sát sao, quan tâm, chăm lo học trò mà không biết rằng học sinh của mình rơi vào tình trạng này.

Bên cạnh đó, để sự việc xảy ra như vậy đó cũng có lỗi của phụ huynh. Chúng ta không thể giáo dục học trò đến nơi, đến chốn, nếu thiếu sự chung tay góp sức của phụ huynh học sinh. Hàng ngày, phụ huynh học sinh phải có trách nhiệm kiểm tra xem con em của mình học hành như thế nào. Chưa đọc thông, viết thạo mà lên tới lớp 6 thì phụ huynh phải biết chuyện này xảy ra chứ”, ông Tiến chia sẻ.

Để một học sinh có môi trường học, kiến thức học tập đầy đủ là sự kết hợp giữa nhà trường, thầy cô, phụ huynh và chính các em học sinh. Do đó, thiếu đi một trong các yếu tố này thì sản phẩm trí tuệ không thể được như mong muốn.

Vậy nếu trường hợp “nhảy cóc" phi lý đến 5 lớp học liên tiếp thì vấn đề xảy ra ở khâu nào?

Việc truy xét trách nhiệm của cá nhân và tập thể liên quan tới sự việc này sẽ phải làm rõ, nhưng bên cạnh đó một vấn đề khác cũng rất quan trọng là phải có giải pháp cụ thể khi xảy ra sự việc như vậy, đặc biệt đối tượng bị ảnh hưởng nhiều nhất là các em học sinh.

“Bệnh thành tích là căn bệnh dễ lây lan, không chỉ xảy ra ở một cấp, một ngành. Căn bệnh thành tích có khiến cô giáo phải chịu sức ép từ ban giám hiệu, hiệu trưởng và cấp cao hơn?

Bệnh thành tích chui vào các ngõ ngách của giáo dục nên cần phải có những biện pháp nghiêm minh, nghiêm khắc, triệt để.

Đó là căn bệnh “con gà tức nhau tiếng gáy”, tỉnh này đạt chỉ tiêu 100% thì tỉnh mình cũng phải đạt, mặc dù điều kiện khác, cơ sở vật chất kém hơn nhưng vẫn cố đạt được chỉ tiêu về mặt hình thức. Tại sao không đào tạo đúng thực tiễn để thấy chất lượng chưa đạt, phải nâng cao, học hỏi mà phải ép học sinh cố gắng lên lớp 100%. Đó là hậu quả rõ ràng nhất của bệnh thành tích trong giáo dục hiện nay”, ông Tiến nhận định.

Bệnh thành tích trong giáo dục là căn bệnh trầm kha, nghiêm trọng, để lại nhiều hậu quả khôn lường và tình trạng “ngồi nhầm lớp” xảy ra thì người chịu ảnh hưởng nặng nhất chính là học sinh.

Vở của em N. viết sai khá nhiều. Ảnh: N.TÀI.

Vở của em N. viết sai khá nhiều. Ảnh: N.TÀI.

Theo ông Lê Như Tiến: “Giải pháp không có gì khác là đưa học sinh trở về đúng với trình độ của mình. Nếu xứng đáng trình độ bằng lớp 1 thì đưa trở về lớp 1. Đưa học sinh trở về với đúng lớp có trình độ tương thích như thế.

Thanh tra, kiểm tra của ngành giáo dục, của sở, phòng giáo dục địa phương phải vào cuộc để tìm ra nguyên nhân, xử lý và sửa chữa từ tận gốc rễ.

Câu chuyện này giống như sử dụng bằng cấp, chứng chỉ giả. Chúng ta phải thu hồi và xử lý bằng cấp của họ do không đúng trình độ như họ vốn có. Nếu tiếp tục đào tạo thì cũng chỉ là kiến thức giả, mà đã là kiến thức giả thì không được phép tồn tại trong nền giáo dục Việt Nam”.

Cao Kim Anh