Tên lửa chống hạm YJ-12 của Trung Quốc "to xác" nhưng hiệu quả thấp

27/01/2013 10:14
Đông Bình (nguồn báo Hoàn Cầu)
(GDVN) - Trung Quốc nghiên cứu phát triển YJ-12, đưa họ gia nhập vào cuộc chạy đua nghiên cứu phát triển tên lửa chống hạm siêu âm ở châu Á-Thái Bình Dương.
Tên lửa chống hạm siêu âm YJ-12 được đăng tải trên Internet
Tên lửa chống hạm siêu âm YJ-12 được đăng tải trên Internet

Tờ “Jane’s Defense Weekly” Anh vừa có bài viết cho rằng, những hình ảnh gần đây cho thấy Trung Quốc đang nghiên cứu phát triển tên lửa chống hạm tốc độ siêu âm YJ-12 (Ưng Kích-12).

Theo bài báo, tại Triển lãm Hàng không Chu Hải năm 2000, mô hình tên lửa chống hạm siêu âm YJ-12 lần đầu tiên xuất hiện, nó áp dụng phương án thiết kế động cơ phản lực xung áp 2 cửa hút gió.

Nhưng, nhìn vào hình ảnh mới nhất cho thấy, nó đã chuyển sang sử dụng động cơ phản lực xung áp 4 cửa hút gió, hầu như là phiên bản nâng cấp của tên lửa chống hạm KH-31 mà Trung Quốc nhập khẩu của Nga vào năm 2006 và 2007.

Có chuyên gia phỏng đoán, tên lửa YJ-12 có trọng lượng khoảng 2-2,5 tấn, chiều dài khoảng 7 m, tốc độ có thể đạt 2-4 Mach, tầm phóng khoảng 250-500 km. Nếu đây là sự thật, kích cỡ và trọng lượng của tên lửa YJ-12 sẽ vượt xa tên lửa chống hạm KH-31 do Nga chế tạo. KH-31 được Trung Quốc sản xuất với tên gọi YJ-91.

Ngoài ra, có nguồn tin cho rằng, Trung Quốc có thể còn đang nghiên cứu chế tạo một loại tên lửa chống hạm phóng thẳng đứng lớn hơn, gọi là YJ-18 (Ưng Kích-18), có kích cỡ tương đương tên lửa chống hạm KH-41 Sunburn được Trung Quốc mua của Nga từ thế kỷ trước.

Tên lửa chống hạm KH-31 Nga bán kính hành trình 50 km, nặng 600 kg, mang theo đầu đạn hạng nặng tới 87 kg
Tên lửa chống hạm KH-31 Nga bán kính hành trình 50 km, nặng 600 kg, mang theo đầu đạn hạng nặng tới 87 kg

Báo Anh cho rằng, việc nghiên cứu phát triển tên lửa chống hạm YJ-12 đưa Trung Quốc gia nhập vào cuộc chạy đua nghiên cứu phát triển tên lửa chống hạm siêu âm ở châu Á-Thái Bình Dương, trong đó có tên lửa chống hạm Hùng Phong-3 của Đài Loan, tên lửa chống hạm phóng từ trên không XASM-3 của Nhật Bản và tên lửa chống hạm Brahmos được Indonesia nhập của Ấn Độ.

Theo bài báo, tháng 11/2012, nguồn tin từ Nga cho biết, Trung Quốc sẽ tiếp tục mua hệ thống đẩy của tên lửa chống hạm KH-31, bởi vì phiên bản nội địa của Trung Quốc vẫn chưa thể đạt được tính năng hàng nguyên bản.  Xét tới kích cỡ của tên lửa YJ-12, hiệu quả của hệ thống đẩy phản lực xung áp của loại tên lửa này có thể hoàn toàn không cao.

Tên lửa chống hạm siêu âm Brahmos Ấn Độ
Tên lửa chống hạm siêu âm Brahmos Ấn Độ
Tên lửa chống hạm XASM-3 trang bị cho máy bay chiến đấu F-2 của Nhật Bản.
Tên lửa chống hạm XASM-3 trang bị cho máy bay chiến đấu F-2 của Nhật Bản.
Tên lửa chống hạm siêu âm Hùng Phong-3 Đài Loan
Tên lửa chống hạm siêu âm Hùng Phong-3 Đài Loan
Đông Bình (nguồn báo Hoàn Cầu)