Tên lửa DF-41 hay chỉ là đống sắt vụn xuất hiện trên đường của TQ?

16/02/2014 06:43
Việt Dũng
(GDVN) - Bài viết tiết lộ Trung Quốc vừa vận chuyển tên lửa xuyên lục địa DF-41 khỏi nhà máy, đồng thời chỉ ra một số đặc điểm khác với tên lửa Nga.
Tên lửa xuyên lục địa Đông Phong-41 mới được dân mạng Trung Quốc tuyên truyền
Tên lửa xuyên lục địa Đông Phong-41 mới được dân mạng Trung Quốc tuyên truyền

Mạng quân sự sina Trung Quốc dẫn trang mạng tổ hợp công nghiệp quân sự Nga ngày 14 tháng 2 đưa tin, tờ "Washington Free Beacon" Mỹ ngày 10 tháng 2 cho biết, hình ảnh tên lửa đạn đạo xuyên lục địa kiểu cơ động Đông Phong-41 (DF-41) từ nhà máy chế tạo chuyển tới đơn vị quân sự gần đây xuất hiện trên mạng internet.

Hình ảnh này được “những người yêu thích quân sự Trung Quốc” tải lên mạng vào ngày 31 tháng 1, khi đó tên lửa đang được vận chuyển từ một nhà máy của Quân đội Trung Quốc.

Từ hình ảnh có thể thấy, trên tên lửa được che phủ bởi vải bạt màu xanh lam, khi từ nhà máy đi ra có lực lượng cảnh sát hộ tống. Một cư dân mạng tên là Uy Đằng cho rằng, tên lửa trong hình là Đông Phong-41 của Lực lượng tên lửa chiến lược Trung Quốc (tức Pháo binh 2), đó là tên lửa DF-41.

Sau đó, một số cư dân mạng phỏng đoán, tên lửa Đông Phong-41 là phiên bản Trung Quốc của tên lửa RT-2UTTKH Topol-M (phương Tây gọi là SS-27) của Nga.

Có người cho rằng, so với tên lửa xuyên lục địa SS-27 của Nga, tên lửa Đông Phong-41 có đặc sắc chế tạo Trung Quốc rõ ràng. Trong đó, sàn xe cơ động của Đông Phong-41 ngắn và thấp hơn một chút so với SS-27, tương đối thích hợp với di chuyển ở khu vực miền núi, đường sắt, đường bộ và đường hầm ở Trung Quốc.

Tên lửa chiến lược Topol-My của Nga
Tên lửa chiến lược Topol-My của Nga

Có bình luận cho rằng, hình dáng của tên lửa xuyên lục địa kiểu cơ động Đông Phong-41 khá thấp, vì vậy làm cho vệ tinh đối phương khó có thể phát hiện khi di chuyển ra ngoài khu vực theo dõi, di chuyển từ đường hầm này sang đường hầm khác.

Lực lượng Pháo binh 2 có 3.000 dặm Anh đường hầm dưới lòng đất, những đường hầm này chuyên dùng để né tránh các cuộc tấn công của Mỹ, tránh để lực lượng hạt nhân Trung Quốc bị tiêu diệt, vì vậy vệ tinh Mỹ rất khó bám theo những tên lửa cơ động này.

Tờ "Washington Free Beacon" cho rằng, tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Đông Phong-41 có thể lắp nhiều tới 10 đầu đạn hạt nhân, tạo ra mối đe dọa mạnh đối với an ninh quốc gia lãnh thổ Mỹ. Hai tuần trước khi hình ảnh này được truyền đi, tờ "Washington Free Beacon" cũng vừa đưa tin về việc Quân đội Trung Quốc phóng thử lần 2 tên lửa xuyên lục địa Đông Phong-41 vào ngày 14 tháng 12 năm 2013.

Các cơ quan tình báo Mỹ luôn theo dõi chặt chẽ tình hình phóng thử loại tên lửa này của Trung Quốc. Quả tên lửa này được phóng từ bãi phóng tên lửa Ngũ Trại, thành phố Thái Nguyên, tỉnh Sơn Tây. Căn cứ vào tin tức tình báo của Lầu Năm Góc, lần phóng thử đầu tiên trước đó được tiến hành vào ngày 24 tháng 7 năm 2012.

Được biết, tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Đông Phong-41 có tầm bắn khoảng 11.000 - 12.000 km, sử dụng nhiều đầu đạn độc lập, một quả tên lửa có thể tấn công nhiều thành phố của nước Mỹ.

Tên lửa chiến lược DF-31A Trung Quốc
Tên lửa chiến lược DF-31A Trung Quốc
Tên lửa đạn đạo tầm trung Đông Phong-21C Trung Quốc
Tên lửa đạn đạo tầm trung Đông Phong-21C Trung Quốc
Việt Dũng