Thẻ căn cước, từ Hán mà chưa được Việt hóa

09/09/2014 06:40
Ngọc Quang
(GDVN) - Phiên thảo luận hội nghị đại biểu chuyên trách bàn về Luật căn cước công dân chiều 8/9, Đại biểu Ngô Văn Minh nói: Đây là từ Hán chưa được Việt hóa.

Có cấp thẻ căn cước cho trẻ em dưới 14 tuổi?

Tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội đã thảo luận và cho ý kiến lần đầu về dự án Luật Căn cước công dân, dự kiến sẽ trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 8. Điểm mới của dự thảo Luật căn cước công dân lần này so với dự thảo luật trình quốc hội tại kỳ họp thứ 7 là bổ sung một chương quy định về Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Đây sẽ là căn cứ pháp lý để Chính phủ triển khai xây dựng Cơ cở dữ liệu quốc gia về dân cư, phục vụ công tác quản lý nhà nước về dân cư theo Đề án 896 của Chính phủ. 

Việc cấp thẻ căn cước cho trẻ dưới 14 tuổi là nội dung được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm. Nhiều ý kiến đồng tình với quan điểm của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cho rằng việc cấp thẻ căn cước công dân cho người chưa đủ 14 tuổi để bảo đảm quyền bình đẳng của công dân theo Hiến pháp năm 2013, không có sự phân biệt công dân theo độ tuổi; đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho công dân trong giao dịch, giảm thủ tục hành chính, góp phần hiện đại hóa, tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước.

Tuy nhiên, cũng có những băn khoăn về lợi ích thực sự của việc cấp thẻ. Đại biểu Nguyễn Anh Sơn (đoàn Nam Định) đặt vấn đề về việc quy định thẻ Căn cước thay thế giấy khai sinh nhưng thực tế nhiều nơi yêu cầu phải có.

“Thẻ cấp không ghi tên cha mẹ như giấy khai sinh trong khi ở độ tuổi này, giao dịch với các cháu luôn gắn tên với bố mẹ. Vậy làm thế nào để biết tên họ? Tôi lấy ví dụ đơn giản, các cháu vào bệnh viện khám bệnh thì liệu ở đó có thiết bị đọc để phát hiện được thân nhân (bố, mẹ) cháu hay không? Cơ sở vật chất hiện nay chắc chắn là chưa đáp ứng được. Trong những trường hợp như thế này thì việc cấp phát sẽ gây tốn kém một khoản không nhỏ”, Đại biểu Sơn nói.

Phiên thảo luận hội nghị đại biểu chuyên trách chiều 8/9 đặt ra nhiều vấn đề cần phải làm rõ ở dự thảo Luật Căn cước công dân.
Phiên thảo luận hội nghị đại biểu chuyên trách chiều 8/9 đặt ra nhiều vấn đề cần phải làm rõ ở dự thảo Luật Căn cước công dân.

Đại biểu Trần Đình Long (đoàn Đắc Nông) thì nhấn mạnh rằng, không thể thay thế giấy khai sinh bằng thẻ căn cước công dân, vì giấy khai sinh được Luật Hộ tịch quy định, để Nhà nước thừa nhận một công dân, được quốc tế công nhận. Ý nghĩa, mục đích của việc cấp giấy khai sinh như thế nào thì Luật Hộ tịch đã quy định cụ thể. Do vậy, cần giữ quy định cấp giấy khai sinh cho trẻ em.

“Luật quy định hạn sử dụng thẻ căn cước của người dưới 15 tuổi là từ khi cấp thẻ đến khi người đó đủ 14 tuổi, tức là trẻ em mới sinh thì thời hạn sử dụng thẻ khoảng 14 năm. Theo số liệu thống kê, mỗi năm có khoảng 1 triệu trẻ em được sinh ra và khoảng 2 triệu người cần cấp lại thẻ. Việc này là hết sức tốn kém. Số định danh không thay đổi qua các lần thay đổi thì sao phải thay đổi thẻ liên tục, sao không cập nhật? Đó là chưa kể đến sự trùng lắp thông tin khi nhiều người trong gia đình phải khai báo”, Đại biểu Long đặt vấn đề.

Ai được quyền khai thác thông tin cá nhân trong thẻ căn cước?

ĐBQH Nguyễn Sỹ Cương - Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội bày tỏ sự đồng tình cấp thẻ căn cước cho công dân dưới 14 tuổi để đảm bảo sự tiện lợi, không cần mang theo giấy khai sinh. Tuy nhiên, vấn đề cần phải làm rõ là cơ quan chức năng nào được quyền khai thác thông tin cá nhân trong thẻ căn cước?

“Thẻ này dần dần được bổ sung rất nhiều tích hợp thông tin, nhưng ai được phân cấp khai thác thông tin ở đó thì quy định rất không cụ thể. Thẻ căn cước đưa ra có đầu đọc thẻ, nhưng không thể cho phép đọc tất cả, cho nên phải có sự phân cấp: Cấp xã được khai thác thông tin ở mức độ nào? Cấp huyện mức độ nào? Cấp tỉnh mức độ nào? Không thể có chuyện ở đâu có đầu đọc thẻ là cũng đọc được hết thông tin cá nhân”, Đại biểu Cương nói.

Trong khi đó Đại biểu Đỗ Văn Đương (đoàn TP Hồ Chí Minh) cũng đặt vấn đề "kỹ thuật" tương tự như đại biểu Sơn: “Làm thế nào để có thể lấy thông tin được lưu trong con chíp lúc cần mà không phải chạy tới cơ quan công an? Những giao dịch dân sự rất bình thường như mua, bán nhà, khi cần lấy thông tin cá nhân từ thẻ căn cước thì làm thế nào? Tôi chỉ xin hỏi một câu như vậy”.

Ngoài ra, một số Đại biểu tiếp tục nêu ý kiến về tên gọi “Luật căn cước công dân”, cho rằng việc đổi tên gọi là không cần thiết.

Đại biểu Ngô Văn Minh (đoàn Quảng Nam) cho ý kiến: "Sự trong sáng của tiếng Việt là ở đây, sao phải thay bằng căn cước? Đây không phải từ Hán Việt mà là từ Hán chưa được Việt hoá. Tôi hình dung, việc này có giống với thẻ ATM không? Khi tôi có bao nhiêu tiền thì đều biết, trong khi thẻ căn cước thì rất khó. Tôi thấy tính khả thi chưa cao. Giấy khai sinh có tội tình gì mà phải thay bằng thẻ căn cước”.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh - ông Nguyễn Kim Khoa, ngành công an hiện đang lưu trữ, khai thác hệ thống tàng thư Chứng minh nhân dân với hơn 60 triệu người và hệ thống tàng thư hộ khẩu với hơn 80 triệu nhân khẩu (cùng với các cơ sở dữ liệu chuyên ngành khác đã và đang được hình thành). Những thông tin, tài liệu sẵn có này là nguồn quan trọng cung cấp cho Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, có thể tiết kiệm được chi phí cho việc đầu tư nhân lực, tiền của và rút ngắn thời gian xây dựng cơ sở dữ liệu.

Ngọc Quang