The Diplomat: Chu Vĩnh Khang và "luật pháp kiểu Trung Quốc"

31/07/2014 11:53
Hồng Thủy
(GDVN) - Điều tra Chu Vĩnh Khang là một thắng lợi với việc quản lý nhà nước bằng pháp luật, nhưng nó sẽ biến thành cú sốc nếu trường hợp ông Khang không phải ra tòa.
Ông Chu Vĩnh Khang đầy quyền lực khi còn đương chức.
Ông Chu Vĩnh Khang đầy quyền lực khi còn đương chức.

The Diplomat ngày 30/7 bình luận, trường hợp điều tra Chu Vĩnh Khang có mối liên hệ với tầm nhìn lớn hơn của ông Tập Cân Bình về các quy định pháp luật ở Trung Quốc. Cho đến khi chính thức công bố tin này, đảng Cộng sản Trung Quốc đã kiểm soát thời gian và phạm vi an toàn chính thức của tin tức một cách rất cẩn thận.

Vụ Chu Vĩnh Khang bị điều tra cho đến nay không chỉ là sự sụp đổ của một ông trùm an ninh, một cựu quan chức hàng đầu trong Thường vụ Bộ chính trị mà quan trọng hơn nó còn là chiến thắng của những quy định của pháp luật, The Diplomat bình luận.

Thông báo điều tra Chu Vĩnh Khang được đưa ra đúng lúc với tin tức về phiên họp toàn thể gọi là hội nghị Trung ương 4 của đảng Cộng sản Trung Quốc khóa 18 sẽ được tổ chức trong tháng 10. Với phạm vi an toàn của 2 câu chuyện này, rõ ràng chúng có mối liên hệ với nhau. Vì vậy không phải ngẫu nhiên trọng tâm của hội nghị Trung ương 4 tới đây sẽ là quản lý nhà nước theo pháp luật.

Ông Tập Cận Bình và bộ máy lãnh đạo mới đã quyết định phải "quản lý nhà nước theo pháp luật" là nội dung rất quan trọng để thực hiện các mục tiêu cải cách toàn diện, xây dựng xã hội khá giả, thực hiện giấc mơ Trung Hoa. Quan trọng hơn, Tập Cận Bình sẽ thiết lập các quy định của pháp luật để tăng khả năng kiểm soát xã hội của đảng Cộng sản Trung Quốc.

Tân Hoa Xã đã có một sự nhấn mạnh tương tự về tầm quan trọng của việc tăng cường các quy định của pháp luật. Quản lý đất nước bằng pháp luật phải trên tất cả các mặt trận để đạt được tăng trưởng kinh tế, chính trị trong sạch, văn hóa thịnh vượng và công bằng xã hội. "Xây dựng nhà nước pháp quyền là chìa khóa cho sự lãnh đạo của đảng Cộng sản Trung Quốc", Tân Hoa Xã nhấn mạnh.

Theo The Diplomat, đối với các nhà lãnh đạo Trung Quốc, việc thúc đẩy các quy định của pháp luật không có nghĩa là hệ thống kỷ luật của đảng Cộng sản Trung Quốc giảm vai trò. Ngược lại, cải cách pháp luật hiện hành là nhằm mục đích đảm bảo rằng các quan chức địa phương không thể can thiệp vào hoạt động của tòa án. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc cũng nhận thức rằng hình ảnh của đảng họ bị các quan chức địa phương làm méo mó, biến thái theo mục đích riêng của họ.

Trong khi Tập Cận Bình lại đang hình dung ra một hệ thống pháp luật cuối cùng "chịu ơn" đảng Cộng sản Trung Quốc, ông mong muốn kiểm soát toàn bộ hệ thống chứ không phải phụ thuộc vào các ý tưởng bất chợt của những quan chức địa phương.

Tập Cận Bình cũng nỗ lực xây dựng đảng Cộng sản Trung Quốc, nơi không có một thành viên nào của ban lãnh đạo là đứng trên tổ chức, đoàn thể. Đây là ý tưởng của ông về quy định của pháp luật gắn liền với trường hợp điều tra Chu Vĩnh Khang.

Dư luận Trung Quốc cho rằng điều tra Chu Vĩnh Khang là một thắng lợi với việc quản lý nhà nước bằng pháp luật, nhưng nó sẽ biến thành cú sốc nếu trường hợp ông Khang không phải ra tòa.

Và đây cũng là một trường hợp quy định pháp luật kiểu Trung Quốc, trường hợp của Chu Vĩnh Khang cần thực hiện tại một phiên tòa và điều này đã được quyết định. Không có cơ hội cho ông Khang chứng minh ông vô tội một khi ông phải ra tòa. Nếu đảng Cộng sản Trung Quốc thực sự muốn quản lý nhà nước bằng pháp luật, thì phán quyết Chu Vĩnh Khang có tội là gần như chắc chắn. 

Cuối cùng, những gì Tập Cận Bình nói về quản lý nhà nước bằng pháp luật không giống như khái niệm của phương Tây. Thuật ngữ chính xác hơn sẽ là sự siết chặt quản lý của đảng Cộng sản Trung Quốc thông qua công cụ luật pháp. Điều đó có nghĩa họ sẽ có nhiều lựa chọn kỷ luật các thành viên ngang bướng.

Hồng Thủy