Reuters ngày 30/7 đưa tin cho biết, hai nhà cựu lãnh đạo Trung Quốc có ảnh hưởng đã đồng ý cho phép Chủ tịch Tập Cận Bình mở cuộc điều tra chống lại Chu Vĩnh Khang.
Tập Cận Bình không thể mở một cuộc điều tra chống lại một nhân vật mạnh như Chu Vĩnh Khang, cựu ủy viên Thường vụ Bộ chính trị đảng Cộng sản Trung Quốc nếu không có sự hậu thuẫn của các thành viên cấp cao trong đảng và các quan chức hàng đầu khác đã về hưu, các nhà phân tích chính trị cho biết.
2 cựu Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào (trái) và Giang Trạch Dân. |
Cuộc điều tra chống lại Chu Vĩnh Khang được tiến hành với sự cho phép của cựu Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào và Giang Trạch Dân, Reuters dẫn lời hai nguồn tin có quan hệ gần gũi với các nhà lãnh đạo này cho biết.
"Giang Trạch Dân, Hồ Cẩm Đào, Tập Cận Bình đã đạt được sự đồng thuận để điều tra Chu Vĩnh Khang với hành vi vi phạm kỷ luật đảng", một trong các nguồn tin nói với Reuters. Mặc dù đã nghỉ hưu, nhưng hai ông vẫn còn giữ được sự ảnh hưởng nhất định đối với các nhà lãnh đạo mới.
Trong một tuyên bố ngắn gọn hôm 29/7, Tân Hoa Xã xác nhận Chu Vĩnh Khang đang bị điều tra với cáo buộc tham nhũng, vi phạm kỷ luật nghiêm trọng mà không có chi tiết cụ thể nào. Các nguồn tin của Reuters cho biết, ông bị cáo buộc tham nhũng liên quan tới các thành viên gia đình và các đồng minh chính trị và bị buộc tội nhận hối lộ giúp các quan chức khác thăng tiến.
Theo Reuters, tiết lộ mới cho thấy chiến dịch bài trừ tham nhũng do ông Tập Cận Bình đang tiến hành được cho là nhắm mục tiêu "đả hổ đập ruồi" sẽ không tạo ra các rạn nứt trong nội bộ đảng Cộng sản Trung Quốc.
Tuyên bố xác nhận điều tra Chu Vĩnh Khang được đưa ra cùng thời điểm với thông báo Thường vụ Bộ Chính trị sẽ được triệu tập vào tháng 10 để "nghiên cứu toàn diện chiến lược quản lý nhà nước theo pháp luật".
Tuy nhiên, một nguồn tin khác nói với Reuters rằng cuộc họp này thực chất được tổ chức là nhằm để xem xét khởi tố hình sự với Chu Vĩnh Khang, một động thái được cho phá vỡ các quy tắc trước đó là không điều tra hoặc xét xử công khai các ủy viên Thường vụ Bộ chính trị đương nhiệm hoặc nghỉ hưu.
Động thái bất thường này có thể đẩy ông Tập Cận Bình tới chỗ làm mất lòng các quan chức khác, những người lo sợ rằng họ có thể là mục tiêu tiếp theo sau Chu Vĩnh Khang.
Khoảng 30 quan chức cấp tỉnh và bộ ở Trung Quốc đã phải đối mặt với điều tra tham nhũng kể từ tháng 12/2012. Nhân dân Nhật báo ngày 30/7 cảnh báo, điều tra Chu Vĩnh Khang chưa phải là hết./.