The Economist: Tập Cận Bình muốn Trung Quốc thành trung tâm thiên hạ

07/11/2014 06:59
Hồng Thủy
(GDVN) - Tập Cận Bình không mấy tôn trọng Obama. Trung Quốc lên tiếng công kích ông chủ Nhà Trắng "yếu ý chí" trong chính sách đối ngoại.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Tờ The Economist ngày 7/11 bình luận, hàng loạt các nhà máy xung quanh Bắc Kinh phải tạm đóng cửa trong vài ngày, hàng triệu chiếc xe ô tô bị cấm ra đường phố, bầu trời trong xanh đột ngột xuất hiện ở Bắc Kinh vốn thường mịt mù khói bụi luôn luôn đồng nghĩa với một điều: 1 sự kiện lớn sắp diễn ra theo phong cách Trung Quốc.

Từ ngày 10/11 Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ chào đón các nhà lãnh đạo thế giới tới Bắc Kinh dự hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn Kinh tế khu vực châu Á - Thái Bình Dương (APEC). Lần đầu tiên kể từ Olympic 2008 Bắc Kinh lại đồng thời đón nhiều nguyên thủ hàng đầu trên thế giới, bao gồm người đứng đầu Hoa Kỳ, Nga và Nhật Bản.

Đây là thời điểm xác định chính sách đối ngoại của Tập Cận Bình. Sau khi trở thành người nắm quyền mạnh nhất Trung Quốc kể từ Đặng Tiểu Bình, Tập Cận Bình giờ đây dường như mong muốn một vai trò lớn hơn, có ưu thế hơn và được tôn trọng hơn trên trường quốc tế, thậm chí người tiền nhiệm Đặng Tiểu Bình cũng chưa bao giờ dám đòi hỏi.

Tôn trọng bắt đầu bằng cách niềm nở khi đón khách, những hành vi bắt nạt của Trung Quốc trong xung đột lãnh thổ với láng giềng đã làm gia tăng rất nhiều căng thẳng trong khu vực. Nhưng giờ đây Tập Cận Bình xuất hiện để hạ bớt những căng thẳng này, đặc biệt là mối quan hệ Trung - Nhật đã rơi tự do. Sẽ là một tiến bộ đáng chú ý nếu APEC lần này Tập Cận Bình bắt tay Thủ tướng Shinzo Abe.

Vào ngày 11 và 12 ông Tập Cận Bình sẽ đón tiếp chính thức Tổng thống Mỹ Barack Obama. Đây là hội nghị thượng đỉnh thứ 2 với Tổng thống Mỹ sau cuộc gặp ở Sunnylands, California vào tháng 6 năm ngoái. Ngoài những biểu hiện thân thiện bề ngoài như cùng đi dạo, ngắm cảnh, nhưng hội nghị thượng đỉnh Sunnylands không mang lại đột phá nào, mặc dù truyền thông Trung Quốc đua nhau bình luận về "mô hình mới quan hệ giữa 2 nước lớn".

Tập Cận Bình và Barack Obama tại Sunnylands năm ngoái.
Tập Cận Bình và Barack Obama  tại Sunnylands năm ngoái.

Tuy nhiên mô hình mới này ngụ ý một vai trò giảm sút của Washington, ít nhất là ở châu Á nên ông Obama dường như không có ý định tiến xa hơn. Những hy vọng từ cử chỉ thân mật ở Sunnylands năm ngoái đã ít có tác động ảnh hưởng dẫn dắt quan hệ 2 nước đơm hoa kết trái.

Trong khi đó Tập Cận Bình không mấy tôn trọng Obama. Trung Quốc lên tiếng công kích ông chủ Nhà Trắng "yếu ý chí" trong chính sách đối ngoại, nhiều tham vọng của Tập Cận Bình nằm ở chỗ khác, trên tất cả là giấc mơ để Trung Quốc trở thành trung tâm của thiên hạ, mọi quốc gia khác phải xem xét lợi ích của Bắc Kinh.

Thái độ này của Tập Cận Bình đã trở nên rất quen thuộc đối với các nước láng giềng ở Biển Đông và Hoa Đông. Trung Quốc vây hãm Philippines ở bãi Cỏ Mây, kéo giàn khoan 981 vào vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam, thách thức hoạt động kiểm soát của Nhật Bản ngoài Senkaku. Thậm chí ngay cả Hàn Quốc dù có quan hệ khá tốt, cái gọi là vùng nhận diện phòng không" mà Bắc Kinh áp đặt cũng đè lên cả không phận Hàn Quốc.

Tuy nhiên, Tập Cận Bình cũng "ve vãn" các đối tác bằng khẩu hiệu phát triển hòa bình. Ông đã thúc đẩy các sáng kiến đa phương, bao gồm xây dựng Ngân hàng Đầu tư - phát triển châu Á mới mà một số nước láng giềng như Ấn Độ cũng tham gia. Cùng với Brazil, Nga, Ấn Độ và Nam Phi xây dựng đế chế tài chính làm đối trọng với Ngân hàng Thế giới...

Một trong những người bạn cùng chơi với Tập Cận Bình là Tổng thống Nga Vladimir Putin. Trung Quốc và Nga từng có giai đoạn lịch sử mất lòng tin với nhau. Nhưng ngay khi vừa nhậm chức hồi tháng 3/2013, nước đầu tiên ông Tập Cận Bình đi thăm là Nga, ủng hộ Nga trong vấn đề Syria và không phê phán Moscow vụ sáp nhập Crimea.

Chủ đề mạnh mẽ liên kết giữa Trung Nam Hải với Điện Kremlin là chống lại sự thống trị của Mỹ trong các vấn đề quốc tế. Đầu năm nay Tập Cận Bình phát biểu tại một hội nghị có sự tham dự của Putin, rằng không nên có quốc gia nào cố gắng thống trị các vấn đề an ninh khu vực, xâm phạm quyền lợi chính đáng của nước khác. Không gọi đích danh Washington, nhưng 1 tháng trước đó Obama đã nhấn mạnh rằng hiệp ước an ninh của Mỹ với Nhật Bản bao gồm Senkaku.

Chính sách đối ngoại của Tập Cận Bình thành công nhưng chỉ 1 phần. Sự hung hăng của Trung Quốc trên biển đã đẩy một số nước láng giềng gần gũi hơn với Mỹ. Nhưng trong thời gian dài Trung Quốc vẫn là đối tác thương mại lớn nhất của các quốc gia châu Á. Bắc Kinh đang bận rộn theo đuổi các thỏa thuận thương mại khu vực và song phương trong khi sáng kiến hiệp định đối tác thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP) do Mỹ đề xướng vẫn đang đình trệ.

Hồng Thủy