Thổ Nhĩ Kỳ từ bỏ mua hệ thống tên lửa phòng không HQ-9 Trung Quốc

01/11/2013 10:31
Việt Dũng
(GDVN) - Thổ Nhĩ Kỳ quyết định kéo dài thời hạn đấu thầu đến ngày 31 tháng 1 năm 2014, Trung Quốc, Mỹ và châu Âu sẽ tiếp tục cạnh tranh quyết liệt.
Hệ thống tên lửa phòng không tầm xa HQ-9 Trung Quốc
Hệ thống tên lửa phòng không tầm xa HQ-9 Trung Quốc

Trung tâm phân tích chiến lược và công nghệ Nga ngày 29 tháng 10 đưa tin, Cục công nghiệp quốc phòng của Bộ Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ đã quyết định sẽ kéo dài hoạt động đấu thầu có liên quan đến mua sắm hệ thống tên lửa phòng không tầm xa đến ngày 31 tháng 1 năm 2014.

Động thái này có nghĩa là quyết định mua sắm hệ thống phòng không HQ-9 Trung Quốc vào ngày 26 tháng 9 của cơ quan này đã bị phủ quyết, đồng thời hoạt động đấu thầu sẽ được tiến hành lại.

Ngày 30 tháng 10, mạng tin tức khoa học công nghệ quốc phòng Trung Quốc dẫn thông tin từ hãng AFP cho biết, gần đây, Thổ Nhĩ Kỳ cho biết, nếu đàm phán với Trung Quốc thất bại, họ có kế hoạch tổ chức đấu thầu công khai mới về việc tiếp nhận lô hệ thống phòng thủ tên lửa tầm xa đầu tiên.

Dư luận suy đoán, Thổ Nhĩ Kỳ đưa ra quyết định mới nhất như trên sau khi đối mặt với sức ép to lớn từ Mỹ và các nước đồng minh châu Âu.

Công ty của Trung Quốc, Mỹ, châu Âu tiếp tục tranh thầu

Theo bài báo, Cục công nghiệp quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ đã chính thức gửi thư cho 3 doanh nghiệp tham gia tranh thầu, tuyên bố sẽ kéo dài thời hạn đấu thầu để các bên có thể đưa ra phương án đấu thầu mới.

Trong 3 tháng tiếp theo, hệ thống tên lửa HQ-9 của Công ty xuất nhập khẩu cơ khí chính xác Trung Quốc sẽ tiếp tục triển khai cạnh tranh quyết liệt với Patriot của Mỹ, Aster 30 của châu Âu. Còn phía Nga sẽ không tiếp tục tham gia đấu thầu lần này.

Tên lửa đất đối không Patriot Mỹ
Tên lửa đất đối không Patriot Mỹ

Sẵn sàng đối thoại với Mỹ, châu Âu

Hãng tin AFP dẫn lời Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu cho biết, giao dịch hoàn toàn chưa hoàn thành, nếu các công ty Mỹ và châu Âu có thể cung cấp sản phẩm tốt hơn, Thổ Nhĩ Kỳ sẵn sàng duy trì đối thoại với họ.

Ahmet Davutoglu nói, Thổ Nhĩ Kỳ đã gạt công ty Nga ra ngoài, nhưng hoàn toàn không gạt hai công ty còn lại. Nếu sản phẩm cung cấp thích hợp hơn với Thổ Nhĩ Kỳ, cơ quan liên quan sẽ tiến hành đánh giá.

Trước đó, về quyết định tổ chức đối thoại với Trung Quốc, Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan từng tuyên bố, bất cứ ai đều không có quyền can thiệp vào quyết sách độc lập của Thổ Nhĩ Kỳ.

Thủ tướng Nhật sẽ thuyết phục Thổ Nhĩ Kỳ từ bỏ mua HQ-9?

Ngày 28 tháng 10, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe bắt đầu tiến hành chuyến thăm Thổ Nhĩ Kỳ. Truyền thông Nhật Bản phân tích cho rằng, một mục đích của chuyến thăm này là muốn thuyết phục Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ không nên mua sắm hệ thống tên lửa của Trung Quốc.

Ngày 29 tháng 10 năm 2013, Nhật Bản và Thổ Nhĩ Kỳ ký kết thỏa thuận hợp tác năng lượng hạt nhân.
Ngày 29 tháng 10 năm 2013, Nhật Bản và Thổ Nhĩ Kỳ ký kết thỏa thuận hợp tác năng lượng hạt nhân.

Theo bài báo, đây là chuyến thăm Thổ Nhĩ Kỳ lần thứ hai trong một thời gian ngắn chưa đầy nửa năm của ông Shinzo Abe, điều này tương đối hiếm có.

Mặc dù Phủ Thủ tướng Nhật Bản nhấn mạnh, chuyến thăm này của ông Abe là để tham dự lễ khai thông đường hầm đáy biển Á-Âu, nhưng có phương tiện truyền thông phân tích cho rằng, ông Shinzo Abe thăm Thổ Nhĩ Kỳ ít nhất có 2 mục đích.

Một là thúc đẩy Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ nhanh chóng phê chuẩn doanh nghiệp Nhật Bản tham gia xây dựng nhà máy điện hạt nhân của Thổ Nhĩ Kỳ. Hai là thuyết phục Thổ Nhĩ Kỳ không nên mua sắm hệ thống tên lửa của Trung Quốc, làm cho giao dịch gây tranh cãi này tăng thêm biến số.

Mỹ và NATO đã tức giận trước quyết định cũ của Thổ Nhĩ Kỳ

Cuối tháng trước, Công ty xuất nhập khẩu cơ khí chính xác Trung Quốc giành chiến thắng trong cuộc đấu thầu cung ứng, hợp tác sản xuất hệ thống phòng không với Thổ Nhĩ Kỳ, đã "đánh bại" hệ thống tên lửa Patriot của Mỹ, Aster của châu Âu và S-400 của Nga.

Mạng "Free Press" cho rằng, tổng kim ngạch của giao dịch triển vọng này khoảng 3,4 tỷ USD. Quyết định mua hệ thống HQ-9 Trung Quốc của Thổ Nhĩ Kỳ đã làm cho Mỹ và các nước đồng minh NATO tức giận. Ngày 22 Tháng 10, Tổng Thư ký NATO Rasmussen kêu gọi Thổ Nhĩ Kỳ phải cân nhắc thận trọng lập trường của NATO trước khi ký đơn đặt hàng mua vũ khí với Trung Quốc.

Tên lửa phòng không Aster-30 châu Âu
Tên lửa phòng không Aster-30 châu Âu

NATO cho rằng, hệ thống tên lửa mà Thổ Nhĩ Kỳ mua sẽ không tương thích với hệ thống phòng thủ của các nước thành viên khác, đồng thời còn có thể phá hoại hệ thống cốt lõi của 28 nước thành viên NATO.

Ngày 24 tháng 10, Đại sứ Mỹ tại Thổ Nhĩ Kỳ cho biết, giao dịch này của Thổ Nhĩ Kỳ và công ty Trung Quốc sẽ làm suy yếu hệ thống phòng không của các nước đồng minh NATO, phía Mỹ đã tiến hành giao thiệp với Thổ Nhĩ Kỳ về những tác động, ảnh hưởng tiềm tàng của nó.

Đối mặt với sức ép to lớn của Mỹ và NATO, Thổ Nhĩ Kỳ từng bày tỏ thái độ cứng rắn. Theo tờ "Tin tức hàng ngày" của Thổ Nhĩ Kỳ, Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan ngày 23 tháng 10 cho biết: "Không ai có quyền can thiệp quyết định độc lập tự chủ của Thổ Nhĩ Kỳ", sự lựa chọn của Thổ Nhĩ Kỳ không có vấn đề.

Thổ Nhĩ Kỳ đã tiến hành một cuộc diễn tập với Trung Quốc, hơn nữa cuộc diễn tập này cũng đã thông báo cho NATO. Ông Erdogan còn cho biết, hiện nay Trung Quốc đưa ra điều ưu đãi nhất, bao gồm có thể đáp ứng yêu cầu tiến hành hợp tác sản xuất tại nước này.

Đối với vấn đề tính tương thích do NATO đưa ra, ông Erdogan phản bác cho rằng, rất nhiều nước thành viên NATO cũng đang sử dụng vũ khí thiết bị của Nga. Nhưng, ông đồng thời cho biết, thỏa thuận còn chưa được xác định cuối cùng, hiện nay, Thổ Nhĩ Kỳ và Trung Quốc đang tiến hành tham vấn.

Tên lửa phòng không S-300 Nga sẽ không còn tranh thầu ở Thổ Nhĩ Kỳ
Tên lửa phòng không S-300 Nga sẽ không còn tranh thầu ở Thổ Nhĩ Kỳ

Cùng một ngày, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Abdullah Gul cũng đã xuất hiện giải thích về vấn đề này. Ông cho biết, hợp tác sản xuất tên lửa với Trung Quốc có lợi cho Thổ Nhĩ Kỳ thúc đẩy ngành quốc phòng, bảo vệ lợi ích quốc gia. Thổ Nhĩ Kỳ rất coi trọng quan hệ với đồng minh, nhưng "đương nhiên phải cân nhắc lợi ích quốc gia" khi đưa ra quyết sách này.

Hệ thống tên lửa phòng không HQ-9 Trung Quốc

Theo tuyên truyền của báo Trung Quốc, hệ thống tên lửa phòng không tầm xa FD-2000 (phiên bản xuất khẩu của HQ-9) của Tập đoàn khoa học và công nghệ hàng không vũ trụ Trung Quốc (China Aerospace Science & Industry Corporation, CASIC) được lần đầu tiên trưng bày tại Triển lãm hàng không Chu Hải vào năm 2012.

Hệ thống này có tầm phóng đạt 125 km, có thể tác chiến phòng không trong mọi điều kiện thời tiết, có thể đánh chặn các loại máy bay, vũ khí dẫn đường chính xác. Một đơn vị hỏa lực có thể đồng thời điều khiển 16 quả tên lửa đánh chặn 8 mục tiêu, có năng lực tấn công chống bão hòa và tấn công nhiều làn sóng mạnh, là vũ khí phòng không lãnh thổ chủ lực, đồng thời có thể chỉ huy vũ khí phòng không khác, xây thành hệ thống phòng không nhiều tầng hợp nhất. Tên lửa của hệ thống vũ khí này có tốc độ nhanh, tầm bắn xa, đã áp dụng công nghệ phóng thắng đứng, có thể tiến hành đổi hướng tùy ý trong phạm vi 360 độ.

Hệ thống tên lửa phòng không tầm xa HQ-9 tiếp tục tranh thầu ở Thổ Nhĩ Kỳ với Patriot Mỹ và Aster-30 châu Âu.
Hệ thống tên lửa phòng không tầm xa HQ-9 tiếp tục tranh thầu ở Thổ Nhĩ Kỳ với Patriot Mỹ và Aster-30 châu Âu.

Bài báo cho hay, hệ thống này có thể đáp ứng nhu cầu phòng không của chiến tranh hiện đại và trong thời gian dài tương lai. Về xuất khẩu, có thể đáp ứng nhu cầu của các loại khách hàng, có thể bán cho các nước trên thế giới.

Có truyền thông cho rằng, FD-2000 đã thể hiện công nghệ tên lửa phòng không tầm xa tiên tiên thế giới hiện nay, đánh dấu Trung Quốc trở thành nước thứ ba trên thế giới sở hữu công nghệ và năng lực phòng không tầm xa.

Việt Dũng