Thủ tướng Iraq có nguy cơ mất chức

28/06/2014 07:15
Nguyễn Hường
(GDVN) - Đây là một sự can thiệp chính trị mạnh mẽ có thể đẩy nhanh sự chấm dứt trước thời hạn nhiệm kỳ tám năm của Thủ tướng Nuri al-Maliki.

Các giáo sĩ Shiite có ảnh hưởng nhất trong Iraq hôm 27/6 đã kêu gọi các nhà lãnh đạo của đất nước bầu ra một Thủ tướng mới trong vòng bốn ngày tới.

Thủ tướng Nuri al-Maliki.
Thủ tướng Nuri al-Maliki.

Theo Reuters, đây là một sự can thiệp chính trị mạnh mẽ có thể đẩy nhanh sự chấm dứt trước thời hạn nhiệm kỳ tám năm của Thủ tướng Nuri al-Maliki, người vừa trúng cử hồi tháng 4 năm nay. 

Giáo sĩ Hồi giáo dòng Shiite Ayatollah Ali Sistani nhấn mạnh rằng chính phủ mới sẽ phải thống nhất hơn chính phủ cũ. Ông cũng yêu cầu các nhóm chính trị đạt được thỏa thuận trước phiên họp ngày 2/7 về vấn đề ai sẽ là Thủ tướng, Tổng thống và Chủ tịch Quốc hội. 

Sự can thiệp của Giáo sĩ Sistani đã khiến ông Maliki khó có thể giữ được "cái ghế" của mình lâu hơn nữa. Điều đó có nghĩa là ông buộc phải hoặc xây dựng được một liên minh mới như các kiến nghị hoặc bước sang một bên.

Thông điệp của Giáo sĩ Sistani đã đưa ra sau cuộc họp của các nhóm Shiite. 

Giáo sĩ Hồi giáo dòng Shiite Ayatollah Ali Sistani.
Giáo sĩ Hồi giáo dòng Shiite Ayatollah Ali Sistani.

Trước đó, người Sunni, người Kurd và thậm chí cả các quan chức người Shiite ở Iraq cũng đã kêu gọi Thủ tướng Maliki từ chức vì không thể giải quyết được xung đột với người Sunni - nguyên nhân chính đẩy đất nước này vào tình trạng hỗn loạn như hiện nay.

Hệ thống chính trị Iraq được cơ cấu sau sự sụp đổ của Saddam Hussein, Thủ tướng luôn luôn là một người Shiite, Tổng thống chủ yếu là một người Kurd và Chủ tịch Quốc hội luôn là người Sunni. 

Sistani cũng yêu cầu các nhà lãnh đạo từ ba nhóm sắc tộc và phe phái chính trên của Iraq nhanh chóng giải quyết vấn đề chính trị cấp bách nhất hiện nay trong nước là quyết định số phận của ông Maliki. Một nhà ngoại giao phương Tây, nói với Reuters với điều kiện giấu tên, rằng dự đoán ông Maliki sẽ phải ra đi và các nhóm chính trị ở Iraq hiện đang tranh cãi về việc sẽ chọn ai thay thế ông.

Các đồng minh của ông Maliki cho biết, lời kêu gọi của Giáo sĩ Sistani không chỉ nhắm vào riêng Thủ tướng, mà còn gây áp lực lên tất cả các đảng phái chính trị không thể kết thúc quá trình đấu đá nội bộ khi đất nước có nguy cơ tan rã.

Hiện người Kurd vẫn chưa thể công bố ứng cử viên Thủ tướng của mình thay thế ông Maliki, trong khi người Sunni đang chia rẽ lẫn nhau, Reuters dẫn nguồn tin riêng cho biết thêm.  

Nguyễn Hường