Thượng tọa Thích Nhật Từ luận bàn về thói xu nịnh

08/01/2019 06:17
Hưng Long
(GDVN) - Thượng tọa Thích Nhật Từ răn dạy, nịnh là một thói quen chứ không nên xem là một thứ Văn hóa và nó chỉ tồn tại ở những cơ quan chuyên quyền, độc đoán.

Thói quen nịnh không thể là một thứ Văn hóa

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã phê duyệt đề án “Văn hóa công vụ”.

Đề án “Văn hóa công vụ” được phê duyệt nhằm nâng cao văn hóa công vụ, góp phần hình thành phong cách ứng xử, lề lối làm việc chuẩn mực của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

Thượng tọa Thích Nhật Từ. (Ảnh: H.L)
Thượng tọa Thích Nhật Từ. (Ảnh: H.L)

Trong đề án này có quy định: "Đối với lãnh đạo cấp trên, cán bộ, công chức, viên chức phải tuân thủ thứ bậc hành chính, phục tùng sự chỉ đạo, điều hành, phân công công việc của cấp trên. Không trốn tránh, thoái thác nhiệm vụ; không nịnh bợ lấy lòng vì động cơ không trong sáng".

Thượng tọa Thích Nhật Từ - Phó viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh đã phân tích về thói quen nịnh đang tồn tại là nguy hiểm đối với sự phát triển của đất nước.

Thượng tọa Thích Nhật Từ nói, về phương diện tập tục, hành vi nịnh nên xem là thói quen xấu chứ đừng nên xem là một ứng xử văn hóa.

Ông Nguyễn Bá Thuyền: Cỡ Bộ trưởng đã là cái gì đâu mà phô trương đến vậy?

Ứng xử văn hóa về hành động thường là chỉ về những điều cao quý, có giá trị.

Về động cơ để dẫn đến các nguyên nhân thì, những người nịnh do sợ cấp trên nên phải nịnh hót để được chấp nhận, được thăng tiến và được tại vị.

Một số khác, đương sự nịnh sẽ phát tài. Nếu họ không biết nịnh sẽ bị ác cảm và thậm chí là bị ghét bỏ bởi những người đồng cấp hoặc cao cấp hơn.

Về tác hại của thói quen nịnh sẽ làm cho chủ lao động hay lãnh đạo không có cơ hội để phát huy được nhân tài. Những người nịnh thì giỏi cái miệng, giỏi đầu gối, giỏi vỗ tay, giỏi khen tặng.

Thượng tọa Thích Nhật Từ nhấn mạnh, đương sự nịnh đánh trúng vào bản ngã của những người không chịu lắng nghe, không chịu học hỏi, không chịu cải tiến.

Đương sự nịnh đã làm cho tập thể, tổ chức, hội đoàn trong cộng đồng hay doanh nghiệp khó phát triển được.

Nếu thói quen nịnh chưa được vượt qua thì các thành viên trong một cỗ máy sẽ gây trở ngại cho nhau. Hoặc là tạo đà cản cho sự phát triển tiến bộ của quốc gia.

Nơi nào nhân quyền, dân chủ không được đề cao thì thói quen nịnh tiếp tục có cơ hội tranh tài vì sự cả nể, sự dè dặt, sự sợ hãi, lòng tham, sân si…

Nhiều người xem hành vi nịnh như một loại… thực phẩm

Thượng tọa Thích Nhật Từ dẫn chứng ở những nước tiên tiến, họ rất thích văn hóa phản biện chứ không phải thói quen xu nịnh.

Để được hoàn thiện, những người cấp tiến mong muốn cấp dưới tìm ra những lỗ hổng để “trám lại” lỗi hệ thống làm guồng máy tiến bộ hơn.

Cho nên, văn hóa nịnh tồn tại ở nhiều và trong các bộ máy công quyền hơn là bộ máy tư nhân. Ở bộ máy tư nhân, người lãnh đạo hướng đến sự phát triển. Họ không quan tâm đến nịnh mà chỉ quan tâm đến tính hiệu quả, tính hiệu suất.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nên nói một lần cho ra lẽ

Thế nên, phản biện xã hội theo hướng xây dựng sẽ trở thành văn hóa ứng xử tốt đẹp.

Thượng tọa Thích Nhật Từ cho rằng, trong đời sống ngày nay, thói quen nịnh không kém gì ngày xưa. Thường ở những nơi nào có sự độc đoán, chuyên quyền hay thiếu dân chủ thì nịnh như là thực phẩm để nuôi sự trì trệ.

Thói quen nịnh cũng là cơ hội để nuôi những người bất tài có cơ hội thăng tiến và cũng là cách của những người thiếu năng lực tiếp tục có cơ hội tồn tại.

Ở nhiều nước không chuộng thói quen nịnh, vì không giải quyết được vấn đề gì mà chỉ làm hài lòng những người bất tài.

Thượng tọa Thích Nhật Từ đánh giá theo quan niệm Phật giáo, người nào có một cái tôi và thích được nịnh nhiều thì người đó thích thực phẩm nịnh để làm hả hê “chủ nghĩa cái tôi” của họ.

Còn người nào cầu tiến, không hống hách, không tự hào, tự tại khoe khoang thì không thích thói quen nịnh.

Thói quen nịnh có tính tương tác 2 chiều, nó đáp ứng như một loại thực phẩm cho những người có một cái tôi ở vai trò làm lớn và trong bộ máy công quyền hay bộ máy xã hội.

Sở thích được nịnh còn tồn tại đối với công chức, các tổ chức hành chính, quản trị… mà chưa đạt đến đỉnh cao thì thói quen nịnh sẽ có cơ hội tồn tại.

“Khi nào công chức, các tổ chức hành chính, quản trị không còn thấy nịnh là một nhu cầu như loại thực phẩm cần có thì hành vi nịnh sẽ như một đà cản nhiều hơn”, Thượng tọa Thích Nhật Từ đúc kết vấn đề.

Hưng Long