Tiến công tiêu diệt 5 sư đoàn chủ lực ngụy, trận mở đầu chiến dịch Hồ Chí Minh

28/04/2018 06:56
Đại tá ĐẶNG VIỆT THỦY
(GDVN) - Trong Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, quân ta đã tiến công tiêu diệt 5 sư đoàn chủ lực ngụy trong trận then chốt mở đầu Chiến dịch Hồ Chí Minh.

LTS: Tiếp tục loạt bài viết kỉ niệm thắng lợi cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, Đại tá Đặng Việt Thủy gửi đến độc giả bài viết về cuộc tiến công tiêu diệt 5 sư đoàn chủ lực ngụy, trận mở đầu chiến dịch Hồ Chí Minh.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Sau hơn một tháng liên tục tiến công và nổi dậy, mà quyết định là hai chiến dịch Tây Nguyên và Đà Nẵng, quân và dân ta đã tiêu diệt và làm tan rã toàn bộ lực lượng và chính quyền địch ở 2 quân khu, quân đoàn (1 và 2) của chúng.

Vùng giải phóng của ta được mở rộng chiếm ba phần tư đất đai và một phần hai dân số trên toàn miền Nam, một cục diện mới chưa từng có mở ra cho cách mạng Việt Nam.

Ngày 25/3/1975, Bộ Chính trị họp nhận định thời cơ giải phóng hoàn toàn miền Nam  đã đến và chủ trương "Tập trung nhanh nhất lực lượng (từ 12 sư đoàn trở lên), binh khí kỹ thuật và vật chất giải quyết xong Sài Gòn - Gia Định trước mùa mưa" (1).

Ngày 14/4/1975, Bộ Chính trị gửi điện (số 37/TK) cho Bộ chỉ huy chiến dịch giải phóng Sài Gòn: "Đồng ý chiến dịch Sài Gòn lấy tên là chiến dịch Hồ Chí Minh...

Chiến dịch tiến công hợp đồng binh chủng quy mô lớn có kết hợp với nổi dậy của quần chúng, kết thúc chiến tranh. Đó là chiến dịch quyết chiến chiến lược lịch sử" (2).

Từ mọi hướng, các cánh quân chủ lực tiến công vào Sài Gòn. Ảnh tư liệu.
Từ mọi hướng, các cánh quân chủ lực tiến công vào Sài Gòn. Ảnh tư liệu.

Về tình hình địch, sau khi bị mất hai quân khu 1 và 2 và bị thu hẹp phạm vi chiếm đóng ở Nam Bộ, tổng thống Nguyễn Văn Thiệu gào thét "tử thủ" phần đất còn lại ở quân khu 3 và quân khu 4.

Địch tổ chức phòng thủ Sài Gòn - Gia Định thành ba tuyến, trong đó tập trung tăng cường ở phía Bắc và Tây Bắc.

Tuyến phòng thủ vòng ngoài do các sư đoàn chủ lực đảm nhiệm: sư đoàn 22 ở Long An - Bến Lức; sư đoàn 25 ở Tây Ninh, Trảng Bom, Củ Chi, Đồng Dù, Hậu Nghĩa; sư đoàn 18 ở Bàu Cá, Trảng Bom, Suối Đỉa; sư đoàn thủy quân lục chiến (có 2 lữ đoàn) ở Long Bình; sư đoàn 5 ở Bình Dương, Lai Khê, Bến Cát; lữ đoàn dù ở Bà Rịa; lữ đoàn 3 kỵ binh ở Biên Hòa, Long Bình (có một bộ phận ở Gò Vấp - Lái Thiêu).

Tuyến phòng thủ ngoại vi Sài Gòn - Gia Định do sư đoàn biệt động quân (có 3 liên đoàn) mới thành lập và lữ đoàn 239 bảo an đảm nhiệm.

Tuyến nội đô do lực lượng cảnh sát dã chiến và phòng vệ dân sự đảm nhiệm.

Trên tuyến phòng thủ vòng ngoài, địch lấy từng trung đoàn, chiến đoàn hoặc lữ đoàn được tăng cường 1 tiểu đoàn cho đến 1 tiểu đoàn tăng cường pháo binh, 1 chi đoàn cho đến 1 chi đoàn tăng cường xe tăng, xe thiết giáp làm đơn vị tác chiến cơ bản, phụ trách một khu vực phòng thủ trong đội hình chung của sư đoàn và quân đoàn.

Tiến công tiêu diệt 5 sư đoàn chủ lực ngụy, trận mở đầu chiến dịch Hồ Chí Minh ảnh 2Lời kể của Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy về trận chiến giải phóng Đà Nẵng

Trên một số khu vực địa hình đặc biệt quan trọng, có giá trị về mặt chiến dịch, chiến thuật, địch tổ chức một số chiến đoàn đặc nhiệm, lấy xe tăng, xe thiết giáp làm nòng cốt.

Cụ thể trên từng hướng, địch bố trí như sau:

Tuyến phòng thủ phía Bắc Sài Gòn, đây là nơi có nhiều trục đường giao thông thuận lợi như các đường 13, 14, 15, 16.

Để giữ khu vực này, lực lượng địch có khoảng 18.000 tên, gồm: Sư đoàn 5 bộ binh, thiết đoàn 1 thiết giáp, 7 tiểu đoàn và 6 đại đội bảo an cùng một lực lượng lớn dân vệ và trận địa pháo ở nhiều nơi.

Với lực lượng này, địch bố trí trên 10 căn cứ, 6 chi khu và 103 đồn bốt, có công sự vững chắc, vật cản dày, phức tạp.

Toàn bộ khu vực phòng thủ của địch còn được không quân của chúng ở Biên Hòa, Sài Gòn sẵn sàng chi viện.

Tuyến phòng thủ phía Đông Sài Gòn có sư đoàn 18, trung đoàn 5 thiết giáp và một số tiểu đoàn, đại đội địa phương quân, dựa vào các vị trí Hưng Nghĩa - Trảng Bom - Suối Đỉa - Hố Nai (dài khoảng 14km) ngăn chặn ta tiến công.

Đây là các vị trí có sẵn của lực lượng bảo an, dân vệ; xung quanh có từ 3 đến 5 hàng rào thép gai, phía ngoài có các công sự dã chiến.

Địch bố trí lực lượng phòng ngự: Lực lượng của chiến đoàn 18 có tiểu đoàn 1 ở Bắc Trảng bom, sở chỉ huy chiến đoàn và tiểu đoàn 2 ở ấp Dương Ngô, tiểu đoàn 3 ở trong lô cao su Bắc Bàu Cá; lực lượng của chiến đoàn 52 có sở chỉ huy chiến đoàn và tiểu đoàn 1 ở Bắc Suối Đỉa;

Lực lượng của chiến đoàn 43 có sở chỉ huy (phía trước) chiến đoàn và tiểu đoàn 3 ở yếu khu Trảng Bom, sở chỉ huy cơ bản và tiểu đoàn 1 ở ga Sông Mây, 2 chi đoàn 1 và 3 bố trí xen kẽ cùng bộ binh. Pháo binh của địch có 20 khẩu tổ chức thành 7 trận địa. Ngoài ra còn có một số  đơn vị bảo an.

Tiến công tiêu diệt 5 sư đoàn chủ lực ngụy, trận mở đầu chiến dịch Hồ Chí Minh ảnh 3Đại thắng mùa Xuân 1975 - Sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc

Tuyến phòng thủ phía Tây Bắc Sài Gòn có căn cứ Đồng Dù thuộc huyện Củ Chi, được địch xây dựng kiên cố, vững chắc.

Xung quanh căn cứ, địch bố trí hệ thống vật cản gồm 10 hàng rào dây thép gai các loại và được gài mìn, bẫy dày đặc. Sau hệ thống rào kẽm gai là hai lớp tường đất, bên trên có các lô cốt và ụ súng.

Bên trong căn cứ rộng khoảng 8 ki lô mét vuông bao gồm hàng trăm lô cốt, ụ súng, có đường cơ động cho xe tăng, thiết giáp, có sân bay hạng vừa, có trung tâm viễn thông. Đặc biệt, sở chỉ huy sư đoàn có hầm ngầm bằng bê tông cốt thép.

Ở căn cứ Đồng Dù có sở chỉ huy sư đoàn 25, sở chỉ huy trung đoàn 50 cùng hai tiểu đoàn bộ binh và một tiểu đoàn pháo binh hỗn hợp (4 khẩu 175mm, 8 khẩu 155mm, 6 khẩu 105mm), trường huấn luyện hạ sĩ quan, các tiểu đoàn trực thuộc, 1 chi đội xe tăng M.48, hậu cứ trung đoàn 10 thiết giáp và các trung đoàn (46, 49), trung tâm viễn thông.

Ở khu vực ngoại vi, địch bố trí nhiều tiểu đoàn, chi đoàn thiết giáp và lực lượng bảo an.

Trên hướng Đông Nam, địch tập trung một lực lượng mạnh phòng thủ để bảo vệ Sài Gòn, gồm: lữ đoàn 468 thủy quân lục chiến, 2 lữ đoàn 1 và 4 dù, lữ đoàn 33 biệt động quân, 18 tiểu đoàn bảo an, 4 thiết đoàn xe tăng, xe thiết giáp, 62 khẩu pháo lớn các loại.

Ngoài ra, còn có hàng nghìn học viên đang học ở các trường: thiết giáp, bộ binh, biệt kích dù (Nước Trong), trường cảnh sát...

Căn cứ Nước trong là một vị trí quan trọng án ngữ đường 15, ngăn chặn tiến công của quân ta vào Sài Gòn.

Phát hiện ta chuẩn bị tiến công, địch điều thêm 1 lữ đoàn thủy quân lục chiến đóng ở phía đông trường thiết giáp... Các vị trí này được 30 khẩu pháo từ 105 đến 155mm sẵn sàng chi viện.

Nằm trong hệ thống phòng thủ phía Tây, Tây Nam Sài Gòn, tiểu khu Hậu Nghĩa là một vị trí quan trọng, lực lượng địch ở đây gồm có sở chỉ huy tiểu khu, 2 tiểu đoàn biệt động quân (238, 239), đại đội 773 thám sát, đại đội 310 cảnh sát dã chiến, 1 đại đội cơ giới (5 xe), 1 đại đội công binh, 1 đại đội pháo binh (4 khẩu 105mm và 2 khẩu 155mm), 1 đại đội cối 81mm, ngoài ra còn có lực lượng dân vệ, phòng vệ dân sự.

Tiến công tiêu diệt 5 sư đoàn chủ lực ngụy, trận mở đầu chiến dịch Hồ Chí Minh ảnh 4Quân đoàn 3 phá tan tuyến phòng thủ Tây Bắc Sài Gòn

Khi bị ta uy hiếp mạnh, địch điều thêm tiểu đoàn 1 (chiến đoàn 46) và một chi đoàn thiết giáp về phòng thủ phía Tây Bắc thị xã.

Về tình hình ta, lực lượng gồm có: Quân đoàn 1 (thiếu Sư đoàn 308), Quân đoàn 2, Quân đoàn 3, Quân đoàn 4 và Đoàn 232.

Tổng số lực lượng gồm 15 sư đoàn, 1 lữ đoàn và 4 trung đoàn bộ binh; 20 lữ đoàn, trung đoàn và 8 tiểu đoàn pháo binh; 3 lữ đoàn, trung đoàn và 6 tiểu đoàn xe tăng, xe thiết giáp; 8 lữ đoàn, trung đoàn và 2 tiểu đoàn đặc công; 4 trung đoàn và 10 tiểu đoàn thông tin; một bộ phận lực lượng phòng không - không quân và hải quân; 2 sư đoàn ô tô vận tải cùng lực lượng vũ trang tại chỗ trên địa bàn chiến dịch.

Bộ Tổng Tham mưu cùng các Tổng cục Hậu cần, Kỹ thuật điều động lực lượng, vật chất; Đoàn 559 bảo đảm vận chuyển theo yêu cầu của chiến dịch.

Thực hiện mệnh lệnh của Bộ Tổng tư lệnh, các quân đoàn 1, 2, 3 cấp tốc hành quân vào áp sát chuẩn bị tiến công Sài Gòn - Gia Định.

Để tạo thế cho chiến dịch, Bộ tư lệnh chiến dịch đã chỉ đạo lực lượng tại chỗ mở các đợt hoạt động ở đường 13 (Dầu Tiếng - Chơn Thành), đường 20 (Định Quán - Lâm Đồng), Xuân Lộc, Tân An - Thủ Thừa, lộ 4 (Trung Lương - Mỹ Thuận), Nam Long An và lộ vòng cung Cần Thơ...

Từ phương châm và tư tưởng chỉ đạo chiến lược "thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng", Bộ tư lệnh chiến dịch xác định cách đánh:

Phải thực hiện chia cắt chiến lược, cắt đường bộ, đường không, khống chế sân bay, triệt để bao vây cô lập Sài Gòn; bao vây, chặn cắt và tiêu diệt chủ lực địch ở vòng ngoài, không cho chúng co cụm về Sài Gòn, đánh thắng những trận then chốt quan trọng.

Tổ chức những binh đoàn binh chủng quan trọng hợp thành (cỡ sư đoàn tăng cường) từ nhiều mũi tiến công vào nội đô, kết hợp với lực lượng vũ trang tại chỗ và quần chúng nổi dậy, thực hiện trong ngoài cùng đánh, nhanh chóng, táo bạo chiếm các mục tiêu chiến lược, đập tan đầu não chỉ huy quân sự, ngụy quyền, tiêu diệt làm tan rã và bắt toàn bộ quân địch; trong đó lấy thọc sâu nhanh chóng quật ngã quân địch bên trong là chính.

Tiến công tiêu diệt 5 sư đoàn chủ lực ngụy, trận mở đầu chiến dịch Hồ Chí Minh ảnh 5Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy kể về cuộc tiến công giải phóng Sài Gòn

Từ cách đánh đã xác định, Bộ tư lệnh chiến dịch phân chia khu vực và mục tiêu tiến công cho các quân đoàn trên từng hướng tiến công.

Từ 5 hướng tiến công, các sư đoàn bộ binh được tăng cường binh khí kỹ thuật của ta tiến hành bao vây, tiến công các sư đoàn chủ lực ở tuyến phòng thủ vòng ngoài của địch:

Trên hướng tiến công từ phía Bắc, Sư đoàn 312 tiến công Sư đoàn 5 ngụy. Từ 15 giờ 30 phút ngày 27/4/1975, các đơn vị đánh Bình Mỹ cơ động vào chiếm lĩnh trận địa xuất phát tiến công. 16 giờ 30 phút, các đơn vị của ta đã triển khai xong trên các hướng từ phía Đông, Nam và Tây Bắc.

Cùng lúc đó địch phát hiện được một bộ phận lực lượng của ta, chúng gọi phi pháo bắn chặn. Ta chủ động nổ súng tiến công. Ngay từ loạt đạn đầu, khu sở chỉ huy và trận địa pháo cối của địch đã bị ta bắn trúng. 

Mặc dù bị máy bay địch và các trận địa pháo của địch từ Tân Uyên, Chánh Lưu, Phú Lợi bắn phá quyết liệt nhưng các đơn vị pháo cối của ta vẫn kiên quyết bắn chi viện cho bộ binh mở thông cửa mở vào cứ điểm địch.

Đặc biệt pháo 85mm được ta đưa vào bắn trực tiếp làm cho quân địch vô cùng khiếp sợ. Cửa mở thông, từ các hướng, quân ta nhanh chóng thọc sâu, đánh dồn chúng vào trung tâm, bọn địch ngoan cố chạy xuống hầm ngầm chỉ huy chống cự bị ta dùng bộc phá tiêu diệt.

Đêm 27/4/1975, ta làm chủ cứ điểm Bình Mỹ, toàn bộ các vị trí khác của địch trên tuyến đường 16 hoảng sợ rút chạy.

Cửa mở trên tuyến đường 16 đã thông, đêm 28/4/1975, toàn bộ Sư đoàn 312 cơ động vào triển khai tiến công địch.

Trung đoàn 209 vào chốt trên hai trục đường 13 và 14, hai tiểu đoàn bộ đội địa phương vào triển khai ở Nam ấp Phú Cường chặn địch rút theo đường sông, 2 trung đoàn 165 và 186 chuẩn bị tiến công căn cứ Phú Lợi.

Tiến công tiêu diệt 5 sư đoàn chủ lực ngụy, trận mở đầu chiến dịch Hồ Chí Minh ảnh 6Nhật ký Chiến dịch Hồ Chí Minh

Trung đoàn 141 cơ động vào tập kết ở Bắc cầu Thê Út, sở chỉ huy sư đoàn di chuyển vào Tân Hợi để trực tiếp chỉ huy các đơn vị.

Căn cứ Phú Lợi trước đây của sư đoàn số 1 Mỹ, sau này sư đoàn 5 ngụy tiếp nhận, rộng khoảng 1 ki lô mét vuông có chướng ngại vật dày, phức tạp gồm hàng chục lớp hàng rào kẽm gai, bãi mìn, hào chống xe tăng và bộ binh, vành đai trắng. Địch chia căn cứ làm 7 khu vực, giữa các khu vực đều có hàng rào và tường cản.

Qua nghiên cứu căn cứ Phú Lợi của địch, sư đoàn sử dụng Tiểu đoàn 6 đảm nhiệm tiến công trên hướng chủ yếu từ phía Bắc, Tiểu đoàn 4 đảm nhiệm tiến công trên hướng thứ yếu 1 từ phía Nam, Đại đội 6 (Tiểu đoàn 5) tiến công trên hướng thứ yếu 2 từ phía Tây Bắc.

Trong lúc ta cơ động lực lượng vào triển khai thì địch đưa 1 đại đội ra lùng sục ở phía Nam nhưng bị Đại đội 3 Tiểu đoàn 4 vây, diệt gọn.

Mặc dù địch gọi pháo bắn chặn nhưng đến 3 giờ ngày 30/4/1975, ta cũng đã triển khai xong; quân ta xây dựng trận địa xuất phát tiến công từ các hướng cách địch từ 150 đến 200m, pháo binh, cao xạ và xe tăng sẵn sàng chi viện cho bộ binh, xe tăng.

4 giờ sáng ngày 30/41975, pháo binh của ta bất ngờ bắn mãnh liệt vào căn cứ Phú Lợi. Sau khi pháo binh chuyển làn vào trung tâm, các loại hỏa lực đi cùng cũng dồn dập đánh vào khu vực tiền duyên, chi viện cho bộ binh mở cửa mở.

Địch dùng cối 81, ĐKZ, trọng liên bắn chặn quyết liệt đồng thời cho hai xe tăng ra phản kích ở hướng Nam. Các hướng tiến công của ta đều gặp khó khăn chưa mở được cửa mở.

Trước tình hình đó, Trung đoàn 165 nhận định: Nếu để chậm địch có thể rút, nên quyết tâm củng cố lại đội hình, đề nghị sư đoàn cho pháo binh tiếp tục chi viện, đưa xe tăng vào chiến đấu.

Hỏa lực của xe tăng, pháo binh ta khiến quân địch phải rút vào boong ke, hầm ngầm; lợi dụng thời cơ đó các hướng tiếp tục mở thông cửa mở.

Tiến công tiêu diệt 5 sư đoàn chủ lực ngụy, trận mở đầu chiến dịch Hồ Chí Minh ảnh 7Dấu ấn, bài học trong công tác bảo đảm hậu cần chiến lược năm 1975

9 giờ 5 phút, trung đoàn phát lệnh xung phong. Từ các hướng, bộ binh, xe tăng ta nhanh chóng thọc sâu, chia cắt tiêu diệt từng bộ phận.

Đến 10 giờ ngày 30/4/1975, lá cờ chiến thắng của Trung đoàn 165 cắm trên nóc sở chỉ huy địch ở Phú Lợi.

Phát huy thắng lợi, Tư lệnh Sư đoàn 312 lệnh cho Trung đoàn 141 tiến vào thị xã. Trung đoàn sử dụng một đại đội bộ binh và đại đội thiết giáp thọc sâu đánh chiếm trường công binh và căn cứ hải thuyền.

Tiểu đoàn 5 (là dự bị của Trung đoàn 165) tiến vào thị xã Thủ Dầu Một đánh chiếm dinh tỉnh trưởng. Tiểu đoàn Phú Lợi chặn địch rút theo đường sông.

Cùng thời gian, địch sử dụng trung đoàn 7 giải tỏa đường 13, đường 14 và tăng cường lực lượng cho các chốt nhưng bị ta chặn đánh phải rút chạy.

Thực hiện mệnh lệnh không cho địch rút, Trung đoàn 209 đã chủ động chiếm một loạt vị trí của địch ở An Hợi, Mỹ Thạnh, Xóm Xoài... tạo thế chốt chặn vững chắc.

Nhận thấy Phú Lợi bị mất, toàn bộ lực lượng sẽ bị tiêu diệt, sư đoàn 5 địch ra lệnh cho lực lượng của chúng rút chạy.

Từ 6 giờ ngày 30/4/1975, địch đã bắt đầu rút, trước khi rút, chúng sử dụng pháo binh bắn hàng vạn quả đạn để mở đường; sau đó hàng trăm chiếc xe,  pháo chở theo binh lính rút theo hai trục đường 13 và 14.

Khi đội hình rút chạy của địch lọt vào trận địa của Trung đoàn 209, ta dùng ngay hỏa lực (cối, ĐKZ, B40, B41) đánh phủ đầu, sau đó từ các hướng, bộ đội ta xung phong áp đảo, vừa đánh, vừa địch vận. Quá hoảng sợ, toàn bộ sĩ quan và binh lính địch phải đầu hàng.

Như vậy, từ đêm ngày 27 đến 10 giờ ngày 30/4/1975, Sư đoàn 312 đã phối hợp chặt chẽ với lực lượng vũ trang địa phương tiêu diệt và làm tan rã toàn bộ lực lượng của địch ở khu vực phòng thủ phía Bắc, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trên giao, mở thông đường cho Sư đoàn 320B - binh đoàn thọc sâu của Quân đoàn tiến vào Sài Gòn.

Trên hướng tiến công từ phía Đông, 4 giờ 7 phút ngày 27/4/1975 , Sư đoàn 341 nổ súng tiến công quân địch ở khu vực Trảng Bom.

Tiến công tiêu diệt 5 sư đoàn chủ lực ngụy, trận mở đầu chiến dịch Hồ Chí Minh ảnh 8Một số văn kiện của Đảng chỉ đạo Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975

Sau khi pháo bắn chuẩn bị, từ các hướng quân ta nhanh chóng mở thông các cửa mở, đưa lực lượng vào tiến công địch.

Trên hướng tiến công chủ yếu, mũi của Tiểu đoàn 6 vượt qua cửa mở đánh vào tiểu đoàn 3 địch. Tiểu đoàn 5 men theo bìa rừng cao su đánh thẳng vào trận địa của tiểu đoàn 1 địch.

Sau đó 2 tiểu đoàn phát triển theo chiến hào vành khăn dồn chúng vào trung tâm và tiếp tục đột phá tiến công vào trung tâm yếu khu.

Trên hướng tiến công thứ yếu, Tiểu đoàn 3 sau khi tiêu diệt một số lực lượng địch ở vòng ngoài cũng đột phá đánh vào bên trong yếu khu. Tiểu đoàn 1 tổ chức hai mũi, một mũi đánh vào chốt tam giác, một mũi đánh vào trận địa pháo.

Quân địch dựa vào các nhà cao tầng, các công trình phòng ngự trong yếu khu chống cự quyết liệt, đồng thời chúng còn sử dụng 8 chiếc xe tăng men theo sân bay đánh vào sườn đội hình của các đơn vị tiến công trên hướng chủ yếu; hai tiểu đoàn 5 và 6 của ta phải lùi dần ra bìa rừng cao su.

Nắm được tình hình trên, Tư lệnh Sư đoàn lệnh cho các đơn vị tập trung hỏa lực đẩy địch vào trung tâm, trên từng hướng, các đơn vị củng cố lại lực lượng tiếp tục tiến công. Trung đoàn 1 nhanh chóng tổ chức mũi của Tiểu đoàn 3 thọc sâu vào sở chỉ huy địch để phối hợp.

Trên hướng tiến công chủ yếu, các phân đội hỏa lực của ta, đặc biệt trận địa súng máy cao xạ ở nam suối Rết đánh mạnh vào đội hình phản kích của địch, hất chúng trở lại khu trung tâm.

Hai tiểu đoàn 5 và 6 sau khi củng cố lại lực lượng hiệp đồng chặt chẽ với Tiểu đoàn 3 (trên hướng thứ yếu) tiếp tục tiến công vào trung tâm yếu khu; các phân đội hỏa lực đi cùng, các tổ đánh tăng lần lượt tiêu diệt xe tăng, xe bọc thép và các ổ đề kháng của địch, chi viện cho bộ binh đánh chiếm từng khu vực mục tiêu.

Phân đội thọc sâu của Tiểu đoàn 5 dùng bộc phá tiêu diệt toàn bộ chỉ huy địch dưới hầm ngầm. Như rắn mất đầu, quân địch trong yếu khu tháo chạy bị ta tiêu diệt và bắt khoảng 500 tên.

Tiến công tiêu diệt 5 sư đoàn chủ lực ngụy, trận mở đầu chiến dịch Hồ Chí Minh ảnh 9Các trận đánh then chốt, xuất hiện thời cơ cho Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng

Ta làm chủ yếu khu và một khu vực dọc theo đường 1 dài 14km từ Ngã ba sông Thao đến Trảng Bom.

Trên hướng tiến công phối hợp, Tiểu đoàn 9 cùng phân đội xe tăng được pháo binh chi viện, đánh vào khu vực phòng ngự của địch dài 7km trên đường 1 ở Hưng Nghĩa, Dương Ngô, Bàu Cá.

Quân địch (gồm 2 tiểu đoàn của chiến đoàn 48, 1 chi đoàn xe tăng, 1 trận địa pháo 105mm) được các trận địa pháo của chúng ở vị trí Trảng Bom, Suối Đỉa, sông Thao, dốc Ông Hoàng chi viện ra sức chống trả; chúng bắn chặn dọc bìa rừng cao su ở hai bên đường 1.

Được pháo binh cấp trên và các đơn vị bạn chi viện, sau khi tiêu diệt toàn bộ quân địch ở ấp Hưng Nghĩa, quân ta phát triển theo hai bên đường 1, hiệp đồng chặt chẽ giữa các mũi tiến công, đập tan cụm quân địch ở Dương Ngô, Bầu Cá, diệt và bắt hơn 300 tên, phá hủy 7 xe tăng, thu 10 xe quân sự (có 2 xe tăng), 1 khẩu pháo 105mm, làm chủ khu vực từ Dầu Giây đến bắc Trảng Bom.

Đánh chiếm xong yếu khu Trảng Bom, Trung đoàn 1 sử dụng ngay một lực lượng bộ binh, xe tăng cùng Tiểu đoàn 4 phát triển tiến công tiêu diệt gọn quân địch ở Suối Đỉa.

Sau đó, quân ta dựa vào các lô cốt, công sự sẵn có của địch, củng cố lại trận địa chốt, đưa các hỏa lực lên bố trí trên các điểm cao sẵn sàng ngăn chặn quân địch rút chạy.   

9 giờ sáng ngày 27/4/1975, tàn quân địch từ Trảng Bom tháo chạy hỗn loạn về Suối Đỉa, đi đầu là một xe thiết giáp của lữ đoàn 3, phía sau là binh lính của sư đoàn 18 và bảo an, dân vệ.

Toàn bộ lực lượng rút chạy của địch khoảng 2.000 tên, hơn 100 xe quân sự bị ta tiêu diệt, làm tan rã và bắt sống.

10 giờ 30 phút ngày 27/4/1975, Sư đoàn 341 đã tiêu diệt và làm tan rã sư đoàn 18, hai chiến đoàn thiết giáp, hơn 1 tiểu đoàn pháo binh địch, bắt 1.715 tên, giải phóng trên 10.000 dân, mở toang cánh cửa phía Đông cho Quân đoàn tiến vào Sài Gòn.

Tiến công tiêu diệt 5 sư đoàn chủ lực ngụy, trận mở đầu chiến dịch Hồ Chí Minh ảnh 10Tinh thần Đại thắng Mùa Xuân năm 1975 bất diệt

Trên hướng tiến công từ phía Tây Bắc, 5 giờ 40 phút ngày 29/4/1975, Sư đoàn 320A nổ súng, tiến công căn cứ Đồng Dù.

Lợi dụng kết quả của pháo binh, xe tăng cơ động vào tuyến bắn cùng pháo binh và các hỏa lực đi cùng phát huy hỏa lực chi viện cho bộ binh mở cửa mở.

Quân địch dùng hỏa lực bắn chặn quyết liệt kết hợp với sử dụng bộ binh, xe tăng phản kích từ bên trong ra bịt cửa mở; đồng thời điều tiểu đoàn 3 ở ấp Mới cơ động đến đánh vào phía sau đội hình tiến công của Trung đoàn 9.

Trên hướng tiến công chủ yếu, ta phải tổ chức lại hỏa lực tiêu diệt các ổ đề kháng và xe tăng địch chi viện cho các phân đội mở cửa đánh bộc phá liên tục mở thông cửa mở.

Trên mũi tiến công chủ yếu, sau năm lần tổ chức xung phong, ta mới đưa được một bộ phận vào bên trong bờ tường đất.

Quân địch từ bên trong liên tục sử dụng bộ binh, xe tăng ra phản kích bịt cửa mở. Tiểu đoàn 1 phải đưa thêm lực lượng vào mở rộng khu vực đầu cầu đã chiếm bàn đạp, đưa bộ binh, xe tăng vào để tổ chức thọc sâu.

Đến 8 giờ 30 phút, mũi tiến công chủ yếu trên hướng tiến công chủ yếu của Trung đoàn 48 đã vào đến khu vực tiểu đoàn công binh địch nhưng bắt đầu đuối sức, phải dừng lại để củng cố; sau đó, tiểu đoàn sử dụng toàn bộ lực lượng vào thọc sâu.

Trên mũi tiến công thứ yếu, Tiểu đoàn 3 Trung đoàn 48 vẫn chưa đưa được lực lượng trong căn cứ địch.

Trên hướng tiến công thứ yếu, Trung đoàn 9 vừa tổ chức đột phá, vừa tổ chức đánh địch tiến công từ phía sau.

Tiến công tiêu diệt 5 sư đoàn chủ lực ngụy, trận mở đầu chiến dịch Hồ Chí Minh ảnh 11Hồi tưởng trận đánh Dinh độc lập qua ký ức Thượng tướng Nguyễn Hữu An

Tiểu đoàn 4 và Tiểu đoàn cao xạ 16 hiệp đồng chặt chẽ diệt hàng trăm tên địch, nhưng chúng vẫn đưa lực lượng từ phía sau lên.

Quân địch bên trong căn cứ vẫn tiếp tục kháng cự quyết liệt, lúc 9 giờ, tên chuẩn tướng Lý Tòng Bá, chỉ huy sư đoàn 25 ra lệnh trung đoàn 46 ở Trảng Bàng, Đồng Chùa khẩn trương về ứng cứu cho Đồng Dù.

Trước tình hình đó, Tư lệnh Sư đoàn 320A kiên quyết củng cố lại lực lượng, đưa đội dự bị của sư đoàn (gồm Tiểu đoàn 2 Trung đoàn 48 và 8 chiếc xe tăng) theo cửa mở của Tiểu đoàn 1 nhanh chóng thọc sâu, đánh chiếm sở chỉ huy sư đoàn địch; đồng thời hỗ trợ các đơn vị bạn đưa lực lượng vào tiến công, không để địch có thời gian tăng cường lực lượng ứng cứu.

Từ các mũi tiến công, quân ta phát huy sức mạnh hiệp đồng, phối hợp chặt chẽ, liên tục phát triển, đánh chiếm sở chỉ huy và các khu vực mục tiêu.

11 giờ 30 phút ngày 29/4/1975, Sư đoàn 320A hoàn toàn làm chủ căn cứ Đồng Dù, mở toang cánh cửa phía Tây Bắc vào Sài Gòn.

Trên hướng tiến công từ phía Đông Nam, từ đêm 25/4/1975, các đơn vị trong Sư đoàn 304 được bộ đội địa phương, du kích dẫn đường bí mật cơ động vào chiếm lĩnh trận địa.

17 giờ ngày 26/4/1975, ta bắt đầu nổ súng tiến công địch, lợi dụng kết quả bắn của pháo binh, trên từng hướng mũi, quân ta nhanh chóng đánh chiếm các chốt tiền tiêu của bọn bảo an và thực hành mở cửa mở đánh vào căn cứ Nước Trong.

Phát hiện quân ta, địch cho xe tăng ra bịt cửa mở nhưng bị hỏa lực của ta, nhất là pháo 85mm bắn thẳng (cách địch từ 200 đến 300m) tiêu diệt một số xe tăng, ụ súng và lô cốt đầu cầu khiến lực lượng phản kích của chúng quay đầu tháo chạy.

Bộ binh, xe tăng của ta vượt qua cửa mở đánh vào bên trong căn cứ. Sau 1 giờ 30 phút chiến đấu quyết liệt, Trung đoàn 9 đã diệt hàng trăm tên địch, bắn cháy 20 xe tăng, xe thiết giáp nhưng do ta bao vây không chặt, phần lớn bọn địch rút ra rừng cao su phía tây co cụm và phản kích hòng chiếm lại khu vực này.

Trên hướng của Trung đoàn 24, do nắm địch không chắc, đội hình của trung đoàn khi vào chiếm lĩnh trận địa đã ở vào thế xen kẽ với địch.

Tiến công tiêu diệt 5 sư đoàn chủ lực ngụy, trận mở đầu chiến dịch Hồ Chí Minh ảnh 12Hào hùng chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử của Quân đoàn 2

Khi nổ súng tiến công, ta chỉ chiếm được một số vị trí ở vòng ngoài căn cứ trên hướng Đông Bắc nhưng đã tạo điều kiện cho Trung đoàn 9 đánh chiếm Trường thiết giáp.

Do bị ta tiến công, trong hai ngày 26 và 27/4/1975, địch điều thêm lực lượng từ Biên Hòa gồm chiến đoàn 322 và chiến đoàn 318 tăng cường phòng thủ khu vực Nước Trong - Long Bình và thành lập bộ chỉ huy hỗn hợp để chỉ huy lực lượng này.

Trước tình hình trên, Sư đoàn 304 chủ trương sử dụng Trung đoàn 9 tiến công trong hành tiến đánh chiếm Ngã ba đường 15, phát triển lên hướng sông Buông.

Trung đoàn 24 phát triển chiếm cầu sông Buông hiệp đồng với Trung đoàn 9 phá vỡ trận địa phòng ngự của địch ở rừng cao su.

Từ 20 giờ ngày 27/4/1075, Trung đoàn 9 tổ chức tiến công ra phía Tây đường 15 nhưng bị quân địch tại Ngã ba Trường bộ binh ngăn chặn quyết liệt, trung đoàn phải dừng lại củng cố và đánh phản kích của địch.

Sau đó ta tổ chức tiến công chính diện kết hợp với vu hồi, đến 17 giờ làm chủ khu vực Ngã ba Trường bộ binh.

Trung đoàn 24 tiếp tục củng cố đội hình và ngăn chặn quân địch ở phía Đông Bắc. Lúc này, sư đoàn quyết định cơ động trận địa pháo lên chi viện cho Trung đoàn 9, Trung đoàn 24 kiên quyết đánh ra cầu sông Buông.

Từ 5 giờ ngày 28/4/1975, sau khi pháo bắn chuẩn bị, Trung đoàn 9 tổ chức bộ đội tiến công. Do tổ chức chỉ huy thiếu chặt chẽ nên ta chưa chiếm được khu vực Ngã ba đường số 15.

Trên hướng của Trung đoàn 24, ta tiến công diệt một cứ điểm của địch ở Bắc bình độ 70, sau đó phát triển ra cầu sông Buông nhưng bị địch ngăn chặn ở đường 15B.

Ngày 29/4/1975, Sư đoàn 304 quyết tâm đôn đốc các đơn vị hiệp đồng chặt chẽ tiến công địch. Sau đòn hỏa lực pháo bắn chuẩn bị, trên hướng Trung đoàn 9, ta tổ chức thành ba mũi tiến công, kết hợp giữa đánh chính diện và vu hồi. Đến 10 giờ 45 phút, quân ta đánh tan bọn địch ở rừng cao su và Ngã ba đường 15, làm chủ khu vực này.

Tiến công tiêu diệt 5 sư đoàn chủ lực ngụy, trận mở đầu chiến dịch Hồ Chí Minh ảnh 13Sức mạnh nhân dân và vai trò quần chúng trong chiến dịch Hồ Chí Minh 1975

Trên hướng Trung đoàn 24, sau khi ta tiêu diệt xong quân địch ở khu vực bình độ 70 đã phát triển theo đường 15, tổ chức tiến công quân địch ngăn chặn ở cổng 11 vào Tổng kho Long Bình.

Sau khi bị ta phá vỡ tuyến phòng thủ Nước Trong, quân địch co lại từ khu vực Ngã ba Nam Tổng kho Long Bình đến cầu Xa Lộ thành một cụm lớn. Tư lệnh Sư đoàn 304 lệnh cho các đơn vị khẩn trương truy kích đánh địch rút chạy.

Trên hướng Trung đoàn 24, ta tổ chức tiến công địch ở khu vực Ngã ba Nam Tổng kho Long Bình, đến 24 giờ làm chủ khu vực trên. Tiểu đoàn 5 (Trung đoàn 24), Tiểu đoàn 2 (Trung đoàn 9) và một bộ phận của Tiểu đoàn 7 (Trung đoàn 66), đặc công và một bộ phận của Lữ đoàn 203 xe tăng hiệp đồng chặt chẽ tiến công cụm quân địch ở cầu Xa Lộ, đến 5 giờ sáng 30 tháng 4, ta làm chủ khu vực này.

Sau 4 ngày chiến đấu, Sư đoàn 304 đã đập tan tuyến phòng ngự Nước Trong - Long Bình, tiêu diệt và làm tan rã toàn bộ quân địch ở khu vực trên, tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị thọc sâu của Quân đoàn tiến vào dinh Độc Lập.

Trên hướng tiến công từ phía Tây, Tây Nam, từ 20 giờ ngày 27/4/1975, pháo binh các cấp của ta chi viện cho bộ đội vào chiếm lĩnh trận địa xuất phát tiến công.

Trong quá trình cơ động chiếm lĩnh, trên hai hướng thứ yếu 1 và 2, ta phải tiêu diệt các chốt địch ở vòng ngoài.

Đến 5 giờ ngày 29/4/1975, các đơn vị đã chiếm lĩnh xong, 8 giờ ngày 29/4/1975, pháo kích bắt đầu bắn chi viện cho các hướng vào cửa mở và tiến công địch.

Khi pháo binh dừng bắn, quân ta từ các hướng xung phong. Địch dùng các loại hỏa lực bắn chặn quyết liệt, ta phải dùng cao xạ 37mm tiêu diệt các tháp canh và một số lô cốt chi viện cho các hướng phát triển.

Quân ta vừa tiến công kết hợp với chốt chặn đánh địch phản kích, hiệp đồng chặt chẽ tiêu diệt và làm tan rã toàn bộ quân địch. 10 giờ 25 phút, ta làm chủ thị xã Hậu Nghĩa.

Tiến công tiêu diệt 5 sư đoàn chủ lực ngụy, trận mở đầu chiến dịch Hồ Chí Minh ảnh 14Những chi tiết lịch sử trận đánh trên sân bay Tân Sơn Nhất

Sau đó, bộ đội ta phát triển tiến công quân địch ở hai chi khu Đức Hòa và Đức Huệ, làm chủ các mục tiêu này lúc 14 giờ 30 phút ngày 29/4/1975.

Thắng lợi của trận đánh đã góp phần quyết định tiêu diệt một bộ phận quan trọng lực lượng địch, mở tuyến sông Vàm Cỏ, tạo điều kiện cho Sư đoàn 9 thọc sâu vào Sài Gòn từ phía Tây.

Trận đánh then chốt đầu tiên của chiến dịch kết thúc thắng lợi. Ta diệt, bắt và làm tan rã toàn bộ các sư đoàn chủ lực ở tuyến phòng thủ vòng ngoài của địch.

"Thắng lợi của trận then chốt tiêu diệt 5 sư đoàn chủ lực mạnh nhất của địch ở vòng ngoài đã tạo điều kiện thuận lợi cho các lực lượng vũ trang tại chỗ cùng nhân dân dưới sự lãnh đạo của tổ chức Đảng các cấp nổi dậy giành quyền làm chủ; mở ra thời cơ vô cùng thuận lợi cho các binh đoàn cơ động thọc sâu trên từng hướng của chiến dịch cơ động tiến vào 5 mục tiêu đầu não của địch trong nội đô Sài Gòn" (3).

Tổ chức thắng lợi trận then chốt đầu tiên trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, trước hết là do ta đã đánh giá địch chính xác, kết luận đúng về địch để dự kiến đúng mục tiêu chủ yếu, tập trung lực lượng đánh trận then chốt.

Mở chiến dịch tiến công địch ở Sài Gòn - Gia Định, hai đối tượng chủ yếu của chiến dịch tiến công của ta là các sư đoàn chủ lực mạnh của địch ở vòng ngoài và các cơ quan đầu não của chúng ở nội đô Sài Gòn.

Bộ tư lệnh chiến dịch xác định, trước hết ta phải tiêu diệt được các đơn vị mạnh của địch, nhưng phải giữ được Sài Gòn, không cho địch phá hoại, bảo vệ được tính mạng và tài sản chung của nhân dân.

Ta đã chớp thời cơ, tận dụng thời cơ, liên tục tạo lập thế trận vững chắc đánh trận then chốt. Mặc dù quân địch còn rất đông, tổ chức phòng ngự sẵn, vững chắc, nhưng với thế trận tiến công áp đảo, ta đã tạo ra được một trong những điều kiện để thắng nhanh.

Bộ chỉ huy chiến dịch cũng như chỉ huy các đơn vị của ta đã vận dụng phương pháp tác chiến và vận dụng chiến thuật hợp lý, sáng tạo, linh hoạt, tổ chức chỉ huy hiệp đồng đánh trận then chốt thắng lợi, thể hiện bước trưởng thành vượt bậc về trình độ tổ chức chỉ huy chiến đấu của quân đội ta.

Tài liệu tham khảo:

(1). Bộ Quốc phòng, Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, Tóm tắt các chiến dịch trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954-1975), Nxb Quân đội nhân dân, H. 2001, tr.505.

(2). Việt Nam - 30 năm chiến tranh giải phóng và bảo vệ Tổ quốc (1945-1975) (Biên niên sự kiện), Nxb Quân đội nhân dân, H.2005, tr.687-688.

(3). Bộ Quốc phòng, Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, Tổng kết những trận then chốt chiến dịch trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Nxb Quân đội nhân dân, H. 2011, tr.1095-1096.

Đại tá ĐẶNG VIỆT THỦY