Tiếp sức ngư dân khai thác xa bờ

04/06/2011 00:27
Trước tình hình ngư dân thường xuyên bị tàu Trung Quốc gây hấn, các tỉnh Bắc miền Trung đã đưa ra nhiều giải pháp tiếp sức cho ngư dân bám biển làm ăn.
Trước tình hình ngư dân thường xuyên bị tàu Trung Quốc gây hấn, các tỉnh Bắc miền Trung đã đưa ra nhiều giải pháp tiếp sức cho ngư dân bám biển làm ăn và bảo vệ chủ quyền Tổ quốc.
{iarelatednews articleid='3676,3642,3588,3555,3540,3512'}
Sáng kiến “vàng”
Khoảng 5 năm trước, xã Nghĩa An, huyện Tư Nghĩa (tỉnh Quảng Ngãi) có 2 máy liên lạc tầm xa (Icom), đặt ở 2 địa điểm đầu và cuối xã. Vì vậy mỗi lần muốn hỏi thăm tin tức về tàu thuyền đang đánh bắt trên biển, người thân của họ phải đi khá xa. Trong khi số lượng phương tiện đánh bắt trong xã thì nhiều, nên phải đợi chờ rất lâu.
Trước nhu cầu bức bách đó, cựu ngư dân Huỳnh Văn Minh (54 tuổi), ở thôn Tân Mỹ, quyết định bỏ ra 13 triệu đồng để mua và lắp đặt riêng một máy Icom để tiện liên lạc với 3 tàu của gia đình. Cùng với thông báo về tình hình thời tiết, nắm bắt tình hình của từng chiếc, ông Minh có thể chủ động điều tàu của gia đình hỗ trợ, phối hợp cho nhau nên hiệu quả kinh tế mỗi chuyến ra khơi thu về tăng lên rõ.
Thấy vậy nên các chủ tàu “rỉ tai nhau”, các đội, tổ tàu thuyền tự quản trên biển ở Nghĩa An được thành lập và nhân rộng. Đến nay, 400 tàu thuyền đánh bắt xa bờ ở Nghĩa An đã thành lập thành 38 đội, tổ tự quản trên biển, với số lượng 8-12 chiếc/tổ, đội. Đứng đầu mỗi đội, tổ là những cựu lão ngư cũng chính là ông, cha… của các thành viên, chịu trách nhiệm điều hành.
Mỗi khi tàu thuyền rời bến ra khơi đánh bắt, thông qua máy Icom tự đóng góp tiền mua, các cựu lão ngư ở nhà sẽ theo dõi và thông báo tình hình thời tiết; điều động các thành viên trong đội hỗ trợ cho nhau trong quá trình khai thác; khi gặp nạn, sự cố… Nếu thời tiết bình thường thì mỗi ngày mở máy liên lạc với các thành viên 3 lần, vào lúc 9, 12 và 16 giờ. Còn khi biển động, có bão thì mở liên tục 24/24 giờ.
Ngư dân đánh bắt xa bờ Thừa Thiên - Huế trang bị thêm ngư cụ tiếp tục ra khơi.
Ngư dân đánh bắt xa bờ Thừa Thiên - Huế trang bị thêm ngư cụ
tiếp tục ra khơi.
Vận may chia sẻ, sát cánh khi gặp nạn
Đội trưởng Trần Thứ, ở thôn Tân Hải, giãi bày: Thật ra một khi gặp luồng cá thì hàng chục tàu cùng đánh bắt cũng không hết xuể, nói gì một vài chiếc. Mặt khác để hạn chế chi phí nguyên liệu, thay vì cùng ra khơi tìm kiếm, một số đội, tổ chỉ cử 2-3 tàu đi thăm dò. Khi phát hiện có cá sẽ thông báo địa điểm cụ thể. Theo đó số tàu thuyền thành viên đang neo bờ chạy thẳng ra chỗ khai thác.
Anh Huỳnh Tấn Nghĩa, chủ tàu QNg 97217, khẳng định: Do không phải tốn nhiều thời gian để dò tìm như ngày trước, nên chi phí mỗi chuyến đi giảm 20-30 triệu đồng/tàu. Với 10 chiếc/đội, tổ chia nhau giăng trên 100 hải lý cùng tìm kiếm, thì cơ hội phát hiện thấy đàn cá cũng tăng lên chừng ấy lần.
Trường hợp tàu của ông Trần Đúng, khi ra khơi cuối năm 2010 đánh bắt được 1 tuần thì bị hỏng máy. Nhận được tin báo từ đội trưởng Minh, thuyền trưởng tàu QNg 72287 là Huỳnh Tấn Hoàng lập tức cho thu lưới chạy đến để lai dắt vào bờ.
Chủ tàu Trần Vũ, thành viên của đội ông Trần Thứ, kể: Trong chuyến đi cách đây chưa lâu, khi đang đánh bắt thì nghe tin báo là có tàu của Trung Quốc đang đến. Trước sự ngăn chặn và đe dọa, anh Vũ đành phải cắt bỏ 60/150 tấm lưới để chạy. Sau khi trở về nhà, từ số tiền đóng góp cho mượn của 10 thành viên trong đội là 20 triệu đồng, anh Vũ đã vay thêm gần 20 triệu đồng, mua lại số lưới đã mất.
Tương tự là trường hợp của chủ tàu Huỳnh Văn, sau khi bị tàu của Trung Quốc đe dọa, anh Văn đành phải cắt bỏ toàn bộ giàn lưới 150 tấm, trị giá khoảng 100 triệu đồng để tháo thân. Và cũng nhờ sự trợ giúp của thành viên trong tổ được khoảng 40 triệu đồng, anh Văn cũng đã sắm lại lưới và tiếp tục ra khơi. Sự giúp, hỗ trợ nhau không chỉ giữa các thành viên trong đội, mà giữa các đội trong xã.
Khai thác tại khu vực Hoàng Sa, không ít lần bị tàu của Trung Quốc rượt đuổi, nhưng số bị bắt không nhiều.Theo lời ngư dân Võ Văn Giang, mỗi khi ra đánh bắt tại đây, các thành viên trong tổ điều luôn liên lạc, nhắc nhở nhau cảnh giác. Đặc biệt ở những khu vực, tọa độ mà tàu của Trung Quốc thường xuất hiện, thì khi hoạt động phải cắt cử nhau quan sát, theo dõi; đồng thời giữa các tàu thành viên trong nhóm giữ khoảng cách nhất định để có thể trợ giúp nhau.
Một ngư dân tên Hải, kể: Có lần tàu phát hiện một chiếc tàu của Trung Quốc đang chạy về phía tàu mình, thế nhưng khi thấy xung quanh có khá nhiều “đồng đội” đang đánh cách đó không xa cũng đang chạy đến hỗ trợ, nên tàu của Trung Quốc dừng lại.
Ông Hoàng Ngọc Việt, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Thừa Thiên - Huế, cho biết, trước tình hình ngư dân thường xuyên bị tàu Trung Quốc gây hấn, địa phương đã đưa ra nhiều giải pháp tiếp sức cho ngư dân bám biển làm ăn và bảo vệ chủ quyền Tổ quốc. Chi cục Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh phối hợp với chính quyền địa phương khuyến khích, vận động tàu thuyền liên kết thành lập 14 đội với 40 tổ khai thác và làm dịch vụ hậu cần nghề cá trên biển để ngư dân đánh bắt xa bờ bám biển dài ngày, tiết kiệm nhiên liệu, chi phí...
Đồng thời, hình thành các tổ, đội tàu lắp đặt hệ thống thông tin liên lạc tầm xa tạo thuận lợi trong việc thông tin liên lạc, thông báo cho nhau về luồng cá. Chi cục Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh đề xuất ngành chức năng cần có cơ chế đóng và mở cửa biển đối với từng loại tàu; trong đó, cho phép các tàu có công suất trên 90CV ra biển sớm, bởi các loại tàu này trang thiết bị hiện đại, tốc độ lớn và độ an toàn cao. Tiếp tục, hỗ trợ kinh phí nhiên liệu và 100% kinh phí mua bảo hiểm hàng năm cho thuyền viên là ngư dân đi biển và 30% kinh phí bảo hiểm thân tàu cá...
Ông Nguyễn Đức Cường, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị, vừa có văn bản về việc phân bổ khẩn cấp hơn 585 triệu đồng hỗ trợ ngư dân trên địa bàn. Theo đó, số tiền này hỗ trợ ngư dân mua mới, đóng mới hoặc thay máy tàu đánh bắt, cung ứng dịch vụ khai thác hải sản, thủy hải sản ít tiêu hao nhiên liệu. Kinh phí bảo hiểm thân tàu có công suất 40CV trở lên và bảo hiểm cho các thuyền viên cũng được hỗ trợ.
Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Quảng Trị đã tổ chức được 12 lớp tập huấn kiến thức về an toàn vệ sinh thực phẩm trên tàu cá tại các xã ven biển như Triệu An, Triệu Vân (Triệu Phong), Hải An, Hải Khê (Hải Lăng), Trung Giang, Gio Hải (Gio Linh), Vĩnh Thạch (Vĩnh Linh), với trên 600 ngư dân là các chủ tàu khai thác thủy sản tham gia.
Theo HÀ MINH - V.THẮNG - L.NGỌC/SGGP