Tin thế giới đọc nhanh sáng 15/11/2011

15/11/2011 09:18
Đình Phương (Tổng hợp)
(GDVN) - Chính phủ mới Hy Lạp đối mặt với rắc rối nội bô; Mỹ giúp Thái Lan khắc phục hậu quả lũ lụt; Syria không lay chuyển trước các âm mưu chống đối...
1. Các đại diện của nhóm Bộ tứ về hòa bình Trung Đông, gồm Mỹ, Liên minh châu Âu, LHQ và Nga đã có cuộc gặp với các nhà đàm phán Israel và Palestine  ngày 14/11 (theo giờ địa phương), nhằm khôi phục các cuộc đàm phán hòa bình giữa 2 nước này. Tuy nhiên, trong cuộc gặp với Đặc phái viên Mỹ David Hale, Tổng thống Palestine Abbas nói rằng, Palestine sẽ không gặp các đối tác Israel cho đến khi Israel ngừng xây dựng các khu định cư ở Bờ Tây và Đông Jerusalem, cũng như chấp nhận đường biên giới trước chiến tranh năm 1967.(VOV/Tân Hoa xã)
2. Mỹ sẽ giúp Thái Lan thoát nước và sửa chữa cho sân bay Don Muang, hiện đang bị ngập nặng do lụt. Đó là tuyên bố của Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đưa ra, trong cuộc hội đàm song phương với Bộ trưởng Surapong, bên lề Hội nghị Hợp tác Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC) tại Hawaii. Cùng trong động thái có liên quan, ngày 12/11, Tổng thống Mỹ Barack Obama gửi thư cho Thủ tướng Thái Lan, bày tỏ sự cảm thông sâu sắc tới các nạn nhân trong đợt lũ lụt lịch sử này.(VOV)
3. Chính phủ mới tại Hy Lạp do Thủ tướng Lucas Papademos đứng đầu vừa tuyên thệ nhậm chức ngày 11/11 đã phải đối mặt với khó khăn trong việc thực hiện ưu tiên hàng đầu của mình là thực hiện thỏa thuận tín dụng với Liên minh châu Âu (EU), khi lãnh đạo một chính đảng trong liên minh cầm quyền tuyên bố phản đối các biện pháp "thắt lưng buộc bụng" mới. Như vây, nếu không nhận được khoản vay này trong tháng 11, Athens sẽ rơi vào tình trạng mất khả năng thanh toán, thậm chí phá sản hoặc phải rời khỏi Khu vực đồng euro.(Vietnamplus)
4. Ngày 14/11, Ngoại trưởng Syria Walid al-Moallem tuyên bố chính quyền nước này sẽ không lay chuyển ngay cả khi Syria bị đình chỉ tư cách thành viên Liên đoàn Arập (AL), đồng thời cảnh báo quyết định của AL là một "bước nguy hiểm”. Ngoại trưởng Moallem cũng cho biết chính phủ Syria không lo sợ về khả năng can thiệp quân sự nước ngoài, Ông khẳng định sẽ không tái diễn kịch bản Libya tại Syria.(Vietnamplus/AP)
5. Người dân ở ngoại ô Bangkok đổ ra một con đường cao tốc biểu tình phản đối chính quyền khi khu vực này tiếp tục phải hy sinh để giữ cho trung tâm thủ đô khô ráo. Những người dân yêu cầu chính quyền phải nhanh chóng triển khai thêm bơm để rút nước khỏi khu vực lân cận đang bị ngập nặng. Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra đã kêu gọi người dân kiên nhẫn và đoàn kết chống lũ trên trang Facebook cá nhân.(Vnexpress)
6. Nhà chức trách Na Uy hôm qua(14/11), đã thắt chặt an ninh khi Anders Behring Breivik, người bị buộc tội sát hại 77 người hôm 22/7, lần đầu tiên xuất hiện tại phiên tòa xét xử công khai. Tuy nhiên, các luật sư bào chữa cho Breivik đã đệ đơn phản đối việc thân chủ của họ xuất hiện tại tòa. Họ cho rằng làm như vậy các thẩm phán sẽ không lường hết tình trạng tâm lý của Breivik vốn đã mệt mỏi vì biệt giam kể từ khi bị bắt.(NLĐ/Sky News)
7.Hôm qua (14/11), Quân đội Indonesia đã đồng ý mua 100 xe tăng Leopard 2A6 của Đức và 8 trực thăng tấn công Apache. Chính phủ Indonesia đang tận dụng cuộc khủng hoảng nợ ở châu Âu, nơi các quốc gia đang thiếu tiền và muốn bán vũ khí với giá rẻ. Ngoài 100 xe tăng và 8 trực thăng, quốc gia ngàn đảo sẽ mua một số vũ khí khác từ Pháp, Hà Lan, Đức, Ý và Tây Ban Nha. Dự kiến việc mua sắm sẽ hoàn thành vào năm 2014.(Thanh niên)
8. Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki Moon hoan nghênh quyết định đình chỉ tư cách thành viên của Syria hôm 12/11 của Liên đoàn Ả Rập (AL) và gọi đây là một biện pháp “mạnh mẽ và can đảm” nhằm buộc chính quyền Syria phải chấm dứt các cuộc đàn áp kéo dài từ tháng 3/2011 làm hơn 3.500 người thiệt mạng. Các nước Phương tây đứng đầu là liên minh Châu Âu và Mỹ cũng lên tiếng ủng hộ quyết định này của AL.(Tuổi trẻ/Reuters)
9. Nước Đức đã chấn động khi ngày 14/11, cảnh sát phát hiện ra một đoạn băng rùng rợn dài 15 phút quay cảnh chín người nhập cư bị hành quyết. Thủ phạm là nhóm phát xít mới mang tên Tổ chức Quốc xã bí mật. Vụ việc khiến người dân Đức phải đặt câu hỏi về việc chính quyền Đức bảo vệ hàng triệu người dân nhập cư như thế nào khi chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, phát xít vẫn đang tồn tại và có nguy cơ lan rộng.(Tuổi trẻ/Reuters)
10. Ngày 14/11, lãnh tụ Cuba Fidel Castro cảnh báo một cuộc tấn công của Israel, với sự hẫu thuẫn của Mỹ và phương Tây, nhằm vào Iran sẽ châm ngòi cho một cuộc chiến đẫm máu với những hậu quả khó lường đối với thế giới, đồng thời khẳng định nếu điều đó xảy ra thì nhân loại sẽ phải hứng chịu một thảm họa khôn lường, đó là một cuộc chiến tranh hạt nhân.(Vietnamplus)


Đình Phương (Tổng hợp)