Top 10 vũ khí "nóng nhất" của Trung Quốc năm 2011

19/12/2011 16:18
Trịnh Xuân Tuân (tổng hợp)
(GDVN) - Top 10 vũ khí của nổi bật của Trung Quốc đã làm cho giới báo chí phải tốn không ít giấy mực trong năm 2011.
Với sức mạnh của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, Trung Quốc đã chi hàng chục tỷ USD để phát triển, nghiên cứu các loại vũ khí mới. Sự phát triển sức mạnh quân sự của Trung Quốc có thể nói đã là gây ra những tranh luận “xôn xao” và gây được “nhiều sự chú ý nhất” trong năm 2011.


Sau đây, Báo giáo dục xin tổng hợp Top 10 vũ khí nổi bật nhất của Trung Quốc trong năm 2011.

1. Máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ thứ 5 J-20

Máy bay tàng hình J-20 của Trung Quốc
Máy bay tàng hình J-20 của Trung Quốc

Máy bay J-20 đã được Trung Quốc tích cực thử nghiệm trong năm nay, đưa nước này vào Top 3 cường quốc trên thế giới, (sau Mỹ và Nga) chế thử được tiêm kích thế hệ 5.

Bắt đầu chuyến bay thử đầu tiên từ tháng 1/2011, cho tới nay, máy bay J-20 đã thực hiện được  60 chuyến bay thử nghiệm, đánh dấu những bước phát triển vững chắc loại máy bay tiên tiến này.

Tuy các chuyến bay thử nghiệm J-20 vẫn chưa mang theo một loại vũ khí nào, nhưng qua những hình ảnh và clip thử nghiệm cho thấy tính năng cơ động của nó được đánh giá rất cao.

Dự kiến J-20 sẽ được Không quân Trung Quốc nhận vào phục vụ từ năm 2018, và nó sẽ là một đối thủ đáng gờm đối với các loại máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 của Mỹ như F-22, F-35 và Su-T-50 của Nga.


2. Tàu sân bay Thi Lang

Tàu sân bay Thi Lang của Trung Quốc
Tàu sân bay Thi Lang của Trung Quốc

Tàu sân bay (TSB) Thi Lang là tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc, đã thu hút sự chú ý của thế giới trong suốt năm qua. Quân đội Trung Quốc đã mua lại vỏ tàu sân bay này từ Ukraina vào năm 1998, rồi sau đó tiến hành quá trình "đại tu" để biến nó thành hàng không mẫu hạm đầu tiên.

TSB Thi Lang chạy thử lần đầu vào tháng 8/2011 và vừa hoàn thành thử nghiệm lần hai vào đầu tháng 12/2011. Theo nhiều nguồn tin, trong thời gian chạy thử lần 2 gần đây, TSB Thi Lang đã có cuộc diễn tập hiệp đồng lần đầu tiên với máy bay chiến đấu J-15, nhưng tạm thời chưa tiến hành hạ cánh thử trên boong tàu.

Việc Trung Quốc thử nghiệm tàu sân bay đang gây ra nhiều mối lo ngại ở các nước trên thế giới. Bởi một khi tàu sân bay này chính thức đi vào hoạt động, nó sẽ gây ra nhiều mối đe dọa với các nước láng giềng và cả các quốc gia khác trên thế giới.


3. Máy bay chiến đấu J-16, bản 'nhái' của Su-30MK2

Hình ảnh mà cư dân mạng Trung Quốc cho là máy bay J-16
Hình ảnh mà cư dân mạng Trung Quốc cho là máy bay J-16

Với khả năng sao chép công nghệ tuyệt vời, cùng với những công nghệ mới tự nghiên cứu được. Trung Quốc đã sao chép thành công một bản sao của máy bay chiến đấu Su-30MK2 của Nga với tên gọi là J-16.

Hải quân Trung Quốc đã rất hài lòng với tính năng chiến đấu của máy bay Su-30MK2 mua của Nga và đã yêu cầu nhà máy sản xuất máy bay ở Thẩm Dương sao chép lại Su-30MK2 và yêu cầu tăng cường khả năng chống hạm của máy bay này bằng các tên lửa do Trung Quốc sản xuất.

Về hình dáng bề ngoài, J-16 cơ bản giống với máy bay J-11BS (J-11BS là bản sao chép từ máy bay Su-27 của Nga).


4. Thử thành công tiêm kích trên hạm J-15

Tiêm kích trên hạm J-15
Tiêm kích trên hạm J-15

Tiêm kích hạm J-15 cũng là một bản sao chép khác từ loại tiêm kích hạm Su-33 mà Trung Quốc mua lại được từ Ukraina để phục vụ cho tham vọng trở thành một trong những cường quốc sở hữu tàu sân bay trên thế giới.

Theo các phương tiện truyền thông Trung Quốc, J-15 đã cất cánh thành công từ cầu bật ở trên mặt đất và hạ cánh thông thường trên sân bay. Việc thử nghiệm thành công J-15 sẽ giúp cho kế hoạch đưa vào vận hành tàu sân bay Thi Lang (hay Varyag) đầu tiên của họ có thể bắt đầu sớm hơn dự kiến.


5.Sát thủ diệt tàu sân bay DF-21D

Tên lửa diệt tàu sân bay DF-21D
Tên lửa diệt tàu sân bay DF-21D

Tên lửa diệt tàu sân bay Dongfeng (Đông Phong) DF-21D là một trong số những vũ khí đáng chú ý nhất của Trung Quốc trong năm vừa qua.

Tên lửa này được đặt trên bờ nhưng có thể vươn tới các hàng không mẫu hạm ở xa ngoài khơi và đã gây ra mối lo ngại cho các tàu sân bay của Mỹ.

Theo ước tính của Mỹ, Trung Quốc hiện có từ 60 - 80 tên lửa loại này, kèm theo 60 giàn phóng tự hành đạt tầm bắn lên tới 1.500 km.
6. Chế tạo J-11BSM

Theo tạp chí quân sự Kanwa của Canada, Trung Quốc đã trang bị cho loại Không quân PLA loại máy bay mới có tên là J-11BSM, một biến thể mới từ máy bay chiến đấu hai chỗ ngồi J-11BS. Các nguồn tin nước ngoài đều đánh giá rất cao loại máy bay này của Trung Quốc. Theo đó, J-11BSM đã được đầu tư rất nhiều tiền của để phát triển.

Theo nhiều tạp chí quân sự nổi tiếng như Air Power (Australia), Kanwa (Canada), Aviation Week & Space (Mỹ) cho rằng J-11B/BS/BSM chỉ giống với Su-27SK của Nga và Su-30UBK về bề ngoài, nhưng bên trong là hoàn toàn được lắp đặt hầu hết công nghệ Trung Quốc như hệ thống fly by wire, trinh sát ảnh nhiệt, buồng lái...thiết bị chưa bao giờ tồn tại ở Su-27/30 cuả Nga" và cho rằng tính năng của J-11BSM sẽ tương đương với F-15E của Mỹ.

7. Xe tăng Type-99A2
Hình ảnh xe tăng Type-99A2 mới nhất của Trung Quốc
Hình ảnh xe tăng Type-99A2 mới nhất của Trung Quốc
Xuất pháp điểm của việc phát triển xe tăng của Trung Quốc tuy chậm hơn nhiều so với các cường quốc có lịch sử phát triển xe tăng lâu dài khác như Nga, Mỹ, Pháp, Đức, Anh…

Tuy vậy, Trung Quốc đã biết sàng lọc, kế thừa những điểm mạnh, hạn chế điểm yếu cũng như tích cực mua bán, phát triển công nghệ cho xe tăng của họ, và thành quả nổi bật nhất phải kể đến loại xe tăng chiến đấu chủ lực Type-99A2.

Type-99A2 là một biến thể xe tăng mới nhất được phát triển từ xe tăng Type-99. Tuy không được các nguồn tin chính thống của Trung Quốc công bố thông số kỹ thuật chi tiết và cũng hiếm khi xuất hiện trên mặt báo. Nhưng các chuyên gia quân sự nước ngoài đã đánh giá rất cao loại xe tăng này.

Thậm chí Trung Quốc còn tự phong cho xe tăng này của họ là “Vua châu Á”.

8. Tàu ngầm Type-041

Tàu ngầm Type-041 thực tế và bản vẽ thiết kế của nó
Tàu ngầm Type-041 thực tế và bản vẽ thiết kế của nó

Tàu ngầm Type-041 (lớp Nguyên) được các chuyên gia Trung Quốc tự tin tuyên bố là “hiện đại hơn tàu ngầm lớp Lada” của Nga và thậm chí còn tự cho rằng tàu ngầm Type-041 hoạt động “êm hơn” tới 8 lần so với tàu ngầm Kilo của Nga.

Tuy nhiên, các thông số về tàu ngầm Type-041 vẫn chỉ là thông tin “mờ mịt” và không được xác thực.

Hiện nay, Trung Quốc đang muốn sở hữu số lượng lớn loại tàu ngầm này, vì vậy mà họ đã huy động tới hai nhà máy đóng tàu cùng đóng tàu Type-041.

9. Chiến đấu cơ JF-17 Thần sấm

Chiến đấu cơ JF-17 "Thần sấm"
Chiến đấu cơ JF-17 "Thần sấm"

Chiến đấu cơ JF-17 Thunder hay còn gọi là “Thần sấm” do Trung Quốc và Pakistan phối hợp sản xuất đã lần đầu tiên xuất hiện tại một Triển lãm hàng không quốc tế mà không phải do Trung Quốc tổ chức, đó là tại Triển lãm hàng không quốc tế Dubai lần thứ 12 diễn ra ở UAE hồi tháng 11 vừa qua.
JF-17 Thunder là sản phẩm phối hợp giữa Tập đoàn công nghiệp hàng không Trung Quốc và Không quân Pakistan. Đây là chiến đấu cơ đa chức năng hạng nhẹ, có khả năng chiến đấu đặc biệt là đánh chặn ở tầm thấp và tấn công gần.

10. HQ-16, phiên bản tên lửa tầm trung Buk của Nga

Mới đây, Trung Quốc cũng đã vừa thử nghiệm thành công và chính thức đưa vào biên chế hệ thống tên lửa phòng không mới có tên gọi là Hongqi-16 (Hồng kỳ - 16) cho Đại quân khu Thẩm Dương, nhằm nâng cao đáng kể khả năng phòng không của Trung Quốc.
Nhằm lấp đầy khoảng trống giữa hệ thống tên lửa phòng không tầm ngắn HQ-7 và tầm xa HQ-9. HQ-16 ngoài khả năng tiêu diệt mục tiêu tầm cao thì còn có thể đánh chặn mục tiêu bay thấp ở khoảng cách 40km.

Ngoài ra, Hải quân Trung Quốc cũng đã đưa vào sử dụng biến thể trên biển của HQ-16 lắp trên khu trục hạm Type-054A, nhằm đánh chặn tên lửa đối hạm bay thấp hơn 10m so với mặt nước biển.

Trịnh Xuân Tuân (tổng hợp)