TQ đứng thứ 3 thế giới về số lượng vũ khí hạt nhân chiến lược?

15/10/2014 09:30
Đông Bình
(GDVN) - Kho vũ khí hạt nhân của Bắc Kinh sẽ có 200 - 240 đầu đạn hạt nhân, vượt Pháp, vươn lên trở thành cường quốc quân sự hạt nhân lớn thứ ba thế giới.
Tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Đông Phong-31 Trung Quốc
Tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Đông Phong-31 Trung Quốc

Trung Quốc hiện đã tiến hành bắn thử lần đầu tiên tên lửa đạn đạo xuyên lục địa nhiên liệu rắn mới Đông Phong-31B. Người Mỹ cho rằng, Bắc Kinh đã sử dụng thiết bị bắn cơ động mặt đất tương tự tên lửa Topol Nga, trong vài năm tới, thực lực hạt nhân chiến lược của Trung Quốc sẽ có thể vươn lên đứng thứ ba thế giới, chỉ sau Nga và Mỹ.

Mạng “Quan sát quân sự” Nga dẫn bài viết của Dmitry Litovkin cho biết, trang mạng "Thế giới quốc phòng" Mỹ dẫn nguồn tin từ Lầu Năm Góc cho hay, Bắc Kinh hiện đã lần đầu tiên có khả năng phá vỡ vị thế độc quyền chiến lược lĩnh vực vũ khí hạt nhân của Washington và Moscow.

Hiện nay, tình hình về tên lửa Đông Phong-31B còn ít thông tin, nhưng điều quan trọng nhất là tầm bắn trên 10.000 km của nó đủ để vươn tới lãnh thổ Mỹ hoặc khu vực phía châu Âu của Nga. Chỗ nguy hiểm của tên lửa đạn đạo Đông Phong-31B là nó có thể bắn cơ động, rất khó bắt được manh mối trước khi nó bắn.

Theo bài viết, đến nay, chỉ có Nga sở hữu hệ thống bắn tên lửa như vậy. Căn cứ vào số liệu công bố trên trang mạng "Thế giới quốc phòng", đến ngày 1 tháng 1 năm 2014, Lực lượng tên lửa chiến lược của Nga trang bị tên lửa cơ động mặt đất tổng cộng có 108 quả Topol, 18 quả Topol-M và 33 quả Yars.

Tên lửa mặt đất bắn cố định và cơ động đã cấu thành trụ cột vững chắc của lực lượng ngăn chặn hạt nhân Nga. Đây cũng là điểm khác biệt trong tư duy phát triển sức mạnh hạt nhân chiến lược của hai nước Nga-Mỹ. Tên lửa đạn đạo xuyên lục địa của Mỹ chủ yếu dựa vào tên lửa trang bị cho tàu ngầm.

Tên lửa chiến lược Topol-M Nga
Tên lửa chiến lược Topol-M Nga

Cựu Tham mưu trưởng Lực lượng tên lửa chiến lược Nga Victor Yesin cho rằng: "Trong thời kỳ khủng hoảng, thiết bị bắn cơ động có thể bố trí khắp nơi trên lãnh thổ rộng lớn, muốn phát hiện chúng hầu như là không thể. Chúng có thể phát động tấn công hạt nhân ở bất cứ điểm nào trong quá trình hành tiến".

Theo bài viết, trước đây, Liên Xô đã đưa ra thiết bị bắn cơ động, đã làm xoay chuyển rất lớn cân bằng sức mạnh quân sự giữa họ với Mỹ. Nhiều năm qua, Washington luôn cố gắng thúc đẩy hệ thống theo dõi tàu cầu thường trực 24 giờ trong mọi điều kiện thời tiết của họ để trinh sát tình hình bắn cơ động của tên lửa. Trong giai đoạn 2015 - 2020, Mỹ sẽ phóng 21 vệ tinh để xây dựng mạng lưới vệ tinh của họ. Mặc dù vậy, chúng vẫn không thể hoàn toàn nắm được tình hình di chuyển của thiết bị bắn cơ động.

Viktor Yesin chỉ ra: "Phát triển thiết bị bắn cơ động phù hợp với chiến lược đáp trả hạt nhân của Trung Quốc, có thể bảo đảm cho Bắc Kinh đáp trả các cuộc tấn công hạt nhân của Moscow và Washington khi cần thiết. Trung Quốc đào đường hầm dài ở vùng núi, thiết bị bắn cơ động hoàn toàn có thể ẩn náu trong đó".

Theo tờ tuần san "Tin tức Quốc phòng" Mỹ, Mỹ đang cố gắng thăm dò chiều dài đường hầm dùng để bố trí vũ khí hạt nhân phân bố ở các khu vực cùng với số lượng đầu đạn của Trung Quốc. Không lâu trước, Tổng thống Mỹ Obama hạ lệnh khởi thảo sáng kiến/ý tưởng an ninh quốc gia mới, yêu cầu Bộ Tư lệnh chiến lược Mỹ đệ trình báo cáo liên quan, nắm chắc tình hình mạng lưới đường hầm dưới lòng đất của Trung Quốc, đánh giá khả năng Mỹ sử dụng vũ khí hạt nhân và truyền thống phá hủy loại đường hầm này và vũ khí hạt nhân dự trữ ở đó.

Sơ đồ phân bố vũ khí hạt nhân của Trung Quốc do Mỹ công bố (ảnh tư liệu)
Sơ đồ phân bố vũ khí hạt nhân của Trung Quốc do Mỹ công bố (ảnh tư liệu)

Theo bài báo, tính năng tác chiến của tên lửa Đông Phong-31B "ngang hàng" với tên lửa Topol Nga, tính ưu việt của chúng ngoài tính cơ động, còn thể hiện ở tốc độ bắn. Chúng bắn nhanh hơn hầu hết tên lửa đạn đạo. Vì vậy, thông qua vệ tinh không chỉ rất khó phát hiện bắn tên lửa, mà còn khó đánh chặn.

Bài viết cho rằng, hiện nay, sức mạnh hạt nhân của Trung Quốc không thể so sánh với Nga, Mỹ. Nhưng, căn cứ vào đánh giá của các chuyên gia phương Tây, tên lửa thế hệ mới Trung Quốc có thể thực sự đe dọa Moscow và Washington. Sau khi bắn thành công Đông Phong-31B, số lượng tên lửa bắn cơ động của Trung Quốc sẽ tăng lên 130 - 140 quả vào năm 2015.

Trong tương lai còn có thể xuất hiện tên lửa Đông Phong-41, tầm bắn có thể đạt 14.000 km, lắp 6 - 10 đầu đạn hạt nhân độc lập. Cuối cùng, kho vũ khí hạt nhân của Bắc Kinh sẽ có 200 - 240 đầu đạn hạt nhân, vươn lên vượt Pháp, trở thành cường quốc quân sự hạt nhân lớn thứ ba thế giới.

Đông Bình