Trực thăng, tàu cứu hộ và 5.000 người ứng phó sóng thần

18/10/2011 15:10
Hoàng Dũng/Người lao động
Sáng 18-10, tại bãi biển Đà Nẵng đã diễn ra cuộc diễn tập ứng phó sóng thần và tìm kiếm cứu nạn lần đầu tiên.

Hiện trường giả hoành tráng như thật với hàng chục máy bay trực thăng, tàu cứu hộ và khoảng 5.000 người tham gia.


Lúc này, TP Đà Nẵng có trên 6.500 khách du lịch trong và ngoài nước đang vui chơi giải trí ở các khu vực trên biển. Ngoài ra, có khoảng 75 tàu, thuyền với 910 lao động đang hoạt động đánh bắt thủy sản; trên 450 tàu, thuyền đang neo đậu trong cảng, ven bờ sông.

Khi sóng thần xảy ra, có trên 27.000 hộ dân với 133.529 nhân khẩu thuộc 20 phường, xã của 5 quận ven biển Đà Nẵng, trong đó có trên 26.000 trẻ em và người già phải sơ tán khẩn cấp.

Khu vực diễn tập có 12 tổ dân phố thuộc phường Thọ Quang sống ven biển, trên 1.000 người đang sinh hoạt tại nhà, trường Tiểu học Nguyễn Phan Vinh có 3 lớp/100 học sinh và thầy cô.
Trên dọc bờ biển phía Đông phường Thọ Quang có trên 3.500 người dân địa phương, khách du lịch đang tắm biển, vui chơi; 30 thuyền đánh bắt cá/150 lao động đang đánh bắt thủy sản cách bờ khoảng 5-7 km và 15 tàu cá/120 lao động đang đánh bắt cách bờ khoảng 10-15km. Không chỉ vậy, còn có 2 tàu cá/10 lao động vào cách bờ 4km, trong đó có 1 chiếc bị hỏng máy, 1 chiếc bị va vào đá có nguy cơ chìm đang yêu cầu giúp đỡ.

Sau khi nhận được tin sóng thần, chính quyền phát đi tin cảnh báo, các đơn vị phải bắt tay ngay vào xử lý tình huống: Sử dụng hệ thống phương tiện thông tin đại chúng, các thiết bị thông tin liên lạc tàu, thuyền trên biển, thiết bị tại chỗ phát thông báo cảnh báo sóng thần cho cư dân trên đất liền và ngư dân trên biển sơ tán tránh sóng thần.

Tổ chức lực lượng của quận, phường cơ động đến những khu vực trọng điểm để thông báo cảnh báo và hỗ trợ nhân dân, học sinh sơ tán, sẵn sàng xử trí các tình huống.

Tổ chức sơ tán nhân dân ven biển vào sâu trong đất liền từ 1-1,5km hoặc lên độ cao trên 10m, có thể lên các nhà cao tầng kiên cố sâu trong đất liền 300-400m. Chỉ đạo các tàu thuyền cùng cơ động vào bờ tránh sóng thần kịp thời, đồng thời cứu những người bị nạn lên bờ.

Sau khi có thông báo sóng thần hết tràn vào Đà Nẵng, lúc 10 giờ 30 ngày N., đã có nhiều đợt sóng liên tục, với độ cao khoảng 56 m vào bờ biển Đà Nẵng và vào đất liền khoảng 200-300m, có nơi 600-700m, một số vùng ven biển bị ngập sâu khoảng 2,5-3 m; các vùng ven sông Hàn cho đến cầu Cẩm Lệ có nơi ngập sâu 1,5-2 m.
Theo thống kê ban đầu, sóng thần đã làm chết, mất tích khoảng 150 người (chủ yếu là ngư dân đánh bắt trên biển), bị thương khoảng 300 người (chủ yếu do quá trình sơ tán); chìm đắm, mất tích 150 tàu, thuyền đánh cá; nhà bị sập đổ 250 căn. Ngay lập tức, lực lượng công an, biên phòng, dân quân, dân phòng, dân phố tổ chức tìm kiếm, cứu nạn khu vực trên đất liền và trên biển.

Lực lượng y tế, hội chữ thập đỏ tham gia tìm kiếm, cứu nạn và cấp cứu khẩn cấp. Tổ chức tuần tra giữ an ninh trật tự, đồng thời lực lượng Quân khu 5 hỗ trợ tìm kiếm, cứu nạn trên đất liền và vùng gần bờ; không quân, hải quân, Trung tâm Tìm kiếm cứu nạn hàng hải khu vực 2 cứu nạn trên vùng biển. Một máy bay trực thăng lượn nhiều vòng khu vực hòn Sập, rồi tìm đến mục tiêu bị nạn mà hải quân đã thả khói đánh dấu và vớt 1 người ở Tây Bắc hòn Sập đưa về sân bay.
Lát sau, một máy bay trực thăng khác cũng đã cứu vớt được 1 người bị nạn rồi chở về sân bay.

Tàu Vùng 3 Hải quân đã đến bãi Nam ra hướng hòn Sập và cứu được 8 người bị nạn, lai dắt 2 tàu cá vào bờ.
Trên đất liền, một ca nô vào khu vực ngập lụt tìm kiếm và cứu 2 người giao lại cho Hội Chữ thật đỏ. Ban Chỉ huy Quân sự TP đã điều 2 ca nô và cứu 7 người giao cho Hội Chữ thật đỏ, công an cũng cứu được 4 người... Đồng thời, tổ chức khắc phục hậu quả, xử lý môi trường, vệ sinh phòng dịch và điều phối hoạt động cứu trợ. Cuộc diễn tập kết thúc lúc 9 giờ 50.

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nhấn mạnh: Mục đích của cuộc diễn tập là nhằm kiểm nghiệm hệ thống quan trắc tiếp nhận, xứ lý thông tin, truyền tải phát tin thông báo, cảnh báo sóng thần, để từng bước hoàn thiện hệ thống này. Ngoài ra, cũng góp phần nâng cao nhận thức cho cộng đồng dân cư có ý thức chủ động phòng tránh, sẵn sẵng ứng phó khi xảy ra sóng thần.
Một số hình ảnh của buổi diễn tập:
Trực thăng, tàu cứu hộ và 5.000 người ứng phó sóng thần ảnh 1
Du khánh và người dân đang vui chơi trên biển Đà Nẵng, nơi sóng thần chuẩn bị ập đến
Trực thăng, tàu cứu hộ và 5.000 người ứng phó sóng thần ảnh 2
Du khách chạy khỏi bờ biển lên đồi cao để tránh sóng thần
Trực thăng, tàu cứu hộ và 5.000 người ứng phó sóng thần ảnh 3
Người phụ nữ này chạy ra bờ biển ngóng trông chồng vào bờ để tránh sóng thần

Trực thăng, tàu cứu hộ và 5.000 người ứng phó sóng thần ảnh 4
Lực lượng bộ đội triển khai lực lượng sơ tán dân khỏi vùng sóng thần

Trực thăng, tàu cứu hộ và 5.000 người ứng phó sóng thần ảnh 5
Trực thăng vớt người gặp nạn trên biển
Trực thăng, tàu cứu hộ và 5.000 người ứng phó sóng thần ảnh 6
Người gặp nạn được đưa vào bờ
Trực thăng, tàu cứu hộ và 5.000 người ứng phó sóng thần ảnh 7
Hiện trường tan hoang sau sóng thần
Tình huống cuộc diễn tập đưa là:  Lúc 8 giờ 5 ngày N., TP Đà Nẵng nhận được thông báo của Trung tâm báo tin động đất cảnh báo: Lúc 7 giờ 55 phút ngày N., tại khu vực 17,5 độ vĩ Bắc - 119,1 độ kinh Đông (phía Tây đảo Luzong của Philippines) xảy ra trận động đất với cường độ 8,8 độ richter, gây ra nhiều thiệt hại về người, tài sản và cơ sở hạ tầng của đảo Luzong.

Do ảnh hưởng của động đất đã gây ra sóng thần trên biển Đông, có nguy cơ ảnh hưởng đến ven biển miền Trung rất lớn. Dự kiến, sau 2 đến 3 giờ sóng thần sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến bờ biển TP Đà Nẵng với độ cao của sóng khoảng 6m.
Hoàng Dũng/Người lao động