Trung Quốc chỉ dám dùng "võ mồm" với Triều Tiên?

14/02/2013 08:35
Nguyễn Hường (Nguồn: Reuters)
(GDVN) - Trung Quốc luôn miễn cưỡng nhắc đến các biện pháp trừng phạt mạnh mẽ chống lại Triều Tiên vì sợ nó có thể dẫn đến những hành động không mong đợi của quốc gia không thể đoán trước này

Sự kiện Bình Nhưỡng tiến hành vụ thử hạt nhân lần thứ 3 đã thu hút sự lên án mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế, có thể là cả biện pháp trừng phạt của LHQ và đã phá vỡ niềm hy vọng của Washington rằng Trung Quốc sẽ kiềm chế được đồng minh hung hăng của mình.
Một binh sĩ Triều Tiên tuần tra khu vực biên giới giáp Đan Đông, Trung Quốc.
Một binh sĩ Triều Tiên tuần tra khu vực biên giới giáp Đan Đông, Trung Quốc.

Bắc Kinh chỉ lên tiếng trách móc Bắc Triều Tiên và không có gì xảy ra thêm. Thế giới đã từng chứng kiến kịch bản này xảy ra và có khả năng sẽ được nhìn thấy nó tái diễn một lần nữa sau vụ nổ hạt nhân hôm 12/2 của Triều Tiên. Giải thích cội nguồn lý do của động thái này, Reuters dẫn lời các chuyên gia phân tích cho biết:
Trung Quốc luôn miễn cưỡng nhắc đến các biện pháp trừng phạt mạnh mẽ chống lại Triều Tiên vì sợ nó có thể dẫn đến những hành động không mong đợi của quốc gia không thể đoán trước này. Bây giờ, trong bối cảnh đang bị đe dọa bởi kế hoạch chuyển trọng tâm chiến lược tới châu Á - TBD của Mỹ, Bắc Kinh thậm chí còn ít mong muốn bất hòa với Triều Tiên hơn.
"Hoa Kỳ chuyển chiến lược tới TBD khiến Trung Quốc đã mất nhiều thời gian trong việc điều chỉnh mối quan hệ đối với Bắc Triều Tiên" - Reuters dẫn lời ông Thẩm Đinh Lực, một chuyên gia an ninh khu vực tại Đại học Phúc Đán ở Thượng Hải cho biết.
Khi Bình Nhưỡng công bố ý định thử hạt nhân lần 3, Trung Quốc đã lên tiếng cho biết nước này "vô cùng bất mãn, kiên quyết phản đối". Tiếp đó, trước sức ép của Mỹ kêu gọi Trung Quốc kiềm chế người hàng xóm của mình trước vụ nổ, Bắc Kinh đe dọa sẽ cắt viện trợ của Triều Tiên.

Tổng thống Mỹ Barack Obama khẳng định Mỹ trước sau như một kiên quyết bảo vệ Hàn Quốc sau khi Triều Tiên tiến hành một vụ thử hạt nhân ngầm dưới đất.
Tổng thống Mỹ Barack Obama khẳng định Mỹ trước sau như một kiên quyết bảo vệ Hàn Quốc sau khi Triều Tiên tiến hành một vụ thử hạt nhân ngầm dưới đất.

Tuy nhiên, biện pháp trừng phạt đó có thể sẽ không diễn ra bởi theo chuyên gia chính sách đối ngoại tại Trung Quốc, ưu tiên của Bắc Kinh khác với Mỹ và các đồng minh Hàn Quốc, Nhật Bản của nước này. Bắc Kinh quan tâm tới sự ổn định ở khu vực biên giới chung nhạy cảm với Triều Tiên hơn là vấn đề hạt nhân của nước này. 
"Trung Quốc luôn lo lắng rằng Triều Tiên có thể sụp đổ một cách nhanh chóng... Có thể là vấn đề người tị nạn hoặc tình trạng bất ổn dân sự, hoặc một cuộc đối đầu quân sự là lý do khiến Trung Quốc do dự" - ông Chu Phong, một giáo sư về nghiên cứu quốc tế tại Đại học Bắc Kinh nhận định.
Ngược lại, ngoài việc hỗ trợ lương thực và nhiên liệu để giữa cho Bình Nhưỡng đứng vững kể từ khi xảy ra nạn đói trong những năm 1990, Bắc Kinh đã thúc đẩy, tăng cường thương mại, đầu tư tới quốc gia này.
"Bằng nhiều cách, Trung Quốc không chỉ cung cấp hỗ trợ kinh tế cho Triều Tiên mà còn thúc đẩy chính quyền Bình Nhưỡng trụ vững bởi vì họ không muốn một cuôc chiến tranh và không muốn có sự thay đổi mối quan hệ hiện tại với Hoa Kỳ" -  Stephanie Kleine-Ahlbrandt, Giám đốc phụ trách khu vực Đông Bắc Á có trụ sở tại Bắc Kinh của Nhóm Khủng hoảng Quốc tế nói.
Nguyễn Hường (Nguồn: Reuters)