Trung Quốc lợi dụng Mỹ khó khăn để đạt lợi ích ở vịnh Ba Tư

27/07/2012 07:42
Đông Bình (nguồn báo Hoàn Cầu)
(GDVN) - Trung Quốc “khát khao vô tận” đối với dầu mỏ của vịnh Ba Tư, họ tận dụng những khó khăn của Mỹ để có năng lượng…
Quân đội Mỹ đã đến Trung Đông từ lâu.
Quân đội Mỹ đã đến Trung Đông từ lâu.

Ngày 23/7, tạp chí “Foreign Policy In Focus” Mỹ có bài viết “Trung Quốc và vịnh Ba Tư” cho rằng, theo nhiều nhà phân tích, Trung Quốc trỗi dậy là sự kiện địa-chính trị và kinh tế quan trọng nhất của thế giới trong thế kỷ này. Nhân tố trung tâm của sự trỗi dậy Trung Quốc là năng lượng, bởi vì Trung Quốc cần năng lượng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Hơn 42% nhập khẩu dầu mỏ của Trung Quốc đến từ vịnh Ba Tư (vịnh Péc-xích, Persian Gulf), Bắc Kinh coi khu vực này là đóng vai trò then chốt/quan trọng cho sự phát triển kinh tế của Trung Quốc. Vai trò ảnh hưởng của Trung Quốc đối với khu vực nhiều dầu mỏ nhất thế giới này tăng lên là một chủ đề của cuốn sách “Trung Quốc và vịnh Ba Tư: Ảnh hưởng đối với Mỹ”.

Tác giả của cuốn sách này đặc biệt quan tâm đến mối quan hệ giữa Trung Quốc với Ả-rập Xê-út, Iran, Iraq. Từ năm 2002 đến nay, Ả-rập Xê-út luôn là nước cung ứng dầu thô hàng đầu của Trung Quốc. Quan hệ giữa Trung Quốc và Ả-rập Xê-út được hai nước coi trọng cả kinh tế và chính trị.

Tác giả Erica Downs cho rằng, quan hệ giữa Trung Quốc và Iran là một mối quan hệ tế nhị, chủ yếu là do Bắc Kinh cho rằng Iran là một “nơi cám dỗ nhưng khó làm ăn”. Iran là nước cung ứng dầu mỏ lớn thứ ba của Trung Quốc. Nhưng sự trừng phạt của phương Tây tạo ra sức ép cho Trung Quốc, thúc đẩy Trung Quốc, khi đánh giá quan hệ với Iran, thận trọng hơn so với quan hệ với Ả-rập Xê-út.

Mỹ thu được nhiều tỷ USD nhờ bán vũ khí cho Trung Đông. Trong hình là máy bay chiến đấu ném bom F-15S của Ả-rập Xê-út, mua của Mỹ.
Mỹ thu được nhiều tỷ USD nhờ bán vũ khí cho Trung Đông. Trong hình là máy bay chiến đấu ném bom F-15S của Ả-rập Xê-út, mua của Mỹ.

Trong khi đó, Trung Quốc coi Iraq và trữ lượng 115 tỷ thùng dầu đã thăm dò được của nước này là “cơ hội”. Iraq có kế hoạch tăng lớn lượng sản xuất dầu mỏ, Bộ Dầu mỏ Iraq sẽ giao 3 trong số 11 hợp đồng lớn cho các công ty Trung Quốc.

Một tác giả khác của bài viết “Trung Quốc và vịnh Ba Tư”, Jon Alterman cho rằng, quan hệ tam giác Mỹ-Trung Quốc-vịnh Ba Tư có sự phụ thuộc lẫn nhau. Mục tiêu chính của Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương Mỹ là Trung Quốc.

Nhưng, quy mô thương mại Mỹ-Trung đứng thứ hai thế giới, Trung Quốc nắm giữ gần 1.000 tỷ trái phiếu chính phủ Mỹ, nên có “tác động nhất định” đến nền kinh tế Mỹ.

Quan hệ giữa Mỹ và vịnh Ba Tư chủ yếu tập trung vào an ninh, hàng năm Washington bán hàng tỷ USD vũ khí cho chính phủ các nước ở khu vực này, đồng thời thiết lập căn cứ quân sự ở tất cả các nước của Ủy ban Hợp tác vùng Vịnh, trừ Ả-rập Xê-út.

Cuối cùng, động lực của quan hệ giữa Trung Quốc và vịnh Ba Tư là nhu cầu của Trung Đông đối với ngành xây dựng và chế tạo của Trung Quốc và khát khao vô tận của Trung Quốc đối với tài nguyên thiên nhiên của vịnh Ba Tư.

Hải quân Trung Quốc tiến hành hộ tống ở vịnh Aden để bảo vệ an toàn cho tàu thương mại của họ.
Hải quân Trung Quốc tiến hành hộ tống ở vịnh Aden để bảo vệ an toàn cho tàu thương mại của họ.

Trung Quốc và các nước vịnh Ba Tư không thể gạt Mỹ ra khỏi vịnh Ba Tư, mà Mỹ và các nước vịnh Ba Tư cũng không thể gạt bỏ Trung Quốc, bởi vì nền kinh tế toàn cầu quá lệ thuộc vào dầu mỏ của vịnh Ba Tư.

Alterman cho rằng, Mỹ, Trung Quốc và vịnh Ba Tư có lợi ích chung trên phương diện bảo đảm sự ổn định của vịnh Ba Tư và sự thông suốt về năng lượng. Mục tiêu của Washington “không phải là từ chối tam giác”, “mà là tiếp nhận nó”.

Các học giả quan tâm tới Trung Quốc và vịnh Ba Tư thống nhất cho rằng, Trung Quốc ngày càng quan trọng đối với các nước vịnh Ba Tư và ngược lại. Mặc dù Trung Quốc không tìm cách thách thức vị thế “lực lượng quân sự chủ đạo khu vực” của Mỹ, nhưng có thể sẽ lợi dụng khó khăn của Mỹ tại khu vực để theo đuổi lợi ích của mình. Quan hệ tam giác Trung Quốc - Mỹ - vịnh Ba Tư không thể tránh được, giữa chúng có sự căng thẳng nhất định, nhưng ba bên đều cần tới nhau.

Mỏ dầu Soroush của Iran ở vịnh Ba Tư.
Mỏ dầu Soroush của Iran ở vịnh Ba Tư.
Đông Bình (nguồn báo Hoàn Cầu)