Trung Quốc muốn đánh lạc hướng dư luận về Biển Đông tại Shangri-la 12

03/06/2013 06:55
Hồng Thủy
(GDVN) - Dù khéo che đậy đến đâu, ý đồ độc chiếm Biển Đông và bản chất ngoan cố với cái gọi là "tuyên bố chủ quyền và lợi ích cốt lõi" của Trung Quốc ở Biển Đông vẫn không có gì thay đổi.
Ông Thích Kiến Quốc, Phó tổng tham mưu trưởng Trung Quốc phát biểu tại đối thoại an ninh Shangri-la lần thứ 12
Ông Thích Kiến Quốc, Phó tổng tham mưu trưởng Trung Quốc phát biểu tại đối thoại an ninh Shangri-la lần thứ 12
Đối thoại an ninh Shangri-la lần thứ 12 đã kết thúc chiều qua 2/6 sau 3 ngày làm việc tại Singapore với nhiều dư luận khác nhau xung quanh những phản ứng của đoàn Trung Quốc về vấn tranh chấp chủ quyền Biển Đông.
Không ít đoàn đại biểu các nước tham dự Shangri-la 12 cảm thấy dường như năm nay Bắc Kinh trở nên cởi mở và sẵn sàng đối thoại tại diễn đàn an ninh quan trọng bậc nhất khu vực này. John Chipman, Tổng giám đốc Viên Nghiên cứu chiến lược (IISS), đơn vị tổ chức đối thoại an ninh Shangri-la cho rằng: "Không có gì nghi ngờ rằng phái đoàn quân đội Trung Quốc năm nay đã rất sẵn sàng tham gia vào các cuộc đối thoại." Tuy nhiên ông cũng cho biết, "mức độ và cách thức tham gia của Trung Quốc vào đối thoại Shangri-la là khác nhau". Thật khó đoán biết ý đồ của Bắc Kinh khi năm 2011 đột ngột nâng cấp trưởng đoàn dự Shangri-la lên Bộ trưởng Quốc phòng, 2012 lại hạ đột ngột xuống cấp chuyên viên tổng cục - quân khu. Bộ trưởng Quốc phòng Philippines cũng thừa nhận có sự thay đổi trong thái độ của đoàn Trung Quốc tại Shangri-la năm nay: "Vâng, họ nói về rất nhiều điều tốt đẹp ngay bây giờ, biện pháp hòa bình và tất cả những điều tốt đẹp".  Có lẽ do đã quá quen với thói nói một đằng làm một nẻo của giới chức Bắc Kinh về tranh chấp Biển Đông, Bộ trưởng Quốc phòng Voltaire Gazmin cũng tỏ ra cảnh giác khi nói thêm, ông hy vọng những phát biểu của đoàn Trung Quốc không chỉ là lời nói xuông mà nó sẽ biến thành thực tế hành động với những gì đang xảy ra trên Biển Đông. Theo phản ánh của hãng Reuters, những động thái vừa rồi của đoàn Trung Quốc tại Shangri-la lần thứ 12 dường như đã được lên kế hoạch để hạ bớt giọng "quyết đoán" gần đây xung quanh tranh chấp Biển Đông bằng nhấn mạnh sự hợp tác và thảo luận. Các quan chức Trung Quốc đã mượn diễn đàn đối thoại Shangri-la để tìm cách làm giảm bớt mối lo ngại (của các nước láng giềng, khu vực và cộng đồng quốc tế) về ý đồ của Bắc Kinh. "Sự phát triển và thịnh vượng của Trung Quốc là một cơ hội lớn thay vì là một thách thức hoặc thậm chí là đe dọa đối với các nước trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương", ông Thích Kiến Quốc - Phó tổng tham mưu trưởng Trung Quốc nói, "Trung Quốc là một quốc gia yêu chuộng hòa bình". Thích Kiến Quốc đã trả lời hơn 10 câu hỏi của các đại biểu tham gia đối thoại Shangri-la lần thứ 12. Tuy nhiên, dù khéo che đậy đến đâu, ý đồ độc chiếm Biển Đông và bản chất ngoan cố với cái gọi là "tuyên bố chủ quyền và lợi ích cốt lõi" của Trung Quốc ở Biển Đông vẫn không có gì thay đổi. Ông Quốc khẳng định rằng, hoạt động đối thoại mà ông vừa đề cập không có nghĩa là biểu hiện của sự "thỏa hiệp vô điều kiện" và sự hiện diện của tàu chiến Trung Quốc tại Biển Đông (xâm phạm chủ quyền Việt Nam tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa - PV) là "hoàn toàn hợp pháp trong lãnh thổ của Trung Quốc"?! Trung Quốc vẫn khăng khăng đòi "đàm phán tay đôi" các tranh chấp với Philippines ở Biển Đông và khu vực bãi cạn Scarborough, phản đối quyết liệt việc đưa tranh chấp ra trọng tài quốc tế bất chấp thực tế không có một tiến triển nào trong đàm phán song phương giữa Manila và Bắc Kinh sau 3 năm nỗ lực của Philippines. "Các nước trong khu vực cần hạn chế xây dựng các liên minh quân sự, thiết lập kẻ thù tưởng tượng và hành động chống lại một bên thứ 3", ông Thích Kiến Quốc phát biểu, động thái cho thấy Bắc Kinh thực sự đang lo ngại sự hình thành một "liên minh" chống lại sự bành trướng của Trung Quốc trên Biển Đông.

Hồng Thủy