"Trung Quốc muốn dùng thủ đoạn quân sự hóa để giải quyết vấn đề Biển Đông"

08/12/2015 11:01
Đông Bình
(GDVN) - Triển khai ở các đảo nhân tạo, máy bay chiến đấu sẽ đưa các căn cứ của Việt Nam và Philippines vào tầm ngắm, Trung Quốc đang chuẩn bị cho hành động quân sự....

Tờ China Times Đài Loan ngày 7/12 đưa tin, để triển khai máy bay ném bom chiến lược ở Biển Đông trong thời gian ngắn, Trung Quốc đã xây dựng thêm 3 sân bay quân sự (bất hợp pháp) trên đảo nhân tạo mà Bắc Kinh mới bồi lấp (trái phép) trên đá Chữ Thập, Xu Bi và Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa (Khánh Hòa, Việt Nam).

Đường băng trên đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa (Khánh Hòa, Việt Nam) do Trung Quốc xây dựng bất hợp pháp
Đường băng trên đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa (Khánh Hòa, Việt Nam) do Trung Quốc xây dựng bất hợp pháp

Theo bình luận của báo Air Force Times Mỹ ngày 6/12, Trung Quốc chưa từng chính thức tuyên bố từ bỏ "quyền" xây dựng (bất hợp pháp) sân bay ở đảo nhân tạo trên Biển Đông, hành vi này có thể khiến cho các nước Đông Nam Á mà cụ thể là Philippines và Việt Nam cảm thấy căng thẳng và bất an.

Công trình bồi đắp, xây đảo (bất hợp pháp) trong chỉ vài tháng đã làm cho Trung Quốc có thêm được rất nhiều công trình quân sự như cảng và sân bay ở vùng biển (Bắc Kinh nhảy vào) tranh chấp.

Chuyên gia an ninh Đông Á Euan Graham đến từ châu Úc cho rằng, sự tồn tại của những căn cứ này đã giúp cho Trung Quốc có năng lực nhanh chóng triển khai tàu cảnh sát biển và tàu chiến ở Trường Sa.

Trong một cuộc họp  báo, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc Ngô Khiêm đã né tránh trả lời câu hỏi của phóng viên về tình hình xây dựng bất hợp pháp các công trình quân sự trên Biển Đông.

Căn cứ vào hình ảnh vệ tinh do quân đội và tổ chức dân sự Mỹ cung cấp, Trung Quốc đã bồi đắp, xây đảo nhân tạo bất hợp pháp ở 7 đá ngầm thuộc quần đảo Trường Sa (Khánh Hòa, Việt Nam).

Trung Quốc mặc dù luôn khăng khăng cho rằng các hành động bất hợp pháp này sẽ không ảnh hưởng tới hòa bình và ổn định của khu vực, nhưng mục đích của họ rõ ràng là “muốn sử dụng thủ đoạn quân sự hóa để thực hiện yêu sách chủ quyền (vô lý, phi pháp) đối với quần đảo Trường Sa”.

Sự lo ngại này tăng cao khi Trung Quốc triển khai bất hợp pháp máy bay chiến đấu J-11 ở đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa (Đà Nẵng, Việt Nam).

Nếu những máy bay chiến đấu của Quân đội Trung Quốc cất cánh từ những đường băng này và tiến hành tuần tra thường xuyên trên bầu trời Biển Đông sẽ khiến cho quan hệ giữa Trung Quốc với Việt Nam, Philippines rơi vào căng thẳng, kể cả hành động thực hiện quyền tự do đi lại của Quân đội Mỹ cũng sẽ bị ảnh hưởng bất lợi.

Vài sân bay ở Biển Đông có thể giúp cho Quân đội Trung Quốc bổ sung nhiên liệu và đạn dược cho máy bay chiến đấu của họ.

Chuyên gia quân sự Mỹ Hans Kristensen cho rằng, sự xuất hiện của những máy bay chiến đấu này sẽ làm cho các đối thủ của Trung Quốc phải mất nhiều thời gian hơn để tính toán làm thế nào để đối phó chúng.

Theo chuyên gia này, máy bay chiến đấu Trung Quốc không còn phải bay 1.000 km để vươn tới chiến trường, các căn cứ của Việt Nam và Philippines cũng sẽ dễ bị đe dọa hơn.

Vào đầu tháng 12, người phát ngôn Không quân Trung Quốc Thân Tiến Khoa tuyên bố Trung Quốc sẽ sử dụng máy bay ném bom H-6K để tiến hành tuần tra trên không thường xuyên ở Vùng nhận dạng phòng không biển Hoa Đông.

Khi được hỏi H-6K phải chăng cũng sẽ tiến hành nhiệm vụ tuần tra tương tự ở Biển Đông, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc Ngô Khiêm cho rằng, Trung Quốc sẽ xem xét "các mối đe dọa gây ra cho Trung Quốc" từ tình hình tại chỗ để đưa ra quyết định.

Hiện nay, trong các thực thể do Trung Quốc chiếm đóng bất hợp pháp ở quần đảo Trường Sa (Khánh Hòa, Việt Nam), chỉ có đường băng ở đá Chữ Thập là có đủ độ dài để có thể triển khai máy bay ném bom H-6K.

Bài báo dẫn "tuyên bố" của Trung Quốc cho biết, tác dụng của các sân bay trên những đảo nhân tạo này là cung cấp “huấn luyện thực hiện nhiệm vụ cất hạ cánh trên tàu sân bay” cho phi công lực lượng đường không Hải quân Trung Quốc.

Nhưng Trung Quốc có khả năng chứa đủ nhiên liệu ở những sân bay này hay không là một vấn đề lớn thể hiện lực lượng không quân nước này có thể sử dụng những sân bay này một cách thuận lợi hay không.

Chuyên gia an ninh Euan Graham cho rằng, Trung Quốc có tính toán quân sự hóa những sân bay trên các đảo nhân tạo này hay không có thể nhìn vào hình ảnh trong thời gian tới, xem ở đó có dự trữ nhiên liệu hay không.

Điều này không chỉ có nghĩa là Trung Quốc sẽ điều đội bay quy mô lớn đến quần đảo Trường Sa, đồng thời còn có nghĩa là "lực lượng đường không của Quân đội Trung Quốc đang tiến hành chuẩn bị cho các hành động quân sự nghiêm túc".

Như vậy, nếu tình hình diễn ra đúng như bình luận của chuyên gia Euan Graham thì đây là một mối đe dọa thực sự nghiêm trọng đối với các nước ven Biển Đông và là mối đe dọa nghiêm trọng đối với hòa bình, an ninh và ổn định khu vực. 

Đông Bình