Trung Quốc sẽ sớm kéo máy bay, tên lửa ra đảo nhân tạo phi pháp ở Trường Sa

31/07/2015 15:25
Hồng Thủy
(GDVN) - Trực thăng vũ trang, tàu đổ bộ, pháo binh cơ động có thể được sử dụng để tấn công đổ bộ các thực thể khác ở Trường Sa gần căn cứ quân sự Trung Quốc xây dựng.

Học giả Bonnie S. Glaser từ Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và quốc tế (CSIS) ngày 30/7 viết trên trang cá nhân tờ The National Interest rằng ngày càng thấy rõ khả năng Trung Quốc có ý định sử dụng các đảo nhân tạo nước này bồi lấp, xây dựng bất hợp pháp ở Biển Đông vào mục đích quân sự. Đô đốc Harry Harris, Tư lệnh Hạm đội 7 Hoa Kỳ đã đưa ra nhận định này trong một diễn đàn của CSIS tuần trước.

Hình minh họa.
Hình minh họa.

Tướng Harris cho biết các đảo nhân tạo này sẽ trở thành tiền đồn quân sự của Trung Quốc. Bắc Kinh đã không phủ nhận ý đồ sử dụng nó vào các mục đích quân sự. Người Trung Quốc sẽ cài đặt những vũ khí nào tại đây và tạo ra những mối đe dọa nào, đó là vấn đề đang đặt ra và cần có câu trả lời.

Đầu tiên, các tiền đồn mà Trung Quốc xây dựng bất hợp pháp ở Trường Sa chắc chắn sẽ được trang bị hệ thống ra đa và các thiết bị điện tử phục vụ nghe lén, thu thập tin tức tình báo, giám sát, trinh sát. Các đường băng mới được xây dựng ví dụ như ở đá Chữ Thập sẽ chứa hầu hết các máy bay chiến đấu hiện có của Trung Quốc dồn xuống Biển Đông.

Thiết kế các công trình cơ sở hạ tầng trên đá Chữ Thập cho thấy chúng sẽ được sử dụng để cất giữ các chiến đấu cơ chiến thuật. Đường băng Trung Quốc đã xây dựng đủ lớn để có thể hạ cánh các loại máy bay cỡ lớn như B-52.

Trung Quốc có thể sẽ vận hành các máy bay trinh sát, cảnh báo sớm, máy bay điều khiển, máy bay không người lái, máy bay vận tải, máy bay tiếp dầu và máy bay chiến đấu tùy thuộc vào các nền tảng và hệ thống đang được triển khai trên các tiền đồn ngoài đảo nhân tạo. Nếu không phải tất cả, Trung Quốc cũng có thể giám sát phần lớn Biển Đông 24/7.

Các tiền đồn quân sự này sẽ cung cấp cho Trung Quốc lợi thế lớn hơn các nước láng giềng và tạo ra thách thức cho các hoạt động quân sự của Hoa Kỳ trong khu vực. Bắc Kinh hoàn toàn có thể đơn phương tuyên bố áp đặt vùng nhận diện phòng không (ADIZ) ở một phần hoặc tất cả phạm vi yêu sách đường lưỡi bò (vô lý, phi pháp) trên Biển Đông.

Đô đốc Harry Harris, Tư lệnh Hạm đội 7 Hoa Kỳ. Ảnh: Defense One.
Đô đốc Harry Harris, Tư lệnh Hạm đội 7 Hoa Kỳ. Ảnh: Defense One.

Để thực thi một ADIZ như vậy, Trung Quốc cần phải có một số đường băng trên các địa điểm khác nhau ở Biển Đông. Bắc Kinh đã mở rộng (bất hợp pháp) đường băng trên đảo Phú Lâm, Hoàng Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam, bị Trung Quốc xâm lược và chiếm đóng trái phép từ 1974 đến nay). Hình ảnh chụp từ vệ tinh gần đây cho thấy Trung Quốc cũng đang xây dựng một đường băng khác ở đá Su Bi, Trường Sa (Trung Quốc xâm lược và chiếm đóng trái phép từ năm 1988 đến nay với 5 bãi đá khác).

Ngay từ thời điểm Bắc Kinh đơn phương tuyên bố áp đặt ADIZ ở Hoa Đông, một Thiếu tướng nước này đã 'tâm sự" với bà Bonnie S. Glaser rằng từ lâu quân đội Trung Quốc đã có kế hoạch áp đặt ADIZ ở Hoa Đông, Hàng Hải và Biển Đông. Bắc Kinh có khả năng sử dụng các tiền đồn ở Trường Sa để mở rộng phạm vi "chống xâm nhập" xa hơn về phía Đông và phía Nam, khu vực biển Philippines và biển Sulu.

Những đường băng này cũng sẽ giúp Bắc Kinh mở rộng phạm vi hoạt động cho các máy bay Trung Quốc từ Hải Nam bao quát toàn bộ Biển Đông và xa hơn nữa, thách thức các hoạt động quân sự của Hoa Kỳ trong khu vực tăng lên đáng kể. 

Theo Đô đốc Harry Harris, Mỹ vẫn chưa nhìn thấy Trung Quốc lắp đặt hệ thống tên lửa chống hạm, tên lửa hành trình hay các bệ phóng trên các đảo nhân tạo, nhưng trong tương lai gần rất có thể Băc Kinh sẽ triển khai các hệ thống tên lửa đất đối không. Ngoài ra cầu cảng Trung Quốc xây dựng ở đá Chữ Thập có thể đón tàu ngầm.

Nếu trong thời chiến, các tiền đồn quân sự của Trung Quốc thiết lập bất hợp pháp ở Trường Sa dễ bị tấn công thì trong thời bình và nổ ra một cuộc khủng hoảng nào đó, hệ thống tiền đồn này sẽ tạo cho Trung Quốc khả năng giữ chân quân đội Mỹ ở một khoảng cách xa hơn hiện nay.

Học giả Bonnie S. Glaser, Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và quốc tế. Ảnh: Want China Times.
Học giả Bonnie S. Glaser, Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và quốc tế. Ảnh: Want China Times.

Điều này có ý nghĩa đối với nỗ lực của Mỹ đảm bảo an ninh cho đảo Đài Loan. Một tàu sân bay hay chiến hạm của Mỹ muốn cơ động từ Ả Rập hay Ấn Độ Dương muốn đến giúp Đài Loan phải đi qua Biển Đông. Ngoài ra trong chiến tranh, muốn tấn công các căn cứ này Mỹ phải điều máy bay, tàu chiến và các loại vũ khí hiện đại từ nơi khác đến.

Trong trường hợp Trung Quốc tấn công tiền đồn các bên yêu sách khác ở Biển Đông mà họ đang đóng giữ ở Trường Sa, quân đội Trung Quốc sẽ có nhiều lợi thế. Trực thăng vũ trang, tàu đổ bộ, pháo binh cơ động có thể được sử dụng để tấn công đổ bộ các thực thể khác ở Trường Sa gần căn cứ quân sự Trung Quốc xây dựng bất hợp pháp.

Ngoài ra, Trung Quốc có thể lựa chọn phương án gây áp lực với các bên yêu sách khác nhằm tìm cách buộc họ phải rời khỏi các tiền đồn mình đang đóng giữ. Ví dụ Trung Quốc có thể bao vây cắt đứt đường chi viện cho lực lượng quân sự Philippines đang đóng trên xác một con tàu cũ ở bãi Cỏ Mây, Trường Sa.

Bắc Kinh đã phớt lờ mọi lời kêu gọi ngừng ngay các hoạt động bồi lấp, xây dựng và quân sự hóa đảo nhân tạo bất hợp pháp ở Trường Sa. Hoàn thành việc bồi lấp, xây dựng và quân sự hóa các đảo nhân tạo bất hợp pháp này càng nhanh càng tốt rõ ràng là một ưu tiên cao độ của Bắc Kinh, đó là lý do tại sao chỉ trong nửa năm Trung Quốc đã tạo ra một diện tích đảo nhân tạo lớn như vậy.

Việc triển khai khả năng tấn công, sức mạnh quân sự của Trung Quốc ở Trường Sa là nguy hiểm và gây mất ổn định trong khi rõ ràng Trung Quốc không muốn đàm phán, ký kết COC. Do đó theo bà Bonnie S. Glaser, Mỹ và các bên liên quan nên sớm tiến hành tuần tra hàng hải xung quanh các đảo nhân tạo Trung Quốc xây dựng bất hợp pháp.

UNCLOS quy định rằng các đảo nhân tạo không được hưởng quy chế về các vùng biển như một hòn đảo tự nhiên theo Công ước này. Việc tiến hành tuần tra như vậy ở quần đảo Trường Sa sẽ báo hiệu cho Trung Quốc thấy các khu vực tranh chấp phải được quản lý một cách hòa bình và phù hợp với luật pháp quốc tế.

Hồng Thủy