"Trung Quốc sẽ tiếp tục kéo giàn khoan 981 xâm phạm Trường Sa"

29/05/2014 07:24
Hồng Thủy
(GDVN) - Giàn khoan được thiết kế để khai thác dầu khí ở Biển Đông. Nó sẽ di chuyển vào các vùng nước sâu ở những khu vực khác trên Biển Đông. Trung Quốc đáng ra đã
Lâm Bá Cường, đại học Hạ Môn, người nói với Reuters về việc Trung Quốc sẽ kéo giàn khoan 981 ra Trường Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam).
Lâm Bá Cường, đại học Hạ Môn, người nói với Reuters về việc Trung Quốc sẽ kéo giàn khoan 981 ra Trường Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam).

Reuters ngày 28/5 đưa tin, một số chuyên gia Trung Quốc cho biết, họ tin rằng giàn khoan 981 được Bắc Kinh gọi là "lãnh thổ quốc gia di động" sau khi kết thúc hoạt động (bất hợp pháp) "ở vùng biển Hoàng Sa" mà thực tế là trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, nó sẽ được kéo đi nơi khác, và cuối cùng sẽ là quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam).

"Giàn khoan được thiết kế để khai thác dầu khí ở Biển Đông. Nó sẽ di chuyển vào các vùng nước sâu ở những khu vực khác trên Biển Đông. Trung Quốc đáng ra đã phải làm điều này từ lâu, nhưng không có công nghệ và phương tiện, đồng thời thiếu khả năng bảo vệ các hoạt động ngoài khơi"?! Lâm Bá Cường, Giám đốc trung tâm Nghiên cứu kinh tế năng lượng đại học Hạ Môn, cố vấn cơ quan quản lý năng lượng quốc gia Trung Quốc cho biết.

Ngoài các hoạt động bất hợp pháp của giàn khoan 981 cùng "hạm đội" tàu hộ tống trên vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam, Trung Quốc còn đang tìm cách ve vãn các tập đoàn dầu khí nước ngoài đang hợp tác với Việt Nam.

Hôm 14/5, Vương Nghi Lâm, Chủ tịch tập đoàn Dầu khí ngoài khơi quốc gia Trung Quốc (CNOOC), chủ sở hữu giàn khoan 981 đã gặp Giám đốc điều hành tập đoàn Exxon Mobil, Rex Tillerson tại Bắc Kinh. Trước đó Exxon cho biết đang đàm phán với Việt Nam về tính khả thi của việc phát triển tài nguyên khí đốt tự nhiên ngoài Biển Đông. Công ty này từ chối bình luận về tác động ảnh hưởng của các hoạt động bất hợp pháp của giàn khoan 981.

Để khẳng định hoạt động bất hợp pháp của giàn khoan 981 trong vùng biển Việt Nam không phải một đòn "nắn gân" mà là thủ đoạn xâm lược bằng kinh tế thực sự, Ngô Sĩ Tồn, Viện trưởng Viện nghiên cứu Nam Hải (Biển Đông) nói với Reuters: Trung Quốc khá tự tin, nếu không họ sẽ không bắt đầu khoan.

Giàn khoan 981 sẽ tiếp tục bành trướng xuống Trường Sa?
Giàn khoan 981 sẽ tiếp tục bành trướng xuống Trường Sa?

Đánh giá xung quanh vụ giàn khoan 981, ngày 28/5 Phó giáo sư Abanti Bhattacharya từ khoa Nghiên cứu Đông Á thuộc đại học Delhi, Ấn Độ bình luận, việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan 981 trong vùng đặc  quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, lại còn điều tàu chiến, máy bay quân sự tới bảo vệ rõ ràng là biểu hiện của sự hiếu chiến và sẵn sàng sử dụng vu lực để giải quyết tranh chấp (thực tế là Trung Quốc nhảy vào đòi tranh chấp vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam - PV).

Học giả Bhattacharya cho rằng, vụ giàn khoan 981 là một phần trong chính sách đối ngoại hiếu chiến của Tập Cận Bình, một nỗ lực thực hiện cái gọi là "giấc mơ Trung Hoa" và là phản ứng với Mỹ trước những cam kết gần đây trong việc bảo vệ đồng minh trước sự xâm lược của Trung Quốc.

Cũng theo Bhattacharya, Trung Quốc sẽ không bao giờ từ bỏ tuyên bố chủ quyền (vô lý, bất hợp pháp) của họ ở Biển Đông bởi chính phủ nước này đang theo đuổi chủ nghĩa dân tộc cực đoan và một giấc mơ "phục hưng Trung Quốc". Để đối phó với tham vọng bành trướng lãnh thổ của Bắc Kinh, các cơ chế trong ASEAN hiện nay cần phải được thiết kế lại bởi xây dựng lòng tin đơn thuần là không đủ.

Đồng thời, cần phải tạo dựng cơ chế đàm phán đa phương, đó là phương tiện chính để chống lại các mối đe dọa ngày càng tăng của Trung Quốc trên Biển Đông, nhưng chỉ đứng về phe Mỹ chống lại Trung Quốc trên Biển Đông sẽ tự chuốc lấy thất bại. Đoàn kết ASEAN và đàm phán đa phương mới thực sự là phương pháp đối phó với chính sách đối ngoại hiếu chiến và đối đầu của Trung Quốc, Bhattacharya kết luận.

Trong một động thái khác có liên quan, hôm qua Tổng thống Mỹ Barack Obama tuyên bố, sẽ rất khó khăn để kêu gọi Trung Quốc giải quyết tranh chấp hàng hải với láng giềng theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS) khi Thượng viện Mỹ vẫn từ chối phê chuẩn nó, mặc dù các lãnh đạo quân sự hàng đầu của Mỹ vẫn khẳng định thúc đẩy hiệp ước an ninh của Mỹ (với đồng minh). "Đó không phải là lãnh đạo mà là rút lui. Đó không phải là sức mạnh, mà là sự yếu đuối", ông Obama kết luận.

Các Thượng nghị sĩ của đảng Cộng hòa đã từ chối phê chuẩn UNCLOS vì cho rằng Công ước này sẽ xâm hại lên chủ quyền của Hoa Kỳ.

Hồng Thủy