Trung Quốc thay nữ Đại sứ mới tại ASEAN ngay trước thềm đối thoại

10/07/2012 10:10
Hồng Thủy
(GDVN) - Vấn đề tranh chấp chủ quyền biển Đông vẫn là nhiệm vụ số 1 của tân Đại sứ Trung Quốc bà Dương Tú Bình.
Giới truyền thông nhà nước Trung Quốc hôm nay 10/7 đưa tin, bà Dương Tú Bình, nguyên Đại sứ Trung Quốc tại Srilanka kiêm nhiệm Đại sứ Trung Quốc tại Maldives vừa được bổ nhiệm làm Đại sứ Trung Quốc tại ASEAN thay thế nữ Đại sứ Đổng Hiểu Linh.

Cựu Đại sứ Đổng Hiểu Linh (trái) và tân Đại sứ Dương Tú Bình (phải)
Cựu Đại sứ Đổng Hiểu Linh (trái) và tân Đại sứ Dương Tú Bình (phải)

Tính từ năm 2009 đến thời điểm hiện tại, Trung Quốc đã có 3 đời Đại sứ tại ASEAN, và một điểm đặc biệt là cả 3 Đại sứ này đều là phụ nữ, trong đó Đại sứ Trung Quốc đầu tiên tại ASEAN là bà Tiết Hãn Cần.

Bà Dương Tú Bình là người Giang Tô, tốt nghiệp đại học Ngoại ngữ Bắc Kinh năm 1980 và về làm tại Cục Thông tin Bộ Ngoại giao Trung Quốc.

Trải qua nhiều chức vụ và vị trí khác nhau trong ngành ngoại giao Trung Quốc, từ năm 2009 đến nay bà Dương Tú Bình là Đại sứ Trung Quốc tại Srilanka và Maldives.

Quyết định điều chuyển, thay thế nhân sự Đại sứ Trung Quốc tại ASEAN được ông Hồ Cẩm Đào, Chủ tịch Trung Quốc ký ngày 18/6 vừa qua.

Đại sứ tiền nhiệm tại ASEAN của Trung Quốc, bà Đổng Hiểu Linh được cho là người giàu kinh nghiệm trong hoạt động giao thiệp với các thành viên khối ASEAN vì trước đó bà Linh đã có một thời gian khá dài công tác tại Vụ Châu Á, Bộ Ngoại giao Trung Quốc, sau đó đảm nhiệm công tác ngoại giao tại Philippines, Singapore và Brunei.

Một điểm đặc biệt nữa trong công tác bổ nhiệm Đại sứ Trung Quốc tại ASEAN năm nay đó là, hai người tiền nhiệm, bà Tiết Hãn Cần và bà Đổng Hiểu Linh đều là Đại sứ không thường trú tại ASEAN, nhưng bà Dương Tú Bình sẽ là Đại sứ thường trú và địa điểm được lựa chọn chính là Jakakta, thủ đô Indonesia.

Lực lượng tàu Hải giám vừa triển khai diễn tập trái phép trên biển Đông làm gia tăng thêm căng thẳng
Lực lượng tàu Hải giám vừa triển khai diễn tập trái phép trên biển Đông làm gia tăng thêm căng thẳng

Indonesia hiện tại một mặt không có tranh chấp nào trên biển Đông với Trung Quốc – vấn đề tồn tại lớn nhất trong quan hệ song phương Trung Quốc – ASEAN cũng như với 4 quốc gia khác trong khu vực.

Đồng thời, Jakakta được Bắc Kinh đánh giá là thành viên có tiếng nói trọng lượng trong khối Đông Nam Á, có quan hệ khá mật thiết và ủng hộ quan điểm của Trung Quốc.

Điểm đặc biệt thứ 2 trong công tác luân chuyển nhân sự Đại sứ Trung Quốc tại ASEAN năm 2012 đó là, vấn đề tranh chấp chủ quyền biển Đông vẫn là nhiệm vụ số 1 của tân Đại sứ Trung Quốc bà Dương Tú Bình.

Trước đó, ngày 4/7 vừa qua, bà Dương Tú Bình đã có cuộc gặp và làm việc với Cục Hải dương Trung Quốc – đơn vị chủ quản lực lượng tàu Hải giám đang “làm mưa làm gió” trên biển Đông trong thời gian vừa qua, đồng thời bà Bình cũng gặp gỡ lãnh đạo Tổng đội Hải giám Trung Quốc.

Theo đó, Cục Hải dương Trung Quốc cho hay đã ký kết hiệp định hợp tác với Malaysia, Indonesia, Thái Lan trong lĩnh vực đối ngoại biển đảo.

Tân Đại sứ Trung Quốc tại ASEAN đến thăm Cục Hải dương Trung Quốc ngay sau khi nhận nhiệm vụ cho thấy biển Đông sẽ là nhiệm vụ số 1 của bà Dương Tú Bình

Tân Đại sứ Trung Quốc tại ASEAN đến thăm Cục Hải dương Trung Quốc ngay sau khi nhận nhiệm vụ cho thấy biển Đông sẽ là nhiệm vụ số 1 của bà Dương Tú Bình

Đồng thời đơn vị này cũng vạch ra cái gọi là “Kế hoạch khung hợp tác quốc tế trên biển Đông và vùng biển quốc tế phụ cận giai đoạn 2011 – 2015”. Một trong những nhiệm vụ quan trọng tiếp theo của bà Bình sẽ là thúc đẩy các nước ASEAN tham gia vào kế hoạch này.

Có thể thấy đây là nước cờ khá tinh vi và có tính toán của Trung Quốc nhằm giữ thế chủ động đặt ra luật chơi trong vấn đề biển Đông. Song song với các hoạt động lấn lướt, gây căng thẳng trên thực địa, trên lĩnh vực đối ngoại Trung Quốc đang lôi kéo rất mạnh các nước thành viên ASEAN không có tranh chấp lãnh hải với mình.

Ý thức được xu thế hòa bình, hữu nghị vẫn là chính và chưa phải lúc động đến vũ lực trên biển Đông, về mặt ngoại giao, Bắc Kinh đã chuẩn bị sẵn phương án, đó chính là bản kế hoạch vừa nêu nhằm chủ động đặt ra luật chơi và lôi kéo một số thành viên ASEAN tham dự trong bối cảnh 4 bên còn lại ngày càng kiên quyết hơn trước các động thái leo thang của Bắc Kinh và Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ đều bày tỏ quan tâm đặc biệt.

Trung tướng Vương Đăng Bình (trái) vừa được điều động thay thế trung tướng Hoàng Gia Tường (phải) làm Chính ủy hạm đội Nam Hải, đơn vị hải quân chủ lực của quân đội Trung Quốc ở biển Đông
Trung tướng Vương Đăng Bình (trái) vừa được điều động thay thế trung tướng Hoàng Gia Tường (phải) làm Chính ủy hạm đội Nam Hải, đơn vị hải quân chủ lực của quân đội Trung Quốc ở biển Đông

Động thái thay đổi nhân sự vị trí Đại sứ Trung Quốc tại ASEAN diễn ra gần như cùng thời điểm với việc thay thế nhân sự Hạm đội Nam Hải của hải quân Trung Quốc. Ngay giới truyền thông Trung Quốc cũng úp úp mở mở khi liên kết hai sự kiện này.

Tờ QQ News, một tờ báo điện tử có lượng độc giả rất lớn ở Trung Quốc bôi đậm dòng thông tin: “Trong bối cảnh tranh chấp trên biển giữa Trung Quốc với một số nước Đông Nam Á đang gia tăng và trước thềm khai mạc diễn đàn ASEAN, Trung Quốc thay đổi nhân sự Đại sứ Trung Quốc tại ASEAN và vị chí Chính ủy Hạm đội Nam Hải”.

Chưa biết ý đồ của Bắc Kinh là gì trong vụ điều chuyển nhân sự liên quan trực tiếp tới vấn đề biển Đông lần này, nhưng có thể thấy gần như đó là một dấu hiệu cho một sự thay đổi, điều chỉnh chiến lược của Trung Quốc đối với biển Đông trong thời gian tới và độc chiếm biển Đông, biến biển Đông thành ao nhà vẫn là tham vọng cố hữu, âm mưu không hề thay đổi.

* Trích dẫn, đăng tải lại toàn bộ hoặc một phần thông tin từ bài viết này phải chịu trách nhiệm và ghi rõ "theo báo Giáo Dục Việt Nam" hoặc "theoGiaoduc.net.vn" Box thảo luận ở phía dưới là diễn đàn để độc giả gửi comment, đánh giá, nhìn nhận và chia sẻ ý kiến. Báo Giáo Dục Việt Nam luôn đón nhận các ý kiến khách quan, có tính chất xây dựng, tôn trọng pháp luật, thuần phong mỹ tục... của tất cả bạn đọc gửi về. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu để quá trình biên tập và đăng tải được thuận tiện. Chân thành cảm ơn độc giả!


Hồng Thủy