Trung Quốc xây căn cứ tàu cảnh sát biển để đấu Nhật Bản ở đảo Senkaku

16/06/2015 06:41
Đông Bình (nguồn báo Hoàn Cầu)
(GDVN) - Ngoài ra, Trung Quốc tăng cường các hoạt động quân sự áp sát răn đe Nhật Bản như triển khai tàu khu trục, tàu hộ vệ, máy bay không người lái...
Tàu cảnh sát biển lớp 10.000 tấn Trung Quốc đã lắp pháo 76 mm
Tàu cảnh sát biển lớp 10.000 tấn Trung Quốc đã lắp pháo 76 mm

Tờ "Hoàn Cầu" Trung Quốc ngày 14 tháng 6 dẫn hãng tin Kyodo, Nhật Bản ngày 13 tháng 6 đưa tin, Cục cảnh sát biển Trung Quốc đang có kế hoạch xây dựng căn cứ quy mô lớn để đậu tàu cỡ lớn ở thành phố Ôn Châu, tỉnh Chiết Giang, tăng cường lực lượng tới đảo Senkaku.

Theo bài báo, Trung Quốc đang nghiên cứu triển khai chính thức máy bay không người lái tuần tra xung quanh đảo Senkaku. Trong khi đó Bộ Quốc phòng Nhật Bản cũng công bố tin tức cho biết, hai tàu chiến Trung Quốc cùng ngày chạy ở vùng biển phụ cận đảo Yonaguni.

Bộ Tham mưu liên quân - Bộ Quốc phòng Nhật Bản cho biết, khoảng 3 giờ chiều ngày 13 tháng 6 (giờ Bắc Kinh), Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản phát hiện tàu khu trục tên lửa Trịnh Châu số hiệu 151 và tàu hộ vệ tên lửa Tam Minh số hiệu 524 của Hải quân Trung Quốc ở vùng biển cách đảo Yonaguni 290 km về phía tây nam.

Hai tàu chiến này chạy tới vùng biển hướng tây nam. Một ngày trước đó, 2 tàu chiến này của Trung Quốc cũng từng chạy ở khu vực lân cận đảo Miyako, chạy tới vùng biển hướng đông nam.

Trung Quốc chế tạo tàu cảnh sát biển
Trung Quốc chế tạo tàu cảnh sát biển

Bài báo cho rằng, trang mạng chính quyền tỉnh Chiết Giang thượng tuần tháng này phát hành văn bản, đã cho biết nội dung tổ chức hội nghị của phía thành phố Ôn Châu và Cục cảnh sát biển Trung Quốc.

Trong kế hoạch, căn cứ này có tên là "căn cứ chỉ huy và bảo đảm tổng hợp Ôn Châu", bao gồm 6 bến lớp 10.000 tấn, nhà chứa máy bay và trực thăng, căn cứ huấn luyện lớn, quy mô đất dùng tổng cộng là 750 mẫu. Tổng đầu tư công trình khoảng 3,34 tỷ nhân dân tệ, toàn bộ do tài chính Trung ương gánh.

Ôn Châu là thành phố duyên hải thuộc đất liền Trung Quốc cách đảo Senkaku gần nhất, cách chỉ 356 km, có ưu thế địa lý rõ rệt trong "bảo vệ chủ quyền biển" ở biển Hoa Đông.

Hãng tin Kyodo cho rằng, Quân đội Mỹ từng sử dụng máy bay không người lái Global Hawk tiến hành trinh sát nhiều lần đối với Trung Quốc ở biển Hoa Đông.

Hiện nay, tranh chấp giữa Trung-Nhật về tuyến phân giới biển Hoa Đông và chủ quyền đảo trở nên gay gắt, chỉ dựa vào hoạt động tuần tra hiện có thì "không thể hoàn thành nhiệm vụ".

Máy bay vũ trang không người lái Dực Long, Trung Quốc
Máy bay vũ trang không người lái Dực Long, Trung Quốc

Trung Quốc đang nghiên cứu triển khai máy bay không người lái tiến hành theo dõi định kỳ đối với khu vực xung quanh đảo Senkaku. Trung Quốc hiện nay sở hữu trên 50 máy bay không người lái quân dụng.

Trong đó, máy bay không người lái Dực Long có khả năng hoạt động liên tục đạt 4.000 km, có thể bay liên tục 20 giờ, sử dụng thích hợp nhất cho biển Hoa Đông.

Đông Bình (nguồn báo Hoàn Cầu)