TS Nguyễn Xuân Thủy: "May mà Hà Nội dừng, không làm bến xe tạm"

05/08/2013 07:38
Diệu Linh (Thực hiện)
(GDVN) - "74 tỷ đồng đổ ra làm bến xe dùng tạm 6-7 năm thì quá lãng phí, trong khi đất nước ta còn nghèo, Thủ đô cũng chẳng phải giàu có gì, tiêu một hào cũng phải suy xét cẩn trọng, vì đó là tiền mồ hôi nước mắt của dân, chứ không phải ở trên trời rơi xuống".

Ngày 2/8, ông Nguyễn Thể Thảo – Chủ tịch UBND TP Hà Nội đã quyết định dừng toàn bộ công tác nghiên cứu lập dự toán xây dựng bến xe tạm tại khu vực vực đầu cao tốc Pháp Vân (trước đó đã được Sở GTVT Hà Nội trình bày với kinh phí dự kiến ban đầu là 74 tỷ đồng).

Nhân sự kiện này, Báo Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với TS Nguyễn Xuân Thủy – chuyên gia nghiên cứu hơn 30 năm vê giao thông đô thị về công tác sử dụng, quy hoạch các bến xe của Hà Nội.

PV: Thưa TS Nguyễn Xuân Thủy, dưới góc nhìn của một chuyên gia nghiên cứu giao thông đô thị, ông thấy Hà Nội có cần thiết xây dựng bến xe mới vào lúc này và vị trí ở đầu cao tốc Pháp Vân có phù hợp?

TS Nguyễn Xuân Thủy: Theo nhu cầu phát triển thì trong tương lai, Hà Nội có thể cần thêm bến xe nữa, nhưng hiện tại thì không cần, vì với 6 bến hiện có cũng đã dư sức đáp ứng nhu cầu đi lại của bà con rồi. Vì vậy, tôi nghĩ rằng việc Chủ tịch TP Hà Nội cho dừng xây dựng bến xe tạm này là đúng đắn, chúng ta không thể tiêu vài chục tỷ đồng cho một dự án không rõ ràng như vậy được, đó là sự lãng phí ghê gớm.

Nếu trong tương lai có làm thêm bến xe mới thì vị trí mà Sở GTVT đã chọn ở đầu cao tốc Pháp Vân để tham mưu với lãnh đạo TP là rất không phù hợp. Một địa điểm được chọn làm bến xe phải đáp ứng được tối thiểu 3 tiêu chí:

Thứ nhất, thuận tiện cho người dân đi lại; Thứ hai, không gây khó khăn cho doanh nghiệp, nghĩa là không thể các tỉnh phía Nam chạy lên phía Bắc và ngược lại; Thứ ba là phù hợp với tình hình giao thông ở cả thời điểm hiện tại và tương lai vài chục năm sau này. Tôi thấy dự án mà Sở GTVT đưa ra không đáp ứng được ba tiêu chí này.

TS Nguyễn Xuân Thủy: Tiêu một đồng cũng là tiền của dân, không thể lãng phí.
TS Nguyễn Xuân Thủy: Tiêu một đồng cũng là tiền của dân, không thể lãng phí.

Ông có thể nói cụ thể hơn về sự lãng phí, nếu làm bến xe này?

TS Nguyễn Xuân Thủy: Rất may là khi có thông tin về dự án, ngay lập tức các chuyên gia đã lên tiếng phản đối, tôi nghĩ dư luận đã góp phần giúp Chủ tịch TP nhanh chóng đưa ra quyết định.

Theo quan điểm của tôi, thành phố chỉ nên làm thêm bến xe khi mà các bến hiện tại đã quá tải. Nhưng theo tôi biết thì hiện nay những bến như Nước Ngầm, Lương Yên, Giáp Bát vẫn còn có thể đáp ứng được nhu cầu của 300 xe rời bến Mỹ Đình, ấy là chưa nói tới chuyện có thể mở rộng bến Mỹ Đình.

Vậy thì tại sao lại xây bến tạm? 74 tỷ đồng đổ ra làm bến xe dùng tạm 6-7 năm thì quá lãng phí, trong khi đất nước ta còn nghèo, Thủ đô cũng chẳng phải giàu có gì, tiêu một hào cũng phải suy xét cẩn trọng, vì đó là tiền mồ hôi nước mắt của dân, chứ không phải ở trên trời rơi xuống.

Chuyện lần này khiến tôi nhớ lại cách đây ít lâu khi xây cầu vượt qua các ngã tư, Sở GTVT Hà Nội đã phải bỏ đi hai cầu bộ hành, gây tốn kém hàng tỷ đồng, đó là thể hiện tầm nhìn kém.

Hơn 300 xe phải rời khỏi bến Mỹ Đình thì có tới 284 xe bị điều về bến Yên Nghĩa (quận Hà Đông), nhưng lại không được sắp xếp về bến Lương Yên hay Giáp Bát, Nước Ngầm… Rồi đột ngột có một dự án làm “bến tạm” giải quyết nhu cầu “bức xúc” của các doanh nghiệp vận tải với 74 tỷ đồng. Sâu chuỗi tất cả các điều ấy, ông có thấy điều gì bất thường trong cung cách điều hành của các nhà quản lý?

TS Nguyễn Xuân Thủy: Rõ ràng ở đây có điều gì đó không bình thường, tôi phải nhắc lại rằng chỉ khi nào việc mở rộng các bến hiện không thể làm được thì mới tính tới lập bến mới. Một bến xe được lập ra phải tính toán rất kỹ lưỡng, làm sao vừa thuận tiện cho người dân đi lại, nhưng cũng không gây khó khăn cho doanh nghiệp.

Trong số các xe điều chuyển xe ở bến Mỹ Đình về bến Yên Nghĩa thì những xe nào chạy tuyến Hòa Bình ít bị ảnh hưởng, còn những xe chạy về Nam Định, Thái Bình, Tuyên Quang, Hà Giang, Phú Thọ thì gặp nhiều bất lợi.

Cho đến khi nỗi bức xúc của doanh nghiệp vận tải các tỉnh được đẩy lên quá cao thì Sở GTVT lại đề xuất làm bến tạm, như một cách giải quyết gỡ rối tình hình, nhưng biện pháp này tốn kém mà lại không hợp lý.

Qua sự việc này, tôi thấy cần phải có quy định chặt chẽ hơn nữa về việc sử dụng vốn ở các địa phương, với số tiền bao nhiêu thì phải có ý kiến của Bộ quản lý ngành ấy mới được phép triển khai. Thí dụ như vụ xây sân vận động tốn cả chục triệu đô la ở huyện Hoài Đức, nếu có quy định bắt buộc phải được Bộ VHTT và DL cho ý kiến thì có thể đã ngăn chặn được sự lãng phí ấy rồi.

Thưa ông, trước khi có quyết định di chuyển mấy trăm lượt xe từ bến Mỹ Đình về Yên Nghĩa, ông Nguyễn Quốc Hùng – Giám đốc Sở GTVT Hà Nội đã “trấn an” dư luận rằng sẽ đề nghị thành phố cho phép xe buýt đón khách ở bến này được trở cả hàng hóa để tạo điều kiện đi lại thuận lợi cho người dân. Ông đánh giá thế nào về ý tưởng này?

TS Nguyễn Xuân Thủy: Đây là chuyện khôi hài mà chẳng có quốc gia nào làm như vậy. Còn nếu đặt vào hoàn cảnh hiện tại, nếu xe buýt bến Yên Nghĩa được trở hàng cồng kềnh, vậy thì 5 bến còn lại người ta cũng sẽ đòi xe buýt cho mang theo hàng hóa. Hình ảnh của một Thủ đô lôi thôi nhếch nhác từ đó cũng sẽ hiện ra.

Trân trọng cảm ơn ông!
Diệu Linh (Thực hiện)