Từ vụ Việt Á: đề tài nghiên cứu khoa học dùng ngân sách, tư nhân có dễ tham gia?

10/02/2022 06:50
Mạnh Đoàn
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Theo ông Lê Như Tiến, lâu nay, các công trình nghiên cứu cấp nhà nước đều giao cho các viện nghiên cứu uy tín, chứ ít giao cho các đơn vị tư nhân tham gia.

Năm 2021 đã qua và một trong những vụ án được dư luận quan tâm năm vừa qua là vụ thổi giá kit Việt Á. Đến nay, vụ việc vẫn đang được tiếp tục điều tra mở rộng.

Một câu hỏi được nhiều chuyên gia băn khoăn về vụ Việt Á thì sản phẩm kit của Việt Á được nhấn mạnh là sản phẩm của một đề tài nghiên cứu khoa học - công nghệ cấp quốc gia có tên đầy đủ là: "Nghiên cứu chế tạo bộ sinh phẩm RT-PCR và real-time RT-PCR phát hiện chủng virus corona mới 2019 (2019-nCoV)".

Theo các thông tin được công bố trên Cổng thông tin điện tử Bộ Khoa học và Công nghệ, thì đây là đề tài nghiên cứu khoa học cộng nghệ cấp quốc gia và dùng gần 19 tỷ đồng tiền ngân sách. Đề tài do Học viện Quân y phối hợp với Công ty cổ phần công nghệ Việt Á.

Đáng lưu ý, đến cuối thàng 12/2021, sau khi vụ việc Việt Á bị phát hiện, nhiều cá nhân sai phạm bị khởi tố thì trong "Báo cáo kết quả tự đánh giá nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia" được Bộ Khoa học và Công nghệ đăng tải vào cuối năm 2021 tên Công ty Việt Á đã không còn.

Theo báo cáo này nêu, kit xét nghiệm trên được ứng dụng từ tháng 3/2020 do cơ quan ứng dụng là Học viện Quân y và các đơn vị xét nghiệm SARS-CoV-2 trên toàn quốc, mà không có tên Công ty Việt Á.

Hay như tại phần danh mục sản phẩm khoa học dự kiến ứng dụng - chuyển giao (nếu có) là bộ sinh phẩm RT-PCR sàng lọc chủng 2019-nCoV với thời gian dự kiến ứng dụng từ tháng 9/2021 đến tháng 9/2022 cũng chỉ ghi tên đơn vị dự kiến ứng dụng là Viện Nghiên cứu y dược học quân sự, Học viện Quân y.

Từ vụ Việt Á, dư luận đặt câu hỏi về quy trình thực hiện 1 đề tài nghiên cứu khoa học cấp nhà nước, nếu có tư nhân tham gia thì quy trình ra sao? Sản phẩm của đề tài nếu được thương mại hóa thì lợi nhuận được tính toán thế nào?

Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Lê Như Tiến - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội (Đại biểu Quốc hội khóa XII, XIII) đã có một số chia sẻ về vấn đề này.

Ông Lê Như Tiến, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban văn hóa giáo dục thanh niên thiếu niên và nhi đồng. (Ảnh: TP)Ông Lê Như Tiến, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban văn hóa giáo dục thanh niên thiếu niên và nhi đồng. (Ảnh: TP)

Quy trình thực hiện một đề tài khoa học cấp quốc gia thế nào?

Ông Lê Như Tiến cho biết, kit xét nghiệm COVID-19 là sản phẩm của một nhiệm vụ nghiên cứu khoa học - công nghệ cấp quốc gia, do Học viện Quân y phối hợp với Công ty cổ phần công nghệ Việt Á đã được đăng tải rầm rộ từ lâu. Sau khi vụ việc Việt Á thổi giá kit bị phanh phui, dư luận lại tiếp tục phát hiện đây là đề tài dùng tiền ngân sách gần 19 tỷ đồng.

“Theo tôi được biết, kit Việt Á được lưu hành thì Hội đồng khoa học, Bộ Khoa học và Công nghệ lại chưa nghiệm thu, và cũng chưa có giải trình về việc chi tiêu 19 tỷ đồng như nào. Trong khi đó, chúng ta thấy rằng công trình nghiên cứu khoa học cấp quốc gia ở nước khác thì phải mất hàng năm trời là nhanh nhất”, ông Tiến chia sẻ.

Ông Tiến chia sẻ thêm, thông thường, đối với đề tài nghiên cứu khoa học cấp quốc gia, quy trình nghiên cứu, thẩm định phải có Hội đồng thẩm định, đánh giá cấp nhà nước, chứ không thể là cấp bộ, ngành. Theo đó, kit phải được Hội đồng khoa học cấp nhà nước nghiệm thu và khẳng định về chất lượng. Đồng thời cũng phải giải trình việc chi tiêu ngân sách vào việc gì.

Bên cạnh đó, công trình nghiên cứu khoa học cấp nhà nước cũng phải được công bố khoa học ở các tạp chí đầu ngành của nhà nước, hoặc các tạp chí quốc tế để họ thừa nhận. Tuy nhiên, theo như ông Tiến được biết thì chưa có tạp chí quốc tế nào đăng tải kết quả nghiên cứu này cả.

Ông Lê Như Tiến cũng cho rằng, cần phải xem lại năng lực của Hội đồng khoa học.

"Quá trình thẩm định, lưu hành sản phẩm của đề tài này cũng còn rất nhiều băn khoăn. Tôi tin, cơ quan điều tra khi mở rộng vụ án chắc chắn sẽ làm rõ và có câu trả lời cụ thể cho các băn khoăn này", ông Tiến nói.

Công trình nghiên cứu cấp nhà nước thường không giao cho tư nhân

Theo ông Lê Như Tiến, lâu nay, các công trình nghiên cứu cấp nhà nước đều giao cho các viện nghiên cứu uy tín, chứ ít giao cho các đơn vị tư nhân tham gia.

Ông Tiến cho biết thêm, với các đề tài nghiên cứu dùng tiền ngân sách được sản xuất thương mại cũng cần thu hồi ngân sách nhà nước chi cho việc nghiên cứu sản xuất. Việc này sẽ được quy định tùy từng loại mặt hàng để nhà nước đánh thuế, chứ không phải là bán được bao nhiêu là để chi hoa hồng và chia nhau.

“Tôi mong cơ quan điều tra sẽ làm rõ việc này, bởi doanh thu của Việt Á là 4.000 tỷ đồng vậy họ đóng thuế là bao nhiêu”, ông Tiến chia sẻ.

Phó Giáo sư - Tiến sỹ Bùi Thị An (Đại biểu Quốc hội khóa XIII) cho hay, đối với đề tài nghiên cứu khoa học cấp quốc gia trước đây thì chỉ cho cơ quan nhà nước có điều kiện tham gia.

Tuy nhiên hiện nay, vẫn có một số đơn vị tư nhân trúng thầu nhưng thực sự không hề dễ dàng tham gia được. Doanh nghiệp tư nhân phải đảm bảo tiêu chí thầu như về tiềm lực (cơ sở vật chất, nhân lực, vốn đối ứng) đáp ứng các quy định cụ thể, chi tiết.

Vì vậy, nếu đơn vị tư nhân và doanh nghiệp nhà nước cùng tham tham gia thì đều có quyền như nhau, nhưng khi xét tuyển lại do hội đồng thầu quyết định.

"Ngày xưa khi còn làm Đại biểu Quốc hội, tôi từng đề nghị về việc, hội đồng chấm thầu phải chịu trách nhiệm về đề tài nghiên cứu. Tuy nhiên, hội đồng lúc nào cũng biện minh hết kì họp xong là giải thể, để "rũ bỏ trách nhiệm", bà An chia sẻ.

Mạnh Đoàn