Phải đào tận gốc, xử lý nghiêm những kẻ chống lưng giúp Việt Á 'thổi giá'

22/01/2022 06:45
Mạnh Đoàn
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- "Nếu chỉ xử lý Công ty Việt Á tức chỉ giải quyết phần ngọn, ngọn này gãy thì lại ra ngọn khác. Vì vậy, phải đào tận gốc dù biết là có thể đau".

Ngày 20/1, Ban Nội chính Trung ương họp báo thông tin kết quả phiên họp thứ 21 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Trả lời báo chí về vụ án kit test của Công ty Việt Á, ông Trần Quốc Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương cho biết, bất kể ai có liên quan, sai phạm đều sẽ bị xem xét, xử lý, bất kể ở cấp nào, theo tinh thần “không có vùng cấm”, không chỉ là cấp Vụ.

Qua sự chỉ đạo quyết liệt của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, đối với vụ án Công ty Việt Á đã khiến người dân phấn khởi, tin tưởng vào sự lãnh đạo của đảng (1).

Trong diễn biến mới nhất liên quan vụ Việt Á, ngày 21/1, quá trình điều tra mở rộng vụ án, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an xác định: Ông Lâm Văn Tuấn, Giám đốc CDC Bắc Giang đã có hành vi thông đồng, cấu kết với ông Phan Huy Văn, Giám đốc Công ty Phan Anh (có trụ sở tại thành phố Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang); Phan Quốc Việt, Tổng Giám đốc Công ty Việt Á và các đối tượng liên quan vi phạm các quy định của Luật Đấu thầu khi tổ chức đấu thầu mua Kit xét nghiệm Covid-19 do Công ty Việt Á sản xuất, tổng giá trị 148.310.219.136 đồng. Ông Phan Huy Văn và bà Phan Thị Khánh Vân (chị ruột Phan Huy Văn) còn thỏa thuận, nhận trên 44 tỷ đồng tiền % ngoài hợp đồng do Công ty Việt Á chuyển, Phan Thị Khánh Vân đã chi một phần tiền cho ông Lâm Văn Tuấn- Giám đốc CDC Bắc Giang.

Căn cứ kết quả điều tra, ngày 21/01/2022, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố, bắt tạm giam: Lâm Văn Tuấn, Giám đốc CDC Bắc Giang; Phan Huy Văn, Giám đốc Công ty Phan Anh; (3) Phan Thị Khánh Vân, kinh doanh tự do (chị ruột Phan Huy Văn) về tội Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng.

Đến nay, đã nhiều cán bộ CDC các tỉnh rơi vào lao lý liên quan sai phạm xung quanh vụ Việt Á.

Ông Bùi Văn Phương (Đại biểu Quốc hội khóa XIII, XIV). Ảnh: Đỗ Thơm

Ông Bùi Văn Phương (Đại biểu Quốc hội khóa XIII, XIV). Ảnh: Đỗ Thơm

Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Bùi Văn Phương (Đại biểu Quốc hội khóa XIII, XIV đoàn Ninh Bình) chia sẻ, bản thân ông và rất nhiều người dân rất quan tâm, theo dõi vụ việc này và rất ủng hộ sự chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

"Tôi cũng theo dõi buổi họp của Ban chỉ đạo do Tổng Bí thư chủ trì, sau đó là họp báo. Quan điểm của tôi hết sức đồng tình về tinh thần chỉ đạo đối với vụ án Việt Á.

Bên cạnh đó còn là sự đồng tình của các cán bộ, đảng viên và người dân mong muốn đất nước ta tốt hơn", ông Bùi Văn Phương chia sẻ.

Ông Phương cũng nhận định, với tinh thần chỉ đạo xử lý "không có vùng cấm" đối với những người có liên quan đến Công ty Việt Á, thì đây cũng điều rất quan trọng để xử lý tận gốc rễ, xem ai đứng đằng sau vụ án này. Qua đây sẽ là bài học cảnh tỉnh cho những người khác.

"Nếu chỉ xử lý mỗi Công ty Việt Á tức chỉ giải quyết phần ngọn, ngọn này gãy thì lại ra ngọn khác. Vì vậy, phải đào tận gốc những người có liên quan, dù biết là có thể đau nhưng mà còn hơn để đó.

Dù có đau nhưng nó giúp người dân tin tưởng bởi sự dứt khoát xử lý tận cùng, tận gốc rễ làm trong sạch đảng", ông Phương nói.

Những năm gần đây, nhiều vụ án tham nhũng được phát hiện và đưa ra xử lý, riêng trong lĩnh vực y tế, Quốc hội cũng từng "răn đe" nhưng sai phạm vẫn xảy ra. Ông Phương cho rằng, chúng ta cũng mới chỉ xử lý phần ngọn, chưa giải quyết phần gốc nên vẫn xảy ra tham nhũng.

Ông Phương nhận định, chỉ đạo của Tổng Bí thư đối với vụ án Công ty Việt Á là rất nghiêm minh, hợp lòng dân, nhưng để thực hiện chỉ đạo này thì cơ quan chức năng cần phải hết sức tâm huyết, trách nhiệm như Tổng Bí thư.

"Linh hồn cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng là Tổng Bí thư với quyết tâm cao như vậy, nhân dân đang rất hi vọng sẽ xử lý giải quyết tận gốc rễ vụ án. Việc xử lý thật nghiêm những người có vi phạm, sẽ răn đe, cảnh tỉnh cho người khác", ông Phương chia sẻ.

Qua theo dõi vụ án, ông Bùi Văn Phương cho hay, bản thân ông cũng như nhiều người dân nhận định nếu chỉ riêng quan hệ của Công ty Việt Á thì không thể trúng thầu tại nhiều tỉnh thành. Từ đây, mọi người đều đặt dấu hỏi là ai đứng đằng sau "chống lưng" cho đơn vị này.

Một dấu hỏi đặt ra là phải chăng trước đây Công ty Việt Á đã trót lọt sai phạm nhiều lần, bởi có sự "chống lưng" nên họ phớt lờ quy định của pháp luật, sẵn sàng chi hoa hồng đậm cho các "đối tác".

Trong vụ án này, ông Phương cũng lên án những người lãnh đạo Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) các tỉnh có vi phạm, bởi họ được coi trọng là lương y nhưng lại đang tâm kiếm ăn, trục lợi trong dịch bệnh là hành vi không thể chấp nhận được.

Cũng liên quan đến vụ án trên, ông Nguyễn Bá Thuyền (Đại biểu Quốc hội khóa XII-XIII, nguyên Viện trưởng Viện kiểm sát Nhân dân tỉnh Lâm Đồng) cho hay, ông rất ủng hộ quan điểm chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

"Với quyết tâm của Ban Chỉ đạo là xử lý không có vùng cấm đối với những người có liên quan trong vụ án, thể hiện sự quyết liệt của đảng ta trong phòng, chống tham nhũng", ông Thuyền chia sẻ.

Qua theo dõi diễn biến vụ việc, ông Nguyễn Bá Thuyền cũng nhận định, riêng Công ty Việt Á thì không thể "vươn vòi" ra tận 62 tỉnh thành được, vì vậy những người đứng đằng sau có liên quan tới vụ án sẽ tiếp tục bị xử lý.

Ông Thuyền cũng nhận định, chúng ta không thể phủ nhận vai trò của lực lượng y tế trong công tác phòng, chống dịch Covid-19, đó là những cán bộ, y bác sỹ làm nhiệm vụ chống dịch được coi là tuyến đầu, thì có những người lãnh đạo các đơn vị được coi là tuyến sau lại trục lợi trên mồ hôi, nước mắt của đồng nghiệp là điều khó có thể tha thứ.

Vì vậy, theo ông Thuyền cần phải xử lý nghiêm khắc đối với những cán bộ, lãnh đạo trong lĩnh vực y tế có sai phạm, bất kể là ai.

Tài liệu tham khảo:

1/ https://vov.vn/chinh-tri/vu-viet-a-thoi-gia-kit-xet-nghiem-cap-nao-co-lien-quan-deu-bi-xu-ly

Mạnh Đoàn