Tướng Thước: Đối xử với vợ con Đoàn Văn Vươn thế là vô cảm

07/02/2012 07:08
(GDVN) -Trong gần 3 tiếng, Trung tướng Nguyễn Quốc Thước (Nguyên UVTW Đảng, Nguyên ĐBQH, Nguyên Tư lệnh QK 4) đã trả lời hàng chục câu hỏi gửi đến từ trong và ngoài nước.
Kính thưa trung tướng Nguyễn Quốc Thước, là người tâm huyết với dân với nước, ông có cho rằng vụ việc của ông Đoàn Văn Vươn chỉ là một trong số rất nhiều sự việc liên quan đến đất đai mà người dân đang phải gánh chịu? Và nếu giải quyết được một vụ Đoàn Văn Vươn này đi nữa thì vẫn còn rất nhiều vụ "Đoàn Văn Vươn" khác nữa. Theo trung tướng, cái mà chúng ta cần làm cụ thể để không xảy ra thêm một vụ nào như thế nữa là gì? Và, có một cách nào đó để những người dân khác (không được học hành, ít kiến thức như ông Vươn) dám đứng lên tố cáo những sai trái của chính quyền?

Trung tướng Nguyễn Quốc Thước: Vụ việc Tiên Lãng không chỉ dừng lại ở việc bảo vệ lợi ích hợp pháp cho ông Vươn. Vụ việc này nếu giải quyết 1 cách triệt để tận gốc là 1 bài học đắt giá để giải quyết những mâu thuẫn về đất đai trên cả nước mà nguồn gốc mà chính quyền nơi đó vì lợi ích cá nhân và lợi ích nhóm gây ra. Cũng qua những vụ việc này chúng ta sẽ làm trongn sạch thêm 1 bước chính quyền các cấp theo nghị quyết trung ương IV khóa XI. Rất tiếc vụ việc Tiên Lãng nghiêm trọng đến mức như vậy mà đoàn Đại biểu Quốc hội Hải Phòng đại diện cho người dân cả nước và trực tiếp là nhân dân Hải Phòng lại không lên tiếng. Để bảo vệ quyền lợi của mình nhân dân các địa phương cần phải “gõ đầu” các đại biểu đó để các vị đó vượt qua mọi rào cản trở lại đúng vị trí của mình đáp ứng nguyện vọng của nhân dân.

Trung tướng Nguyễn Quốc Thước
Trung tướng Nguyễn Quốc Thước


Thưa tướng Thước, ông có nghĩ nếu ông Vươn không nổ súng thì liệu vụ việc có nổi lên như bây giờ và một số vấn đề về đất đai mới được đề cập đến? Liệu đó có phải là “nước bài cuối cùng” của ông Vươn?

Trung tướng Nguyễn Quốc Thước: Vì ai nên nỗi mà ông Vươn, một cựu chiến binh, một người nông dân chân chất đã hi sinh cả tài sản và sức lực của mình để tạo ra một tài sản Quốc gia từ một vùng bãi bồi theo chủ trương của Đảng và Nhà nước mà đến mức độ phẫn uất không chịu nổi sự bất công đến cao độ nên đã mất phương hướng để xảy ra tai họa này. Việc này phải để chính quyền địa phương trả lời trước công luận, vì một con người như vậy, nếu chính quyền địa phương xử sự một cách có tình có lý thì chắc không xảy ra.

Ông Vươn, ông Quý bị bắt và vợ con các ông ấy đang phải tá túc trong túp lều. Chính quyền Tiên Lãng nên làm gì và phải làm gì đối với vợ con ông Vươn, ông Quý trong thời điểm khó khăn này?

Trung tướng Nguyễn Quốc Thước: Nếu là một nạn nhân vì thiên tai thì chính quyền địa phương cũng đã phải nhanh chóng giúp đỡ khắc phục hậu quả huống gì đây là một vụ không đáng để chính quyền gây ra mức độ như thế này thì không có cách nào khác phải nhanh chóng giải quyết hậu quả để trả lại cuộc sống bình thường cho gia đình, không chờ đến lúc các cơ quan có thẩm quyền cấp trên kết luận sự việc. Nếu không như thế, đây thực sự là một sự vô cảm không còn là một cấp chính quyền của dân nữa.

Theo các vị khách mời, đâu là những lý do quan trọng nhất khiến vụ việc một người nông dân như ông Vươn chống trả lực lượng cưỡng chế, lại gây nên một cơn bão dư luận lớn đến như vậy?

Trung tướng Nguyễn Quốc Thước: Đây không phải chỉ là việc của mấy chục ha đất mà đây là sự việc đã đụng chạm đến cốt lõi, bản chất của chế độ ta, một chế độ “của dân, do dân và vì dân” đã bị xúc phạm 1 cách quá nghiêm trọng của các nhà chức trách. Người ta cảm nhận là một cấp chính quyền cường quyền đối với 1 sự việc không quá phức tạp nhưng nhà chức trách đã vi phạm đến các quan điểm của Đảng, vượt quá quyền hạn, chức trách mang tính cách cường hào nên đã gây phẫn uất trong nhân cả nước cần phải được xử lí một cách nghiêm túc.

Ông Đỗ Hữu Ca, GĐ CA Hải Phòng trả lời truyền hình rằng: Nhà ông Vươn chỉ là cái chòi trông cá và cái chính là xây dựng trái phép, chính vì vậy việc phá hay không phá không quan trọng. Các vị khách mời nghĩ thế nào về tuyên bố này?

Trung tướng Nguyễn Quốc Thước: Theo hình ảnh trên báo chí thì đây là một căn nhà khá kiên cố (có hình ảnh, bên cạnh lại có máy xúc). Một “cái chòi” như vậy thì việc gì phải huy động cả 1 chiếc xe xúc như vậy? Nhưng vấn đề nghiêm trọng hơn thuộc về bản chất như Bác Hồ đã dạy: “Không được đụng đến cái kim, sợi chỉ của dân”, thế thì nếu chỉ là một “cái chòi” thì cũng là vi phạm đến bản chất của quân đội, công an. Tôi không hiểu đồng chí GĐ CA trả lời như vậy đúng hay sai? Xin để công luận và ngành công an trả lời.

Thưa Trung Tướng Nguyễn Quốc Thước, ông có nghĩ, chính phủ đã vào cuộc muộn trong vụ việc này?

Trung tướng Nguyễn Quốc Thước: Tôi hoan nghênh Thủ tướng Chính Phủ đã nghe ý kiến của dân, phản ánh của báo chí, nhiều kiến nghị của các cán bộ lão thành, của các giới trên cả nước là một quyết định đúng đắn. Nhưng sự việc này lại hết sức nghiêm trọng không chỉ trong lĩnh vực đất đai mà nếu không giải quyết tốt thì sẽ ảnh hưởng đến tình hình chính trị chung của đất nước.

Bởi lẽ, trên 70% vụ khiếu kiện hiện nay liên quan đến đất đai, sự việc nấu không giải quyết tới tận gốc mà theo tôi trước hết là sai phạm của chính quyền địa phương gây ra hậu quả nghiêm trọng trên các mặt. Giải quyết tốt sẽ gây lại niềm tin của nhân dân và ngược lại mong rằng Thủ tướng sẽ lắng nghe một cách toàn diện trên các khía cạnh, các ý kiến phản biện để có 1 quyết định chính xác được toàn dân hoan nghênh.

Thưa tướng Thước, ông đánh giá như thế nào về sự khác nhau “chan chát” trong những phát biểu của chủ tịch Xã, UBND huyện Tiên Lãng và lãnh đạo TP. Hải Phòng?

Trung tướng Nguyễn Quốc Thước: Tôi đọc thông tin trên mạng không hiểu các cán bộ xã, huyện và TP lại trả lời 1 cách bất nhất như thế này. Thậm chí có những ý kiến còn “mạt sát” việc làm của những con người lao động đã vượt bao khó khăn để tạo ra của cải cho mình và cho đất nước không khác gì người thường gọi là “ăn cháo đái bát”. Việc làm sao rành rành lại đổ lỗi cho dân, không thấy được sai phạm nghiêm trọng của mình lại phê phán cả giới báo chí khi phản ảnh tình hình 1 cách vô trách nhiệm, thiếu trung thực.

Rõ ràng, ở đây có 1 sự ngụy biện để tránh né trách nhiệm của mình, Tôi nghĩ rằng, những người dân chân chính tại địa phương sẽ giúp chúng ta làm rõ sự việc 1 cách khách quan và ai sai phạm cần phải nghiêm trị để giữ vững kỉ cương, phép nước, đồng thời lấy lại lòng tin của nhân dân.

Bộ đội Việt Nam trong lòng người dân luôn là hình ảnh đẹp của “ảnh bộ đội cụ Hồ”. Ông có nghĩ: sự xuất hiện của bộ đội trong lực lượng cưỡng chế đã vô tình làm ảnh hưởng đến hình ảnh đẹp kia?

Trung tướng Nguyễn Quốc Thước: Chức năng của Quân đội được Đảng, Nhà nước giao là để đáp trả bất cứ một kẻ thù nào để bảo vệ tổ quốc và nhân dân, đâu có phải đưa bộ đội ra để làm hại đến lợi ích của nhân dân. Việc Tiên Lãng đưa hàng chục bộ đội và công an, nói là để cưỡng chế nhưng với vẻn vẹn chỉ có mấy người dân thì đây rõ ràng là một vụ trấn áp không thể chấp nhận được. Người đưa bộ đội ra trong trường hợp này để gây hậu quả cho dân là phi pháp, làm ảnh hưởng đến hình ảnh của bộ đội Cụ Hồ trong mắt người dân.

Trong quá khứ, ông có thấy vụ việc nào cưỡng chế đất đai của người dân, lấy lý do làm công trình nhà nước, sau đó chuyển sang mục đích khác của tư nhân không? Nếu có xin ông cho thí dụ cụ thể và ông có bình luận gì về những vụ việc như vậy?

Trung tướng Nguyễn Quốc Thước: Những vụ việc mà có một số cấp chính quyền đã lợi dụng nhân danh thu hồi đất của dân để làm việc công nhưng sau đó lại chia chác với nhau đã gây phẫn uất cho nhân dân ở nhiều địa phương. Lúc tôi là Đại biểu Quốc hội Khóa IX, vụ việc một gia đình cựu chiến binh tại Bình Định bị chính quyền cấp huyện thu hồi đất nói là phục vụ công trình công cộng nhưng sau đó thì các vị đó lại chia chác với nhau xây dựng nhà riêng. Gia đình cựu chiến binh đó đấu tranh nhưng ở cấp huyện và tỉnh không giải quyết nên đã mang đơn đi khiếu kiện tại Trung ương, tại 12 kì họp của Quốc hội, tôi là người nhận được đơn thấy sự việc hoàn toàn bất công nên đã kiên quyết lên tiếng yêu cầu Quốc hội phải bảo vệ quyền lợi của người dân.

Trước bức xúc của người dân và Đại biểu Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ lúc bấy giờ đã quyết định tỉnh Bình Định phải trả lại quyền lợi cho người dân. Quyết định rồi nhưng chính quyền địa phương vẫn chần chừ không chấp hành. Mãi đến khóa X, lúc Chính phủ tổ chức thanh tra chính quyền mới trả lại quyền lợi cho gia đình đó.

Qua việc này mới thấy rằng, một số cấp chính quyền cơ sở vừa xâm phạm đến lợi ích của nhân dân lại vừa không nghiêm chỉnh chấp hành quyết định của cấp trên. Tình trạng đó nếu không cương quyết xử lý cũng như vụ Tiên Lãng hiện nay thì lòng dân sẽ không yên. Lòng tin của dân đối với Nhà nước sẽ bị xúc phạm và đó là mầm mống của những việc mất ổn định.

Vụ việc cưỡng chế đất đai với Đoàn Văn Vươn xảy ra, cho tới nay, có một số quan điểm cho rằng, nếu chính quyền hành xử vừa không đúng luật lại vừa không có tình, khi đập nát nhà người dân ngay trước dịp Tết. Ông bình luận gì? (phamhoangnam@...com)

Trung tướng Nguyễn Quốc Thước: Có thể nói rằng vụ Tiên Lãng không chỉ riêng tôi, mà còn hàng triệu người dân đều quan tấm đến vụ này vì một lẽ, cấp ủy chính quyền vừa vi phạm luật đất đai, hành động đó vừa vi phạm đến quan điểm đường lối của Đảng, cấp chính quyền mang tính cường quyền, áp đặt đối với dân. Cho nên có thể nói rằng việc này đã gây bức xúc căm phẫn trong nhân dân, khi xâm phạm đến quyền lợi của nhân dân, đập phá nhà của người ta.

Tôi thực sự kì lạ là đã trên 20 năm đổi mới của Đảng mà vẫn có một chính quyền cấp huyện hành động nhụ vậy thì không thể chấp nhận được. Nếu cả nước mà nhiều vụ như thế này thì tình hình chính trị đất nước sẽ như thể nào, lòng dân sẽ ra sao? Và kẻ địch sẽ lợi dụng để xuyên tạc bản chất của chế độ ta. Mong các cấp chính quyền hãy ra tay giải quyết một cách triệt để, lấy lại lòng tin của nhân nhân.