UBND TP Hà Nội kiến nghị Thủ tướng cho thu phí trên Đại lộ Thăng Long

08/02/2014 07:47
Nguyễn Hồ
(GDVN) - Khi tham gia giao thông, người dân có thể sẽ phải nộp phí sử dụng đường bộ đường cao tốc Đại lộ Thăng Long – Đó là đề nghị của UBND TP Hà Nội gửi Thủ tướng.

Theo văn bản số 687/UBND - KT do phó chủ tịch Uỷ ban Nhân dân Thành phố Hà Nội Nguyễn Văn Khôi ký, Hà Nội đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, chấp thuận chủ trương cho phép thu phí sử dụng đường bộ trên đại lộ Thăng Long (phần đường cao tốc).

Đại lộ Thăng Long (Ảnh minh họa)
   Đại lộ Thăng Long (Ảnh minh họa)          

Việc phải xin thu phí là để hoàn vốn đầu tư Đại lộ Thăng Long cho Ngân sách thành phố (khoảng 5.687 tỷ đồng), tạo nguồn thu thực hiện công tác quản lý, duy tu, duy trì cơ sở hạ tầng như hệ thống chiếu sáng, cây xanh, công tác đảm bảo an toàn giao thông, vận hành hệ thống giao thông thông minh - Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội lý giải lý do thu phí. Bên cạnh đó, việc thu phí để người tham gia giao thông có dịch vụ chất lượng cao như tăng tốc độ chạy xe, được cung cấp các thông tin về tình trạng giao thông trên đường…

Nếu như người tham gia giao thông không muốn đóng phí thì có thể lựa chọn hệ thống đường gom hai bên.

Theo đề nghị này, người dân có thể sẽ phải nộp phí nếu muốn tiếp tục sử dụng làn đường cao tốc của đại lộ dài hơn 29km và hiện đại bậc nhất Việt Nam hiện nay.

Trước đó, Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư 159/2013/TT-BTC hướng dẫn chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí sử dụng đường bộ để hoàn vốn đầu tư xây dựng đường bộ. Hiện nay, các phương tiện vận tải sẽ chịu mức phí đường bộ mới, trong đó, xe dưới 12 ghế ngồi, xe tải có tải trọng dưới 2 tấn; các loại xe buýt vận tải khách công cộng sẽ chịu mức phí từ 15.000 đồng - 52.000 đồng/vé/lượt; Xe từ 12 ghế ngồi đến 30 ghế ngồi; xe tải có tải trọng từ 2 tấn đến dưới 4 tấn từ 20.000 - 70.000; Xe tải có tải trọng từ 10 tấn đến dưới 18 tấn; xe chở hàng bằng Container 20 fit là 40.000 - 140.000; Xe tải có tải trọng từ 18 tấn trở lên; xe chở hàng bằng Container 40 fit từ 80.000 - 200.000 đồng.

Về vấn đề này, Tờ điện tử Xây dựng dẫn lời luật sư Trương Anh Tú Đoàn luật sư thành phố Hà Nội cho biết: Theo Điều 5, Nghị định 18/2012/NĐ-CP quy định về quỹ bảo trì đường bộ thì “Phí sử dụng đường bộ được thu hàng năm trên đầu phương tiện giao thông cơ giới đường bộ…”. Điều này có nghĩa, phí sử dụng đường bộ sẽ được thu hàng năm đối với ô tô và mô tô và số tiền phí sẽ được phân bổ như sau: “1. Phí sử dụng đường bộ thu được đối với mô tô tại địa phương nào bổ sung vào Quỹ của địa phương đó; 2. Phí sử dụng đường bộ thu được đối với ô tô phân chia cho Quỹ trung ương 65%, cho các Quỹ địa phương 35%.” Như vậy, toàn bộ nguồn thu đối với mô tô và 35% đối với ô tô sẽ được bổ sung cho ngân sách địa phương.

Đề ra mục đích thu hồi vốn đầu tư cho ngân sách, UBND thành phố Hà Nội đã lên ý tưởng lập trạm thu phí trên Đại lộ Thăng Long trong khi đã thu phí cả năm. Nếu mới nghe mục đích này có vẻ rất hợp lý nhưng sự hợp lý đó lại chỉ đứng từ phía Nhà nước để nhìn nhận mà không đặt vào hoàn cảnh của người dân để đánh giá.

Hơn thế nữa, Luật Thủ đô cho phép “Các đoạn tuyến quốc lộ đi qua địa bàn Thủ đô được giao cho Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội tổ chức quản lý, bảo trì theo quy hoạch, trừ đường cao tốc và một số tuyến quốc lộ đã được phê duyệt quy hoạch là đường cao tốc, Quốc lộ 1, Đường Hồ Chí Minh, đường vành đai ngoài cùng” nhưng không quy định là Hà Nội có “đặc quyền” được thu hai lần phí. Với vị thế đặc biệt là Thủ Đô của một nước, là trung tâm kinh tế - chính trị - xã hội, Hà Nội cần phải có sự quản lý đặc biệt hơn so với các tỉnh thành khác nhưng đó không phải là sự quản lý khác biệt, làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích chính đáng của người dân. Việc thu hai lần phí trên Đại lộ Thăng Long có thể thu hồi được ngân sách nhà nước nhưng lại gây ra những tác động tiêu cực đến sự phát triển kinh tế - xã hội. Chính vì vậy, ý tưởng lập trạm thu phí trên Đại lộ Thăng Long trong khi đã thu phí hàng năm là một ý tưởng không hợp lý và có dấu hiệu vi phạm pháp luật./.

Nguyễn Hồ