Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về công tác chuẩn bị bầu cử

11/01/2021 11:40
Theo Baochinhphu.vn
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Sáng 11/1, tại Nhà Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã chủ trì khai mạc Phiên họp thứ 52 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, đây là phiên họp đầu tiên của năm 2021.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tập trung cho ý kiến về công tác chuẩn bị bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026; các dự thảo báo cáo tổng kết công tác nhiệm kỳ 2016-2021 của Chủ tịch nước, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và Kiểm toán Nhà nước; việc chuyển đổi phương thức đầu tư với một số dự án thành phần trên tuyến đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020; phương án xử lý tài chính cho Tập đoàn Dầu khí Việt Nam khi thanh toán khoản bù giá trong bao tiêu sản phẩm của Dự án liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn theo cam kết của Chính phủ.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghe báo cáo của Chính phủ về việc áp dụng khoản 22 Điều 4 của Luật Đầu tư công; xem xét, phê chuẩn quyết định của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao về việc thành lập Phòng giám định kỹ thuật hình sự thuộc Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; quyết định việc điều chỉnh địa giới hành chính của một số đơn vị hành chính cấp xã thuộc 4 tỉnh: Đắk Nông, Bình Định, Bắc Ninh, Hòa Bình.

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, mặc dù vừa phải tập trung cho việc tổng kết, đánh giá công tác của năm 2020, vừa phải tiến hành chuẩn bị cho các sự kiện quan trọng của đất nước trong năm 2021, nhưng về cơ bản, các cơ quan đã rất tích cực, khẩn trương hoàn thành nội dung trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp này. Theo dự kiến, phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ diễn ra trong 2 ngày.

* Tiếp đó, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét, cho ý kiến và thông qua các nghị quyết quy định chi tiết, hướng dẫn công tác bầu cử.

Toàn cảnh phiên khai mạc. Ảnh: Trọng Đức/TTXVN

Toàn cảnh phiên khai mạc. Ảnh: Trọng Đức/TTXVN

Các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí với đề nghị của Ủy ban Pháp luật bỏ quy định về điều kiện thời gian sinh sống thường xuyên, liên tục 6 tháng trở lên; không quy định về xác định nơi lấy ý kiến nơi cư trú của người ứng cử đang ở nhà công vụ, nhà khách, người ứng cử là sĩ quan, chiến sĩ lực lượng vũ trang; giữ nguyên quy định về số lượng cử tri tham dự hội nghị cử tri tại nơi cư trú như hiện hành và không bổ sung quy định về việc chia nhỏ số hộ thuộc thôn, tổ dân phố thành các cụm dân cư để tổ chức nhiều hội nghị lấy ý kiến cử tri như đã thể hiện tại dự thảo Nghị quyết trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Phiên họp thứ 51.

Về số lượng đại biểu Hội đồng nhân dân hoạt động chuyên trách tại thành phố Hà Nội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí đây là vấn đề thuộc thẩm quyền của Quốc hội nên Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định tại Kỳ họp thứ 11.

Tại phiên họp, 100% thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết Quy định chi tiết, hướng dẫn việc tổ chức hội nghị cử tri; việc giới thiệu người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã ở thôn, tổ dân phố; việc hiệp thương, giới thiệu người ứng cử, lập danh sách người ứng cử đại biểu Quốc hội, ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân trong bầu cử bổ sung và Nghị quyết Hướng dẫn việc xác định dự kiến cơ cấu, thành phần, phân bổ số lượng người được giới thiệu ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp.

Về Nghị quyết liên tịch hướng dẫn quy trình hiệp thương, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí theo hướng Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam sẽ ký rồi gửi văn bản tới Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ký, không tổ chức hội nghị ký nghị quyết liên tịch.

Theo Baochinhphu.vn