Vì một tương lai giao thông Việt Nam đẹp đẽ hơn

23/10/2011 09:14
Xuan Son (Vnexpress.net)
(GDVN) - Mỗi người dân Việt có lẽ đã đến lúc sẻ chia những trăn trở của tân Bộ trưởng vì một tương lai giao thông sáng sủa hơn...

Gần đây độc giả khá quan tâm và đưa ra nhiều những ý kiến bình luận về một loạt các quyết định của tân Bộ trưởng Giao thông Vận tải Đinh La Thăng. Khen, chê đều có và có vẻ như khen nhiều, chê ít. Tuy nhiên ở góc độ cá nhân, tôi muốn có một vài ý kiến khác. Trong phạm vi ý kiến của mình tôi chỉ nói về 3 yếu tố: Tầm, Tâm, hành lang luật pháp và ý thức của người dân

Mỗi người dân Việt có lẽ đã đến lúc sẻ chia những trăn trở của tân Bộ trưởng vì một tương lai giao thông sáng sủa hơn.
Mỗi người dân Việt có lẽ đã đến lúc sẻ chia những trăn trở của tân Bộ trưởng vì một tương lai giao thông sáng sủa hơn.

Thứ nhất: Tầm: Hoạch định cả hệ thống giao thông vận tải của một quốc gia ở đâu, tầm nhìn đến bao giờ, những hạng mục lớn cần phải làm là gì? Thay đổi giờ làm, vận động hạn chế xe cá nhân, không chơi golf là ở đâu trong cái tầm nhìn ấy? Chưa kể đến việc quay lại ý kiến đầu tiên của Bộ trưởng về vấn đề xe bus ở đâu rồi, tiến độ hạn chế phương tiện cá nhân ra làm sao trong khi nhà nước đang tuyên bố tiến trình giảm thuế ôtô nhập khẩu… Liệu có ban nào của Bộ trưởng đã được lập ra để theo dõi và đánh giá các mệnh lệnh đã được ban ra?

Tại sao nói về tầm? Những năm 1980, tôi có nghe nói về một đề tài tốt nghiệp giao cho sinh viên ngành cơ khí ôtô là: cải tiến hệ thống gầm của xe ZIN 130 cho phù hợp với điều kiện đường Việt Nam. Đương nhiên là sinh viên đó đã hoàn thành và đủ điểm để tốt nghiệp, nhưng nếu nghĩ kỹ một chút thì đề tài đó liệu có đúng? “Gọt chân cho vừa giày” à. Lẽ ra nội dung của đề tài đó phải ngược lại.

Thứ hai: Tâm: Có tầm nhìn rồi, có kế hoạch rồi, có tiền rồi, có hết rồi thì ai làm, làm như thế nào? Có lẽ những vị lãnh đạo của ngành công trình cần trung thực một lần, một lần thôi về chất lượng của các công trình giao thông. Kỹ thuật, chất lượng, giá trị là bao nhiêu %. Con đường có lẽ là cái rất nhỏ trong tổng thể hạ tầng giao thông, thử đề cập tới bức tranh của các bé thơ nó vẽ, đẹp lắm: Lề đường là thảm cỏ xanh mướt với những hàng cây, vườn hoa, cột tiêu, biển báo vuông vắn với màu sắc tương phản để dễ nhận biết, mặt đượng mịn màng như một tấm lụa, phằng lỳ không vết gợn. Đúng là đẹp như tranh với những vệt sơn phân làn sắc nét, thêm chút buổi tối nữa thì còn lung linh, huyền ảo với ánh sáng của đèn cao áp, màu sắc loe loé của các biển chỉ dẫn bằng các chất liệu sơn phản quang... Nhiều thứ lắm nhưng trẻ con nó chỉ nhìn được như vậy. Tôi cố tìm xem các công trình giao thông Việt Nam xem có con đường nào như vậy nhưng chỉ thấy nó giông giống. Lề thì cũng có đấy nhưng Đại lộ Thăng Long còn là điểm tập kết đất thải, vật từ thừa đến hàng năm nay chưa dọn, biển báo đi không cẩn thận thì không biết ở đâu mà rẽ, mặt đường thì hạn chế tốc độ là đúng rồi vì nó lồi lõm, nhiều, nhiều lắm. Nếu mà liệt kê theo danh mục các hạnh mục thi công và bên cạnh đó là các TCVN này nọ thì chắc tôi sẽ phải xin lỗi độc giả vì đắc tội là có biết một tý nghề.

Tư duy, tầm nhìn thì phải lớn, song hiệu quả thì phải lại từ cái nhỏ nhất. Chốt lại là đến bao giờ, giá trị của một công trình được phản ánh đúng. Tâm là ở chỗ đó, mỗi người làm ra nó từ cán bộ quy hoạch, thiết kế, thi công, giám sát kỹ thuật, bảo trì, bảo vệ…. mà đều nhìn thấy những công việc mình làm dưới góc nhìn của bé thơ kia thì hay biết mấy.

Thứ ba: Hành lang pháp lý và ý thức người dân. Lan can cầu, dải phân cách đường ở Trung Quốc người ta làm nó bằng inox hoặc thép sơn tĩnh điện, đẹp lắm chứ. Khi tôi đề cập đến vấn đề bảo vệ thì bạn nói là “Tội của người tiêu thụ của gian nặng hơn tội người ăn cắp” và như thế thì nó luôn luôn còn. Không biết có đúng không nhưng hình như người ta làm lễ đài chính để quan khách và ban quản lý dự án tham dự thử tải trọng của cầu ở dưới gầm cầu? Tôi không dám bình luận là tại sao người ta lại làm như vậy. Ban hành một hành lang pháp lý tổng thể, truyền thông để mỗi người đều có trách nhiệm phải hiểu, các khung hình phạt đủ cao để mọi người đều sợ và phải chấp hành luật giao thông.

Mỗi người dân Việt có lẽ đã đến lúc sẻ chia những trăn trở của tân Bộ trưởng vì một tương lai giao thông sáng sủa hơn trong tương lai hãy suy nghĩ và biết cách đóng góp vì mục đích tốt đẹp đó. Tuân thủ luật khi tham gia giao thông, sẵn sàng chấp hành hình phạt nếu vô tình vi phạm để tự điều chỉnh mình và xoá đi tệ mãi lộ, cùng là con lạc cháu hồng nên chẳng may có xảy ra va chạm thì mỗi người nhẹ nhàng đi một chút thì có lẽ không còn thấy những vụ án thương tâm chỉ vì mục đích là muốn nhanh một vài giây mà hậu quả để lại có khi chậm cả một đời và bức tranh xã hội cũng vì thế mà sẽ đẹp hơn.

Xuan Son (Vnexpress.net)