Vì sao dân "sướng phát điên" khi được cán bộ cho số điện thoại?

10/03/2015 07:44
PHONG NGUYÊN
(GDVN) - Không phải ngẫu nhiên mà một số người dân sướng “phát điên” khi có được số điện thoại cá nhân của một vị lãnh đạo nào đó hay được lãnh đạo quan tâm tận tình.

Gần đây, người viết bài này được nghe một vị quan chức của Hà Nội chia sẻ, trong quá trình ông tiếp dân, rất nhiều người dân tỏ ra bất ngờ, thậm chí “sướng phát điên” khi ông cho họ số điện thoại cá nhân của mình để họ có thể liên lạc bất cứ lúc nào, nhất là khi họ gặp khó khăn trong việc hoàn tất các thủ tục hành chính.

Giữa hai người xa lạ, để có thể cho nhau số điện thoại di động – một dạng thông tin cá nhân, hẳn sự tin tưởng lẫn nhau phải lớn lắm, chưa kể các “quan” bận trăm công nghìn việc và không phải ai cũng may mắn gặp được. 

Bởi vậy, không phải ngẫu nhiên mà một số người dân sướng “phát điên” khi có được số điện thoại cá nhân của một vị lãnh đạo nào đó hay được lãnh đạo quan tâm tận tình, giúp đỡ như người nhà.

Vì sao dân "sướng phát điên" khi được cán bộ cho số điện thoại? ảnh 1Nhân viên sân golf bị đánh: “Nói trêu đùa thì không ai chấp nhận được"

(GDVN) - Đây là khẳng định của ông Phan Đăng Long – Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội trong buổi giao ban báo chí chiều ngày 24/9.

Xưa nay, người ta bàn nhiều về việc danh bạ trên website của một số cơ quan chỉ để…làm cảnh hay để liên hệ với một vị quan chức nào đó nhiều khi còn khó hơn lên giời. 

Đã không ít lần báo chí phản ánh về việc không thể liên hệ với một vị quan chức nào đó dựa trên số máy bàn cơ quan họ cung cấp trên trang tin điện tử. 

Vả lại, giả sử có việc gì gấp cần tố cáo, phản ánh cũng phải chờ tới…giờ hành chính. Thậm chí nhiều khi may mắn liên hệ được qua số máy bàn, nhưng họ lấy lý do đang bận việc…thế là nhiều câu chuyện dù hay đến mấy cũng đành bỏ ngỏ.

Ngày nay, với sự bùng nổ của khoa học công nghệ, cả thế giới có thể kết nối với nhau ngay lập tức bằng nhiều hình thức. Thế nhưng, ở Việt Nam, người ta đôi khi vẫn phải thấp thỏm chờ hồi âm từ những lá thư tay, có khi đã thất lạc mà không hề hay biết hay mỏi mòn chờ đợi nhiều tháng ngày để được “gọi lên” gặp một vị quan chức nào đó bởi thủ tục hành chính còn quá cồng kềnh.

Đúng như nhiều cựu quan chức đã khẳng định, muốn biết gì cứ hỏi dân. Làm sao người ta có thể tường tận mọi chuyện nếu không đi sâu vào quần chúng?!

Ông Nguyễn Đức Sơn - người dùng gậy chơi golf đánh ngất xỉu nhân viên phục vụ - Ảnh: Thái Uyên - TNO
Ông Nguyễn Đức Sơn - người dùng gậy chơi golf đánh ngất xỉu nhân viên phục vụ - Ảnh: Thái Uyên - TNO

Lịch sử vẫn còn ghi lại những hình ảnh xấu xí, không ít lần công bộc của dân hành xử chưa chuẩn. Đơn cử, vào tháng 9/2013, ông Nguyễn Đức Sơn - Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Quản lý & Phát triển nhà Hà Nội - dùng gậy chơi golf "gõ vào đầu" nhân viên phục vụ tên Công ở sân golf Tam Đảo (Vĩnh Phúc) khiến nhân viên này phải nhập viện điều trị.

Dù ông Sơn đã bồi thường thiệt hại do mình gây ra và công khai xin lỗi, nhưng liệu tiền có thể giải quyết được tất cả? liệu lời xin lỗi có thể làm lành những vết thương lòng?!

Hay việc công an viên xã Xuân Hương (Lạng Giang, Bắc Giang) xưng hô “mày – tao”, tát dân cũng từng khiến dư luận dậy sóng phẫn nộ. Sau khi các cơ quan báo chí vào cuộc phản ánh, ngành chức năng đã vào cuộc điều tra và bước đầu đình chỉ công tác đối với trường hợp trên.

Mới đây nhất, dư luận xôn xao khi Báo điện tử VOV đăng tải thông tin liên quan đến chuyện một quan chức bực tức khi biết thư ký thông báo nhầm chương trình tọa đàm trực tiếp của VOV2 – Đài tiếng nói Việt Nam thành chương trình truyền hình VOV.

“Ngay lập tức, trước mặt toàn bộ ekip thực hiện chương trình, ông hạch sách, rồi tháo vội chiếc caravat lia về phía thư ký. Chiếc phong bì thù lao khách mời dành cho ông cũng bị chung số phận. Hành xử của ông khiến toàn bộ ekip sững sờ, trong khi vị thư ký thì lúng ta lúng túng như "gà mắc tóc" không biết xử sự ra sao trước sự tức tối của lãnh đạo”, bài báo trên VOV nêu rõ.

Không lâu sau đó, trên trang Facebook cá nhân của mình, ông Khuất Việt Hùng, Phó chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, đã lên tiếng nhận lỗi. Dù vậy không ít người vẫn lắc đầu ngao ngán trước cách hành xử thiếu kiềm chế của vị quan chức này.

Rõ ràng, cái giá phải trả cho việc coi thường người khác không hề nhẹ, nhất là khi họ lại là công bộc của dân.

Gần dân, chắc chắn không thiệt!

Fanpage của Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến (Ảnh: TTO)
Fanpage của Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến (Ảnh: TTO)

Lần đầu tiên Cục trưởng Cục phòng chống tham nhũng công bố số điện thoại cá nhân và đường dây nóng, Cục này nhận được 65 cuộc gọi tố cáo có dấu hiệu tham nhũng trong dịp Tết Nguyên đán. Thậm chí nhiều người còn gọi vào cả ban đêm và gửi kèm tài liệu. Đây quả là dấu hiệu đáng mừng, một minh chứng cho thấy càng gần dân, mọi việc càng sáng tỏ.

Vì sao dân "sướng phát điên" khi được cán bộ cho số điện thoại? ảnh 4Tai nạn của ông Khuất Việt Hùng, nhớ chuyện "trả lợn-trồng cây" của Bác Hồ

(GDVN) -Đánh giá cao thái độ cầu thị, phản ứng nhanh của Phó Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia Khuất Việt Hùng, nhưng nhiều người cho rằng như thế là chưa đủ.

Trước đó, người ta cũng xôn xao khi nhiều tỉnh mở đường dây nóng dành cho khách du lịch, đặc biệt là du khách nước ngoài tố khi bị chặt chém, lừa đảo… Nhiều nơi cũng đã công khai số của lãnh đạo tại tất cả các điểm kinh doanh, phục vụ du lịch, khu vui chơi giải trí, nhà hàng, khách sạn, quán cà phê, các điểm mua sắm...để bảo vệ du khách.

Được biết các số điện thoại trên hoạt động 24/24 giờ để tiếp nhận và cơ quan chức năng theo đó sẽ giải quyết ngay những phản ánh của người dân. Quả là một giải pháp mang tính đột phá và cần nhân rộng vì lợi ích thiết thực của người dân.

Không chỉ vậy, mấy năm trở lại đây, cứ mỗi khi tết đến xuân về, Ủy ban An toàn giao thông quốc gia lại công bố số điện thoại đường dây nóng để người dân phản ảnh về tình hình trật tự an toàn giao thông, cũng như các vi phạm về an toàn giao thông trong dịp Tết.

Tổng cục Đường bộ Việt Nam (Bộ GTVT) cũng công khai số điện thoại đường dây nóng tiếp nhận và xử lý các thông tin liên quan đến công tác kiểm soát tải trọng phương tiện.

Trong năm qua, dù có nhiều cố gắng để khắc phục yếu kém của ngành, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến vẫn nhận được nhiều nhất số phiếu "tín nhiệm thấp". Có lẽ đó là một trong những lý do khiến gần đây bà Kim Tiến quyết định có một bước đi mang tính đột phá: Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã trở thành Bộ trưởng đầu tiên ở Việt Nam sử dụng mạng xã hội khi có fanpage trên Facebook.

Có ý kiến cho rằng nếu fanpage của Bộ trưởng được sử dụng như là nơi cho người dân trút giận, với những ngôn từ (có thể) thiếu kiềm chế thì đó cũng chính là thành công chứ không phải thất bại. Nỗi bức xúc được chia sẻ trên fanpage tốt hơn rất, rất nhiều so với việc giải tỏa bằng nắm đấm trong hành lang bệnh viện. Số khác cho rằng động thái này sẽ giúp khoảng cách giữa Bộ trưởng và người dân được thu ngắn lại hơn.

Chưa có một báo cáo, đánh giá về hiệu quả của những biện pháp trên, nhưng có thể thấy rõ nhờ rút ngắn khoảng cách với người dân mà nhiều vấn đề bức bối trong xã hội mới được phát hiện và giải quyết kịp thời.

PHONG NGUYÊN