Vì sao Mỹ triển khai siêu radar C-band và kính viễn vọng ở Australia?

16/11/2012 07:35
Việt Dũng
(GDVN) - Đây được coi là một hành động mạnh mẽ tiếp theo của Mỹ trong triển khai chiến lược mới ở châu Á-Thái Bình Dương.
Ngày 14/11, tại thành phố Perth - "Thủ đô Ấn Độ Dương" của Australia, các Ngoại trưởng và Bộ trưởng Quốc phòng hai nước Mỹ-Australia bàn chiến lược.
Ngày 14/11, tại thành phố Perth - "Thủ đô Ấn Độ Dương" của Australia, các Ngoại trưởng và Bộ trưởng Quốc phòng hai nước Mỹ-Australia bàn chiến lược.


Bước tiến quan trọng trong tái cân bằng khu vực

Hội nghị thường niên Bộ trưởng Ngoại giao và Quốc phòng hai nước Mỹ-Australia (2+2) đã tổ chức vào ngày 14/11 tại thành phố Perth, phía tây Australia. Tham dự hội nghị về phía Mỹ có Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton, Bộ trưởng Quốc phòng Leon Panetta, còn phía Australia có Ngoại trưởng Bob Carr và Bộ trưởng Quốc phòng Stephen Smith.

Sau hội nghị, khi nói về quan hệ với Trung Quốc, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton nói: “Thái Bình Dương đủ lớn, có thể chứa tất cả các nước chúng ta, đây không phải là một trò chơi tổng bằng không (tức cả hai đều bị tiêu diệt)”. Nhưng, Mỹ hiện diện quân sự ngày càng mạnh tại Australia lại truyền đi thông điệp hoàn toàn không phải như vậy.

Theo AFP, ngày 14/11, Mỹ-Australia cùng tuyên bố, quân Mỹ sẽ triển khai radar sóng ngắn C-band không quân có chức năng mạnh và kính viễn vọng không gian ở Australia, coi đó là một phần chuyển dịch chiến lược sang châu Á của Mỹ.

Các quan chức cấp cao Mỹ tiết lộ, đây là lần đầu tiên Mỹ triển khai radar C-band ở nam bán cầu, sẽ giúp cho Mỹ theo dõi tốt hơn các mảnh vỡ không gian, giám sát hoạt động ra vào ở tầng khí quyển và hoạt động phóng không gian của Trung Quốc. Radar này được lắp đặt ở khu vực thuộc thị trấn nhỏ Exmouth ở phía tây bắc Australia.

Siêu radar C-band của Mỹ
Siêu radar C-band của Mỹ

Hãng Reuters ngày 14/11 cho rằng, các cảng biển quan trọng của Australia, Philippines và các nước châu Á-Thái Bình Dương khác đang chứng kiến sự trở lại của tàu chiến, máy bay chiến đấu và binh sĩ Mỹ, cho dù “nửa che nửa đậy”, nhưng các hành động của Mỹ ứng phó với sự trỗi dậy của Trung Quốc ở châu Á đang được đẩy nhanh.

Theo “Đài tiếng nói Hoa Kỳ” (VOA), “Australia đồng ý lắp đặt hệ thống giám sát không gian quan trọng của Mỹ” sẽ giúp Mỹ có được khả năng giám sát bầu trời châu Á-Thái Bình Dương.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta nói, thỏa thuận đạt được ngày 14/11 “là một bước nhảy vọt to lớn trong lĩnh vực hợp tác không gian giữa Mỹ-Australia”, cũng là “một bước đi mới quan trọng” tái cân bằng khu vực châu Á-Thái Bình Dương của lực lượng quân sự Mỹ.

Bộ trưởng Quốc phòng Australia Stephen Smith giải thích, việc lắp đặt radar C-band “sẽ tăng cường lớn việc giám sát các mãnh vỡ không gian trên bầu trời Australia”, đồng thời phát đi lời cảnh báo về những rác thải trong không gian (space debris) đối với các vệ tinh nhân tạo.

Phía Mỹ cũng cho biết, Mỹ sẽ giúp Australia xây dựng trạm radar, đào tạo nhân viên điều khiển, nhưng nhân viên quân sự Mỹ sẽ không ở lại vĩnh viễn. Chi phí cho việc thiết lập và bắt đầu vận hành radar số hóa C-band này là 30 triệu đô la Úc, nhưng chi phí mỗi năm khoảng 10 triệu đô la Úc.

Thị trấn nhỏ Exmouth (ngôi sao màu đỏ) ở khu vực tây bắc Australia là nơi quân Mỹ sẽ lắp đặt siêu radar C-band.
Thị trấn nhỏ Exmouth (ngôi sao màu đỏ) ở khu vực tây bắc Australia là nơi quân Mỹ sẽ lắp đặt siêu radar C-band.

Hãng Reuters cho rằng, vị trí triển khai radar đã rõ ràng phản ánh chiến lược “quay trở lại châu Á” của Mỹ, sẽ trở thành hệ thống giám sát không gian quỹ đạo trái đất thấp đầu tiên ở nam bán cầu. Bài viết dẫn lời Panetta cho biết, radar C-band mỗi ngày có thể theo dõi 200 mục tiêu, có thể giúp xác nhận vệ tinh cùng quỹ đạo của nó và các “hiện tượng dị thường tiềm ẩn”.

Theo bài báo, hệ thống radar này hiện triển khai ở căn cứ không quân trên đảo Antigua, thuộc vùng biển Caribbe; đến năm 2014 hệ thống này sẽ được chuyển tới căn cứ thông tin Harold Holt (hải quân) ở phía tây bắc Australia.

Ngoài ra, hai bên còn đồng ý chuyển hệ thống “kính viễn vọng giám sát không gian” (SST) tiên tiến (do Mỹ tự nghiên cứu chế tạo, thiết lập tại bang New Mexico) tới Australia – đây là một chiếc kính viễn vọng giám sát quân sự. Mạng tin tức không gian Australia ngày 14/11 cho biết, nhân viên Mỹ cũng sẽ được đưa đến Australia để điều khiển hệ thống radar này.

Được biết, việc thiết kế ra chiếc kính viễn vọng này là để theo dõi những vật thể có thể tích nhỏ trong không gian tầng sâu, ở độ cao khoảng 30-50 nghìn km. Kính viễn vọng quang học này do Cục dự án nghiên cứu quốc phòng cao cấp (DARPA) – cơ quan nghiên cứu công nghệ cao của Lầu Năm Góc nghiên cứu phát triển. Không quân Mỹ sẽ tham gia vào hoạt động thử nghiệm SST và sử dụng SST như một bộ cảm biến thuộc mạng theo dõi không gian của họ.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta kết luận, tất cả những điều này đánh dấu hợp tác không gian giữa hai nước Mỹ-Australia đã đạt được một sự nhảy vọt quan trọng.

Kính viễn vọng
Kính viễn vọng

Để Trung Quốc phải “trỗi dậy hòa bình” thực sự?

Tờ “The Australian” viết, tuyên bố chung sau hội nghị nhấn mạnh, hai bên sẽ tiếp tục tăng cường hợp tác quân sự, “nhưng có ý không đưa vào nội dung mới có thể chọc giận Trung Quốc”, đồng thời kêu gọi Trung Quốc tăng cường độ minh bạch về quân sự.

Tờ “Nhật báo phố Wall” cho rằng, đây không phải là lần đầu tiên sử dụng vị trí địa lý của Australia để theo dõi không gian vũ trụ, năm 1969 khi tàu Apollo 11 đổ bộ lên Mặt Trăng, Mỹ đã từng thông qua Australia để tiến hành truyền tín hiệu tiếp sóng vệ tinh. Mỹ và Australia bắt đầu đàm phán về việc triển khai kính viễn vọng không gian từ năm 2008. Năm 2007, Cục Hàng không vũ trụ Mỹ cho biết, Trung Quốc đã phóng tên lửa tiêu diệt một chiếc vệ tinh, đã tạo ra hơn 3.000 mảnh vỡ trong không gian.

Đây là lần đầu tiên Mỹ-Australia tổ chức đối thoại chiến lược sau khi Tổng thống Mỹ Barack Obama tuyên bố chiến lược “quay trở lại châu Á-Thái Bình Dương” trong chuyến thăm Australia vào năm 2011.

Mỹ-Australia thắt chặt quan hệ đồng minh truyền thống
Mỹ-Australia thắt chặt quan hệ đồng minh truyền thống

Tờ “Sydney Morning Herald” cho rằng, Mỹ và Australia đều nhấn mạnh Trung Quốc không cần phải “đề phòng” hai nước này xích lại gần nhau. Ngày 14/11, sau khi kết thúc hội đàm, Ngoại trưởng Australia Bob Carr nói: “Trong đối thoại chiến lược, chúng tôi không có ngôn từ “ngăn chặn”, chúng tôi hoan nghênh Trung Quốc đóng vai trò một thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế”.

Hillary Clinton cũng tuyên bố: “Chúng tôi đều thừa nhận, tăng cường hợp tác với Trung Quốc có thể cùng có lợi, đây hoàn toàn không phải là một cuộc cạnh tranh tổng bằng không. Ngược lại, Mỹ và Australia đi đầu cho rằng, quan hệ vững chắc giữa chúng tôi có thể giúp thúc đẩy xây dựng quan hệ vững chắc, lành mạnh với Trung Quốc”.

Nhưng dư luận hoàn toàn không cho là như vậy. Hãng AFP cho rằng, xuất phát từ sự lo ngại đối với sức mạnh quân sự ngày càng tăng của Trung Quốc và tranh chấp lãnh thổ giữa Trung Quốc với các nước láng giềng, Mỹ đang tiến hành triển khai quân sự rõ ràng hơn ở toàn bộ khu vực, trong đó gồm có mở rộng diễn tập quân sự, triển khai trang bị tàu chiến tiên tiến hơn, nhiều nhân viên hơn.

Ngày 14/11, Bộ trưởng Quốc phòng Australia Smith tuyên bố, ngoài 200 binh sĩ lính thủy đánh bộ Mỹ đã đến Darwin-thành phố miền bắc Australia, từ năm 2013, 200 lính thủy đánh bộ Mỹ khác sẽ được huấn luyện ở Australia, năm 2014 con số này sẽ tăng lên 1.100 người, cuối cùng vào năm 2016 sẽ đạt một quy mô lữ đoàn lính thủy đánh bộ hoàn chỉnh, đó là 2.500 quân. Australia và Mỹ cũng đã tiến hành thảo luận về vấn đề Mỹ mở rộng căn cứ không quân hoàng gia Australia được xây dựng ở Darwin và Tyndall.

Vệ tinh do thám của Mỹ
Vệ tinh do thám của Mỹ

Trước đó, Thủ tướng Australia Girard nói rằng, Mỹ là bạn cũ, hai nước có mối quan hệ chặt chẽ cả về chiến lược, phòng thủ và kinh tế. “Trong hơn 60 năm qua, chúng ta đều là bạn tốt trên từng cấp độ”. Bà tiết lộ, hai bên sẽ thảo luận kế hoạch hợp tác trung hạn về máy bay chiến đấu và tàu chiến. Được biết, hội nghị 2+2 lần này đã tập trung bàn về tăng cường hợp tác hải, không quân giữa hai nước.

Trong khi đó, ngày 13/11, tại Đại học Western Australia, Ngoại trưởng Mỹ đã có bài phát biểu truyền đi thông điệp này. Theo tờ “The Australian”, Hillary Clinton đã ra sức ca ngợi mối quan hệ ngày càng tăng cường với Australia và Ấn Độ, khuyến khích hai bên tăng cường hợp tác quân sự.

Hillary đã tích cực nhấn mạnh đến vai trò của Ấn Độ, cho rằng Ấn Độ là “quốc gia dân chủ lớn nhất thế giới, nền kinh tế mới nổi đầy sức sống”, đồng thời bà bày tỏ hoan nghênh đối với cuộc diễn tập hải quân liên hợp giữa Ấn Độ và Australia trong thời gian tới. Hillary nói, Mỹ đã coi tăng cường vai trò của Ấn Độ trong các vấn đề của châu Á là trọng điểm chiến lược của Mỹ, việc “Australia và Ấn Độ tăng cường quan hệ cũng rất quan trọng”; “chúng tôi hoan nghênh hải quân Australia-Ấn Độ tiến hành diễn tập liên hợp trong tương lai”.

Trong khi đó, Hillary chỉ có một điểm nhắc đến Trung Quốc là “chúng tôi đang tìm kiếm ủng hộ con đường trỗi dậy hòa bình của Trung Quốc”, kêu gọi Trung Quốc đóng vai trò một thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế.

Năm 2007, Trung Quốc phóng tên lửa diệt vệ tinh, gây lo ngại cho Mỹ
Năm 2007, Trung Quốc phóng tên lửa diệt vệ tinh, gây lo ngại cho Mỹ

Bộ trưởng Stephen Smith cũng nhấn mạnh lại tầm quan trọng của Ấn Độ Dương, cho rằng, Perth là “thủ đô Ấn Độ Dương” của Australia, Mỹ đầu tư lớn cho ngành năng lượng tại địa phương và cùng với việc Mỹ sử dụng nhiều hơn căn cứ hải quân nơi đây, nơi này sẽ ngày càng quan trọng về kinh tế và chiến lược. Ông cho biết, hai bên thảo luận về vấn đề Mỹ sử dụng nhiều hơn căn cứ hải quân ở bờ biển phía tây Australia và căn cứ không quân hoàng gia Australia ở Northern Territory.

Smith cho biết, Australia sẽ nâng cấp vai trò của quân cảng Stirling trong xây dựng khu vực của quân Mỹ để tăng cường sự tham gia đối với chiến lược châu Á-Thái Bình Dương của Mỹ. Mỹ luôn hy vọng có được khả năng nhiều hơn trong việc sử dụng các căn cứ quân sự ở miền bắc Australia, đặc biệt là quân cảng mang tính chiến lược ở Ấn Độ Dương – Stirling. Hiện nay, Mỹ phụ thuộc nghiêm trọng vào đảo san hô Diego Garcia ở Ấn Độ Dương với tư cách là một trạm tiếp tế cho các hành động quân sự của Mỹ tại châu Á và Trung Đông.

Ông còn nhấn mạnh, Ấn Độ đang trỗi dậy, tầm quan trọng của Ấn Độ Dương đang tăng lên. Được biết, từ sau năm 2008, Bộ trưởng Quốc phòng Australia và Ấn Độ luôn duy trì đối thoại chiến lược. Ngoài ra, mặc dù Australia cũng tiến hành diễn tập hải quân hạn chế với Trung Quốc, nhưng Trung Quốc vẫn giữ thái độ “ngờ vực” đối với vấn đề này.

Tàu tấn công đổ bộ USS Essex của Hải quân Mỹ hiện diện ở vịnh Subic, Philippines.
Tàu tấn công đổ bộ USS Essex của Hải quân Mỹ hiện diện ở vịnh Subic, Philippines.

Trong khi đó, hãng Reuters cũng đã miêu tả một hình ảnh về cảng Subic của Philippines: Các công nhân đã sửa chữa một chiếc tàu chi viện (cho tàu ngầm) của quân Mỹ, từ tháng 10 trở đi, đã có 70 chiếc tàu chiến quân Mỹ cập cảng Subic. Bài báo cho rằng “Lầu Năm Góc cho biết, không có ý đồ thiết lập bất cứ căn cứ nào ở Philippines, nhưng ở cảng Subic, rất khó xác nhận được thân phận thực sự”.

Điều đáng chú ý là, ở căn cứ cũ Clark của quân Mỹ tại Philippines, mỗi tháng đều có hơn 100 máy bay Mỹ cất/hạ cánh. Theo đó, biên tập tờ “Jane’s Defense Weekly” là Hardy cho rằng: “Điều này giống như thuê xe khác với mua xe, bạn có tất cả sự tiện lợi cần có, rủi ro lại giảm đi”, “nhìn vào cảng Subic, Mỹ đang sử dụng tất cả những thứ có thể sử dụng được, trong khi họ chỉ bỏ ra một chút tiền và công sức chính trị”. Tương tự, Australia cũng tuyên bố không tiếp nhận quân Mỹ đóng quân lâu dài.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta còn tiết lộ, Mỹ sẽ mở rộng diễn tập quân sự với các nước đồng minh, dần dần chuyển tàu chiến, vũ khí tiên tiến và không quân tới châu Á, trong đó có triển khai lính thủy đánh bộ ở Australia. Nhưng, điều này hoàn toàn không có nghĩa là Mỹ sẽ cắt giảm lực lượng quân sự ở khu vực Trung Đông.

Quân đội Trung Quốc dồn dập hành động để vươn ra đại dương, đáng chú ý họ vừa đưa ra chiến lược xây dựng "cường quốc biển" gây lo ngại cho các nước láng giềng
Quân đội Trung Quốc dồn dập hành động để vươn ra đại dương, đáng chú ý họ vừa đưa ra chiến lược xây dựng "cường quốc biển" gây lo ngại cho các nước láng giềng

Hiện nay, thách thức lớn nhất của Mỹ là, khi triển khai lực lượng quân sự tái cân bằng khu vực châu Á-Thái Bình Dương, làm thế nào để tiến hành hợp tác với các nước đồng minh như Australia. Leon Panetta nói: “Khi hai nước chúng ta đối mặt với vấn đề căng thẳng ngân sách, chúng ta vẫn gặp phải các mối đe dọa trên thế giới, các mối đe dọa thực sự”.

Hãng AFP phân tích cho rằng, sự tăng trưởng sức mạnh quân sự nhanh chóng của Trung Quốc chính là nguyên nhân đằng sau của vấn đề Mỹ điều quân đội tới khu vực châu Á.

Có một vấn đề cũng gây chú ý là, tháng 9/2011, Trung Quốc cũng đã thiết lập một trạm giám sát không gian ở Australia, đây là lần đầu tiên Trung Quốc thiết lập một cơ sở như vậy ở một nước đồng minh của Mỹ.

Các chuyên gia bình luận cho rằng, việc triển khai các trang bị tiên tiến ở Australia tiếp tục phản ánh, Mỹ đang tăng cường quan hệ với Australia và tiếp tục thúc đẩy chiến lược “quay trở lại” châu Á.

Việt Dũng