Việt Nam sắp chạm mốc mỗi năm có hơn 5 vạn người chết vì thuốc lá

25/09/2014 11:20
Ngọc Quang
(GDVN) - Tại Việt Nam, tỷ lệ người hút thuốc lá ở độ tuổi từ 15 tuổi trở lên là 47,4% đối với nam giới, 1,4% đối với nữ giới và tỷ lệ hút thuốc lá chung là 23,8 %.

Thông tin này được Bộ trưởng Bộ Tài chính - ông Đinh Tiến Dũng đề cập tại buổi làm việc sáng nay của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế tiêu thụ đặc biệt.

Bộ trưởng Bộ Tài chính - ông Đinh Tiến Dũng báo cáo tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 24/9. Ảnh: Ngọc Quang.
Bộ trưởng Bộ Tài chính - ông Đinh Tiến Dũng báo cáo tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 24/9. Ảnh: Ngọc Quang.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), thuốc lá là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây bệnh tật và tử vong trên thế giới. Việc sử dụng thuốc lá gây ra 25 loại bệnh khác nhau, như: ung thư phổi, ung thư thanh quản, ung thư khoang miệng, ung thư da, các bệnh tim mạch…

Việt Nam thuộc nhóm 15 nước có số người hút thuốc lá cao nhất trên thế giới. Theo Điều tra toàn cầu năm 2010 về sử dụng thuốc lá ở người trưởng thành (trên 15 tuổi) tại Việt Nam (GATS): Tỷ lệ người hút thuốc lá ở độ tuổi từ 15 tuổi trở lên là 47,4% đối với nam giới, 1,4% đối với nữ giới và tỷ lệ hút thuốc lá chung là 23,8 % (tương đương với 15,3 triệu người); hiện có 67,6% người không hút thuốc lá (tương đương khoảng 33 triệu người bị hút thuốc thụ động tại nhà và 49% người lao động không hút thuốc (tương đương khoảng 5 triệu người) bị hút thuốc thụ động tại nơi làm việc trong nhà.

Qua tham khảo mô hình lý thuyết Levy và các cộng sự thì khoảng 40.000 ca tử vong tại Việt Nam trong năm 2008 có nguyên nhân trực tiếp từ thuốc lá (không tính các trường hợp hút thuốc thụ động), số tử vong này có thể lên tới 50.000 người năm 2023. Trong một nghiên cứu khác của Norman và cộng sự thì hậu quả của hút thuốc lá gây ra từ 66.000 đến 76.000 ca tử vong năm 2005, chiếm từ 9,7% tới 11% tổng số người chết và từ 6,8% đến 7,7% số năm sống hiệu chỉnh theo bệnh tật tại Việt Nam trong năm 2006.

Cùng với nhiều nước, Việt Nam đã ký kết và tham gia Công ước Khung về Kiểm soát Thuốc lá (FCTC) từ ngày 17/3/2005. Tại Điều 6, Công ước Khung về các biện pháp về giá và thuế nhằm giảm cầu về thuốc lá có quy định “1. Các biện pháp về giá và thuế là những biện pháp quan trọng và hữu hiệu để giảm tiêu thụ thuốc lá trong các tầng lớp dân cư, đặc biệt là thanh thiếu niên”.

Tỷ lệ người hút thuốc lá ở Việt Nam cao có nguyên nhân giá bán lẻ thuốc lá còn thấp, Thanh thiếu niên dễ tiếp cận với thuốc lá. Hiện Việt Nam có tỷ lệ thuế trên giá bán lẻ thuốc lá thấp: 44,9% trong khi đó tỷ lệ thuế trên giá bán lẻ tại các nước trong khu vực là: Bru-nây 81%, Thái Lan 70%, Sing-ga-po 69%, Ma-lai-xi-a 57%, In-do-ne-xi-a 51%; Mi-an-ma: 50% và các nước phát triển Úc: 62%, Đức: 75%, Pháp 80%...

Xuất phát từ các nội dung trình bày ở trên, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho rằng việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng thuốc lá là cần thiết để giảm tỷ lệ người hút thuốc lá và bảo vệ sức khỏe cho cộng đồng.

Theo Chiến lược Phòng, chống tác hại thuốc lá đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thì mục tiêu giảm tỷ lệ hút thuốc trong nam giới đến năm 2020 là 8,4% (từ mức 47,4% hiện nay xuống mức 39%).

Ngọc Quang