"Viwasupco phải hoàn toàn chịu trách nhiệm vì cung cấp nước bẩn đến nhà dân"

28/10/2019 06:19
Kiến Văn
(GDVN) - Ông Nguyễn Ngọc Bảo - Đại biểu Quốc hội khóa XIII khẳng định đây là trách nhiệm Viwasupco và lãnh đạo Hà Nội phải xử lý nghiêm bảo vệ sức khỏe nhân dân.

Sau sự việc nhà máy nước sông Đà cung cấp nước nhiễm dầu thải có mùi khét gây ảnh hưởng tới đời sống của hàng nghìn hộ dân (trong đó có nhiều học sinh) ở khu vực phía Tây Hà Nội, vào ngày 25/10, ông Bùi Văn Tỉnh - Bí thư tỉnh ủy Hòa Bình đã chủ trì cuộc họp của Thường trực Tỉnh ủy cho ý kiến về một số vấn đề, nội dung liên quan đến sự cố ô nhiễm nguồn nước tại nhà máy.

Bí thư Bùi Văn Tỉnh khẳng định: Đây là sự cố rất nghiêm trọng, đã gây ảnh đến cuộc sống của người dân Thành phố Hà Nội, là bài học cho các nhà máy xử lý cung cấp nước sạch trong cả nước về vấn đề đảm bảo an toàn nguồn nước. Do vậy, các ngành chức năng của tỉnh cần soát lại công tác đảm bảo an toàn nguồn nước đối với các công trình nước sạch trên địa bàn tỉnh để đảm bảo nguồn nước cung cấp cho người dân.

Bí thư tỉnh Hòa Bình cũng yêu cầu, để đảm bảo an toàn nguồn nước, trước mắt cũng như về lâu dài, Công ty Cổ phần đầu tư nước sạch Sông Đà (Viwasupco) cần đầu tư xây dựng hệ thống ống dẫn nước kín từ sông Đà về nhà máy. Không dùng kênh dẫn nước hở như hiện nay và không sử dụng nguồn nước sông Đà thông qua hồ Đầm Bài cho sản xuất; yêu cầu công ty sớm xác định thời hạn cụ thể để trả hồ Đầm Bài cho tỉnh quản lý, sử dụng đúng công năng, phục vụ sản xuất... (1)

Chắc chắn là các địa phương khác cũng sẽ thấy đây là bài học và phải lập tức xem xét lại vấn đề nước sinh hoạt, đặc biệt là Thủ đô Hà Nội - nơi đang có khoảng 10 triệu dân sinh sống, làm việc và cũng là nơi diễn ra nhiều sự kiện quan trọng của đất nước và quốc tế.

Mặc dù đây là sự cố được đánh giá là "rất nghiêm trọng" song cho đến bây giờ cơ quan chức năng của Hà Nội vẫn chưa công bố liệu có xử lý trách nhiệm nghiêm khắc đối với Viwasupco?

Ngày 25/10 doanh nghiệp này phát "Thông cáo báo chí" giải thích về việc nước nhiễm dầu thải, có lời xin lỗi và miễn phí cho người tiêu dùng 1 tháng tiền nước. Tuy nhiên, có nhiều ý kiến cho rằng nếu chỉ dừng lại ở việc xin lỗi qua loa và miễn tiền nước 1 tháng thì quá đơn giản. Và, hẳn là người dân cũng chẳng quan tâm tới chuyện được "miễn phí 1 tháng", mà đang lo lắng cho sức khỏe của gia đình.

Vấn đề đặt ra là khi nước nhiễm dầu thải mà đơn vị này vẫn cung cấp tới nhân dân phía Tây Hà Nội, vậy phải làm rõ xem đó là hành vi gì? Và nếu có căn cứ về việc cố ý thì hoàn toàn có thể khởi tố vụ án, xử lý trách nhiệm đối với những cá nhân liên quan đã để xảy ra sự cố "rất nghiêm trọng" như đánh giá của Bí thư tỉnh Hòa Bình.

Ông Nguyễn Ngọc Bảo khẳng định: "Viwasupco phải hoàn toàn chịu trách nhiệm vì cung cấp nước bẩn đến nhà dân". ảnh: Kiến Văn.
Ông Nguyễn Ngọc Bảo khẳng định: "Viwasupco phải hoàn toàn chịu trách nhiệm vì cung cấp nước bẩn đến nhà dân". ảnh: Kiến Văn.

Trao đổi với phóng viên, Đại biểu Quốc hội khóa XIII - ông Nguyễn Ngọc Bảo nêu quan điểm: “Không thể chấp nhận được tình trạng người dân phải trả tiền mua nước sạch nhưng lại nhận về nước bẩn, đó là sự lừa dối của những đơn vị cung cấp nước.

Trong trường hợp cụ thể lần này là nước sinh hoạt người dân dùng bị nhiễm dầu thải có mùi khét thì sẽ phải xem xét trách nhiệm chính thuộc về Công ty nước sạch sông Đà. Công ty nước sạch sông Đà phải hoàn toàn chịu trách nhiệm vì cung cấp nước bẩn đến nhà dân".

Nước nhiễm dầu thải, nếu chỉ phân tích thông thường thì không có ý nghĩa
Nước nhiễm dầu thải, nếu chỉ phân tích thông thường thì không có ý nghĩa

Cụ thể hơn nữa là phải xem xét làm rõ những cá nhân có liên quan trực tiếp tại buổi làm việc ngày hôm đó tại sao lại để dầu thải lọt qua được quy trình sản xuất của nhà máy và đến tận nhà dân? Vậy thì họ có thiếu trách nhiệm để gây ra hậu quả nghiêm trọng này không?

Nếu họ vẫn làm việc bình thường không phải là thiếu trách nhiệm, vậy thì phải đánh giá xem hệ thống kỹ thuật tại nhà máy này có đảm bảo an toàn cho sản xuất không mà lại không phát hiện ra dầu thải trong nước?

Ai, cơ quan nào nghiệm thu hệ thống kỹ thuật nhà máy này? Nhà máy có lắp đặt đủ hệ thống kỹ thuật đúng theo tiêu chuẩn như hồ sơ xin cấp phép trình lên cơ quan chức năng không?

Cho đến lúc này thì chưa thấy ngay hậu quả với sức khỏe người dân, nhưng cũng không loại trừ một thời gian nữa sẽ có vấn đề hàng loạt, điều này các cơ quan chức năng của Hà Nội dứt khoát phải lường trước để có phương án tốt nhất bảo vệ sức khỏe người dân, trong đó phải lưu tâm tới hàng nghìn trẻ nhỏ đang là học sinh.

Tôi mong rằng, Hà Nội sẽ có thông báo cho toàn bộ nhân dân ở các khu vực nào đã trót sử dụng nước bẩn nhiễm dầu thải trong mấy ngày ấy phải được đi kiểm tra sức khỏe ngay xem có bị ảnh hưởng gì không? Và chi phí để người dân đi kiểm tra sức khỏe, thành phố cần yêu cầu Công ty nước sạch sông Đà chi trả, vì hậu quả mà họ đã gây ra".

Phó Bí thư tỉnh Hòa Bình: Nước bẩn thì công ty cung cấp phải chịu trách nhiệm
Phó Bí thư tỉnh Hòa Bình: Nước bẩn thì công ty cung cấp phải chịu trách nhiệm

Ông Nguyễn Ngọc Bảo cho biết, trước đây ông từng nhiều lần biết cử tri, nhân dân phản ánh về tình trạng nước sinh hoạt nhiễm bẩn, có mùi lạ và chuyển màu bất thường. Tình trạng nước sinh hoạt bẩn kéo dài như vậy làm người dân vô cùng lo lắng, bức xúc.

Họ đặt câu hỏi sử dụng nước này có thể nấu nướng, ăn uống? Sức khỏe bị ảnh hưởng, ai chịu trách nhiệm?

Sau nhiều phản ánh như vậy, cơ quan chức năng cũng vào cuộc nhưng rồi sự việc lại chìm dần và những đơn vị cấp nước bình yên vô sự, không thấy cá nhân nào bị xử lý, và cho tới khi xảy ra sự cố nước nhiễm dầu thải từ Viwasupco ảnh hưởng đến đời sống của hàng vạn hộ dân thì mới có yêu cầu lắp đặt trạm quan trắc kiểm tra nguồn nước. Nhưng đây mới là một phần trong số rất nhiều việc mà Thành phố Hà Nội sẽ phải tích cực thực hiện ngay nhằm siết chặt toàn bộ quy trình cung cấp nước sinh hoạt.

Còn đối với một sự việc cụ thể xảy ra như vụ nước nhiễm dầu bẩn thì dứt khoát phải điều tra xử lý nghiêm minh, không chỉ là để bảo vệ sức khỏe hàng nghìn, hàng vạn người, mà còn là giữ niềm tin "liêm chính - kiến tạo - hành động" của chính quyền đối với người dân.

Bên cạnh đó, việc xử lý bao gồm xem xét cả các yếu tố hình sự đối với Viwasupco sẽ là bài học cho các công ty cung cấp nước sinh hoạt khác.

Nhà máy nước sông Đà áp dụng công nghệ gì mà không phát hiện ra nước bơm tới nhà dân có lẫn dầu thải? Ảnh: Tô Thế
Nhà máy nước sông Đà áp dụng công nghệ gì mà không phát hiện ra nước bơm tới nhà dân có lẫn dầu thải? Ảnh: Tô Thế

Ông Bảo nói thẳng: "Quy trình, quy định thì đều có cả rồi, vấn đề là người ta có làm đúng hay không? Nếu có xảy ra làm ăn gian dối, cắt bớt quy trình kỹ thuật dẫn tới hậu quả nước ăn uống của dân bị nhiễm dầu thải thì đó vừa là vấn đề đạo đức vừa phải xem xét xử lý hình sự.

Như đồng chí Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hòa Bình đã thông tin thì khi đến khu vực ngoài nhà máy đã thấy mùi khét nồng nặc như cao su cháy, vậy thì chẳng lẽ nhà máy này lại không biết gì? Nếu không biết là hết sức vô lý.

Còn trước đó thì một đồng chí lãnh đạo cấp Sở đã nói trong giao ban báo chí Thành ủy Hà Nội rằng một số cán bộ nhà máy nước sông Đà biết có dầu thải nhưng mặc kệ, không ngăn chặn, không báo cáo. 

Lúc này, cử tri, nhân dân đang nhìn vào thái độ ứng xử của lãnh đạo thành phố đối với một sự việc cụ thể có liên quan tới sức khỏe của họ.

Bên cạnh yêu cầu xem xét trách nhiệm của những cá nhân tại Công ty nước sông Đà, tôi tin rằng lãnh đạo thành phố sẽ có yêu cầu rà soát để xử lý đối với các nhà máy cung cấp nước không đạt yêu cầu, đồng thời xây dựng thêm các nhà máy hiện đại để người dân có quyền lựa chọn sử dụng nước sạch đảm bảo sức khỏe gia đình”.

Tài liệu tham khảo:

http://www.baohoabinh.com.vn/238/134370/Bi-thu-Tinh-uyBui-Van-Tinh-Yeu-cau-Nha-may-nuoc-sach-Song-Da-tra-lai-ho-Dam-Bai-cho-tinh-khan-truong-dau-tu,-lap-dat-he-thong-ong-dan-nuoc-kin-tu-song-Da-vao-nha-may.htm

Kiến Văn