Vũ Mão, người thổi làn gió đổi mới hoạt động của Quốc hội

31/05/2020 06:42
Thu Giang (Tổng hợp)
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Ông là một trong những người có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy đổi mới hoạt động của Quốc hội.

Ông Vũ Mão, nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội đã từ trần vào lúc 1h39 phút sáng ngày 30/5.

Ông Vũ Mão (sinh năm 1939, quê ở Nam Định). Ông từng là thiếu sinh quân học tại Quế Lâm (Trung Quốc).

Năm 1960, ông Vũ Mão theo học ngành Thủy nông và quy hoạch thủy lợi tại Học viện Thủy lợi - Điện lực (tiền thân của Trường Đại học Thủy lợi) và tốt nghiệp Kỹ sư Thủy lợi năm 1964.

Sau khi tốt nghiệp, ông được giữ lại làm cán bộ giảng dạy tại trường đến năm 1971.

Năm 1971, ông được điều chuyển về công tác tại Ty thủy lợi Quảng Ninh làm đội trưởng đội quy hoạch.

Cuối năm đó, ông được bổ nhiệm làm Phó Ty thủy lợi.

Năm 1976, ông được bổ nhiệm làm Trưởng ty thủy lợi tỉnh Quảng Ninh.

Tháng 1 năm 1979, ông được phân công làm Bí thư Huyện ủy Tiên Yên, tỉnh Quảng Ninh đến năm 1980.

Năm 1980, ông được điều sang làm Bí thư Tỉnh Đoàn Thanh niên tỉnh Quảng Ninh.

Tháng 11 năm 1980, ông được phân công làm Bí thư Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, phụ trách tổ chức và kiêm Bí thư Đảng uỷ Cơ quan Trung ương Đoàn.

Tháng 4 năm 1982 đến tháng 11 năm 1987, ông được bầu làm Bí thư thứ nhất Trung ương đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh.

Trong thời gian công tác tại Đoàn Thanh niên, ông là người khởi xướng phong trào Công trường thanh niên cộng sản xây dựng Nhà máy thuỷ điện Hoà Bình trên sông Đà.

Đây là một dấu son của phong trào Thanh niên trong thời kỳ mới.

Ông Vũ Mão, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội. (Ảnh: VGP)

Ông Vũ Mão, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội. (Ảnh: VGP)

Chuyển sang công tác Quốc hội, ông được bầu làm Đại biểu Quốc hội khóa VIII năm 1987.

Sau đó là Chủ nhiệm Ủy ban Thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội.

Từ tháng 12/1987, ông giữ cương vị Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội và Hội đồng Nhà nước.

Từ 2002 đến 2007, ông là Chủ nhiệm Ủy ban đối ngoại của Quốc hội.

Ông Vũ Mão là một trong số những người đóng góp lớn vào việc thúc đẩy đổi mới Quốc hội, đóng góp lớn vào hoạt động ngoại giao nghị viện.

Ông từng nói "đã mang sinh mệnh chính trị của mình ra để thuyết phục lãnh đạo Quốc hội cho truyền hình, phát thanh trực tiếp những phiên họp Quan trọng của Quốc hội".

Năm 1994, kỳ họp đầu tiên Quốc hội truyền hình trực tiếp phiên chất vấn có sự đóng góp lớn của ông.

Đến nay, việc truyền hình trực tiếp các hoạt động quan trọng của Quốc hội đã trở thành thông lệ, giúp cử tri cả nước theo dõi trực tiếp nhiều hoạt động của cơ quan lập pháp tối cao.

Ông cũng đóng góp lớn vào hoạt động ngoại giao nghị viện, mở rộng hợp tác giữa Quốc hội Việt Nam và nghị viện các nước trên thế giới, đúng vào thời điểm đất nước ta hội nhập.

Ông Vũ Mão nghỉ hưu từ tháng 1/2008.

Ông là Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng liên tục 5 khóa (từ khóa V tới khóa IX), đại biểu Quốc hội 4 khóa VIII, IX, X, XI.

Khi về nghỉ hưu, ông vẫn giữ những vai trò quan trọng như Chủ tịch Hội hữu nghị Việt Nam - Campuchia; Trưởng ban liên lạc cựu cán bộ Đoàn Thanh niên Trung ương; Trưởng ban liên lạc cựu thiếu sinh quân Việt Nam; Chủ tịch Câu lạc bộ cựu đại biểu Quốc hội.

Năm 2016, khi ông Vũ Huy Hoàng bị đề nghị kỷ luật, nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội đã trả lời thẳng thắn về vấn đề này với phóng viên ở hành lang Quốc hội.

Câu nói "Dù về hưu rồi cũng không nên để hạ cánh an toàn" đã trở thành dấu ấn trong việc xử lý cán bộ về hưu. Vấn đề này sau đó đã được đưa vào Luật Cán bộ, công chức.

Ngoài hoạt động chính trị, ông Vũ Mão còn là người yêu thích thơ văn và âm nhạc.

Ông đã xuất bản nhiều cuốn sách như Mãi còn tin yêu, Dấu son nghị trường và nhiều tập thơ, tác phẩm âm nhạc.

Ông Vũ Mão từng được trao kỷ lục “Người sáng tác nhiều ca khúc viết về các địa danh nổi tiếng trên thế giới nhất”.

Trong gia tài các tác phẩm âm nhạc của nhạc sĩ Vũ Mão, có 64 ca khúc viết về các địa danh, các nước trên thế giới.

Nhiều ca khúc được lựa chọn và trao giải thưởng trong các cuộc vận động sáng tác, để lại dấu ấn trong lòng bạn bè trong nước và quốc tế như:

“Bài ca Asean”; "Tình hữu nghị Việt Nam – Campuchia"; "Huy hoàng Angkor"; và các ca khúc sáng tác về Hàn Quốc; Trung Quốc, Thụy Điển, Cộng hòa Pháp, Lào…

Thu Giang (Tổng hợp)