Vụ nổ gas ở Tạ Quang Bửu: Xử lý tình huống khẩn cấp kém?

04/11/2011 06:40
Ngọc Quang (Tổng hợp)
(GDVN) - Tử thần đã cướp đi sinh mạng của hai đứa trẻ, gieo vào lòng người ở lại nỗi xót xa, đau đớn tột cùng…

Nguyên nhân gây nên vụ nổ gas còn chưa được làm rõ, nhưng những người chứng kiến vụ việc đau lòng tại hiện trường và bạn đọc theo dõi tường thuật trực tiếp từ Báo Giáo dục Việt Nam đã có nhiều phản hồi về công tác cứu hộ. Chúng tôi xin trích đăng một số chia sẻ từ bạn đọc:

Bới một đống đổ nát hơn 10m2 trong 6 giờ đồng hồ: Quá chậm chạp

Độc giả có địa chỉ nguyenhung19782000@yahoo.com đã chia sẻ như vậy trong phần chia sẻ gửi về sau khi những xem clip và thông tin giải cứu hai cháu nhỏ từ vụ nổ gas gây sập nhà.

Tôi đã có một con gái 4 tuổi, vì vậy mà tôi cũng rất hồi hộp, liên tục để đọc thông tin về vụ việc đau lòng này, mỗi lần nhấn F5 tôi lại mong sẽ nhìn thấy hai cháu nhỏ. Dù hy vọng thật là mong manh, nhưng mỗi chúng ta đều mong rằng hai cháu bé có một cơ hội nhỏ nhoi được cứu thoát. Thật không may, cả hai cháu đều không qua khỏi, những tấm bê tông đổ sập đã không cho những đứa trẻ một cơ hội và chúng ra đi mà không hề biết chuyện gì đã xảy ra với mình.

Bé Duy Anh được đưa ra ngoài lúc gần 11h trong tình trạng bất tỉnh
Bé Duy Anh được đưa ra ngoài lúc gần 11h trong tình trạng bất tỉnh

Có lẽ những người lính cứu hỏa, những con người khác nữa, tất cả những ai tham gia vào cuộc giải cứu hai nạn nhân nhỏ tuổi đều đã làm hết sức, họ cũng hồi hộp chẳng kém gì những người trực tiếp chứng kiến thảm cảnh ấy và bạn đọc. Có điều, với quan điểm của riêng tôi thì đây là một cuộc giải cứu thất bại.

Hơn 5 giờ đồng hồ để bới được đống đổ nát của căn nhà hơn 10m2 thôi thì quả là chúng ta cần phải xem lại vấn đề một cách thực sự nghiêm túc.

Không ai dám nói là lực lượng chức năng thiếu nhiệt tâm, mà ngược lại, chúng ta phải cảm ơn họ. Nhưng dường như họ được trang bị quá thô sơ. Lâu nay, tôi vẫn thấy những người lính cứu hỏa tập dượt, xe họ hú còi inh ỏi, kéo những chiếc vòi rất nặng, phun nước mù mịt… nhưng đó là dập lửa, chứ tôi chưa khi nào thấy người ta thực hiện việc giải cứu sập nhà, sập hầm… 

Chứng kiến cảnh cứu hộ trên báo, một nữ đồng nghiệp của tôi nói rằng, nhà chị ở trong hẻm, cách đường lớn tới hơn 100m, nên chị vô cùng lo lắng, biết là dùng gas tiện đủ bề, biết là dùng đúng cách thì sẽ an toàn, nhưng dù vậy thì vẫn nơm nớp lo âu, và buồn nhất là sau 6 giờ liền người ta mới đưa được hai cháu ra ngoài – một khoảng thời gian quá lâu, các vết thương đã trở nên quá nặng mất rồi.

Giờ đây, nhân dân Thủ đô tiếc thương cho hai cháu nhỏ, và cũng thương cho vợ chồng chị anh Minh, chị Hoa – họ dù đang mang nỗi đau thể xác, nhưng đau như thế cũng có thấm tháp gì khi mất hai đứa con.

Nước Nga có Bộ Các tình trạng khẩn cấp, còn ta có gì?

Độc giả Ngọc Minh (ngocminhvtcnguyenminh@yahoo.com): Cứ thỉnh thoảng đâu đó lại có một vụ nổ gas, nhưng tôi cũng chỉ lướt qua thôi chứ không mấy quan tâm, có lẽ là vì chỉ hư hại đồ đạc, cũng có vụ chết người nhưng đều là thanh niên, thế nhưng vụ nổ gas ngày hôm qua đã khiến nhiều người quan tâm, bởi nó cuốn theo số phận của hai đứa trẻ. Thật đáng thương, chúng phải hứng chịu nỗi đau khi còn chưa kịp tỉnh giấc. Tại sao một bình gas rất khó nổ mà vẫn có thể nổ được? Tại sao có quá nhiều vụ nổ gas hàng năm, hàng nghìn người chết mà rồi “vẫn nổ” cứ như là chuyện nổ gas là “ai đen đủi thì dính phải”? Tại sao không thể tạo nên sự an toàn tuyệt đối khi sử dụng gas?

Trong vòng 1 năm, nhà tôi đã 6 lần có nhân viên của các cơ sở bán gas khác nhau ghé thăm. Họ giả danh nhân viên bảo dưỡng, dán đè số điện thoại mới lên số cũ ở bình gas, thậm chí nếu nhà nào có sổ họ cũng đổi luôn – đó là một cách để cướp khách. Kinh doanh là như vậy sao, làm mọi cách để bán được hàng, kể cả việc sẵn sàng đánh cắp niềm tin của khách hàng, kể cả việc có thể cướp đi một tổ ấm hay một vài sinh mạng nào đó.

Gas giờ đã là nhiên liệu đốt phổ biến, nhưng chẳng có cơ quan nào quan tâm tới chuyện bình gas đến tay người dân rồi thì nó có an toàn hay không, ngoài chuyện thu thuế của các đơn vị kinh doanh, ngoài chuyện bắt những nơi sang triết gas không được phép.

Thôi thì cuộc sống nó như vậy, cũng đành chịu, nhưng tôi muốn đề cập tới một vấn đề khác để xử lý các tình huống khẩn cấp. Tôi đọc báo nước ngoài rất nhiều và thấy rằng không phải tự nhiên mà nước Nga có Bộ Các tình trạng khẩn cấp. Bộ này quan tâm tới tất cả các vấn đề trong cuộc sống của đất nước, luôn giải quyết những vấn đề nóng bỏng nhất, bao gồm cả cháy rừng, hỏa hoạn và bảo vệ tính mạng con người. Họ quan tâm tuốt tuột từ chuyện nhỏ tới lớn, nhất là những gì gần với tính mạng con người. Còn ta có gì? Ta có một đơn vị phòng cháy chữa cháy riêng của mỗi thành phố, ta có các đơn vị phòng ban khác sẵn sàng phối hợp trong các trường hợp “khẩn cấp”, nhưng rõ ràng không hề bài bản. Chúng ta vừa làm vừa rút kinh nghiệm, như vậy thì khó mà làm tốt được và không đáp ứng được tiêu chí “khẩn cấp”.

Cần xem lại khả năng ứng phó với tình huống xấu

Độc giả thuhuongndpvbc@yahoo.com nói rằng: Điều quan trọng nhất mà chúng ta cần quan tâm sau vụ giải cứu hai cháu nhỏ quá chậm này chính là công tác triển khai ứng cứu trong tình trạng khẩn cấp. Ai chẳng biết là Hà Nội có nhiều ngõ nhỏ sâu hun hút, có khi hai xe máy tránh nhau cũng khó, xe chuyên dụng làm sao mà vào nổi, vậy thì không lẽ chúng ta bó tay?

Tôi nghĩ rằng sau sự việc này, các cơ quan chức năng cần xem lại khả năng ứng phó với tình huống xấu, giả sử rằng hai cháu Duy Anh và Ngọc Trâm được đưa ra khỏi đống đổ nát sớm hơn thì biết đâu các bác sĩ đã có thể cứu được các cháu rồi. Đó chỉ là giả định thôi, nhưng tôi nghĩ nó hoàn toàn có lý, hãy thử tưởng tượng như khi bạn bị các khối bê tông đổ sập xuống người, bị chấn thương nặng ở đầu và tử vong rất nhanh, nhưng với y học hiện đại, nếu được cứu chữa kịp thời thì bạn vẫn còn hy vọng sống sót.

Ngọc Tâm đã ra đi khi em đang bước vào độ tuổi đẹp nhất của cuộc đời
Ngọc Tâm đã ra đi khi em đang bước vào độ tuổi đẹp nhất của cuộc đời

Đây là một sự việc đau lòng và bản thân những người tham gia ứng cứu cũng đã làm hết sức mình rồi, họ chỉ không may mắn khi tìm thấy hai cháu bé trong tình trạng đã gần như không còn hy vọng. Và là một trong những người chứng kiến cuộc giải cứu nạn nhân, tôi thấy việc triển khai rất rối, tuy có đông người nhưng cảm giác là chúng ta không nhuần nhuyễn nên đã mất tới 6 tiếng mới đưa được nạn nhân ra ngoài. Đây là những đóng góp chân thành của tôi và mong rằng chẳng may có những vụ việc tương tự, công tác khẩn cấp sẽ thực hiện tốt hơn.

"Tôi đau lòng"

Theo độc giả thuhoaitrandhvh@gmail.com: Nhà tôi ở cách vụ tai nạn chỉ 200m nên khi xảy ra tôi chạy đến ngay, ban đầu là vì tò mò, thấy những người dân xung quanh lao vào cứu vợ chồng anh Minh nhưng mình thì thân con gái nên chẳng giúp gì được. Lúc chạy đến, tôi còn nghe bà con bảo bên trong có trẻ con, thấy tiếng chúng khóc, chúng kêu cứu thương lắm, rồi dần dần không nghe thấy tiếng nữa, có lẽ chúng bị đau quá nên ngất đi rồi. Gạch vữa với bê tông đồ dồn thành một đống, phải tới một lúc lâu sau mới có các đơn vị đến hiện trường.

Dù rất cố gắng, họ vẫn không đưa được hai đứa trẻ ra khỏi đống đổ nát sớm hơn
Dù rất cố gắng, họ vẫn không đưa được hai đứa trẻ ra khỏi đống đổ nát sớm hơn
Chứng kiến từ đầu tới cuối, tôi tự hỏi: Tại sao họ phải điều động những chiếc xe “hạng nặng” đến rồi không thể vào nổi, phải dùng toàn bộ bằng các đồ nghề thủ công? Có lẽ sẽ còn nhiều ngôi nhà khác giống như ngôi nhà bị sập mà khi cần thì lực lượng cứu hộ cũng không đưa phương tiện vào tới nơi được.

Như vậy, con người phải được đào tạo thật kỹ để có thể xử lý nhanh gọn và hiệu quả trong những tình huống khẩn cấp ấy. 6h đồng hồ chờ đợi khi mình mẩy đã đầy thương tích, tôi nghĩ là những người đàn ông to khỏe cũng chưa chắc qua nổi chứ nói gì tới hai đứa trẻ.

Ở Việt Nam mọi người đều thấy rất nhiều việc được xử lý rất chậm, chậm từ trong suy nghĩ, cho tới cách làm, rồi nói xa hơn nữa là chậm tiến, điều đó nguy hiểm, nó khác với tiến chậm. Cách đây hơn 2 năm, tôi đi từ Hà Nội xuống Hải Dương thì gặp một vụ tắc đường tới 8 giờ liền, mà chỉ đơn giản là có một chiếc xe bị lật ngay giữa đường. Còn bây giờ, sau vụ nổ gas làm sập nhà, chúng ta lại một lần nữa thầy rằng công tác cứu hộ thực sự còn rất kém cỏi, dù rằng những người tham gia giải cứu nạn nhân đã làm hết sức mình rồi, nhưng họ vẫn cần lắm “tính chuyên nghiệp”.

Ngọc Quang (Tổng hợp)