Vụ thảm sát: Cháu bé cần có chuyên gia tâm lý bên cạnh

13/09/2011 06:25
Tuấn Nam
(GDVN) - Không chỉ cần sự chăm sóc sức khỏe mà còn cần có một chuyên gia tâm lý bên cạnh để cháu bé có thể vượt qua được cú sốc này.
Như Báo Giáo dục Việt Nam đã đưa tin vào ngày 12/9, người nhà cháu Bích cho biết, nạn nhân duy nhất sống sót sau vụ thảm sát kinh hoàng vẫn đòi về với bố mẹ. Để an ủi phần nào nỗi đau tinh thần và thể xác của cháu bé 8 tuổi, người thân của cháu đành nói rằng bố mẹ cháu đi sang Hàn Quốc để đi làm và chữa bệnh. 

Tuy nhiên, mọi người đều hiểu rằng: việc nói dối cháu Bích như vậy chỉ là tạm thời và việc cháu Bích biết chuyện về bố mẹ và em cháu chỉ còn là vấn đề thời gian. Tuy nhiên việc truyền đạt thông tin này tới cháu Bích như thế nào lại là một vấn đề không nhỏ. 

Chiều ngày 12/9, phóng viên báo Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với chuyên gia tâm lý Đinh Đoàn về vấn đề này. Dưới đây là những lời khuyên của chuyên gia tâm lý Đinh Đoàn với những người thân của cháu Bích.

Chuyên gia tâm lý Đinh Đoàn
Chuyên gia tâm lý Đinh Đoàn

“Không nên nói dối một cháu bé như vậy. Tôi hiểu phần nào nỗi đau quá lớn của gia đình nạn nhân nhưng tôi e rằng, việc nói như vậy kỳ thực lại làm cháu bé tổn thương hơn. Cháu sẽ nghĩ gì khi bố mẹ bỏ cháu đi ra nước ngoài mà không vào thăm cháu khi cháu đang nằm trong viện?

Tôi nghĩ cháu sớm muộn cũng bình phục và ra viện. Mà xã hội thì “một miệng thì kín chín miệng thì hở”, làm sao mà giấu cháu được”. 

Bây giờ chỉ có cách, người thân của cháu bình tĩnh ở bên cạnh giúp cháu ổn định tinh thần trở lại. Sau đó sẽ nói với cháu về bố mẹ và em cháu nhưng nói như thế nào lại là một chuyện. 

Phải nói dần dần chứ không thể nói thẳng ra khi mà vết thương của cháu chưa lành. Ví dụ như: Về nhà ở với bà và bác, con cứ bình tĩnh, rồi bác chia sẻ với con về chuyện của bố mẹ con sau...” 

Theo ông Đinh Đoàn: “Nếu cháu đang vô tư không hỏi gì về bố mẹ tức là đang trong trạng thái chưa ổn định như bình thường thì chưa cần phải nói. Tuy nhiên, nếu cháu đã giật mình mà hỏi: “Bố mẹ cháu đâu? Sao cháu ốm đau như thế mà không vào thăm cháu?” thì lúc ấy phải nói thật. 

Và khi nói chuyện với cháu thì không mô tả chi tiết. Ví dụ như: Chắc là cháu biết rồi, bị kẻ trộm kẻ gian hãm hại… Nếu cháu còn ở trạng thái nửa mê nửa tỉnh thì nói: Con cứ bình tĩnh, cứ điều trị cho khỏe mạnh, bác sẽ nói với cháu sau…

Các chuyên gia tâm lý tin rằng cháu Bích sẽ vượt qua nỗi đau mất mát to lớn ấy
Các chuyên gia tâm lý tin rằng cháu Bích sẽ vượt qua nỗi đau mất mát to lớn ấy

Nếu cháu tỉnh thì nói thật được như: Chắc là cháu biết rồi nhà cháu hôm đó có trộm vào, cháu bị thương, bố mẹ và em cháu thì bị tai nạn. Bây giờ bố mẹ và em cháu đã đi rất xa… 

Chúng ta nói thật và đến một mức độ nào đó, không mô tả chi tiết và cũng không nói dối quanh co. Đứa trẻ sẽ hiểu biết về sự thật thân phận của mình… 

Việc này sẽ giống như một người bị đau nhưng mà là đau dần dần và cũng giống như một người nhảy xuống nước lạnh. Đầu tiên thò một chút chân xuống cho quen rồi xoa một ít nước lên tay. 

Còn sau này chắc chắn cháu sẽ bị ảnh hưởng và rất cần đến việc điều trị tâm lý”. 

Nói về thái độ của những người xung quanh đối với cháu Bích sau này, ông Đoàn chia sẻ: “Đối với xã hội, việc bao kín thông tin về cháu rất khó. 

Đối với người lớn để gánh chịu một nỗi đau như thế cũng là quá lớn chứ nói gì đến cháu bé 8 tuổi. Tuy nhiên tôi mong rằng những người có ý thức thì không nên hỏi kỹ sự việc xảy ra như thế nào vì rất nhiều người tò mò muốn khai thác thông tin.

Thêm nữa, mọi người cũng đừng lúc nào cũng hỏi thăm về hoàn cảnh gia đình, điều đó chưa chắc đã làm cho cháu thấy được an ủi hơn. 

Do vậy, tôi nghĩ là không nên cho cháu về quê vì về quê cháu sẽ đòi về nhà và những ám ảnh trong đêm kinh hoàng sẽ hiện lại trong tâm trí cháu. Điều đó ngày càng khắc sâu khiến cháu khổ hơn”. 

Cùng một ý kiến với chuyên gia tâm lý Đinh Đoàn, Th.S Phạm Mạnh Hà - Khoa Tâm lý (Trường ĐH KHXH&NV Hà Nội) cũng cho rằng cháu Bích cần phải biết sự thật về cái chết của bố mẹ và em cháu: “Thực ra đây là một tình huống khó vì cháu Bích vẫn còn nhỏ tuổi. 

ThS. Phạm Mạnh Hà - chuyên gia tâm lý
ThS. Phạm Mạnh Hà - chuyên gia tâm lý

Tuy nhiên một trong những phương pháp trị liệu khủng hoảng đó là “đối mặt” tức là chấp nhận đến một lúc nào đấy phải nói cho cháu biết sự thật. Nếu không nói thì đến lúc cháu biết, cháu sẽ bị sốc và còn có cảm giác là bị người lớn lừa dối. Vì thế gia đình cần nói cho cháu Bích biết”. 

“Ngay lập tức gia đình cháu Bích nên có một bác sỹ tâm lý hoặc một chuyên gia tâm lý bên cạnh cháu Bích, để cùng chia sẻ cũng như có các liệu pháp giúp cháu Bích giảm bớt căng thẳng cũng như đối mặt được ngay từ bây giờ. 

Nếu không có chuyên gia hoặc bác sỹ tâm lý mà chỉ có sự chăm sóc về mặt sức khỏe không thôi thì có lẽ là chưa đủ để cháu bé có thể vượt qua được cú sốc này. Trước khủng hoảng, người ta phải đối mặt vì đối mặt là một tất yếu, khi không vượt qua được thì còn ghê gớm hơn rất nhiều”.

Theo chuyên gia Hà: “Việc này còn phụ thuộc vào nhân cách của cháu bé. Có cháu có tính cách mạnh mẽ thì cháu có thể đối mặt được, những có cháu có tính cách yếu thì lại có một liệu pháp khác. Vì thế cần có một chuyên gia tâm lý bên cạnh cháu, đánh giá và sau đó mới đưa ra được lời khuyên nên như thế nào. Bây giờ mình không thể võ đoán nên như thế này thế kia được. 

Tôi tin là cháu sẽ vượt qua được nỗi đau mất mát to lớn này!”.
Tuấn Nam