Vụ tù oan 10 năm: Kẻ giết người Lý Nguyễn Chung khai gì?

08/11/2013 14:57
Theo Công an TP.HCM
(GDVN) - Suốt quá trình bỏ trốn, Lý Nguyễn Chung không phút nào yên. Cứ chợp mắt, hình ảnh người phụ nữ mình đầy máu me lại len lỏi vào đầu óc hắn. Chỉ đến khi ra đầu thú hắn mới thấy nhẹ nhõm phần nào. Chung nói với kiểm sát viên: “Trước đây lúc nào em cũng cảm giác đang đeo vật gì đó nặng hàng tấn trên người. Giờ em đã trút được 900 cân rồi. Biết thế này, em ra đầu thú sớm hơn”.

Lòng tham trỗi dậy

Sau khi nghe tin chị Nguyễn Thị Hoan ở xã Nghĩa Trung, huyện Việt Yên, Bắc Giang bị giết, rất nhiều người biết Chung là hung thủ, trong đó có bố là Lý Văn Chúc, một số anh chị ruột của đối tượng và sau này là bà Nguyễn Thị Lành (vợ thứ hai của ông Chúc). Vì “thương” và sợ Chung bị tử hình nên tất cả đã im lặng.

Hung thủ Lý Nguyễn Chung (trái)
Hung thủ Lý Nguyễn Chung (trái)

Theo lời khai của Chung, khoảng 19 giờ 30 tối 15-8-2003 Chung đi từ nhà đến cửa hàng của chị Hoan để mua dầu gội đầu. Thấy trong tủ kính đựng hàng có tiền, lòng tham của hắn trỗi dậy. Chung rút con dao bấm mới mua ở Đồng Đăng, Lạng Sơn lúc nào cũng thủ ở túi sau, bước vào nhà.

Thấy chị Hoan không để ý, Chung đâm chị một nhát. Bị đâm bất ngờ, chị Hoan đã chửi Chung và bỏ chạy vào trong nhà. Như con thú say máu, Chung đuổi theo dùng tay trái ghì chị Hoan từ phía sau, tay phải đâm liên tiếp. Trong lúc giằng co, Chung đâm hai nhát vào tay trái của mình (trên tay Chung giờ vẫn còn hai vết sẹo). Khi lưỡi dao bị gãy, Chung túm tóc đập đầu nạn nhân vào tường rồi đập xuống nền nhà, dùng chiếc gối đè lên mặt chị Hoan cho đến chết.

Sau khi giết chị Hoan, Chung mở tủ kính lấy toàn bộ số tiền bán hàng của chị (59 ngàn đồng) rồi quay ra chỗ chị nằm tháo hai chiếc nhẫn. Dù lúc gây án chưa đầy 15 tuổi nhưng Chung tỏ ra là một kẻ máu lạnh. Hắn bình tĩnh tắt đèn và đóng cửa để mọi người không phát hiện. Trên đường về, Chung vứt chuôi dao gãy ở mương trước cửa nhà ông Vui (cách nhà chị Hoan vài chục mét). Về đến nhà, Chung tắm rửa và ngâm bộ quần áo dính đầy máu.

Nghe hàng xóm náo loạn về tin chị Hoan bị giết, nhìn thấy chậu quần áo của con có máu, Lý Văn Chúc đã hiểu tất cả sự việc nhưng thay vì động viên con ra đầu thú thì ông này bảo Chung lên Lạng Sơn - quê gốc của ông, có mấy người con vợ trước đang ở đấy.

Lên đến Lạng Sơn, Chung kể toàn bộ sự việc với anh trai là Lý Văn Phúc và đưa hai chiếc nhẫn cho Phúc. Phúc vay tiền đưa Chung làm lộ phí vào Đắk Lắk. Năm 2005, Lý Văn Phúc bị một đám côn đồ chém chết.

Những lời khai này của Chung đã được các kiểm sát viên xác minh một cách tỉ mỉ. Lời khai của những người liên quan đã chứng minh lời khai của Chung là thật.

Về nguồn gốc con dao gây án, anh Nguyễn Hữu Thanh, trú cùng thôn với Chung cho biết, trước khi xảy ra vụ án, anh cùng Chung lên chợ Đồng Đăng, Lạng Sơn mua hai con dao bấm của Trung Quốc.

Chị Hoàng Thị Xướng, vợ của Lý Văn Phúc, cũng thừa nhận cuối năm 2003, Chung đến nhà chị. Hai anh em nói chuyện một lúc rồi ôm nhau khóc. Đêm hôm đó, Phúc kể với vợ: “Bây giờ khổ rồi, chú Chung đánh chết người có con nhỏ ở Bắc Giang”. Thấy chồng có hai chiếc nhẫn, chị Xướng hỏi thì được biết đây là nhẫn của người bị giết nên chị bắt chồng mang hai cái nhẫn đó đi. Hôm đó, chị Xướng cũng nhìn thấy Chung băng bó ở tay. Sau hôm đó, Chung vào Đắk Lắk và lang bạt ở nhiều nơi để trốn. Có dạo Chung sang tận Trung Quốc làm thuê hai năm. Vài năm gần đây, Chung về Việt Nam lấy vợ và trú tại thôn Đoàn Kết, Eakamut. huyện Eaka, tỉnh Đắk Lắk.

Nếu cơ quan chức năng ngay lúc đó tập trung vào chi tiết lưỡi dao gãy và hai chiếc nhẫn của nạn nhân bị mất thì mọi việc đã khác. Người nhà nạn nhân lúc tham gia khám nghiệm cũng phát hiện vết đeo nhẫn trên tay chị Hoan và đề nghị cơ quan điều tra làm rõ những tài sản của chị Hoan bị mất nhưng không được xem xét.

Khi tham dự phiên tòa, bà Nguyễn Thị Hội - mẹ nạn nhân cũng đề nghị HĐXX buộc bị cáo Chấn phải bồi thường hai chiếc nhẫn.

Sự thật bị bưng bít như thế nào?

Ròng rã mười năm kêu oan cho chồng, chị Chiến đã thu được những chứng cứ quan trọng. Như một thám tử chuyên nghiệp, chị Chiến đã có trong tay nhiều đoạn ghi âm một số cuộc nói chuyện và khẳng định Chung chính là thủ phạm.

Theo đơn của chị Chiến, các kiểm sát viên đã làm việc với bà Lành và bà cho biết: Khoảng 20 giờ ngày 15-8-2003, Chung mặc quần đùi, cởi trần đi về nhà (quần áo dài cầm trên tay). Đêm hôm đó, nghe tin chị Hoan bị giết nhưng bà không hề nghi ngờ đứa con riêng của chồng vì thấy nó lên giường đi ngủ như mọi ngày, không có biểu hiện tâm lý gì đặc biệt. Đến sáng hôm sau, bà Lành thấy chậu ngâm quần áo của Chung có nhiều vết máu nên đã nói với ông Chúc: “Khả năng Chung giết chị Hoan”.

Cũng như vợ, ông Chúc biết chắc chắn sự việc nhưng để giấu tội cho con, ông bảo vợ: “Việc thế rồi, đừng nói ra, để nó về quê đã”.

Kể với phóng viên, bà Lành cho biết, từ khi Viện KSND tối cao vào cuộc điều tra vụ giết chị Hoan, ông Chúc thường xuyên bóng gió, đe dọa vợ vì cho rằng bà Lành đã làm lộ vụ Chung giết người.

Một ngày đầu tháng 10-2013, ông Chúc vơ quần áo ra đốt tại đống rơm trước nhà, vợ can ngăn thì đẩy vợ vào đống lửa đang cháy. Rất may bà Lành kịp thoát. Bà Lành nói: “Ông Chúc còn tuyên bố nếu thằng Chung bị bắt thì ông sẽ tự vẫn và trước khi chết sẽ phải cho tôi chết theo”. Trước đó, có lẽ vì chịu quá nhiều áp lực, có lần ông Chúc dùng dây thừng định tự tử nhưng con trai ông đã phát hiện. Không tự vẫn được, ông Chúc đào huyệt sẵn ở góc vườn vải sau nhà với ý định tự vẫn. Trước đó, năm 2011, vợ chồng ông Chúc mâu thuẫn trầm trọng và bà Lành đã đi Quảng Ninh làm ăn vài tháng. Lúc đó bà Lành có kể lại sự việc với bố đẻ là ông Hiền.

Được các kiểm sát viên động viên và phân tích về luật nên cuối cùng Chúc cũng tỉnh ngộ và bước đầu khai nhận. Ông thừa nhận năm 2005, khi vào Đắk Lắk thăm con thì Chung cho biết đã giết chị Hoan.

Khi thấy cơ quan điều tra lật lại vụ án, ông Chúc tâm sự với một người họ hàng là Chung giết người và tỏ ra rất giận bà Lành. Trước đó, ông Chúc cùng bà Lành đem toàn bộ giấy tờ nhà sang nhà người bà con với bà Lành gửi.

Hôm đó ông Chúc nói rõ, hai vợ chồng không ở được với nhau, nếu có chuyện gì xảy ra thì sang tên đất cho Lý Nguyễn Tuấn (con chung của ông Chúc với bà Lành). Theo đánh giá của cơ quan công tố, hành vi che giấu tội phạm của ông Chúc diễn ra trong một thời gian dài. Tuy ông Chúc đã bước đầu khai nhận nhưng chưa thực sự thành khẩn. Ông Chúc còn có hành vi đe dọa giết bà Lành. Ngày 3-11-2013, Cục Điều tra - Viện KSND tối cao đã bắt tạm giam ông Chúc về hành vi “che giấu tội phạm”.

Hủy hai bản án

Phó chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Sơn cho biết, chiều 6-11-2013, Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã mở phiên tòa theo trình tự tái thẩm.

Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã quyết định chấp nhận kháng nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; tuyên hủy bản án hình sự phúc thẩm và sơ thẩm để điều tra lại vụ án.

Hội đồng tái thẩm nhận định: ngày 25-10-2013, Lý Nguyễn Chung ra đầu thú và khai nhận đã giết chị Nguyễn Thị Hoan tối 15-8-2003 để cướp tài sản, là tình tiết mới làm thay đổi bản chất vụ án. Quyết định của Hội đồng tái thẩm có hiệu lực ngay.

Trước đó, ngày 4-11-2013, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình đã ký quyết định kháng nghị tái thẩm bản án Nguyễn Thanh Chấn bị kết án tù chung thân về tội giết người. Cùng ngày, Phó viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao Lê Hữu Thể đã ký quyết định tạm đình chỉ thi hành án đối với phạm nhân Nguyễn Thanh Chấn.

Trong thời hạn mười ngày kể từ ngày ra quyết định, Hội đồng tái thẩm sẽ gửi quyết định tái thẩm cho người bị kết án, người kháng nghị, tòa án, viện kiểm sát, cơ quan công an, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến việc kháng nghị hoặc người đại diện hợp pháp của họ; thông báo bằng văn bản cho chính quyền xã, phường, thị trấn hoặc cơ quan, tổ chức nơi người bị kết án cư trú hoặc làm việc.

Phán quyết của Hội đồng tái thẩm quyết định hủy bản án để điều tra, do đó trong thời hạn mười lăm ngày, hồ sơ vụ án sẽ được chuyển cho Viện kiểm sát có thẩm quyền để điều tra lại theo thủ tục chung.

Theo Công an TP.HCM