Washington muốn thiết lập đường dây nóng vũ trụ với Bắc Kinh

11/02/2012 09:25
Đông Bình (Theo báo Phương Đông)
(GDVN) - Không gian vũ trụ đang xuất hiện nhiều thách thức mới, gây lo ngại cho Mỹ.
Trung Quốc: Tàu vũ trụ Thiên Cung I và phi thuyền Thần Châu lắp ghép
Trung Quốc: Tàu vũ trụ Thiên Cung I và phi thuyền Thần Châu lắp ghép

Trang mạng đài phát thanh “Tiếng nói nước Nga” đưa tin, ngày 6/2, phó Trợ lý Ngoại trưởng phụ trách vấn đề kiểm soát vũ khí của Bộ Ngoại giao Mỹ Frank Ross tuyên bố, Mỹ sẵn sàng hợp tác Trung Quốc trong lĩnh vực không gian vũ trụ, đề nghị thiết lập đường dây nóng quay số trực tiếp, nhằm ngăn chặn quỹ đạo gần trái đất xảy ra tình hình bất ổn, kịp thời giải quyết các mối đe dọa không gian vũ trụ có thể xảy ra.

Ross nói: “Washington muốn có 1 số điện thoại quay trực tiếp, có thể điện đàm với Bắc Kinh khi các vệ tinh trái đất nhân tạo trên quỹ đạo có nguy cơ va chạm.

Một khi xảy ra các mối đe dọa trong trường hợp khẩn cấp trên quỹ đạo, quân đội Mỹ trước hết sẽ báo cáo cho Bộ Ngoại giao Mỹ, sau đó Bộ Ngoại giao Mỹ sẽ thông báo cho Bộ Ngoại giao Trung Quốc”.

Theo báo Nga, căn cứ vào số liệu của Lầu Năm Góc, trong các thành phần của rác thải không gian, Trung Quốc chiếm 40%, Mỹ và Nga chiếm 26-28%.

Zolotaryov - Phó Trưởng phòng nghiên cứu Mỹ và Canada – Viện Khoa học Nga cho rằng, Mỹ bắt đầu ứng xử nghiêm túc với vấn đề này sau khi Trung Quốc tạo ra thách thức trong không gian vũ trụ cho Mỹ.

Tàu tuần dương Aegis USS Lake Erie (CG-70) phóng tên lửa Standard-3
Tàu tuần dương Aegis USS Lake Erie (CG-70) phóng tên lửa Standard-3

Ông nói: “Mấy năm trước, người Mỹ sử dụng hệ thống tác chiến Aegis trên tàu chiến đã phá hủy một chiếc vệ tinh của mình.

Sau đó, Trung Quốc sử dụng cách thức của mình đã tiêu diệt một chiếc vệ tinh hỏng. Đây là sự phản hồi của Trung Quốc đối với người Mỹ.

Qua đây Trung Quốc muốn nói rằng họ cũng có thể phá hủy vệ tinh. Việc này đã tạo ra rất nhiều mảnh vỡ nguy hiểm trong không gian vũ trụ. Khi đó, Trung Quốc lần đầu tiên đã cho Mỹ biết rằng, bản thân họ cũng có khả năng đối đầu với Mỹ trong vũ trụ”.

Báo Nga cho biết, đầu năm 2011, Mỹ từng đề nghị Trung Quốc tiến hành tham vấn, thảo luận tăng cường các biện pháp tạo lòng tin trong lĩnh vực vũ trụ và hạt nhân.

Trung Quốc giữ thái độ im lặng trong vấn đề này. Sau đó, Trung Quốc mời Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đương nhiệm khi đó là Robert Gates tham quan Trung tâm chỉ huy Lực lượng Chiến lược của Quân đội Trung Quốc.

Nhưng, sự tiếp xúc của lãnh đạo cao nhất hai quân đội vẫn không tạo ra bất cứ sự tiến bộ nào. Trung Quốc thông qua kênh ngoại giao luôn nói với Mỹ rằng, Trung Quốc không có ý định thảo luận về tiềm lực hạt nhân của mình, trong khi đây là mục đích chính của Mỹ.

Vũ khí chống vệ tinh SC-19 của Trung Quốc
Vũ khí chống vệ tinh SC-19 của Trung Quốc

Quân đội Mỹ lo ngại, Trung Quốc có khả năng thông qua các thiết bị thông tin trong vũ trụ hạn chế Mỹ tiến vào vùng biển Tây Thái Bình Dương, Trung Quốc có khả năng phá hủy thông tin liên lạc trong không gian vũ trụ, từ đó khiến cho hầu hết các loại vũ khí trang bị của Mỹ dễ bị tấn công.

Báo Nga cho rằng, hiện nay Trung Quốc đã làm chủ các chuyến bay trong vũ trụ và công nghệ lắp ghép tự động của phi thuyền. Trong bối cảnh lĩnh vực hàng không vũ trụ của Trung Quốc liên tục có những đột phá quan trọng, phó Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ tiếp tục đưa ra đề nghị mới tăng cường tiếp xúc song phương.

Ross cho rằng, trong tương lai không gian vũ trụ sẽ trở nên đông đúc hơn. Với sự phát triển kinh tế, sự phụ thuộc của Trung Quốc vào hệ thống hàng không vũ trụ sẽ ngày càng nổi bật hơn.

Đây cũng là một trong những nguyên nhân Washington muốn điện đàm trực tiếp với Bắc Kinh. Tin rằng, với việc phát triển liên tục của chương trình không gian, Trung Quốc sẽ chú ý nhiều hơn đến vấn đề ứng phó với rác thải không gian.

Đông Bình (Theo báo Phương Đông)